tuhieuminh.blogspot.com BC3AAncE1BAA1nhC491E1BB9DisE1BB91ngvE1BAADtchE1BAA5t
Đã làm người, “đã sinh ra ở trong trời đất” ai cũng muốn sống xứng đáng, muốn thành công, hạnh phúc, cho nên ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải ra sức rèn luyện bản thân mình.

Trong cái rèn luyện này điều thường bị bỏ quên là gì? Quên rèn luyện, nuôi dưỡng tâm hồn. Điều quên hoặc coi nhẹ này vì sao là cực kỳ bất cập? Vì rõ ràng trong cuộc sống hiện nay có sự sa sút nghiêm trọng của tâm hồn, nhân cách (và văn hóa) ở bộ phận khá lớn của xã hội ta. Rồi sau này nữa, đến lúc nào đó nếu con người ta chỉ còn biết những gì thực lợi, thực dụng thì con người ta “có còn là CON NGƯỜI nữa không?”

Vậy NGHỆ THUẬT SỐNG CHỐNG SỰ XUỐNG CẤP TÂM HỒN đang thật sự là một nhu cầu nổi cộm, bức thiết, có lúc trở thành thời sự cấp bách hàng đầu, mà cũng không chỉ riêng đối với các thế hệ trẻ đang nối tiếp nhau thôi đâu.
* * * * *
Qua khá nhiều sách mới đây ở nước ngoài và cả trong nước (‘lược dịch’ hoặc ‘biên soạn dựa theo’), có thể thấy một tham vọng dạy ‘thành công’ (chỉ cốt thành công thôi, ‘thành công’ bằng mọi giá) thông qua rất nhiều lời khuyên hành động có kỹ xảo, nhiều chỗ thật tỉ mỉ tinh vi, kể cả không né tránh giả dối, thậm chí cho phép ‘chân thành dỏm’ miễn làm sao chiếm được cảm tình người khác. Ôi thôi, ‘không thật lòng’ có thể lừa được người đấy, nhưng ngắn ngủi thôi. Con người ta ‘thức khuya mới biết đêm dài’ ‘đi đêm có ngày gặp ma’. Vả lại, phàm cái gì quá nặng về hình thức thì thường sẽ rơi vào giả dối. Phải thành thực tại tâm mới bền, mới là chân giá trị.
Thậm chí có gọi là ‘sách học làm người’, là ‘nghệ thuật sống’ mà quá vội vàng những kỹ xảo, những ‘kỹ thuật’ sống với xu hướng nặng về vụ lợi thực dụng một cách lộ liễu, thì rõ là lệch, sai về cơ bản, về phương pháp luận.
‘Nghệ thuật sống’ của tâm hồn thực ra mới là vấn đề gốc. Cuối cùng rồi mà xét, trăm lần cái ‘ngọn’ mẹo vặt bề ngoài phù du, chẳng bằng một cái ‘gốc’ nghệ thuật sống chân chất từ bên trong tâm hồn chân chính sâu bền.
Có câu hỏi: ở thời đại tin học, tốc độ, ở thời buổi thị trường kinh doanh, quá eo hẹp thời gian, để thành công có nên chọn con đường ‘tắt’ thực dụng ấy cho nhanh gọn và cũng đầy đủ rồi? Không, không phải như thế, và không thể như thế. Nếu xuất phát điểm từ ngọn, từ bề ngoài như trên thì cách giao tế ứng xử đầy ‘tâm lí học hiện đại’, đầy phương pháp ‘khoa học’ cao siêu và gì gì đi nữa thì vẫn là khập khiễng, chưa chính danh, chưa chính trực. Mà cũng chỉ mới là một vế của vấn đề.
Còn cần một vế nữa, ‘vế’ gốc: tâm hồn. Tâm hồn sinh chính tâm và cả nhiệt tâm với lòng say mê vô bờ – gốc của sức mạnh và niềm vui cõi đời này. Những cái này, ‘rốt cuộc lại’ quan trọng hơn sự khéo léo và thậm chí có khi còn quý hơn cả sự minh bạch của trí óc. Khi giác ngộ bằng cái tâm cảm động thực sự thì sự hăng say nồng nhiệt có thể sẽ trọn đời. Tâm hồn rèn luyện tu dưỡng thành cao thượng, nhân hậu, thành thực, ngay thẳng, cương quyết, quảng đại (rộng lượng, khoan dung, tha thứ), thông cảm, nhường nhịn – mà chữ của nhà Phật là ‘nhẫn nhịn’ – thì trước sau sẽ toả sáng. Và nhất là tự mình có thể tự tôn tự trọng, tự bằng lòng dù trong hoàn cảnh nào – điều kiện không thể thiếu để tiệm cận hạnh phúc.
Còn học kỹ xảo, mẹo thuật ‘tuyệt hảo’ bên ngoài, kể cả nụ cười làm vẻ tao nhã tinh tế, dù công phu đến đâu nhưng nếu tâm chưa đạt hoặc không hề quan tâm đạt sự thành thực, thậm chí tâm lạnh lẽo, thờ ơ, buồn thiu, ích kỉ lại cố tình bỏ qua (chứ không phải không tự biết) không tu luyện tâm thì ôn hoà ‘mặt nạ’, cung cách ‘mặt nạ’ dù đúng phép ‘quốc tế’ cũng đâu che lâu được chân tướng!
Những suy ngẫm về rèn luyện, do vậy, tuyệt đối không theo hướng những‘xảo thuật bí truyền’ dù có ai đó ‘tuyên bố’ rằng nó đã tạo nên ‘thành công’ ở những nhân vật ‘thành đạt’ nào đó. Mà phải theo hướng rèn luyện từ gốc tức từ tâm hồn. Nhưng về hướng rộng lớn này thì chúng ta cũng sẽ chỉ mới có thể bàn hạn định trong một nội dung hạn hẹp nhất định, trong nội dung ‘để làm người’ thôi. Chỉ mới dám tập trung vào một góc nhỏ, vào các yếu tố phù hợp với đại đa số chúng ta mà thôi.
Cái ‘gốc tâm hồn’ để ‘làm người’ như mỗi chúng ta dần dà đã nghiệm thấy là quan trọng bậc nhất và có tính quyết định hạnh phúc. Nhưng rèn luyện nó đâu có dễ. Vì lẽ ‘làm người’ với nghĩa ‘người’ có tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lương tâm – quả thật rất khó, Khổng Tử cũng từng nói “vi nhân nan”
Không những khó, lại không có sẵn một mẫu tâm hồn duy nhất gọi là lí tưởng nhất, là tận thiện để chỉ cứ noi theo trong mọi trường hợp. Bởi vì cái tận thiện của mỗi người không ai giống ai cả: chính đó là cái phong phú tuyệt diệu của nhân loại.
Do đó mỗi người chúng ta, dù thấu đạt mọi nguyên lí rồi, vẫn cần thêm một nỗ lực bền bỉ – vạch riêng phần nội dung cụ thể phù hợp nhất cho bản thân mình.
Trong lúc hoạch định nội dung rèn luyện đó, ta chú ý tránh phiến diện, phải bao gồm cả phía vật chất và thân thể. Chúng ta biết tâm hồn (bên trong) và thân thể (bên ngoài) thống nhất làm một, tinh thần và vật chất làm một, cá nhân và xã hội làm một.
Mọi đổi mới đều phải bắt đầu từ tâm hồn vậy. Và cũng chỉ cái TÂM mình mới dạy được mình đổi mới vì:
“Không ai làm thầy mình
“tốt hơn là cái tâm của chính mình”
Câu nói nghe ‘rất hiện đại’ này là lời Trang Tử đã 24 thế ki!
Trên dặm trường tu luyện gốc tâm hồn ấy, ta dần LÀM CHỦ mỗi hành vi của bản thân, để rồi phần nào làm chủ (chí ít cũng ảnh hưởng đến) số phận mình. Và rốt cuộc lại, đích ở cuối chặng đường phải là tâm hồn thanh thản.
Công cuộc rèn luyện tu dưỡng từ gốc tâm hồn nhằm nâng cao tâm hồn để làm tròn chức năng làm người là một trong các việc quan trọng hàng đầu, mọi người đều muốn hiểu kỹ, và rất nên thực hiện liên tục suốt đời.
Như kinh nghiệm những người đi trước, đây là công việc tuy đòi hỏi nhiều cố gắng bền bỉ nghiêm túc, nhưng lại tạo ra nhiều hứng khởi. Vì lẽ tu dưỡng tâm hồn vừa là khoa học lại vừa là nghệ thuật nữa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ