Chúng ta sống vì người khác. Người khác là tấm gương để chúng ta nhìn vào; chúng ta thấy chúng ta trong mắt người khác. Vấn đề là ở đó, người khác không thể nhìn được bản thể bên trong của bạn, họ chỉ thấy cái bên ngoài của bạn – cái có thể phản chiếu được – những cái có hình, có dạng.
Cho nên mắt người khác phản chiếu tiền bạc của bạn, thành công của bạn. Nhưng họ không thể phản chiếu linh hồn của bạn được. Và khi thấy người khác nghĩ bạn nghèo vì quần áo không đẹp, nhà không to, xe không bóng, bạn phải đua đòi bằng được mới thôi.
Bạn lam lũ cả ngày chỉ vì đôi mắt của người khác. Chúng thúc đẩy bạn trở nên giàu có hơn nữa, nhiều quyền lực, nhiều uy tín hơn nữa. Con người của bạn chỉ là những phản xạ của người khác, nhưng người khác có thể chỉ phản chiếu cái bên ngoài, chúng không thể phản chiếu bạn.
Sự trống rỗng thuộc về bên ngoài, ở ngoại vi, thì bạn có thể lấp đầy bởi nhà to, xe đẹp, hoặc những cái khác. Nhưng sự trống rỗng lại cảm thấy bên trong; bạn cảm thấy sự vô nghĩa ở bên trong. Bạn cảm thấy bên trong hoàn toàn vô nghĩa. Sao vậy? Sinh ra làm gì? Sống làm gì? Đích cuối của đời người là gì?
Mỗi sáng bạn thức dậy ra đi mà chẳng biết về đâu! Mỗi ngày trang điểm, quần áo chỉnh tề, nhưng chiều đến bạn chẳng gặt hái được gì, chẳng đạt được đích gì cả. Tối đến bạn lăn ra ngủ để rồi hôm sau lại tiếp tục như trước. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà lăn. Bên trong bạn cảm thấy trống vắng hoàn toàn, vì chẳng có gì cả. Cho nên bề ngoài thì bạn có thể lừa dối người khác được, nhưng chính mình thì không. Sao bạn có thể đánh lừa chính mình được?
Người khác thán phục bạn vì những gì bạn sở hữu, không phải vì con người của bạn. Nếu gặp Alexander trong quần áo của người ăn xin, bạn sẽ không nhận ra ông ta, nhưng nếu thấy tên ăn mày ngồi trên ngai vàng, bạn sẽ quỳ xuống chân ông ta; bạn nhận ra ông ấy vì quần áo!
Ghalib, một nhà thơ lớn của Ấn. Ông được nhà vua mời dự tiệc. Thực khách có đến năm trăm người. Ghalib là một người nghèo, như phần lớn những nhà thơ khác – khó mà giàu trong mắt người đời.
Nhiều người có hảo ý nói, “Ghalib, anh nên mượn bộ áo khác, đôi giày, và cái dù. Áo của anh phai màu quá rồi, dù thì đã rách nát, giày thì lủng lỗ. Đi dự tiệc như thế thì ai coi!”
Nhưng Ghalib nói, “Mặc đồ của người khác thì tôi không cảm thấy thoải mái, bởi vì tôi chưa mượn của ai bao giờ. Tôi chưa từng nhờ vả ai cả. Trời sinh ra sao thì tôi sống như vậy. Chỉ vì miếng ăn mà phải phiền phức như vậy thì không nên.”
Trong bộ áo cũ kỹ ấy Ghalib đến dự tiệc vua mời. Khi ông ấy đưa thiếp mời thì lính canh cười ngất và nói, “Ông đã ăn cắp của ai vậy? Cút đi ngay lập tức, không thì sẽ bị bắt!”
Ghalib không thể tin được. Ông ấy nói, “Tôi đã được mời mà. Cứ hỏi nhà vua thì biết!”
Lính canh nói, “Tên ăn mày nào cũng nói nó được mời. Và ông không phải người đầu tiên. Nhiều người đã đến đây rồi. Đi chỗ khác chơi đi! Ðừng nấn ná ở đây nữa, bởi vì quan khách sắp đến rồi.”
Ghalib trở về. Vài người bạn của ông đã tiên liệu chuyện gì sẽ xảy ra, nên họ để sẵn áo choàng, một đôi giày, một cái ô. Khi ông ấy trở lại thì lính cánh cúi chào và nói, “Xin mời ông vào!”
Ghalib là một nhà thơ rất nổi tiếng. Nhà vua rất ái mộ ông ấy nên đã mời ngồi ngay bên cạnh. Khi tiệc bắt đầu thì Ghalib có cử chỉ rất lạ. Nhà vua nghĩ ông ấy có vẻ điên điên. Ông ấy để đồ ăn lên áo và nói, “Áo ơi! Hãy ăn đi! Vì mày đã đến dự tiệc, không phải tao.”
Nhà vua hỏi, “Ông không sao chứ, Ghalib?”
Ghalib nói, “Không sao. Trước đây tôi đã đến, nhưng không được vào. Bây giờ nhờ chiếc áo này mà tôi được vào. Tôi phải đi theo, bởi vì nó không thể đến một mình. Không nhờ nó thì tôi không có mặt ở đây.”
Điều này xảy ra cho mọi người: bạn được người khác nhận ra vì quần áo của bạn. Vì vậy bạn mới phải quan tâm mãi về những cái bên ngoài, và bề ngoài trở thành có giá trị.
Bạn sống chỉ để gây ấn tượng, bởi nếu mặt đất này không có người, thì chiếc xe của bạn có giá trị gì không? Ai sẽ là người yêu thích nó? Ai quan tâm về nó? Chim chóc chẳng thèm nhìn; trâu bò cũng chẳng thèm ngó đến. Chẳng ai chú ý đến nó. Nó sẽ rỉ sét, sẽ biến thành là rác rưởi. Nhưng nếu có người thì nó thành quý giá. Vậy giá trị ấy do đâu mà có? Nó là kết quả của lòng ham muốn; nếu bạn muốn có, nó trở thành có giá; nếu bạn không thèm nó, giá trị của nó biến mất. Tự nó chẳng có giá trị gì. Lòng ham muốn của bạn đem lại giá trị cho nó
Quên tất cả mọi thứ, và nhìn vào trong đi. Điều đó sẽ giúp bạn nhận ra được những vết thương bên trong, rằng bạn trống rỗng bên trong. Rồi bạn sẽ đổi mới. Nó sẽ giúp bạn tìm kiếm những kỳ quan của nội tâm – cái bảo vật mà bạn đã có từ lâu, thay vì những của cải bên ngoài.
Theo Osho
Theo Osho