Liệu hiện nay đã có cơ sở để chúng ta xem xét lại quan điểm cho rằng nhân loại là hiện tượng độc nhất vô nhị trong Vũ Trụ chưa? Có lẽ ai cũng trả lời “Đã đến lúc rồi! Cái cớ đơn giản nhất ủng hộ cho việc đánh giá lại quan điểm của chúng ta là ở chỗ là chỉ cách đây không lâu Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh khác đã bị “gạt” khỏi vị trí trung tâm hoặc ít ra là khỏi một vị trí “quan trọng” trong Vũ Trụ của các vì sao và bị giáng xuống vị trí của một khán giả hạng xoàng ngồi ở một xó xỉnh không có gì đặc biệt: ở một nhánh xoắn nhỏ nhoi của một thiên hà bình thường.
Cái cớ đó rất đơn giản nhưng lại rất quan trọng, bởi vì nó dẫn đến việc gạt bỏ những lý thuyết cấu trúc Vũ Trụ theo hệ thống địa tâm hay nhật tâm trước đây. Kết quả là con người tiến một bước lớn trong việc nhận thức cấu tạo thực sự của Vũ Trụ. Quá trình nhận thức này là không thể đảo ngược. Chúng ta phải quen với sự kiện là con người nằm ở vùng ngoại vi và chuyển động với ngôi sao của chúng ta là Mặt Trời ở phần ngoài của Thiên Hà, một trong vô vàn các thiên hà chứa đựng hàng tỉ các ngôi sao.
Tôi không thể nói được liệu chúng ta có được một sự ưu đãi nào đó không nếu xét về vị trí của chúng ta trong không gian và trong thời gian. Tôi nghĩ rằng vinh quang của chúng ta là ở chỗ khác. Liệu có nên công khai nghi ngờ cái học thuyết giáo điều đầy hư danh và chán ngán cho rằng con người vì một lý do nào đó là một đối tượng nào đó thật đặc biệt, không thể động tới được không? Có thể con người là không gì động tới được và tôi hy vọng là như vậy. Nhưng tất nhiên là không phải xét về vị trí của nó trong không gian và trong thời gian và cũng không phải vì năng lượng hay thành phần hoá học của nó. Nếu như phải xét về 4 khái niệm vật chất cơ ban nhất: không gian, thời gian, vật chất, năng lượng thì ở đây con người không có gì là nổi bật cả. Họ không độc đáo mà cũng không có gì đáng để khoe khoang nếu xét về kích thước, về hoạt động, về thành phần hoá học hay về thời đại mà họ đang sống. Tất nhiên con người là một hiện tượng phức tạp và lý thú nhưng không đáng vì lý do đó mà ve vuốt hay đắm chìm vào việc tự thán phục mình. Vì ảo tưởng của chúng ta về vị trí đặc biệt của con người đã bị tan vỡ, nên tốt hơn hết đối với chúng ta là nói đến trí tuệ của con người và đánh giá sức mạnh của nó, giá trị của nó và hiệu quả của nó trong việc tìm hiểu các quá trình diễn ra trong Vũ Trụ.
Việc cho rằng sự vượt trội của con người như một thực thể sinh học là đã được chứng minh, hay giả thiết rằng sống nói chung hay sự sống của con người nói riêng là hiện tượng đặc biệt quan trọng đối với Vũ Trụ, hoặc khăng khăng cho rằng thời đại địa chất hiện nay có một ý nghĩa cực kỳ đặc biệt trong dòng thời gian đều là những điều khẳng định hời hợt đáng phải đặt dấu hỏi nghi ngờ.
Tuy vậy sự nhỏ nhoi của chúng ta trong thế giới vật chất này không có gì đáng sỉ nhục. Chẳng lẽ chúng ta lại thấp kém khi chúng ta không bay được như chim sẻ, khi chúng ta nhỏ hơn con hà mã hay khi loài chó có thính giác tốt hơn chúng ta, còn loài sâu bọ có khứu giác tinh tế hơn chúng ta? Chúng ta đã thoải mải chấp nhận tất cả những bằng chứng về những khả năng kém cỏi hơn đó của chúng ta mà vẫn giữ được lòng tự tôn của mình. Vậy thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng hoà đồng được với các ngôi sao và các sự kiện Vũ Trụ. Vũ Trụ hùng vĩ đến nỗi dù rằng giữ một vai trò khiêm tốn trong đó thì cũng là đủ vinh dự lắm rồi.
Theo sách “Các ngôi sao và con người” của Halâu Saply