Đối với trẻ em điều cơ bản nhất, hạnh phúc nhất là được sống hồn nhiên, được phát triển tự nhiên trong một môi trường gia đình và xã hội an lành. Đúng ra xã hội càng phát triển, giàu có hơn, trẻ em càng có một tuổi thơ dài hơn, đẹp hơn, được sống trong môi trường giáo dục và xã hội lành mạnh hơn; trẻ em xuất thân từ những tầng lớp xã hội khác nhau sẽ bình đẳng hơn về cơ hội và điều kiện phát triển…
Nhưng tiếc thay, nhìn lại xã hội ta hai thập niên qua dường như có chiều ngược lại. Xã hội càng phát triển lên, càng nhiều người giàu lên thì trẻ em càng phải sống trong môi trường giáo dục và xã hội nhiều độc hại hơn; tuổi thơ của các em càng chịu nhiều tác động xấu từ người lớn, càng bị xâm hại nhiều hơn, càng nhiều trẻ em bị “đánh cắp mất tuổi thơ”!…
Ngay từ tuổi mầm non các em đã phải dùng sữa “đắt nhất thế giới” mà không chắc đâu là thật, giả! Con nhà nghèo, vùng sâu vùng xa chủ yếu dùng sữa, thuốc quá hạn mua ở những gánh hàng xén. Các đồ chơi cho trẻ em mang nhiều độc tố vẫn bán tràn lan. Ở nông thôn các nhà trẻ sống lay lắt, tiêu điều. Thành phố không ai lo phát triển hệ thống trường mầm non tương ứng với phát triển dân số. Trường mầm non quốc tế, trường mầm non chất lượng cao mọc lên nhan nhản và trường công chỉ dành cho con nhà tầng lớp thượng lưu, trung lưu. Con tầng lớp lao động bị nhốt ở nhà hoặc gửi đến những nhóm trẻ tư nhân, với điều kiện sống tồi tệ và những người trông trẻ bất đắc dĩ…
Cả một “hệ thống chính trị” nhằng nhịt ở cơ sở nhưng không ai quan tâm đến những “mầm non dân tộc”, “tương lai đất nước” được “quản” trong những nhà trẻ tồi tàn mọc lên khắp các khu lao động. Chỉ khi nào lộ ra một vài trường hợp trẻ bị hành hạ như thời Trung cổ thì các cấp, các ngành mới “đồng loạt ra quân” quan tâm để… rồi đâu lại vẫn đó! Thế là cùng với dòng sữa mẹ, đứa trẻ con giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã hấp thu cả nỗi bất công, tủi nhục từ thân phận của cha mẹ và đã thua thiệt bao nhiêu cơ hội và bị phân biệt đối xử ngay từ “bậc học mầm non”. Nhưng nhiều con nhà giàu cũng bị “đánh cắp tuổi thơ” bởi bị nhốt trong môi trường nhân tạo, tràn ngập, thừa mứa hàng hóa tiêu dùng, bị bao vây bởi lối sống xa lạ và sự áp đặt những kỳ vọng của người lớn làm biến dạng sự phát triển bình thường của trẻ, vốn hồn nhiên hòa vào thiên nhiên và chan hòa với bạn cùng tuổi thơ.
Đi học là hạnh phúc (Hồ Ngọc Đại), là việc rất bình thường, tự nhiên của trẻ em trong một xã hội lành mạnh. Nhưng ở ta, nhất là ở các thành phố, vào lớp Một đã là cuộc bon chen, chạy đua, cậy quyền, cậy thế, xô đẩy đứa trẻ vào cuộc cạnh tranh bất bình đẳng để giành giật một chỗ học tốt hơn những trẻ khác… Trong giáo dục, người ta chỉ đòi hỏi bình đẳng về cơ hội cho mọi trẻ em, nhưng ngay từ lớp Một, điều đó đã là vô vọng. Những trẻ em con nhà ai được vào trường điểm, lớp chọn? Con tầng lớp nào được học trong những trường quốc tế, trường chất lượng cao? Con nhà ai phải học trong những trường lớp tồi tàn? Nhưng thực ra với nền giáo dục của ta hiện nay, trẻ học trường nào cũng không thể hạnh phúc, nếu không muốn nói là nhiều bất hạnh cho tuổi thơ, tuổi học trò.
Phần lớn các gia đình, vì ganh đua, quá lo lắng cho tương lai của con mình nên tạo áp lực học hành cho trẻ quá nặng nề. Trẻ học thêm quanh năm, không còn thời gian vui chơi giải trí. Cha mẹ không cần quan tâm trẻ học như thế nào, có hứng thú, say mê sáng tạo hay không, chỉ quan tâm có đạt điểm cao không, có là học sinh giỏi, xuất sắc không? Có hơn những trẻ khác không?… Đầu óc ích kỷ, thói ganh đua, tham vọng cá nhân của cha mẹ nhồi nhét vào tâm hồn con trẻ ngay từ khi chen chân vào lớp Một!
Ở trường trẻ phải học một chương trình ôm đồm. Sách giáo khoa càng đổi mới càng nặng nề, khó học hơn. Môn nào cũng “quan trọng”, thầy cô nào cũng phải “yêu”, “coi thường” môn nào, thày nào sẽ phải trả giá. Việc học không còn là hứng thú nhận thức mà là nghĩa vụ của trò đối với các thầy cô dạy các môn khác nhau. Đã bao nhiêu năm hô hào đổi mới phương pháp dạy và học nhưng dường như vẫn thế: thày nói, trò nghe; thày đưa ra mẫu, trò bắt chước làm theo mẫu. Càng thuộc sách, càng rập khuôn theo mẫu càng được điểm cao. Trò thi đua “vở sạch, chữ đẹp”, được nhiều điểm cao, lên lớp, tốt nghiệp 100% … là vì thành tích của thầy cô, của nhà trường, của huyện, tỉnh và cả ngành giáo dục. Học sinh trở thành “con tin” trong tay nhà trường, trong hệ thống giáo dục; chúng phải làm, phải nói, phải đạt điểm cao, phải lên lớp, thi đậu … theo các chỉ tiêu thi đua của thày cô, của trường, của địa phương.
Cho nên nhiều học sinh lên lớp Năm vẫn chưa biết đọc, biết viết, chưa đạt trình độ lớp Một. Ngành giáo dục gọi hiện tượng này là học sinh “ngồi nhầm lớp” và có sáng kiến cho những em này học theo phương thức “sáng lớp Năm, chiều lớp Một”! Liệu có đau đớn, tủi hổ nào hơn thế đối với một học sinh! Giáo viên phải đối phó với các cấp quản lý, học sinh phải đối phó với giáo viên, với cha mẹ bằng các biện pháp gian dối để đạt được các chỉ tiêu. Bao nhiêu năm quen nếp như thế. Vậy mà thày Đỗ Việt Khoa lại phanh phui, lật nhào tất cả! Cả một hệ thống, cơ chế đã quen nết cũ rồi, thày Khoa có khuấy động lên đôi chút rồi nó vẫn trở lại như cũ và thày Khoa thành kẻ xa lạ, bật ra ngoài hệ thống! Đâu chỉ có Đỗ Việt Khoa, phương án đổi mới giáo dục của GS TSKH Hồ Ngọc Đại hơn 30 năm qua cũng “lên bờ xuống ruộng”, “chết đi, sống lại” bao nhiêu lần!
Phải sống, học tập trong môi trường gia đình và nhà trường như thế, một mặt trẻ phải “ra sức thi đua”, “cố gắng” lặp đi lặp lại những hoạt động nhàm chán, phải khép mình vào những khuôn phép mà các em chán ghét, mặt khác chúng phải tìm cho mình một thế giới riêng để thỏa mãn những nhu cầu, hứng thú của tuổi trẻ, để thể hiện và tự khẳng định mình… Các em đã kết nối với nhau thành những nhóm tự phát, nhiều khi chỉ qua mạng, lôi cuốn nhau vào các hoạt động “ngoài luồng”, ngoài sự kiểm soát của gia đình và nhà trường…
Tình hình trên ở nước nào cũng có. Nhưng nếu nhà nước, chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện cho trẻ có nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi của các em và quản lý chặt chẽ môi trường xã hội, hạn chế tối đa sự tham gia của các em vào những sinh hoạt của thế giới người lớn, thì các em sẽ phát triển lành mạnh. Các em cũng mong mau lớn, được làm lễ trưởng thành (có nước quy định 18 tuổi, có nước 20) để có thể tham gia vào thế giới người lớn. Còn trước đó các em hiểu rằng hãy yên tâm, tập trung vào học tập, tu dưỡng theo những yêu cầu của lứa tuổi “vị thành niên”. Việt Nam là một trường hợp đặc biệt: thiếu niên có thể tham gia vào mọi loại dịch vụ cho sinh hoạt của thế giới người lớn. Các em thiếu niên có thể tự do mua, uống rượu, bia; tự do mua, sử dụng thuốc lá, các loại tân dược; tự do vào các rạp xem những phim dành cho người lớn; tự do vào các quán caraoke, quán bia, quán cà phê đèn mờ, các vũ trường; tự do vào các quán Net, các hiệu cầm đồ, các nhà nghỉ…
Tất cả các cơ sở dịch vụ đó có lẽ phát triển nhất thế giới, nhan nhản khắp các hang cùng ngõ hẻm, nhất là quanh các trường học. Trẻ ở tuổi thiếu niên, đầu tuổi thanh niên, có nhu cầu và tính tò mò muốn khám phá, trải nghiệm những sinh hoạt của người lớn. Nay xã hội tạo mọi điều kiện thuận lợi, mời chào, kích thích, khuyến mãi… nên nhiều em đua nhau lao vào “đốt cháy tuổi thơ” của mình bằng lối ăn chơi sa đọa như là giới xã hội đen. Các nhà xuất bản, các đài báo “quốc doanh” cũng tranh nhau kiếm tiền bằng nhiều loại quảng cáo, tin bài giật gân, kích thích những bản năng tình dục, xâm kích, lối sống chạy theo mốt, đua đòi ăn chơi sành điệu. Tờ báo nào cũng nhan nhản những tin “cướp”, “hiếp”, “giết”…; cũng tràn ngập những vụ scandal của các “sao”, cũng không thể thiếu các “hot girl”, “hot boy”, rồi “10 cặp mông đẹp nhất”, “10 bộ ngực hấp dẫn nhất”, “10 bờ vai gợi cảm nhất”…; rồi “sao” này có bồ mới, sao kia tổ chức sinh nhật hoành tráng, “sao” nọ sắm xe khùng… Tuổi học trò bị bủa vây bởi một thế giới kích thích “cái Nó” như thế và điều kiện thoả mãn “vô tư”, mà các em không sa đọa mới là lạ!
Thế giới tiêu dùng được quảng cáo xả láng, tràn ngập các loại thi, các hoạt động vô bổ luôn khuấy động, kích thích, lôi cuốn giới trẻ; dường như chúng bị rối nhiều phương hướng và không thể ngồi yên, chăm chú, tĩnh lặng để suy tư, sáng tạo trong môi trường giáo dục, khoa học, nghệ thuật yên lành. Quan hệ thày trò bị đồng tiền làm hoen ố; quan hệ bạn bè bị bị chia rẽ bởi các nhóm giai tầng xã hội; giới trẻ nhìn người lớn với con mắt nghi ngờ, khinh bạc…
Dưới hình thức nào, bằng cách nào, một khi tuổi thơ, tuổi học trò, tuổi thanh xuân bị biến dạng, bị vung phí bởi những điều vô bổ cũng là nỗi đau của tuổi trẻ. Càng về sau nhìn lại người ta càng tiếc nuối, càng đau…
Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao thế hệ trẻ ngày nay lại phải rơi vào hoàn cảnh như vậy? Tại gia đình ư? Cũng có. Tại giáo dục ư? Cũng đúng. Tại dân số tăng nhanh ư? Cũng phải. Tại mặt trái của cơ chế thị trường, như các văn kiện đều ghi ư?… Khi quan sát xã hội Ba Lan chuyển từ chế độ “chỉ huy, tập trung, quan liêu, bao cấp” sang “kinh tế thị trường” (không định hướng xã hội chủ nghĩa) mà vẫn quản lý được môi trường xã hội an lành, giữ nguyên các thành tựu phúc lợi công cộng, đặc biệt là y tế và giáo dục, tôi đã ngạc nhiên và tìm hỏi mấy người bạn từng làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, sống qua hai chế độ:
– Làm sao Ba Lan làm được điều đó?
– Nhân dân đòi hỏi Chính phủ phải làm được những điều họ yêu cầu.
– Nhưng Chính phủ lấy đâu ra tiền?
– Đó là việc của chính phủ. Anh không làm được hoặc làm trái thì dân phế bỏ, để người khác làm! Ví dụ, cuối 2009 Chính phủ phải điều trần trước dân về “ai cho phép mở rộng các CASINO”? Và 3 Bộ trường liên quan mất chức.
– Đơn giản vậy thôi ư?
Ở ta khi chuyển các trường công thành dân lập, bán công, tăng học phí, thì các quan chức giáo dục giải thích cho dân rằng “Cơ chế thị trường, tiền nào của ấy”, “ Muốn có chất lượng, chi phí giáo dục phải tính đúng, tính đủ. Do đó tăng học phí là… quy luật!”. Còn tệ nạn xã hội là do “tàn dư của chế độ cũ” + “mặt trái của cơ chế thị trường”!
Phải rồi, dân Việt Nam chỉ được quyền nghe giải thích mọi chuyện theo miệng lưỡi của các quan!
Nguồn: vietinfo.eu.