Đến một khi nào đó, con người cần dừng chân lại và nhắc nhở mình tự cân bằng lại cho đúng với những gì vốn có trong khi cuộc sống kéo họ chệch ra khỏi đường ray căn bản. Một con tàu hỏa chạy ầm ầm trong gió sẽ không bao giờ có thể đi tiếp chứ đừng nói tới đi đúng đường và đến đích nếu chệnh ra khỏi quỹ đạo nó đã được sắp đặt sẵn. Chính vì thế, con tàu cứ đi lại ngày đêm với chuyên tuyến của nó từ khi người ta muốn như vậy, đặt nó nằm như vậy và lái nó đi như vậy.
Con tàu lúc thì chạy xé rách nát tấm khí trước nó và bon chen vào trong bầu trời tối tăm tù túng, lúc thì băm bổ vào bầu trời sáng một cách nhọc nhằn bởi tiếng xình xịch của nó cứ nặng nề khó thở đến mệt mỏi. Cỗ máy ấy lấn lướt trên đường ray chở bao người khách, bao tấn hàng hóa mà con người muốn phân tán theo một quỹ đạo. Cái mới duy nhất của nó chính là thứ hàng mới mà nó phải chở, phải nghiền nát mình để kiếm tiền cho chủ nhân.
Con tàu là cảm hứng của bao người về hoài vọng, khát khao, nhưng có lẽ một phương tiện giao thông đặc biệt còn nhiều thứ đặc biệt hơn nữa, đó là con người ngồi trên nó và cảm xúc của họ. Tri thức nhòe nhoẹt của người ta về thứ đang chở mình làm họ chẳng hề quan tâm đến nó, cũng như chính họ không tự mình lặng lẽ quan sát cuộc đời và bình phẩm để rồi sống tốt hơn vậy. Nhiều người đi ôm những giấc mộng cao sang và tìm cách nhồi nhét cho mình khối kiến thức khổng lồ do một số người nghĩ ra rồi viết thành thuyết, học thuyết. Không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức, chiêm ngưỡng, ta còn cố gắng làm cho nó đi vào đầu mình trong sự tán dương của nhân loại về sự sáng tạo tuyệt vời ấy, chả thế mà Newton, Marie Curie… có thể bắt người ta phải thán phục và nhớ đến kiến thức của họ, không chỉ thế, hậu thế còn phải nhớ đến chính cuộc đời, cách sống của họ.
Việc tìm ra chân lý không bao giờ dễ, và việc chân lý đi vào đời thường lại càng khó hơn khi mọi thứ liên tục thay đổi, từ sở thích thị hiếu con người đến nhân cách, thẩm mỹ …. Thế hệ trước khác với thế hệ sau cũng bởi người ta cố tình nhồi nhét thật nhiều thứ mới trong khi không biết để làm gì và tính vận dụng kém. Tại sao người ta phải cố làm cho mọi thứ trở lên phức tạp và tỏ ra quan trọng với thực tế quá mức mà lại thiếu đi phương tiện đưa chúng vào cuộc sống – tình cảm? Nhận thức của con người có thể dung tải nổi tất cả những thứ đó chăng hay nếu thiếu sự dung tải quá mức đó thì người ta sẽ trở lên thiếu suy nghĩ và hạn chế nhận thức?.
Rõ ràng là khoa học thật quan trọng trong việc dung túng con người thoát khỏi hậu quả của sự phá hoại trật tự tự nhiên và còn đem đến nhiều phương thuốc cứu chữa tạm thời cho sự ỷ lại, những nhu cầu đặc biệt khác… Nhưng đúng thật là khoa học cũng làm cho người ta thay đổi nhiều về cách nghĩ, cách làm, lương tâm, kể cả đạo đức. Suy thoái là hai từ làm người ta đau lòng nhất khi nói về đạo đức. Có lẽ đạo đức của thế hệ trước, của những cậu già, bà trẻ khác với bao cô cậu teen, 9x thời nay khi mà giờ này vài chục năm trước chẳng có SH, Iphone, Ipad, chẳng có vũ trường, rượu tây, phim ảnh lu mờ hạnh phúc. Hay có thể vài chục năm trước họ đang phải cầm súng chiến đấu ngoài chiến trường chống giặc bảo vệ đất nước, cầm cuốc xẻng đào hào đắp lũy trồng trọt chăn nuôi, úp mặt xuống đất, gieo mồ hôi xuống tưới cây và sống quá “tẻ nhạt”. Mấy chục năm trước, người ta cứ phải quan tâm đến nhau thật lòng thật dạ, chia ngọt sẻ bùi, ít biết lừa lọc bon chen, dẫm đạp như thời này. Buồn cười thật.
Đạo đức khác đi cũng còn bởi ý nghĩ muốn đạp bỏ mọi rào cản tình cảm, san bằng quá khứ và quay đầu lại với dĩ vãng để đến với thành công về tiền tài, danh vọng, quyền lực áp chế người khác. Nhai miếng cơm trong miệng chỉ biết lúa mọc từ đất lên mà không biết nhớ đến người trồng lúa, cầm ly nước trên tay chỉ biết nhắc đến “nguồn nào” mà không nhớ đến người làm ra chiếc cốc đựng nước. Quả thật thành quả lao động của con người không được trả công xứng đáng, ngoài trả tiền công, ta còn phải trả ơn nữa chứ!
Tóm lại, cái chết sẽ đến với mỗi người, và sự sống sẽ từ bỏ ta nhanh chóng, cuộc đời dài mấy mươi năm này cũng sẽ vội vã ra đi, thậm chí tan đi trong màn sương che phủ tương lai con người. Mấy mươi năm đấy, người ta sống và để lại niềm tin, hoài bão cho thế hệ sau. Và mong rằng, trong mấy mươi năm cuộc đời của thế hệ sau, ta sẽ không phụ công của người trước, cố gắng phát triển thành quả nhưng không được quên đền ơn đáp nghĩa, không được quên đi giá trị cuộc sống. Chẳng qua mấy chục năm dương thế của chúng ta cũng chỉ là sự lặp lại đời sống trước sau mà thôi, vậy tại sao ta phải cố gắng khao khát quá nhiều thứ làm gì? Tất nhiên, ta không thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng được, mà phải tiến lên, nhưng không có nghĩa là tiến lên bằng mọi cách, đạt được quá nhiều thứ về vật chất và rồi mất hết hạnh phúc chân chính. Đường ray dù có thay đổi, nhàu nát đến đâu cũng là đường ray, và nó cũng chỉ đưa con người về một điểm cuối như nhau mà thôi!
Nguồn: leminhvasuyngam.blogspot.com