Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao các chùa, các đền, các đình làng và các tôn giáo khác ở mỗi miền đất nước trên quả địa cầu này đều phát triển theo đời sống khoa học và vật chất lên cao so với các thế kỷ trước ….số lượng nơi thờ cúng mọc lên quá nhiều, số tín đồ cũng đông đúc tăng lên….sự cầu xin khấn lạy trời đất quỷ thần hằng năm cũng vô kể…. theo thế gian nói là “thịnh”…. Ấy thế mà tại sao không xoay chuyển nổi sự vận hành của thiên nhiên như: bão lụt, hạn hán, sâu bọ phá mùa màng, chuột bọ phá phách, thời tiết thất thường nóng lạnh không có nhà khoa học nào điều chỉnh được… bệnh tật – bệnh “nan y” ngày càng phát triển. Các nước khoa học tân tiến hiện đại phát triển cấy được Gen, nên người còn sống bèn mổ ra lấy lục phủ ngũ tạng thay thế cho người bệnh..v.v
Kính thưa Thầy, vì nguyên nhân gì mà trái đất này chịu nghiệt ngã trong cuộc sống của loài người đến như thế này ạ? Những việc làm trên của các nhà khoa học hay sự cầu khấn của các tín đồ tôn giáo có tác dụng hay không có tác dụng mà kết quả thảm khốc cho loài người trên hành tinh này vậy? Sao sự cầu khấn của mọi tín đồ các tôn giáo và khoa học hiện đại trên hành tinh này không khắc phục được những thiên tai và bệnh tật để cho loài người được bình an, thịnh vượng.
Câu hỏi của Liễu Thanh
Đáp: Trong câu hỏi này có hai phần rõ rệt:
1- Vật chất khoa học.
2- Tâm linh Tôn giáo.
Khoa học (vật chất) có một bước tiến triển khá xa để phục vụ đời sống con người, nhưng khoa học không chịu nhận thức đạo đức nhân bản – nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý. Vì thế, khi phát minh ra một vật dụng gì để phục vụ con người, lại quên đi hành động thiếu đạo đức nhân bản – nhân quả. Do đó khi áp dụng khoa học vào sản xuất thành phẩm để nâng cao đời sống của con người thì thải ra không biết bao nhiêu là chất độc làm cho môi trường sống chung của con người bị ô nhiễm, do môi trường sống chung bị ô nhiễm nên thời tiết không ôn hòa, khí hậu bất thường, thường xảy ra thiên tai bão lụt liên miên và đủ mọi loại bệnh tật.
Khoa học mà không có đạo đức là khoa học giết người, giết người một cách kinh khủng, vì khoa học làm đảo lộn môi trường sống, làm đảo lộn tâm lý con người (tham ít đến tham nhiều), biến con người thành ác thú. Do thế, khoa học không có đạo đức là một tai họa rất lớn cho loài người. Điều này đã chứng minh và xác định trải qua những thế kỷ gần đây, khi khoa học phát triển đã diệt con người bằng mọi cách từ bệnh tật tai nạn giao thông đến súng đạn bom, bom vi trùng, thuốc khai hoang, bom hạt nhân nguyên tử v.v…..bom nguyên tử đã diệt con người trong hai thành phố ở Nhật Bản một cách quá kinh khiếp, và tai họa đến giờ này mà dân Nhật Bản phải gánh chịu chưa dứt hậu quả của khoa học.
Xưa ông bà chúng ta di chuyển bằng đi bộ, cưỡi voi, cưỡi ngựa, xe bò, xe ngựa, xe trâu, vì thế tai nạn giao thông không xảy ra và con người không mất mạng một cách vô lý, nhưng thời đại ngày nay khoa học phát minh xe cộ chạy bằng cơ giới, tốc độ càng nhanh thì tai nạn giao thông càng tăng do thế chúng ta nên biết, những sáng tạo khoa học của loài người để phục vụ cho con người thì con người phải kèm theo trách nhiệm bổn phận đạo đức thì sự sáng tạo của khoa học là một điều lợi ích rất lớn cho loài người.
Bằng ngược lại, nếu con người thiếu đạo đức chỉ lo sáng tạo khoa học thì con người đã tự mình tự tử mà không hề hay biết.
Tóm lại, khoa học là một sự phát minh phục vụ đời sống vật chất của con người rất thực tế, nhưng về tinh thần đạo đức nhân bản – nhân quả làm người là những hành động trách nhiệm bổn phận đạo đức lương năng và lương tri của con người nó còn thực tế hơn và lợi ích hơn khoa học rất nhiều. Nếu khoa học không có mà con người có đạo đức thì cuộc sống cũng được an lành, hạnh phúc hơn nhiều, tuy nhiên vật chất không nhiều và đời sống thiếu tiện nghi, nhưng lại yên ổn và an vui.
Có khoa học mà không có đạo đức thì tai họa sẽ xảy ra cho con người vô cùng vô tận, bằng chứng lũ lụt, thiên tai, động đất, những bệnh tật thời đại nan y v.v….Có đạo đức mà không có khoa học thì con người vẫn sống an nhiên tự tại không có khổ đau, như chúng tôi đã nói ở trên, còn nếu có khoa học mà có cả đạo đức nhân bản – nhân quả nữa thì đời sống con người hạnh phúc biết bao!
Về tôn giáo thì trên hành tinh này có biết bao nhiêu tôn giáo, hằng ngày sự cầu khấn của tín đồ trên hành tinh này không lúc nào không cầu khấn, và tốn hao cho sự cầu khẩn này cũng nhiều công và của. Thế mà, tai nạn vẫn đổ lên đầu con người, như vậy tôn giáo chỉ chẳng qua là lừa đảo con người mà thôi. Bởi vì theo luật nhân quả không có một tôn giáo nào cứu khổ con người được, chính hành động đạo đức của con người mới cứu khổ cho con người được.
Tôn giáo nào ra đời, chỉ dạy cho con người có đạo đức nhân bản – nhân quả là tôn giáo không lừa đảo, là đem lại lợi ích thiết thực cho con người, còn ngược lại dạy cầu khấn ban phước, có Thiên Đàng, Cực Lạc, Niết Bàn, Địa Ngục v.v….đó là một sự chỉ dạy phi đạo đức, dối gạt, lừa đảo, thiếu thực tế, phản khoa học, không rõ ràng, không logic.
Những điều hỏi trên là những sự nghi ngờ chánh đáng về khoa học, về tôn giáo. Chính khoa học thiếu đạo đức nên đưa con người đến khổ đau. Hầu hết tôn giáo chỉ khéo lừa đảo tín đồ chứ không có thiết thực cụ thể chút nào cả.
Cho nên tôn giáo và khoa học hiện giờ mới nhìn vào thì dường như mang đến hạnh phúc cho người, nhưng thật sự là đem tai họa đến cho con người nhiều hơn.
Như chúng tôi đã nói ở trên, tôn giáo mà không có đạo đức là tà giáo, tà giáo sẽ lừa đảo con người bằng mọi cách, mọi thủ đoạn.
Khoa học mà không có đạo đức sẽ làm ô nhiễm môi trường sống, và vì thế vừa phục vụ và cũng vừa giết hại loài người bằng mọi cách mà pháp luật không bắt tội được.
Cho nên làm một việc gì điều phải có đạo đức, đạo đức là hàng đầu của cuộc sống của loài người, nếu thiếu đạo đức thì con người phải chịu khổ đau muôn vàn.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc