Tuhieuminh.blogspot.com NhE1BBAFngvE1BAA5nC491E1BB81trongthE1BB9DihiE1BB87nC491E1BAA1i
Thời hiện đại được đánh dấu với sự thăng tiến khoa học chưa từng thấy trước đây. Những thay đổi diễn ra nhanh đến nỗi chúng ta mất ý thức về sự quân bình của chúng ta. Không còn nữa cái thế gian an bình như nó đã từng trong quá khứ. Đây là một thời đại cuồng loạn trong đó các xã hội truyền thống sụp đổ dần trước con quái vật của chủ nghĩa hiện đại. Có thể nói tốc độ phát triển này xảy ra ở mức cực kỳ nhanh.
Những thay đổi mà nếu trong quá khứ (người ta tính) sẽ phải mất hàng trăm hay hàng ngàn năm mới trở thành hiện thực nay bỗng nhiên dồn lại chỉ trong vòng vài năm, rất giống như trường hợp của một đứa bé bị tình trạng lão nhi (progeria, một tình trạng rất hiếm, thấy tất cả các dấu hiệu của tuổi già xuất hiện và tiến triển trên một đứa trẻ, tức bị lão hóa trước khi dậy thì – Từ điển Y Khoa).
Cậu bé chỉ mới mười một tuổi, chết tháng Ba năm 1967 ở Canada do tuổi già. Cậu mắc hội chứng lão suy, các động mạch bị chai cứng, hói đầu, đãng trí và da dẻ nhăn nhúm – những đặc tính của người già chín mươi tuổi dồn vào mười một năm sống của nó. Trong vòng một trăm năm vừa qua, những thay đổi lớn lao bắt đầu ở các quốc gia phát triển đã tràn lan khắp thế giới.
Chúng ta đang chứng kiến một sự bùng nổ dân số toàn cầu; sự tăng nhanh của những nền kinh tế công nghiệp và tình trạng đô thị hoá; sự bành trướng xưa nay chưa từng có của lĩnh vực tri thức; những sáng kiến cải tiến kỹ thuật; sự xói mòn của các giá trị truyền thống, cùng với sự xuất hiện và biến mất của của những hình thức cư xử mới.
Những thay đổi diễn ra ở mọi lĩnh vực này đã có một tác động cực kỳ to lớn trên những phương diện văn hoá-xã hội của xã hội. Sự phát triển nhanh chóng đã không tránh khỏi tạo ra những biến đổi nghiêm trọng trong xã hội, đem đến tình trạng vô tổ chức và hỗn độn cho mọi mức độ kinh nghiệm cũng như tập quán lâu đời của con người: cá nhân, gia đình, xã hội và toàn cầu.
Con người đang gặp phải tình trạng chán nản, bất an và tức giận do hoàn toàn không biết cách làm thế nào để đối phó với mức độ tăng cao của tiến triển khoa học và lối cư xử dường như nghịch lý của con người trong những lĩnh vực chính trị, kinh tế, và xã hội. Tình trạng chán nản bám sâu trong con người này được bộc lộ qua những hành động bạo lực, tính không khoan dung và lạm dụng ma-túy gia tăng trong xã hội ngày nay. Cùng lúc ấy những giá trị đạo đức cũng thay đổi như hệ quả tất yếu của sự phát triển vật chất và xu hướng chạy theo dục lạc cũng như vai trò kinh tế-xã hội đang thay đổi của hai phái nam và nữ.
Đã có một sự gia tăng trong tỷ lệ ly dị và ly hôn, những vụ ngoại tình bất thường, và những sự kiện liên quan đến các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tất cả chỉ ra cho thấy phong tục hôn nhân đang bị thử thách. Có nhiều người tin rằng cưới xin ngày nay là một phong tục lỗi thời có thể được dẹp bỏ.
Các quốc gia đã đạt đến tột đỉnh của sự điên rồ, đặc biệt trong việc chạy đua vũ trang chế tạo những vũ khí quân sự hạng nặng gây nguy hiểm cho mọi hình thức hiện hữu trên quả đất. Nếu nhân loại không bắt đầu học cách chung sống hoà bình với nhau và dùng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của mình với lương tâm trách nhiệm, người ta hoài nghi liệu văn minh nhân loại, như chúng ta đã biết, có thể tồn tại lâu dài không. Ở mọi quốc gia ngày nay người ta đang cố gắng để chế tạo các loại vũ khí hạt nhân nhằm vào những mục đích huỷ diệt. Đây là một cuộc cạnh tranh lớn. Các vũ khí sinh học và hoá học cũng được họ chế tạo nhằm mục đích huỷ diệt con người nhanh hơn.
Nói cách khác, Nhân Loại có Tương Lai không? Rất hạn chế, nếu khuynh hướng thoái hoá toàn cầu hiện nay cứ tiếp tục. Song liệu Nhân Loại có thể có tương lai không? ‘Có’, nếu nhân loại biết cải thiện đường lối của nó và học lại cách sống hợp theo những chuẩn mực đạo đức và tinh thần cao quý mà Đức Phật cũng như các bậc đạo sư khác đã dạy.
Cũng như sợi dây xích bền chắc là nhờ sức mạnh của các mắc xích của nó, để có hoà bình và hạnh phúc trên thế giới, các cá nhân hợp thành những gia đình, xã hội và cuối cùng thế giới cũng thế, phải sống bình yên với chính họ đã. Điều này cũng giống như xây một kim tự tháp, các bộ phận cấu thành trong từng mức khác nhau của nó phải được kiên cố vững chắc đã. Trong kỷ nguyên hiện đại con người đã vươn tới và đang tìm kiếm sự kích thích các giác quan thêm nữa. Hiện tượng phổ biến của loại máy hát cầm tay, có hoặc không có bộ nghe tai, và màn hình TV là một chỉ dấu rõ ràng của khuynh hướng hiện nay, cho thấy con người thích tìm sự kích thích giác quan nhiều hơn. Bằng những việc làm này chúng ta đã trở nên xa lạ với chính chúng ta; chúng ta không biết bản chất thực của chúng ta, hay không biết chính xác về bản chất thực của tâm chúng ta.
Hơn nữa, khi đi lo toan công việc trong đời sống xã hội chúng ta còn mang những tấm mặt nạ thích hợp cho mỗi cơ hội. Chúng ta thường không phô bày những cảm xúc thực sự của mình như ganh tỵ, tham lam, sân hận, ngã mạn, hay ích kỷ. Chúng ta che đậy chúng trong những cách phát biểu mang tính hình thức đã được xã hội chấp nhận như ‘xin chúc mừng’, ‘cám ơn,’ ‘xin bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc’ v.v… Tuy nhiên có những lúc khi mà những cảm xúc tiêu cực của chúng ta trầm trọng đến mức chúng xuất hiện công khai dưới hình thức của sự hung bạo, trộm cắp, cãi cọ, nói xấu, v.v…Nhưng thường thì chúng ta cố gắng giữ những con rắn độc của cảm xúc tiêu cực này trong tình trạng ức chế.
Tác giả: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ