Nói đến triết học hiện đại của thế kỷ 20 là phải nói đến triết học hiện sinh. Và nói đến trào lưu triết học này, không thể không nói đến một trong những đại diện tiêu biểu nhất. Đó là J.P.Sartre; hơn nữa triết gia hiện sinh chủ nghĩa lừng danh này còn được xem là đại diện của người “Trí thức phái tả phương Tây” với tất cả ý nghĩa chân thực và lương thiện của cụm từ này. Thật vậy, với ông: “Nhà văn buộc phải đứng về phe đông đảo nhất, phe của hai tỷ người nghèo đói…nếu không, y chỉ là người làm mướn cho giai cấp tư sản và cũng bóc lột như giai cấp này”. Phải nói ông không chỉ hạn định nhiệt huyết của mình cho hai tỷ người nghèo khổ mà cho tất cả con người nói chung – “Con người động vật bị nạn”.
Thật ra những quan điểm cấp tiến “Vì quần chúng lao khổ” xưa nay vốn chẳng hiếm hoi gì, vì rốt cuộc đâu vẫn hoàn đấy. Tuy nhiên với tên tuổi của Sartre người ta vẫn tin ở thiện chí của ông, bởi ông không chỉ nói mà làm cũng rất nhiều. Chẳng hạn ông phản đối rất kiên quyết trong các cuộc chiến tranh ở Đông Dương, ở Algerie… hoặc trong các vấn đề liên quan tới các nước thuộc thế giới thứ 3 như Cu Ba và các quốc gia nghèo khổ ở Châu Phi…
Thế nhưng do đâu ông lại có cái lập trường dấn thân khuynh tả lương thiện, điều mà nhiều người nhận thấy nó phần nào xa lạ với triết thuyết của ông – cái triết thuyết có phần khó hiểu – mặc dầu nó đã khiến ông lừng lẫy tiếng tăm; nhất là từ sau thế chiến II. Đến độ không chỉ riêng ở Pháp hay ở Châu Âu mà khắp nơi cùng chốn, không đâu là không nhắc đến tên tuổi Sartre, với chủ thuyết hiện sinh của ông. Phải nói, ông không chỉ là một triết gia độc đáo, một tâm lý gia tài năng, một nhà hùng biện rất được kiêng nể; mà hơn nữa, ông còn là một nhà văn cực kỳ sắc bén, nhậy cảm với những vấn đề thời đại; dám viết về những đề tài cấm kỵ (tabou) một cách thản nhiên, điều mà ngay cả những nhà văn “hiện thực” bạo gan nhất cũng phải e dè. Nên trong những năm cao trào từ 1945 – 1955, giới trẻ tôn vinh ông làm thần tượng. Người ta đua nhau nói đến hiện sinh, sống theo hiện sinh và xem ông như giáo chủ của trào lưu triết học này.
Vậy trước hết cần hiểu sơ qua triết học hiện sinh là gì? – Đó là triết học vì con người, lấy con người làm trung tâm – để đối trị với những nguyên lý triết học cổ điển truyền thống, thường chỉ hướng con người tìm hiểu những lý lẽ huyền vi của tạo hóa mà quên đi thân phận của chính mình. Hơn ai hết triết học Sartre nhấn mạnh: Hiện sinh là tôi đang sống đây, bất kể người ta nói gì chăng nữa, thì việc tôi hiện hữu “như thế này” là một thực tế; do vậy, điều tôi quan tâm trước hết là tôi đang tồn tại, đang sống theo đúng nghĩa “hiện sinh” chứ không phải là chỉ “hiện hữu” như tảng đá, cái cây hoặc những loài cầm thú.
Những quan niệm trên đã được nhà hiện sinh chủ nghĩa Lavelle (La – ven) minh xác rất hay “Tôi cảm thụ vậy thì tôi tồn tại ”. Câu nói này của ông rõ ràng, sâu sắc hơn câu “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại” của Descartes (Đề – các); bởi lẽ cảm thụ cụ thể hơn tư duy, đúng như nhà văn Balzac (Ban – Dắc) cũng từng nói “Sự sống của con người được đo bằng cảm thụ sống, chứ không phải bằng thời gian sống”. Tuy nhiên với Kirkegard tồn tại cũng đồng nghĩa với lo âu, do đó “tôi lo âu vậy thì tôi tồn tại”. Còn đối với A. Camus là lòng phẫn nộ “Tôi phẫn nộ vậy thì tôi tồn tại” mỗi người một vẻ. Song có thể nói, những triết gia đó đã nói về ‘hiện sinh’ rõ hơn Sartre nhiều, còn như việc Sartre nổi tiếng hơn, tiêu biểu hơn, thời thượng hơn, đó là chuyện chúng ta sẽ bàn tới trong tiểu luận này.
Trước hết phải thừa nhận sự khuynh loát của Sartre trên văn đàn triết học Châu Âu sau thế chiến II đã khuấy động sinh hoạt của một bộ phận lớn giới tinh hoa trí thức Châu Âu đương thời. Vậy điều gì đã khiến cho triết thuyết của ông chẳng những có được ảnh hưởng hơn những nhà hiện sinh cùng thời khác như Jasper,(Giát – Spơ) Marcel (Mac – xen), Heidegger (Hai – đơ – gơ), Camus (Ca-Muy)mà thậm chí còn hơn cả những bậc tiền bối lừng danh như Kirkegard (Kiếc – cơ – ga), Husserl (Hu – sớt), Nietzsche (Nít – xơ)
Có thể nói Sartre nổi trội trong thế giới hiện sinh chủ nghĩa, vì ông đã nêu lên một cách hăng hái nhất về tính thực tế đầu tiên của “tôi đang sống đây” , bằng định nghĩa “Chủ nghĩa hiện sinh chủ trương nơi con người và chỉ nơi con người, nó khẳng định hiện sinh có trước bản chất”. Bằng định nghĩa trên , ông tự xem mình như một nhà vô địch về chủ nghĩa nhân văn, đã dành cho thực tiễn nhân sinh tất cả trái tim khối óc của mình. Nói như Simone De Beauvoir (Si – Mon – Đơ – Bô – Voa) “Chỗ nổi bật của Sartre là toàn tâm toàn lực chú trọng đến thực tại”. Phải nói Sartre chú trọng đến thực tại, không chỉ có nghĩa ông quan sát, theo dõi hay phân tích để hiểu thực tại, mà theo nghĩa bao trùm tất cả ;đó là “hành động”: Không có ai và không có cái gì tạo ra con người, ngoại trừ chính hành động của họ. Do đó “Con người là một dự tính của chính mình và tự tạo ra mình, chính việc làm mới mặc khải hữu thể”.
Có thể xem những lời trên là tuyên ngôn cho thuyết hiện sinh hành động của Sartre. Thế nhưng, những triết lý cơ bản của ông được trình bày trong cuốn sách nổi tiếng “Thực Thể và Hư Vô ” (L’être et le néant) mà nhiều người thường xem là nền tảng của triết học Sartre, lại cho thấy những mặt khác trong tư tưởng của ông, và những mặt khác này khó có thể hài hòa về mặt luận lý để dẫn tới chủ nghĩa hiện sinh hành động nổi tiếng nói trên. Tựu trung mỗi triết thuyết đều đưa ra quan điểm về ba vấn đề then chốt trong triết học: vũ trụ, thượng đế, con người. Trước hết hãy bàn về thượng đế ; vì Sartre là một triết gia vô thần, nên sự phủ định thượng đế của ông là đương nhiên, và cái chính là cũng không có gì mới mẻ lắm, chẳng hạn ông cho rằng thượng đế chỉ là một dự phóng, một phóng thể (projet)của con người, nói một cách dễ hiểu, là chính con người đã tạo ra thượng đế ; theo sự tưởng tượng của mình. Hegel (Hê –ghen) đã nói như thế, L.Feuerbach cũng nói như thế, và Marx (Mác) cũng lặp lại như vậy. Có khác là ở chỗ Hegel đã đưa ra một giải đáp về thượng đế, còn Marx thì tìm cách để chấm dứt cái phóng thể lớn nhất đó của con người.
Như vậy phải thấy rằng động thái phóng thể của Hegel nhằm tiến tới khẳng định vai trò của thượng đế. Trong khi Marx và các triết gia duy vật vô thần khác, thừa nhận sự phóng thể của triết học Hegel là nhằm phủ định thượng đế, bởi đó chỉ là hình ảnh được phóng chiếu từ bản thân con người mà thôi.
Đến đây thiết tưởng cũng nên tìm hiểu sơ qua về khái niệm thượng đế của triết học Hegel. Hegel cho rằng khởi thủy vũ trụ chỉ là Ý Niệm (Idée) tức thượng đế ; qua quá trình biện chứng tự phân đôi mình, hiện hữu thành thế giới khách thể, tức trạng thái vong thân (Aliéné) cũng gọi là phóng thể. Để cuối cùng qua toàn bộ quá trình lịch sử của vũ trụ, đã tự nhận thức ra được chính bản thân mình. Tiến trình này được ông mô tả trong tác phẩm “Hiện tượng luận tinh thần”, trình bày về sự phát triển của ý thức, tinh thần qua những giai đoạn biện chứng của thực tại khách quan lịch sử.
Như vậy, phép biện chứng Hegel là phép biện chứng duy tâm. Bởi ông xem các giai đoạn tiến hóa trong vũ trụ là tất yếu, để dẫn đến sự tự nhận thức về bản thân mình của Ý Niệm Tuyệt Đối tức Thượng Đế.Thế nên, với ông, sự hình thành các quốc gia trong lịch sử, không đơn thuần chỉ là sự tiến hóa của quá trình vận động nơi bản thân lịch sử ; mà nó chính là sự thể hiện các giai đoạn tiến hóa được gọi là “biện chứng” của Ý Niệm Tuyệt Đối.Tư duy này đã dẫn đến mệnh đề nổi tiếng của triết học Hegel “những gì thực sự tồn tại đều có lý do của nó” nguyên văn tiếng Đức (Was Wirkliche Wird Vernunftig) nghĩa là mọi sự hiện hữu trên đời đều phải có lý do đích thực của nó – thay vì cho cách hiểu thực dụng theo quan điểm duy vật biện chứng “những gì thực sự hợp lý mới tồn tại”. Tóm lại phép biện chứng Hegel được triển khai trên con đường dài, nhưng khép kín trong vòng tròn của Ý Niệm Tuyệt Đối: Nhằm mục đích cho việc tự phát triển những nhận thức về chính mình của Thượng Đế. Và con người của triết học Hegel qua quá trình của các giai đoạn biện chứng, sẽ hóa giải được tình trạng vong thân phóng thể của mình. Để cuối cùng đồng nhất với những giá trị tinh thần cao quý của Ý Niệm Tuyệt Đối tức là Thượng Đế vậy.
Trong khi, quan niệm duy vật của Marx đã phủ định thượng đế, nên nó cũng chấm dứt luôn cả cái phóng thể về thượng đế của con người. Tuy vậy Marx giữ lại hạt nhân hợp lý của triết học Hegel: Đó là phép biện chứng mà với ông nó chỉ là những giai đoạn tiến hóa hợp lý đơn thuần trong quá trình vận động của chính bản thân lịch sử.
Từ những quan điểm trên, Mác cho rằng tình trạng phóng thể vong thân chủ yếu nơi con người là vong thân kinh tế. Như vậy trong xã hội tư bản, người lao động chính là kẻ bị vong thân. Bởi mọi hàng hóa họ làm ra đều bị chủ tư bản chiếm dụng qua giá trị thặng dư. Nên càng làm ra nhiều của cải cho xã hội, họ càng nghèo đi, càng đánh mất giá trị bản thân trong mối quan hệ xã hội. Marx cho rằng, quyền tư hữu chính là thủ phạm gây nên sự vong thân của người vô sản trong xã hội tư bản. Do vậy, ông chủ trương xã hội cộng sản để triệt phá tận gốc sự tư hữu như là nguồn gốc của sự vong thân nói trên. Và qua đó sẽ vãn hồi được những giá trị tinh thần như tự do – công bằng – bác ái của con người xã hội.
Điểm lại vài dòng đại cương về khái niệm Thượng đế qua phép biện chứng Hegel và Các – Mac. Vì triết học Sartre chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ tư tưởng đó: Sartre cũng tạo dựng sinh hoạt của con người trên tính lịch sử và quá trình biện chứng. Song khác một điều và là điều quan trọng: Sartre cho rằng, con người không bao giờ có thể chấm dứt tình trạng vong thân phóng thể. Vì vậy mà Verneaux và nhiều học giả nghiên cứu về Sartre đều cho rằng: “thuyết hiện sinh của Sartre là học thuyết Hegel, nhưng thiếu phần tổng đề của Hegel”. Sartre lập luận: Dự phóng căn bản muốn đồng nhất với thượng đế của con người là một ảo tưởng điên rồ. Bởi cái bản tính muốn đồng nhất đó đã khiến con người sống trong sự đam mê, đến mức nó tự quên mình, mà không biết rằng, ý niệm thượng đế là một ý niệm mâu thuẫn. Và con người chúng ta đã uổng công khi theo đuổi những giá trị vô cùng đó. Đây chính là duyên do tính chất bi đát và phi lý của đời người. Vì vậy Sartre đã kết luận: Con người là một đam mê vô ích (L’ homme est une passion inutile).
Đây mới chỉ là phi lý đầu tiên của triết học Sartre: Thựơng đế là một phi lý, tiếp theo còn nhiều nữa những phi lý khác: Vũ trụ là một phi lý, và cuộc nhân sinh là một phi lý…
VŨ TRỤ QUAN CỦA SARTRE
Có thể nói cuốn tiểu thuyết Buồn Nôn (La Nausée) của Sartre là bản tuyên ngôn về triết thuyết hiện sinh của ông. Cuốn tiểu thuyết này đã trình bày tư tưởng hiện sinh phi lý của Sartre một cách đại chúng, đồng thời cũng cho thấy đầy đủ những quan niệm về vũ trụ quan của tác giả. Những ý tưởng đó, sau này sẽ được ông luận giải một cách giáo khoa đầy đủ trong phần đầu cuốn Thực Thể và Hư Vô (L’être et le néant). Mà ta có thể tóm tắt như sau: Mọi sự vật trong vũ trụ , tự thân nó đầy ứ, đặc sệt. Không có ngoài và cũng không có trong. Nó không có tha tính (Altérité) để trở thành một cái gì khác đi được.Nó chỉ mãi mãi là nó cho đến khi tận mạt. Đối với ông, sự vật không có ý nghĩa gì hết; Nó mãi mãi chỉ là đồ thừa; một cái gì nhầy nhụa, trơ lì và phi lý. Tóm lại tư tưởng của Sartre về vũ trụ và vạn vật được gói trọn trong hai chữ “Thừa ” và “phi lý”. Do vậy, với ông, vũ trụ hoàn toàn là ngẫu sinh, không do ai tạo thành, không lý do, các sự vật trong đó không có một tương quan với một hữu thể nào khác, nên chúng thực sự chỉ là cái “thừa” đến muôn đời. Sartre không thừa nhận có Sáng Thế. Đối với ông, vũ trụ này là thế và sẽ như thế mãi mãi. Song cũng đừng lầm tưởng ông chủ trương một vũ trụ vĩnh cửu của triết học Hy Lạp cổ xưa, vốn gắn liền với một vũ trụ quan huy hoàng, trong một trật tự tuyệt diệu cùng với phần bản thể vô cùng sâu sắc của nó.
Còn như đối với triết học Sartre, chúng ta thấy gần như không nói gì về bản thể. Bởi tư tưởng vô thần của triết học Sartre đã đặt cơ sở trên sự phi lý: Thượng đế phi lý, vũ trụ phi lý, nhân sinh phi lý. Thế nên nó không thể luận bàn sâu sắc về bản thể và thường né tránh truy nguyên về bản tính của sự vật, của con người, cũng như toàn thể vũ trụ. Bởi nó biết rằng, điều đó tất yếu sẽ dẫn đến cái gọi là “mục đích luận ”mà với mục đích luận, mọi thứ trên đời sẽ không còn là ngẫu nhiên. Như vậy thì cái vũ trụ ngẫu sinh, không lý do, không do ai tạo tác và phi lý của Sartre sẽ hoàn toàn xụp đổ.
Qua mấy trang ngắn ngủi, chúng ta cùng nhau cố tìm hiểu vũ trụ quan của Sartre, tức là cái nhìn của ông về sự vật trong vũ trụ. Có thể thấy, quả thực ở ông không có gì đáng gọi là vũ trụ quan; bởi vũ trụ quan là cái nhìn có hệ thống một cách khoa học của ta về vũ trụ. Trong đó, mọi sự vật đều liên quan đến nhau. Còn ở đây, Sarte chỉ nhìn riêng lẻ từng sự vật, và nói rằng vạn vật đều trơ ỳ bất biến giữa không gian, chẳng có một tương quan nào với những sự vật khác quanh nó, rồi đi đến kết luận, nó “phi lý”. Tóm lại, đối với Sartre, mọi vật đều là phi lý; sự vật, sở dĩ có nghĩa, là có nghĩa cho con người; còn như sự vật tự nó không có nghĩa lý gì cả. Ở đây Sartre dùng quan điểm của hiện tượng học Husserl để lột tất cả những gì là ý nghĩa của sự vật rồi gán cho ý thức con người: Tất thảy những gì ta nhận thấy nơi sự vật đều do chính cái nhìn của ta trên sự vật, chính ta đã đặt những tương quan giữa ta và sự vật đó, và như vậy những hiện tượng của sự vật, tức những ý nghĩa của sự vật đó, kết cục là công việc của ta, của con người, chứ không phải của bản thân sự vật.
NHÂN SINH QUAN CỦA SARTRE
Sự vật vô nghĩa, thì chắc con người phải có ý nghĩa? Và chắc cuộc nhân sinh phải có ý nghĩa? Chưa chắc đâu. Triết học Sartre là triết học phi lý, nhân sinh quan của ông chắc gì đã được xây trên cái gọi là “ ý nghĩa”
Triết học Sartre tự nhận là hiện sinh chủ nghĩa, tất nhiên phải dành một phần quan trọng cho hiện sinh. Phần nhân sinh quan của ông quả thực chiếm địa vị đặc biệt trong các tác phẩm của ông: Có thể nói tất cả các phân tích tâm lý và nhận định siêu hình học của ông đều nhằm vào việc thiết lập một nhân sinh quan mới. Không những mới đối với các triết học cổ truyền, mà còn đối với những trào lưu hiện sinh hiện đại nữa. Đối lập với Marcel và Jaspers ở chỗ Sartre không thừa nhận có thượng đế và cũng không chịu thừa nhận một tương quan nào giữa con người với thượng đế. Ông còn đối lập ngay cả với Heidegger ở chỗ ông cho rằng “con người là một đam mê vô ích”, cả đời chạy theo một ảo ảnh. Có thể nói triết học Sartre đã định hướng dẫn chúng ta vào con đường hiện sinh hư vô và phi lý. Tại sao lại có sự khác biệt như thế giữa Sartre và các triết gia hiện sinh cùng thời? Thưa, vì Sartre không nhận có định mệnh, không nhận có đời sau, không nhận có tội phúc hay thưởng phạt nào hết; tuy ông không nói ra, con người chết là hết chuyện, nhưng ai cũng dễ nhận thấy đó là chủ trương của ông. Nếu như Verneaux từng nói “triết học Sartre chính là triết học Hegel thiếu phần tổng đề ” chúng ta có thể bổ sung: Triết học Sartre là triết học phi bản thể. Thật vậy, con người này chỉ cắm cúi nhoài mình về phía trước, nhưng không bao giờ vãn hồi được những giá trị tinh thần nào trong hành vi của mình. Như thế chúng ta mới hiểu tại sao Sartre lại định nghĩa con người là “dự phóng” (projet). Theo Hegel, sau hết con người có thể đạt được tất cả những dự phóng của mình, còn theo Sartre, thì cho đến chết, con người sẽ chẳng đạt được dự phóng nào hết; bởi dự phóng chỉ là theo bóng bắt gió, nên rút cục con người chẳng bao giờ mãn nguyện: “Con người sẽ chết trong chán chường và thất vọng ”.
Như vậy ta phải hiểu như thế nào về cái dự phóng căn bản nhất trong học thuyết Sartre: Đó là dự phóng của con người về chính mình. Ở đây, con người không còn dùng dự phóng để gán ý nghĩa cho sự vật mà là gán ý nghĩa cho đời sống của chính mình. Theo Sartre, cuộc đời con người tự nó không có ý nghĩa nào hết: Nó chỉ có ý nghĩa ta gán cho nó. Suy cho cùng thì đây cũng chỉ là một thứ lô gíc tự thân mà thôi. Bởi một khi con người chối bỏ thượng đế, không nhận mình là tạo vật của thượng đế, thì con người phải tự tạo ra bản tính của mình. Trong ý đó Sartre thường nói “hiện sinh có trước bản chất” nghĩa là cuộc đời ta chỉ có ý nghĩa do ta tạo nên cho nó, trước đó không hề có bản tính hay ý nghĩa tiên thiên nào hết. Ông còn nhấn mạnh “con người phải tự phát minh ra mình” nghĩa là tự ý muốn sống thế nào mặc sức, miễn sao thực hiện được cái dự phóng của mình về đời mình – Thử hỏi làm sao ta có thể thực hiện được dự phóng của đời người – một khi theo Sartre, mọi dự phóng đều chỉ là hư ảo! Thế nên, dự phóng theo kiểu Sartre chỉ để mà dự phóng; cũng giống như , hành động chỉ để mà hành động theo kiểu A. Gide, một nhà văn đàn anh thường bị Sartre chỉ trích. Nhất là cái dự phóng căn bản muốn đồng nhất với thượng đế của con người, mà chính bản thân Sartre cũng cho là hoàn toàn mâu thuẫn.
Xem vậy, mọi dự phóng đều kết thúc ở chỗ phi lý. Kể cả những dự phóng cảm thông với “người khác” cũng vậy.
Trong ý nghĩa đó, Sartre đã viết một câu nổi tiếng trong vở kịch “Kín Cửa” (Huis Clos ) “Địa ngục chính là những kẻ khác”. (L’ Enfer c’est les Autres) Câu nói này cho thấy sự cảm thông giữa con người với nhau trong triết học Sartre là không dễ. Ông nói rõ thêm: “Đối với ý kiến của tôi, người khác chỉ hiện hữu như một bản ngã bị từ chối. Nhưng họ cũng chính là một bản ngã, nên họ chỉ bị tôi chối bỏ cho tôi, xét như họ là một kẻ cũng đang chối bỏ tôi”. Quả thật không ngoa; khi nhà triết học nhân vị Mounier gọi triết học Sartre là “triết lý thoái thác” triết lý chối bỏ, loại trừ lẫn nhau; kết thúc trong thất bại và phi lý.
Dự phóng cảm thông “với người khác” nói trên còn được Sartre dùng để lý giải cả trong lĩnh vực sinh hoạt tinh thần thiêng liêng nhất của con người là “tình yêu”. Theo Sartre tình yêu chỉ là dự phóng muốn được yêu; nhưng vì cả hai người cùng có dự phóng đó, nên dự phóng đó trở thành mâu thuẫn, không thể thực hiện được. Như vậy, dự phóng cảm thông cao quý và toàn hảo nhất là tình yêu nam –nữ cũng chỉ là điều bất khả, thì tất cả những dự phóng cảm thông khác, sẽ chỉ là những ảo tưởng, sẽ chỉ là những dự phóng chỉ để mà dự phóng!
Như vậy, chung cuộc triết học Sartre đã vãn hồi được những giá trị tinh thần nào? Chúng ta thấy chỉ còn có cái chết: Bởi đó là tận cùng của con người, cho nên cái chết sẽ vén màn cho ta thấy ý nghĩa của một triết học.
– Vậy, Sartre nghĩ gì về cái chết?
Có thể nói hầu hết những triết gia đều thể hiện sự minh triết của mình trước cái chết. Chẳng hạn Socrates từng nói: “Chúng ta phấn đấu cho cái gì trong cuộc đời; đó là để thoát ra khỏi thân xác và những xấu xa do đời sống thân xác mang lại. Vậy thì tại sao ta lại không hân hoan khi cái chết tới gần”.Còn như theo Platon: “Triết học là khoa, dạy cho người ta biết sống và biết chết cho hợp đạo làm người”; còn với Heidegger – người được xem là một trong những triết gia tiền nhiệm của triết học Sartre – đã từng định nghĩa: “con người là một hiện hưũ hướng đến cái chết”. Định nghĩa này thật đúng như lời dạy minh triết của đức Phật: Mọi chúng ta đều đã dành cả cuộc đời mình để chuẩn bị cho cái chết; và cái chết chỉ là sự khởi đầu của một chương tiến hóa mới. Mặt khác nó như một tấm gương phản chiếu toàn vẹn ý nghĩa của đời người.
Triết lý như vậy, những tưởng ông đã đạt tới quan niệm “vô ngã” của người phật tử đem lại một thái độ thản nhiên triết học trước cái chết. Song ngược lại, Sartre đã có một kết luận thật bất ngờ thể hiện lập trường “chấp ngã” cố hữu của ông trước cái chết. Ông nói: trong vô vàn những phi lý của đời người; sự chết là phi lý hơn cả, phi lý vì chẳng những nó chấm dứt cuộc tại thế của tôi, mà còn phá hủy tất cả những dự phóng của tôi. Sau hết, nhờ sự chết, những kẻ khác đã toàn thắng trước tôi; bởi khi đó, họ coi tôi như sự vật và dành được toàn quyền phán xét đối với tôi. Vậy nên, cái chết là thất bại lớn nhất của con người!.
Trong khi Sartre đưa ra một quan niệm vô cùng độc đáo về cái chết. Trước hết ông phê phán quan điểm của Heidegger xem cái chết là tận cùng của đời người, là cái đích của “hiện sinh”. Theo Sartre, cái chết nằm ngoài cuộc hiện sinh của con người, bởi chết là hết sống, như vậy còn đâu “cái tôi” để nói “tôi chết” được. Vậy nên chỉ có sự chết. Ở đây, ông chỉ đơn thuần lặp lại những gì mà Epicure từng nói về cái chết: “Con người chẳng bao giờ giáp mặt cái chết, bởi khi ta muốn gặp nó thì nó chưa tới, và khi nó tới thì đâu còn có ta; vậy xem như nó ở ngoài ta, nên chẳng cần quan tâm đến nó”. Thật ra khi nói vậy, Epicure chỉ muốn thể hiện một thái độ bàng quan triết học trước cái chết mà thôi. Còn như Sartre thì lại dùng nó để biện minh cho những quan điểm hiện sinh phi lý của mình. Hãy xem ông lập luận: Cái chết là một hiện tượng sảy ra trong vũ trụ để những người khác “tôi ” chứng kiến. Tôi thấy người khác chết; những người khác sau này thấy tôi chết. Còn tôi, tôi không thấy tôi chết, nên cái chết không thuộc cơ cấu hiện sinh của tôi.
Với những ý tưởng triết học tiêu cực như trên. Do đâu, ông lại có cái lập trường dấn thân hết mình cho những việc làm nghĩa cử, đến mức tự xem triết thuyết của mình là “chủ nghĩa hiện sinh hành động”. Ở đây, phải thấy rằng triết học của ông, tiếng là triết hiện sinh ; song xét về cơ bản, nó có nhiều điểm tương đồng với triết học và xã hội học của Marx hơn là với những triết gia hiện sinh cùng thời với ông; chẳng hạn như Jaspers, Marcel, Husserl, Heidegger. Có thể nói, chính sự tương đồng trên, đã khiến Sartre luôn có nhãn quan chính trị của những lý thuyết gia tả khuynh cấp tiến. Chẳng hạn theo quan điểm của Sartre: Những vấn để bức xúc của thế giới ngày nay như: nghèo đói, tật bệnh, áp bức bất công… đều là do chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân cũ và mới gây nên, dù là dưới hình thức xâm lược cướp bóc trắng trợn. Hay dưới hình thức hợp tác, giúp đỡ, phát triển… để bóc lột kinh tế một cách tinh vi; đều cho thấy rõ bộ mặt giả trá tàn tệ của đạo đức tư sản. Nhất là sau thế chiến II , trước sự phát triển hình thành của phe XHCN ở Đông Âu, lại càng củng cố thêm lập trường này của Sartre.
SARTRE VỚI HÀNH ĐỘNG DẤN THÂN
Tuy nhiên – Theo I. Ehrenbourg, một người bạn thân của Sartre và là nhà văn nổi tiếng một thời của Liên Xô cũ, đã cho biết: Những diễn biến chính trị trong tư tưởng của Sartre là rất phức tạp, rất khó giải thích. Vào năm 1948 ông tự xem mình như một đại diện của lực lượng thứ ba; ông tin rằng, ông có thể đứng giữa phe vô sản và phe tư sản – nghĩa là trên vùng đất trung gian “no man’s land” giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Thậm chí, ông tin rằng, chỉ có thuyết hiện sinh của ông mới xứng đáng là đại diện cho tư tưởng đích thực của chủ nghĩa Mác. Để thực hiện điều đó, trước hết cần phải nâng cao uy tín cho những tư tưởng triết học của mình.
Có thể vì vậy, vào cuối năm 1949, Sartre đã đưa ra lời đề nghị mở những buổi luận đàm về triết học với giáo sư Trần Đức Thảo – khi đó ông Thảo đang là giáo sư triết học tại trường cao đẳng sư phạm nổi tiếng phố Đuyn (D’ ulm) – chuyên giảng về hiện tượng học Husserl, về Kant, về Hegel và đang làm luận án tiến sĩ triết về hiện tượng luận Husserl. Đồng thời ông còn là cộng tác viên uy tín của tạp chí Thời Đại Ngày Nay (Les temps Modernes); cơ quan ngôn luận của nhóm “hiện sinh chủ nghĩa” lừng danh – Gắn liền với tên tuổi của Sartre và nhiều trí thức ưu tú hàng đầu của nước Pháp đương thời.
Mục đích của Sartre mời luận đàm với ý định trình bày để chứng minh là chủ nghĩa hiện sinh rất có thể chung sống hòa bình với chủ nghĩa Mac về mặt tư tưởng. Các buổi luận đàm đều được ghi tốc ký, nhằm chuẩn bị cho việc sẽ xuất bản một tập tài liệu chung dưới hình thức đối thoại.
Trong luận đàm, Sartre chỉ công nhận giá trị của chủ nghĩa Mác về mặt chính trị và xã hội, còn về mặt triết học của nó, Sartre cho rằng không đáng kể, bởi Mác không giải quyết vấn đề ý thức: Vì sao lại có thể có một ý thức căn bản khác với vật chất, và đối lập với vật chất? Thế nên Sartre đề nghị chia vùng ảnh hưởng: chủ nghĩa Mác chuyên lo các vấn đề chính trị, xã hội trong phạm vi nào đó; như vậy duy nhất chỉ còn chủ nghĩa hiện sinh của Sartre là có giá trị về mặt triết học.
Trong luận đàm,Giáo sư Trần Đức Thảo đã phản bác những quan điểm trên của Sartre, và chứng minh ngược lại rằng: Phải coi trọng chủ nghĩa Mác về mặt triết học.
Sau đấy; ở buổi luận đàm thứ năm; từ một vấn đề rất cơ bản của triết học, là vấn đề quan hệ giữa ý thức và vật chất, đã dẫn đến phải xem xét cái sinh thức nguyên thủy của nó. Do Sartre chưa đọc cuốn “Kinh nghiệm và nhận xét” nguyên văn tiếng Đức (Erfahrung und urteil) là tác phẩm chủ yếu của Husserl về đề tài này và Sartre cũng chưa biết đến nhóm các tác phẩm chưa công bố của Husserl – Trong khi, giáo sư Thảo rất am tường về vấn đề này, bởi khi ấy ông đang làm luận văn tiến sĩ về Hiện Tượng Học Husserl – Nên lẽ tự nhiên cuộc luận đàm phải dừng lại. Vào lúc chia tay, họ thỏa thuận là cả hai bên sẽ không kể lại những buổi trao đổi này. Tuy nhiên, trái với điều cam kết nói trên. Sartre và nhất là những người trong nhóm của ông đã đổ thừa trách nhiệm cho giáo sư Trần Đức Thảo; xem như vì ông mà cuộc luận đàm không thành. Giáo sư Thảo không có phe nhóm bảo vệ buộc lòng phải tính đến việc kiện Sartre, để làm rõ sự việc là chính bản thân Sartre đã tự tiện cắt đứt cuộc luận đàm. Trong đơn kiện, giáo sư Thảo thách thức Sartre cho in công khai các văn bản tốc ký. Thấy vậy, nhóm môn đệ của Sartre đành nín thinh, chấm dứt chiến dịch phao tin vịt với ông Thảo. Chung quy thì sự kiện trên đã khiến Giáo sư Trần Đức Thảo được người ta biết đến, thậm chí nhiều hơn cả những tác phẩm triết học chủ yếu của ông như: “Triết Lý Đã Đi Đến Đâu?, Hiện Tượng Học và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng” hay “Hạt Nhân Hợp Lý Của Phép Biện Chứng Hegel”…
Trong giai đoạn từ 1952 – 1956 Sartre là người lên tiếng bênh vực mạnh mẽ nhất cho Liên Xô. Mỗi khi bị dư luận báo chí ở Châu Âu hay ở nước Pháp đả kích. Trong những hội nghị quốc tế do phong trào hòa bình thế giới triệu tập: Như ở Vien – na năm 1949, hoặc ở Hen – sanh – ky năm 1954. Sự xuất hiện cùng với những tham luận của Sartre luôn dành được sự tán thưởng cuồng nhiệt…Và chính từ đây con người nhà văn, nhà tư tưởng, nhà chính trị dấn thân Sartre lại hình thành những dự phóng mới – dự phóng nhằm giải phóng cho con người một cách toàn diện.Ông nói, chẳng những giải phóng mà còn phải làm sao cho tất cả mọi người được trở thành người, nhờ ở sự cải thiện các điều kiện sinh sống cho họ. Ông xem đó là sứ mệnh của người văn nghệ sĩ.
Vậy là sự chung sống hòa bình giữa chủ nghĩa hiện sinh của Sartre với chủ nghĩa Mac xem như một “dự phóng” bất thành. Tuy nhiên ông đã vãn hồi được cái uy tín của con người dấn thân lương thiện, bằng những hành động khuynh tả như: Tích cực tham gia ủng hộ phong trào hòa bình thế giới; phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương 1950 – 1954. Và hợp tác chặt chẽ với những người cộng sản…
Đây là thời kỳ Sartre quan niệm văn nghệ là một cái gì siêu việt tuyệt đối, mà sau này trong cuốn “ Chữ nghĩa” (Les Mots) ông gọi nó là một căn bệnh tâm thần ( névrose). Vì sao lại xem nó là một căn bệnh tâm thần? Điều này là do ảnh hưởng của những ý thức chính trị mà ông lại cũng tưởng đó là một thứ “tuyệt đối” khác. Sau rồi ông cũng ngộ ra; chính trị và văn nghệ đơn thuần đều không cứu vãn được thân phận làm người của chúng ta.
Như vậy những phương tiện mà Sartre tưởng là tuyệt đối để nhà văn, nhà chính trị có thể giải phóng cho con người một cách toàn diện như đã nói trên, đều chỉ là huyễn tưởng. Tóm lại con người mà ông gọi là động vật bị nạn, bị đày ải xuống cõi đời phi lý này, không hề có một phương tiện nào để thoát thân cả!
Tuy nhận thức được tình trạng phi lý của con người như vậy. Song, không hiểu sao ông vẫn lên giọng phê bình theo kiểu tuyên huấn, áp đặt đối với những văn nghệ sĩ trí tthức không hợp gu với ông. Điều này không chỉ đối với những nhà văn đương thời, mà cả những nhà văn nổi tiếng trong lịch sử văn chương quá khứ: Chẳng hạn ông nhận xét về Flaubert và Goncourt: “ Tôi cho rằng Flaubert và Goncourt phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp sau công xã Paris, bởi họ đã không viết một dòng nào để ngăn cản sự kiện đó”. Với Marcel Proust, ông phê phán: “ trong khi viết cuốn Tìm Lại Thời Gian Đã Mất ( A la Recherche Du temps Perdu) M.Proust chẳng những xem mình là một kẻ tư sản, mà còn tự biến mình thành kẻ đồng lõa của cuộc tuyên truyền cho giai cấp tư sản”. Hoặc đối với nhà văn đàn anh A.Gide: “Tôi xem cuốn Món Ăn Trần Thế ( Les nourritures terrestres) của A.Gide là một cuốn sách đáng kinh tởm nhất”; chỉ vì trong sách có một câu chạm nọc vô thần của Sartre “ Đừng đi tìm thượng đế ở đâu khác hơn là cùng khắp mọi nơi”. Và đây là sự truy chụp chính trị “ rất bài bản”, khi ông phê phán thuyết cấu trúc: “ Thuyết cấu trúc của Michel Foucault là một ý thức hệ mới, được giai cấp tư sản dựng lên để tấn công chủ nghĩa Marx ”. Thật chẳng trách được, một Pierre – Henri Simmon nhà phê bình văn nghệ của báo Le Monde đã phải gọi quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị theo kiểu ấy. Đúng là một hình thức của chủ nghĩa “ khủng bố mới” (Néo – Terrorisme). Và ta hãy đọc lại “ Nhà văn, nếu không đứng về phe của những người nghèo khổ, thì y chỉ là kẻ làm tay sai cho giai cấp tư sản và cũng bóc lột như giai cấp này”.
Sartre thường nói: Tự do đồng nghĩa với lựa chọn. Nhưng ông lại hay chỉ trích thật nặng nề với những ai có sự lựa chọn khác với mình. Chẳng hạn với những đối thủ chính trị của ông như: A. Camus hay R. Aron; tuy cũng là người Pháp như ông. Song họ lại có sự lựa chọn giống những nhà văn phái hữu như: G. Orwell, người Anh, hoặc Howad Fast người Mỹ…- Nghĩa là một sự lựa chọn trái ngược hẳn với lập trường tả khuynh của Sartre – Vì vậy, họ đã bị ông gọi là những tên phản bội.
Còn đây là sự lựa chọn của Sartre – Hẳn mọi người còn nhớ biến cố chính trị trọng đại, diễn ra ở nước Pháp vào tháng 5 – 1968 – Khi ấy, Sartre đã nhiệt tình ủng hộ phong trào thanh niên học sinh, sinh viên và những người lao động xuống đường, đòi phá bỏ triệt để trật tự của xã hội hiện hành về mọi mặt: Từ hành chính, kinh tế, chính trị cho đến văn hóa phong tục tập quán, của một nước Pháp văn hiến, đầy tự hào về truyền thống nhân văn. Hành động của họ chẳng khác gì tinh thần nổi loạn mà “phái tạo phản” do Mao lãnh đạo ở Trung Quốc khi ấy đã chủ trương, và cũng đang diễn ra ở trong giai đoạn cao trào (1968) – Có thể xem Sartre là lãnh tụ tinh thần của phong trào này; bởi những động thái có tính “cách mạng” của ông trong thời gian đó. Chẳng hạn ông đã tự xem xét phê phán vị thế con người trí thức của bản thân mình, và tận dụng uy thế đó để phụng sự cái gọi là “chính nghĩa nhân dân” (La Cause du peuple) một cách thật cụ thể – Đó là đảm đương trách nhiệm về việc công bố rộng rãi những ấn phẩm của chủ nghĩa Mao ở nước Pháp đương thời.
Quả thật nhà văn Ehrenbourg đã đúng, khi nhận xét: Những diễn biến chính trị trong con người của Sartre là rất phức tạp, rất khó giải thích. Thật vậy, như mọi người đã biết, ông từng là một chủ tịch uy tín của tòa án Quốc tế Bertrand Rusell năm 1966 – ở cương vị này, nhân danh chính nghĩa, ông đã lên án tội ác chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam bằng những lời lẽ thật hùng hồn xúc động – Vậy mà chỉ hai năm sau đó, trong biến cố chính trị tháng 5 – 1968 nói trên. Ông lại trở thành lãnh tụ tinh thần của phong trào nổi loạn, theo đúng mô hình cách mạng văn hóa của chủ nghĩa Mao; để chống lại trật tự xã hội của một đất nước luôn tự hào về truyền thống “Tự Do, Bình Đẳng, Bác Aí” – Đó là nước Pháp, tổ quốc của chính ông – Thật không sao hiểu nổi!.
Có thể nói, những hành động mâu thuẫn chính trị kể trên của Sartre, có nguyên nhân từ sự bất cập trong học thuyết của ông. Một học thuyết luôn cho rằng “Hiện sinh có trước bản chất”. Qua cách nhìn đảo ngược trật tự nhân quả này, ông muốn khẳng định: Con người là một thực thể độc lập, không hề có một tương duyên nhân quả nào với quá khứ cũng như tương lai (tức kiếp trước và kiếp sau). Thế nên sự hiện hữu của nó trên đời này, “là cái có trước” đối với bản thân nó. Do vậy nó hoàn toàn tự do làm những gì nó muốn, để thể hiện mình, tức bản chất của nó “là cái có sau”. Khỏi nói thì ai cũng thấy: Hệ luận phi nhân quả này, tất yếu sẽ dẫn đến một lối sống vô luân ích kỷ theo kiểu – không có chúa mọi việc đều được phép làm – Thử hỏi, với một người như vậy, liệu có còn đủ minh triết chính trị để giải thoát cho con người khỏi cái vòng kim cô của cuộc hiện sinh phi lý; vốn nằm ngay trong bản chất triết học của ông!.
Đó chính là Jean Paul Sartre, con người không chỉ nổi tiếng về những tư tưởng độc đáo mà còn bằng những việc làm có một không hai – phải nói không ít người đã choáng ngợp trứơc việc ông khước từ giải thưởng Nobel văn chương mà hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao tặng cho ông vào năm 1964. Việc làm này đã khiến ông càng thêm nổi tiếng và người ta ra sức lý giải xem nguyên nhân nào đã khiến ông hành động như vậy?
Sau đây là tóm tắt những ý chính, ông đã trả lời dư luận báo chí khi ấy: Tại sao tôi từ chối giải thưởng? Tại vì tôi thấy khá lâu nay giải thưởng này đã nhuốm màu sắc chính trị rõ rệt. Nếu tôi chịu nhận giải; xem như tôi đã để người ta “chiêu hồi” về cùng một phe nhóm với họ. Đó là điều tôi không thể chấp nhận. Phần lớn các báo chí đã gán cho tôi những lý do cá nhân: nào là tôi từ chối vì bực tức với Camus, một kẻ thù “ khác chính kiến” đã được trao giải trước tôi….nào là tôi lo ngại rồi đây Simone de Beauvoir sẽ ghen tị…Và đây nữa: “tôi vốn là một tâm hồn cao đẹp, luôn khước từ mọi vinh dự vì quá ư kiêu mạn” – Điều này có phần đúng đấy – Nếu chúng tôi không nhầm, chính ông đã phát biểu “ họ đem vinh dự đến cho tôi khi tặng giải, hay chính tôi đem vinh dự lại cho họ khi nhận giải”. Còn như ông nói rằng giải thưởng Nobel lâu nay đã nhuốm màu sắc chính trị; chúng ta hãy cùng xét xem: Ban giám khảo hoàng gia Thụy Điển đâu có biết nể sợ ai, kể cả người Mỹ. Ít ra họ đã chứng tỏ điều đó trong suốt cuộc chiến Việt Nam – chẳng những họ công khai ủng hộ Việt Nam. Mà còn trao giải thưởng cao quý này cho một Sô Lô khôp ( Cholokhov) nhà văn Liên Xô; Người từng được Staline lúc sinh thời rất sủng ái. Hoặc trao giải cho nhà thơ cộng sản Chi lê, Pa Blô Nê Ru Đa ( P.Neruda) …
Tóm lại với Sartre, một triết gia nổi loạn đã sổ toẹt hầu hết mọi bảng giá trị, mọi định chế, mọi hệ tư tưởng. Vậy thì giải thưởng Nobel không thể nằm ngoài hệ thống phủ định của ông. Một hệ thống vốn xem tất thảy những gì khác với nó, đều chỉ là những giá trị mang tính “ngụy tín” (mauvaise foi); tiêu biểu cho xã hội tư bản giả trá mà nó vốn xem thường. Mặt khác, cần phải biết; Sartre là một nhà văn rất giàu có. Nên phần hấp dẫn nhất của giải thưởng đâu phải là vấn đề tiền bạc. Còn như danh vọng của giải thưởng; Sartre thừa hiểu rằng, dù ông có từ chối, thì nó vẫn cứ gắn liền với sự nghiệp văn học của ông.
Cũng đúng thôi; chỉ với tư cách là tác giả của những đầu sách văn học nổi tiếng như: Buồn Nôn (La Nausée), Những Nẻo Đường Tự Do (Les Chimins de la Liberté), tập truyện ngắn Bức Tường (Le mur), và nhất là cuốn tự truyện Chữ Nghĩa (Les Mots)… Cùng với những vở kịch mang tính luận đề sâu sắc như: Bàn Tay Vấy Bẩn (Les Mains sale), Cửa Đóng (Huis – Clos), Ác Quỷ và Thượng Đế (Le Diable et Le bon Dieu), Chết Không Nấm Mồ (Mort Sans Sépulture)….Ông xứng đáng được xem là một trong những nhà văn hàng đầu của nước Pháp và thế giới trong thế kỷ 20. Vì vậy, nhà văn người Đức nổi tiếng Hai-Rích-Bôn(H.Boll) đã đúng, khi nhận xét: “Sartre là một nhà văn tài ba nhưng chỉ là một nhà luận lý thường thường bậc trung” (Sartre est un écrivain talentueux mais un piètre logicien). Tuy nhiên, công bằng mà nói, sự khước từ giải thưởng nói trên đã phản ánh đúng tính cách con người triết học của Sartre. Có thể nói, đó là cơ hội hiếm hoi để ông thể hiện cái bản lĩnh tri hành nhất quán trong triết thuyết của ông.
Thật vậy, sự nhất quán này đã thể hiện phần nào thiện chí của ông, nhờ nó mà dường như cuối cùng đã khiến ông phản tỉnh được trước cái bồng bột, hăng hái, sốc nổi cuả một thời son trẻ; ông viết trong cuốn tự truyện “Chữ nghĩa” (Les Mots): “ Từ mười năm nay, tôi như một con người bừng tỉnh sau một cơn điên dài, cay đắng và ấm êm….Tôi chợt ngộ ra rằng, sự tha hóa, cảnh người bóc lột người, tình trạng thiếu đói đã đẩy lùi ra phía sau cái họa “ Siêu hình” ( Ngụ ý những triết lý cao xa và vô bổ) vốn là một điều xa xỉ…nên tới nay tôi thấy mình vẫn chỉ là một sự hời hợt. Và thực tình tôi không còn biết phải làm gì với cuộc đời của mình nữa…”Thiết nghĩ, những lời lẽ trên đã phản ánh đúng cái hệ luận bi quan trong triết thuyết của ông rằng “ con người chỉ là một đam mê vô ích”. Có thể nói, ông đã thành thật phản tỉnh.
Và không riêng gì một Sartre , mà ngay cả với một Simone de Beauvoir – Nữ sĩ nổi danh tài sắc một thời; người bạn đời và cũng là bạn chiến đấu thân thiết nhất của ông – Vào lúc đã phai tàn xuân sắc; trong bóng hoàng hôn của cuộc đời, mới chua chát ngộ ra “ Cái rực rỡ muôn màu của cuộc sống” Đúng ra, chỉ là “cái rủi ro của thân phận làm người”. Thế nên chẳng còn gì đáng được xem là thiêng liêng, cao cả. Ngay như tình nghĩa lứa đôi, muôn đời thắm thiết; giờ đây theo bà “ Chẳng qua cũng giống như chiếc giường – một dịch vụ – mà qua đó người đàn bà trả công nuôi ăn cho người đàn ông!”.
Có thể nói, cả một thế hệ đã say mê Sartre, thế hệ nào? Đó là thế hệ sau thế chiến II. Say mê cũng đúng thôi, đúng cho một bản chất tâm thức vào một giai đoạn khủng hoảng đặc thù, đã bắt gặp một nội dung phù hợp với thị hiếu, lại được trình bày trong một hình thức văn chương quá ư hấp dẫn. Đúng lúc, người trí thức Tây âu đầy mặc cảm thất bại sau chiến tranh, phần lớn lại đang hoang mang trước ngã ba lịch sử. Trong con mắt của đại đa số lớp trẻ khi ấy, chưa đủ chiều sâu tư tưởng để hiểu thấu một P.Kapka, một S.Beckett hay một Koesler… họ cũng chưa đủ tinh thần thực dụng chủ nghĩa theo kiểu Anglo – Saxon để phân biệt “tà – chính, đúng – sai” như một Gr.Orwell đã làm trong tác phẩm của ông, để cảnh báo cho thời đại. Song lại quá thừa tri thức hàn lâm, thuần tư biện, quá thừa nội lực nổi loạn để bất mãn với thực tại. Vậy nên họ đã ôm lấy Sartre như một sự biện minh sang trọng và hào nhoáng; ít ra, cho một lối sống, cho một sự lựa chọn và nhất là cho một hành động.
Thế nhưng ngày nay, người ta thấy Sartre hầu như đã sai trên nhiều vấn đề cơ bản. Tên tuổi của ông chỉ còn gắn liền với những gì mà phái tả buộc phải phủ định. Ngược lại với Sartre, mọi người đều thấy trong những vấn đề trên: A.Camus và R.Aron đều đã đúng; đã đúng từ quá sớm. Thế nên tác phẩm của họ luôn giúp người đọc, kịp thời hiệu chỉnh quan điểm để hiểu và sống với thời đại – thật trớ trêu, đó lại là những mẫu người luôn bị Sartre chỉ trích nặng nề nhất vào lúc sinh thời!.
Ở đây không phải chỉ là sự đúng sai trên mặt thuần túy lý luận kiểu “Mua vui cũng được một vài trống canh” mà phải thấy rằng, hệ luận của nó đã có ảnh hưởng đến số phận của hàng tỉ con người trong thế kỷ 20 đầy biến động vừa qua!.
* * *
Tuy nhiên, theo quan niệm Phật học; mọi hành vi đúng sai của con người đều chỉ là sự thể hiện của một cái “nghiệp”. Và trong nghiệp riêng của mỗi người đều phản ánh cái nghiệp chung của cộng đồng sinh ra họ. Điều này đặc biệt đúng với những người nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng xã hội, mà Sartre là một ví dụ. Vì vậy “cộng nghiệp”, theo đạo Phật thường được biểu hiện qua lời nói, việc làm của những nhân vật xuất chúng điển hình trong cộng đồng. Theo nghĩa đó: nhân vật De Gaule cựu tổng thống Pháp của thế kỷ trước có thể xem là tiêu biểu cho tinh thần cộng nghiệp của dân tộc Pháp, khi ông nói: “ Nước Pháp chỉ là nước Pháp khi nó đứng đầu các dân tộc” Câu nói này đã trở thành nỗi dày vò ám ảnh tâm trí của biết bao người Pháp vốn tự xem mình là chính trực và gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống đầy tự hào của dân tộc Pháp. Bất chấp thực tế lịch sử, là trong thế kỷ 20 nước Pháp chỉ còn là một nước thua trận – chẳng những thua trận trong thế chiến II mà tiếp theo còn thua trong cả hai cuộc chiến thuộc địa; Việt Nam 1954 và Algerie 1961. Nên khi ấy nó đã tự đánh mất mình trước lịch sử. Song, hoài niệm về những giá trị đầy vinh quang của quá khứ vẫn tiềm ẩn sâu xa trong vô thức cộng đồng như một thứ lương tri đã thúc đẩy, chi phối hành vi của hầu hết giới tinh hoa trí thức hàng đầu của nước Pháp. Mà ở đây, Jean Paul Sartre là một trường hợp tiêu biểu. Điều này có thể lý giải được những việc làm mà nhiều người cho là vô nghĩa trong cái gọi là hành động dấn thân ở con người chính trị Sartre. Thật vậy, chả là ông đã từng nói: “Nếu tình yêu và lòng hận thù là hai mặt của một tấm huân chương, thì tôi chẳng yêu ai, và cũng chẳng yêu bất cứ một cái gì , trên cõi đời này”. Dĩ nhiên, không thể căn cứ vào sự thành thật này để chê trách là ông không nhân bản. Nhưng lại có thể từ đấy để thấy được sự tế nhị của những vấn đề như: Vì sao, ông lại năng nổ hết lập tổ chức quốc tế này, đến tòa án quốc tế nọ. Để ủng hộ, cũng như để lên án. Rồi ông hô hào, vận động; nào là ký tuyên ngôn, nào là xác định lập trường thái độ với đế quốc với tư bản, nào là chống áp bức bất công bóc lột, nào là hãy giải phóng cho con người… Chung quy, ở đây người ta cảm thấy: Dường như những hành động trên chỉ để chống lại cái “siêu cường” bên kia Đại Tây Dương – kẻ đã dám qua mặt nước Pháp để trở thành quốc gia dẫn đầu các dân tộc.
Thế giới vốn phi lý, đúng như học thuyết của ông đã chỉ ra. Song, những hành động để hiệu chỉnh nó, thường khi lại phi lý hơn. Lẽ ra những người như ông chỉ nên yên vị trong tháp ngà để an ủi than phiền cho con người; bằng cách nói lên thân phận bi đát của họ, chẳng hạn như những nhận định của ông trong tuyệt tác Buồn Nôn: “Tất thảy mọi con người đều vô cớ sinh ra trên cõi đời này, kéo dài kiếp sống chỉ vì hèn yếu và rồi chết đi một cách tình cờ”[1] – một nhân loại mới tẻ nhạt, khốn khổ, bi đát làm sao! – Tuy nhiên, nói như A.Camus: “Thấu hiểu được sự bi đát là đã siêu việt lên trên nó” – Vậy nên, chỉ với tư cách nhà văn; Sartre đáng để mọi chúng ta phải nghiêng mình.
Song, biết vậy, bởi như đã nói trên; dù sao cũng chỉ là sự biểu thị của một cái “nghiệp” vốn chịu sự chi phối nghiệt ngã của nghiệp thức cộng đồng. Suy cho cùng thì chính nó đã tạo nên những suy nghĩ và hành động của con người chúng ta. Vậy nên những hành động dấn thân mà chúng ta thấy là vô lối của Sartre, đã chỉ chứng thực cho cái tinh thần sa sút cộng đồng, đúng như cái nhìn mẫn cảm của Simone de Beauvoir trong thiên hồi ký “Sự Đời”, (La Force des Choses) đã thấy rằng: nước Pháp “tự hào” của họ, sau thế chiến II, không còn là chủ thể của lịch sử như trước kia, mà đã rơi xuống hàng sự vật của lịch sử như những thực thể bình thường khác.
Tuy nhiên với Sartre, phải ghi nhận rằng, do thiện chí, ông đã tham gia và lưu lại chứng tích trong những vấn đề lớn của một thời kỳ lịch sử trọng đại. Hơn nữa với tư cách người thể hiện cho nền văn hóa Pháp (Bởi vậy, ông được tặng giải Nobel năm 1964, nhưng không nhận). Nên mặc dầu còn có nhiều điểm mâu thuẫn mông muội, biểu hiện trong triết lý cũng như trong hành động dấn thân chính trị của ông. Sartre vẫn được xem là nguyên mẫu (có thể là nguyên mẫu cuối cùng) tiêu biểu cho lương tâm của người trí thức phái tả phương Tây trong thế kỷ XX. Mà lòng nhiệt thành của họ; tiếc thay, chỉ đem lại những bất ổn cho thời đại như mọi người đã thấy!.
Trong ý nghĩa đó: những tư tưởng và hành động của triết học Sartre, cũng giống như sự bất cập thể hiện trong tác phẩm của không ít những văn nghệ sĩ hàng đầu ở nước Pháp cùng thời với ông. Tất cả đều đã phản ánh một cách vô thức cho cái tinh thần sa sút nói trên.
Jean – Paul Sartre (1905 – 1980)
Tóm lược theo mốc thời gian
Quá trình trưởng thành:
1905: Sartre sinh trong một gia đình tư sản truyền thống.
1924: Vào học tại trường đại học sư phạm nổi tiếng phố Đuyn (École Normal superieure D’ulm)
1929: Tốt nghiệp thủ khoa kỳ thi thạc sỹ triết học. Kết thân với Simonne de Beauvoir, nữ thạc sỹ triết học đầu tiên của nước Pháp.
1940 – 1941: Nhập ngũ, bị quân Đức bắt làm tù binh, được giải thoát, trở về làm giáo sư dạy triết và tham gia phong trào kháng chiến của giới tri thức.
Từ sau 1945: Trở thành nhà trí thức chủ yếu của nước Pháp (intéllectuel majeur).
Với những tác phẩm nghiên cứu triết học chủ yếu: Thực thể và hư vô (L’Être et le Néant), Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản (L’existentialisme est un humanisme), Phê bình lý trí biện chứng (Critique de la raison dialectique).
Cùng với những tác phẩm văn học nổi tiếng như: Buồn Nôn (La Nausée), Những Nẻo đường tự do (Les Chemins le la Liberté), Bức tường (Le Mur), Kỷ nguyên lý trí (L’âge de raison), Tạm hoãn (Le Sursis), Cái chết trong tâm hồn (La mort dans l’âme). Và các tác phẩm kịch: Ruồi nhặng (Les Mouches), Kín cửa (Huis clos), Chết không nấm mồ (Mort sans Sépulture), Gái điếm tôn kính (La Putain respectueuse), Bàn tay bẩn (Les Mains sale), Ác quỷ và thượng đế (Le Diable et le bon Dieu)…..
Những hành động dấn thân chính trị
Những tác phẩm luận thuyết về vai trò của người trí thức như: Tình thế (Situation) gồm mười tập từ 1947 – 1967, Chữ nghĩa (Les Mots), Kể ngu ngốc của gia đình (L’idiot le la Famille)…
1945: Ra số đầu tiên của tạp chí Thời Mới (Temps Modernes).
1948: Tham gia vào đội ngũ lực lượng thứ 3 chống chiến tranh lạnh. Chịu sự lên án đồng thời của cả 2 phe Tả và Hữu ở nước Pháp.
1952 – 1955: Hợp tác với Đảng cộng sản Pháp trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Triều Tiên và “chiến tranh lạnh”.
1956: Ngừng hợp tác với Đảng cộng sản Pháp do sự xâm lược của Liên Xô và Hung Ga Ri.
1957 – 1962: Phản đối chiến tranh ở An Giê Ri
1964: Khước từ giải Nobel văn học.
1966: Làm chủ tịch tòa án Bertrand Ruesll, lên án tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Tác giả: Chí Anh
[1] Nguyên văn tiếng Pháp: Tout existant nait sans raison, se prolonge par faiblesse et meurt par rencontre
1968 – 1973: Tham dự phong trào nổi dậy của thanh niên ở Pháp (1968). Sau đó cùng với Maurice Clavel thành lập thông tấn xã Giải phóng (Liberation)