Đang có quá nhiều giá trị ảo lên ngôi, nó khiến một bộ phận không nhỏ, nhất là giới trẻ bị cuốn theo những thứ phù phiếm, nặng về hình thức bên ngoài!
Trên các đài truyền hình lớn vào “giờ vàng” các gameshow giải trí đang chiếm thế thượng phong; đáng nói hơn là các chương trình đó đều là các chương trình ngoại lai, nhập khẩu. Ở mỗi mùa của mỗi chương trình đều thu hút hàng nghìn đến hàng chục nghìn thí sinh đăng ký tham gia từ khắp mọi miền đất nước. Họ ùn ùn kéo về hai thành phố lớn nhất là Hà Nội hay TP HCM để thi thố tài năng, để tỏa sáng trên sân khấu và… để tìm kiếm cơ hội trở thành người nổi tiếng!
Không thể phủ nhận rằng ngày nay nhiều bạn trẻ có đam mê nghệ thuật và mong muốn thể hiện đam mê của mình trên sân khấu ở các cuộc thi, các gameshow! Và trong hàng ngàn, hàng chục ngàn những bạn trẻ ấy có những bạn có bản lĩnh thật sự và có những gương mặt đã được đăng quang, tỏa sáng nhờ tài năng. Nhưng cũng có một sự thật rằng, trong hàng ngàn đến hàng chục ngàn thí sinh ấy, chiếm số đông nhất vẫn là những bạn trẻ đi thi chỉ với khát khao với lấy những ánh hào quang ảo được tạo ra từ các cuộc thi, còn tài năng thì chẳng có gì!
Vì sao mà ngày nay giới trẻ ngày càng “cuồng” với việc trở thành “người của công chúng” đến thế? Vì đam mê: chắc chắn có, song nhiều nhất vẫn là vì họ bị cuốn theo những gì lung linh, hào nhoáng trên các sân khấu, bị hấp dẫn với sự nổi tiếng, được đám đông tung hô. Và đặc biệt là cả vì những hình ảnh về cuộc sống xa hoa với nhà tiền tỉ, siêu xe, trang sức nghìn đô… mà đàn anh đàn chị đã cố tình tô vẻ lên, từ thực tế đó là những món đồ mượn!
Có lần người viết bài đến một công ty người mẫu để tìm hiểu về quá trình luyện tập của “lính” mới vào, sau khi phỏng vấn vài gương mặt với câu hỏi là lý do chọn nghề người mẫu thì các “chân dài” tương lai này đều có chung câu trả lời: Đây là một nghề thời thượng!… Nhưng hẳn nhiều người còn cảm thấy choáng hơn nữa khi có những bạn có gia cảnh chẳng khá giả gì nhưng cũng ép bố mẹ bán đất đai để theo đuổi giấc mơ thành ca sĩ! Đương nhiên với khả năng khiêm tốn và tài chính hạn hẹp như thế, họ không những vỡ mộng với nghề mà còn mất trắng cả tài sản của ông bà để lại!
Qua cuộc thi “The Voice Kids” đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, người ta càng thấy rõ về sự cám dỗ bởi những hào quang ảo. Bài viết “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” là những chia sẻ rất thật của anh Lương Quốc Thái, phụ huynh của thí sinh Lương Thùy Mai tham dự cuộc thi “The Voice Kids 2013”. Bài viết này khá dài, như một nhật ký kể về hành trình cùng con trải qua những ngày thi thố. Trong bài viết ấy, rất nhiều chi tiết thực tế “cười ra nước mắt”, cả những cảnh oái oăm “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.
Nhưng đằng sau những câu chuyện thực tế, sinh động và đầy hài hước đấy là chứa nhiều điều đáng suy ngẫm.
Anh Thái đã lột tả được chuyện hậu trường từ những chuyện lặt vặt nhất như bếp núc, cơm nước trong “The Voice Kids”, qua đó thì thấy rằng để cho các con được ăn mặc đẹp đẽ, lộng lẫy trên sân khấu thì phía sau đó là hình ảnh những người cha, mẹ lặng thầm nấu ăn trong… nhà vệ sinh. Nhiều gia đình còn tốn kém cả một số tiền khổng lồ, có khi đó là cả một tài sản của một gia đình ở miền quê để lo cho con đi thi chốn thị thành. Để rồi, cuối cùng họ trắng tay nhưng một lời chia tay, động viên của nhà tổ chức lại là điều xa xỉ!
Cha mẹ nào mà không thương con, nhất là việc tạo điều kiện cho con trẻ thể hiện những năng khiếu ca hát, hội họa. Đó là điều chính đáng, là niềm mong mỏi của các ông bố, bà mẹ. Nhưng qua đó cũng nói lên một sự thật khác rằng chính nhiều ông bố bà mẹ hiện nay cũng đang “bắc thang” cho con chạy theo những phù phiếm ngay từ khi chúng còn rất trẻ! Chính trong bài viết của mình, anh Thái có đưa ra những điều “được” và “mất” như là một lời nhắn nhủ của người đi trước với các ông bố, bà mẹ đang có ý định đưa con đi thi “The Voice Kids” sau này!
Theo thực tế của anh Thái thì các các bậc làm cha làm mẹ tốn quá nhiều thời gian, tiền của, công sức để theo con đi thi. Anh cho biết cuộc thi này chỉ đơn giản như là một cuộc chơi, mà là một cuộc chơi đầy tốn kém nhưng cũng không định hướng đào tạo âm nhạc cho các bé và có những bước phát triển âm nhạc về sau.
Chưa kể, để theo đuổi cuộc thi này không những cuộc sống của các gia đình đảo lộn mà điều đáng lo nhất là việc học của các thí sinh nhí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi cuộc thi vẫn diễn ra khi mà các trường đã cho nhập học từ 15/8, trường của Thùy Mai, con anh Thái là 1/7. Thế nên mới có cảnh hằng ngày các em nhỏ phải dùng điện thoại chụp ảnh bài vở rồi đăng lên Facebook cho các bạn đang thi học và làm “từ xa”… Phương Mỹ Chi, cô bé hát dân ca trở thành “hiện tượng” của cuộc thi cũng bị gián đoạn việc học dù nhà ở tại TP HCM.
Đáng nói hơn, qua những tung hô quá lố của các các trang báo mạng đã làm một số em mắc bệnh ảo tưởng mình đang là ngôi sao, ngay khi các em cũng chỉ là những thí sinh đang dự thi. Thậm chí có cả những bậc phụ huynh cũng ảo tưởng không kém vào một tương lai rạng ngời với ca hát của con mình sau cuộc thi này. Thế mới có chuyện hai mẹ con thí sinh nọ đã thuê luôn nhà ở TP HCM để buôn bán và tạo điều kiện cho con phát triển sự nghiệp! Hay chuyện một bà mẹ khóc tức tưởi vì: “Con em được lên tivi nên giờ to hơn em rồi anh, cháu tưởng nổi tiếng rồi nên không cần mẹ anh ạ. Chắc mai về sẽ thành siêu sao kiếm tiền nuôi em quá. Em sắp xếp quần áo về quê để cháu tự ở lại xem nổi tiếng ra sao?!”…
Chuyện đáng suy ngẫm hơn cả qua câu chuyện này đó chuyện xã hội của chúng ta đang có xu hướng chạy theo những giá trị ảo, những thứ phù phiếm quá nhiều! Đó hẳn không phải là điều suy diễn!
Dễ thấy rằng, trong những cuộc thi mang tính giải trí như: “The Voice, The Voice Kids”, “Vietnams Next Top Model”… hay những hoạt động mang tính phù phiếm khác thì luôn nhận được sự quan tâm, nhắn tin bình chọn của hàng chục, hàng trăm ngàn người trong các cuộc giao lưu, bình chọn. Nhưng ngược lại, ở các lĩnh vực đời sống, khoa học thì sự quan tâm của xã hội đang thấp hơn với một sự chênh lệch đến kinh hoàng!
Mới đây, tại Bình Định diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9, thu hút được 5 nhà bác học từng đoạt giải Nobel tham dự. Có thể nói đây là một cuộc gặp gỡ mang tầm vóc toàn cầu bởi ngay ở các nước phát triển cao nhất như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật… cũng hiếm khi tổ chức được một cuộc hội nghị khoa học thu hút tới 5 nhà bác học nổi tiếng như thế.
Một trang báo mạng nổi tiếng đã phối hợp với Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Nuôi dưỡng tình yêu khoa học” với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học lừng danh thế giới! Thế nhưng có một điều đáng buồn là buổi giao lưu trực tuyến ấy chỉ nhận được khoảng 100 câu hỏi. Có người còn nói đó là con số đáng mừng, chỉ sợ còn ít hơn như thế nhiều!
So sánh giữa giải trí và khoa học thì có vẻ khập khiễng vì bao giờ cũng thế, giải trí thì dễ lôi cuốn người ta hơn là những vấn đề khoa học khô khan. Nhưng sự chênh lệch khủng khiếp ấy trong sự quan tâm của xã hội đối với hai lĩnh vực đã chỉ ra khá rõ một sự thật đáng lo ngại rằng xã hội ngày nay đang bị cuốn theo những giá trị thấp trong cuộc sống, là những hào quang ảo, những giá trị phù phiếm.
Đó hẳn là vấn đề mà các nhà giáo dục, các nhà xã hội cần suy nghĩ một cách nghiêm túc!
Trúc Vân