Cuộc tìm kiếm triền miên một Đức Tin, một Lẽ Sống một sự giải thích cho sự tồn tại của con người trên cõi đời đã làm Tolstoi trở thành như một biểu tượng của dân tộc Nga, của đất nước Nga trong suốt “hành trình đau khổ” của mình. Cũng như Dostoievski, nói như A.Gide, chúng ta phải lùi xa hơn nữa trong thời gian để thấy được tầm cao vợi của “ngọn núi Tolstoi”, như đã từng làm như vậy với Dostoievski. Người Nga thật hạnh phúc vì đã có tới hai ngọn núi hùng vĩ như vậy. Nhưng may mắn thay, cả hai người ấy chưa bao giờ nhìn nhân loại từ trên đỉnh cao lạnh giá của vinh quang và bất tử. Họ sống lấm láp hàng ngày với những con người bình thường nhất, với phần nhân loại khốn khổ nhất. Chỗ của họ là giữa mọi người. Là một nhà quí tộc, nhưng cuối đời Tolstoi lại muốn sống như một người hành hương nghèo khổ nhất. Và cuộc “đào thoát” cuối cùng của Tolstoi đã xảy ra như không thể khác được: chỉ bằng cách đi thẳng vào tuyệt lộ, Tolstoi mới có thể trả lời câu hỏi của mình. Câu hỏi ấy có được trả lời hay không, chỉ riêng mình Tolstoi biết. Ở một nhà ga xép miền Trung Nga. Vào một đêm lạnh giá tháng 11. Mùng 7/11 đúng 7 năm trước khi nổ ra cuộc cách Mạng tháng Mười Nga.
Mỗi nhà văn đích thực đều là mỗi nhà không tưởng ở những mức độ khác nhau. Tolstoi là nhà văn vĩ đại, đồng thời là nhà không tưởng vĩ đại. Sự vĩ đại bắt đầu ở chỗ tất cả những tư tưởng những dằn vặt những đau đớn khắc khoải của ông đều bắt nguồn từ một câu hỏi nó bật ra tự thâm tâm ông khi đã trải đời và nhìn thấy những chiều cực đối lập nhất trong xã hội mà mình sống.
Câu hỏi đầu tiên ông đặt ra là: Đời là gì? Và câu hỏi sau cụ thể hơn, bắt đầu từ chính bản thân ông: Đời tôi là gì? Đang yên lành, khoẻ mạnh, giàu sang, danh vọng, thoả mãn, hưởng lạc… đột ngột từ trong bóng tối chồm ra một câu hỏi, cái câu hỏi đơn giản mà như một cú sốc cực mạnh, nó hất nhà văn vĩ đại ngã ngửa. Và phải chăng, kể từ giây phút ấy, cái giây phút của sự đốn ngộ ấy, mà Tolstoi mới thực sự là một con người vĩ đại, một nhà văn vĩ đại, một nhà tư tưởng vĩ đại, và cả một nhà không tưởng vĩ đại.
Tất cả những suy tưởng của Tolstoi, kể từ ấy, đều là những “suy tưởng phi thời”. Ông bắt đầu trở thành một người “vô chính phủ thuần khiết” như chữ dùng của Stefan Zweig, với những tư tưởng và những giải pháp rất ngây thơ về nhà nước, về tình trạng phân biệt giai cấp trong xã hội, về cách xoá bỏ những bất công. Đó là cái ngây thơ của một bậc thánh nhân, sau khi dã đi qua tất cả những lầm lạc những vinh quang – đau khổ để cuối cùng thấy mình đã sát kề vực thẳm. Và khi đó bật ra trong ông những câu hỏi đơn giản, những câu hỏi như của trẻ con, nhưng hoàn toàn không dễ trả lời. Thật hiếm có nhà văn nào trên thế giới lại có một “cuộc lật đố ngoạn mục” như thế đối với chính mình. Không có một sự tự phủ định nào sâu xa và quyết liệt hơn thế, không có một sự “tự phê bình” nào chân thành và rết ráo hơn thế, như Tolstoi đã làm với chính bản thân mình. “Đời tôi là một trò đùa điên rồ và xấu xa mà ai đó đã đùa với tôi”. Và: “Tôi hiểu rằng câu hỏi của tôi: “Đời tôi là gì? ” và câu trả lời: “Một tội ác, là phù hợp với sự thật của tình hình”. (Lời thú tội của tôi). Tuyệt nhiên không phải là những “lời thú tội” những “tự bạch” hơi có chút làm dáng của một số nhà văn nổi tiếng khác, những lời của Tolstoi ở đây chân thành đến đau đớn, đến tuyệt đối, đến mức rơi vào một cực đoan vô phương tháo gỡ. Ông đã dấn thân đến tận cùng trong cái mê lộ cuộc đời để phát hiện một “ánh sáng cuối đường hầm”, cái ánh sáng khá le lói, khá chập chờn nhưng nó đột ngột làm khởi phát trong ông “ngọn lửa từ trái tim” – ngọn lửa của một Đức Tin mà kể từ đó nó hướng toàn bộ cuộc đời Tolstoi vào quá trình tự hoàn thiện bản thận và tìm đường giải thoát cho con người, giải phóng cho nhân loại. Cái ý tưởng về một cuộc cách mạng bất bạo động mà Tolstoi không làm được ở nước Nga, thì sau này Mahatma Gandhi đã thực hiện được ở Ấn Độ, một thành công đã đưa ông vào hàng Thánh nhân của đất nước vĩ đại này.
Tolstoi như vậy có không tưởng chăng? Hay vì tư tưởng của ông vượt quá xa thời đại, tới mức người đương thời thấy nó như không tưởng? Tolstoi từng mơ ước một sự thay đổi từ căn cốt, một “cuộc cách mạng từ bên trong” một cuộc cách mạng của lương tâm, một “cuộc cách mạng của tâm hồn chứ không phải của nắm đấm” như Stefan Zweig đã cảm nhận. Và điều Tolstoi yêu cầu các giai cấp hữu sản tự nguyện từ bỏ những đặc quyền đặc lợi của mình và thôi không đòi hỏi cao đến vậy đối với cuộc sống của mình, ngay bây giờ cũng có thể khiến chúng ta bật cười mỗi khi nghĩ đến những tập đoàn xuyên quốc gia, những tay triệu phú tỉ phú đang sống trong những “thiên đường trên mặt đất”. Nhưng liệu chúng ta sẽ cười như thế được bao lâu nữa? Liệu một người giàu nhất nhì thế giới là Bill Gates khi tuyên bố sẽ giành hơn 90% tài sản khổng lồ của mình cho các hoạt động từ thiện và xã hội có phải chỉ là những lời tuyên bố mị dân tào lao? Hay nó có ẩn một sự thật nào trong đó, khi cuộc cách mạng ngấm ngầm do Tolstoi khởi xướng đã tác động đến chính tâm hồn Bill Gates? Những câu trả lời đang còn ở phía trước.
Sinh thời, sau cái thời điểm “đốn ngộ” với câu hỏi: “Đời tôi là gì?”, Tolstoi đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống của một người “giàu nhất” giữa “những người giàu nhất” (về nhiều phương diện) để sống cuộc sống của một người “nghèo nhất” giữa những người nghèo nhất (cũng về nhiều phương diện). Cuộc “đào thoát” khỏi giai cấp mình đã được Tolstoi thực hiện một cách quyết liệt, không khoan nhượng, không một chút ân hận. Nhưng sống như một người nghèo giữa những người nghèo, tâm hồn nhà văn vĩ dại vẫn chưa thể thanh thản, dù đã bớt căng thẳng hơn trước đấy. Bởi câu hỏi: “Đời là gì?” lại trở về trong ông: làm sao để giải phóng cho những người nghèo, những người bị áp bức? Hay làm sao để “xoá đói, giảm nghèo” như cách chúng ta hay nói bây giờ, điều ấy vẫn khiến Tolstoi dằn vặt đau đớn. Bởi hoàn toàn không dễ để có những giải pháp cụ thể. Là nhà tiên tri, nhưng bản thân Tolstoi không muốn mình là nhà tiên tri. Ông muốn mình là người hoạt động xã hội, là người có thể đưa tới những giải pháp cụ thể cho những vấn nạn. Nếu ngồi đó mà lý thuyết suông, hay tiên đoán những điều mờ mịt, thì thà ông ngồi viết văn còn hơn. Có thể Tolstoi đã nghĩ thế. Nhưng những giải pháp cụ thể thì quả là nan giải. Ngay trong gia đình mình, Tolstoi cũng trở thành một người “kỳ quặc”, một “trường hợp cá biệt”, nữa là ngoài xã hội. Đó thực sự là bi kịch của một người cầm bút, một nhà văn và một nhà tư tưởng. Đã có lúc tôi đồng ý với nhận định của Andre Gide khi so sánh giữa Tolstoi và Dostoievski (chủ yếu là về tác phẩm văn học). Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy hình như những thế hệ đang bước vào thế kỷ XXI này vân chưa hiểu được bao nhiêu về Tolstoi, và có thể chăng, ông sẽ là “một phát hiện lại” – một phát hiện đứng vào hàng lớn nhất trong thế kỷ XXI? Câu trả lời này cũng còn ở phía trước. Nhưng tôi tin Tolstoi đã không dạy dỗ, nhưng tự mình làm gương cho chúng ta, về một cuộc sống có Đức Tin, một Đức Tin thuần khiết, vô vị lợi, một Đức Tin tự mình tìm thấy cho mình, để mình có thể tự trả lời phần nào những câu hỏi mà mình cần thiết phải đặt ra cho chính mình. Ông viết: “… trong mỗi người đang sống còn có một loại tri thức, loại không lý luận – đức tin – nó tạo ra khả năng để sống…” Ông sẵn sàng chấp nhận một đức tin như thế, ông sẵn sàng trải lòng mình với một “dân chúng sống, đau khổ và đến gần cái chết trong sự tin cậy bình thản và rất thường khi trong mềm vui”. Ngỡ đâu, như thế đã khiến cho nhà văn vĩ đại có thể sống thanh thản và yên lòng. Nhưng mọi sự lại không giản đơn như vậy. Tolstoi vẫn cảm thấy đau khổ, dằn vặt, vì không thể giản đơn hoá cuộc đời này, nhất là với một người chứa chất trong cuộc đời mình hàng vạn, hàng triệu cuộc đời như ông. Tolstoi không chỉ là “tấm gương phản chiếu Cách mạng Nga”, ông là chính cuộc cách mạng đó, với tất cả ánh sáng và bóng tối của nó. Có lần, một nhân vật của ông, hay chính ông, đã tự nhủ: “Hãy nói, ta tin đây, rồi mọi việc sẽ ổn thoả”. Nhưng rồi, mọi việc vẫn chưa ổn thoả.