“Nhiều người cho rằng quảng cáo truyền hình là quá nhiều, nhàm chán và không ai quan tâm. Đừng tin là không ai quan tâm đến quảng cáo truyền hình, đừng tin quảng cáo truyền hình toàn là nhàm chán.
Ít nhất là 4/10 người sẽ quan tâm và không thấy bị nhàm chán và 4/10 là rất nhiều. Thực tế chưa một kênh thông tin nào đạt được mức độ truyền thông tin nhanh, hiệu quả và lớn như truyền hình. Trước đây, đã có thời doanh nghiệp có thể vươn tới 90%, thậm chí 95% thị trường mục tiêu của mình chỉ thông qua quảng cáo truyền hình”.
Website của “Công ty quảng cáo báo chí truyền hình” đăng trên trang chủ của mình những thông tin trên đây, rút từ luận án của một nghiên cứu sinh có tên tuổi.
Và vì thế, như một phản ứng quay 180 độ của cái quy luật “hữu xạ tự nhiên hương” xưa cũ của ông bà ta, quảng cáo – xu thế tất yếu của thời đại, mạnh như sóng thần, dai như đỉa đã len lỏi vào bữa ăn, giấc ngủ, vào chuyện học hành, yêu đương, công việc… của từng gia đình, từng cá nhân. Uống sữa gì để học giỏi, dùng bột nêm gì để có thức ăn ngon, dùng nước súc miệng gì trước khi hẹn hò, đi xe gì mới ra người thành đạt, mắc bệnh nan y uống thuốc gì tức khắc khỏe như lực sĩ… Quảng cáo như một kẻ chỉ đường, dẫn dắt đời ta. Có cảm giác chỉ cần sống và làm việc theo quảng cáo là đã có thể khỏe mạnh, thành đạt, hạnh phúc(!).
Nhưng mặt khác, ai cũng biết, cũng kêu, cũng thất vọng, phẫn nộ vì thiếu văn hóa, thô lỗ, hay chí ít là thiếu tế nhị và sự lừa dối hào nhoáng của quảng cáo. Hằng ngày, một bà mẹ hoàn toàn có thể chết lặng khi đưa thuốc cho con uống thì cậu bé hỏi: “Uống thuốc một người khỏe, hai người vui phải không mẹ?”. Một vị phụ huynh khả kính phải chau mặt khi cô hoa hậu chỏng lỏn với mẹ người yêu: “À không, chỉ là dầu gội X…”. Một chị cán bộ phụ nữ đi vận động sinh đẻ kế hoạch phải bó tay cứng lưỡi khi gia chủ đuổi về vì “tivi quảng cáo nhà có ba con vẫn hạnh phúc kìa”!
Đó là chưa kể đến các quảng cáo bán hàng “một tấc đến trời” của những công ty lừa đảo đã bị dư luận lên án và cơ quan quản lý thị trường vào cuộc như Happy Shopping và Viethome Shopping.
Cục Quản lý phát thanh – truyền hình và thông tin điện tử cho biết đang tập hợp thông tin để xử lý các sai phạm về quảng cáo trên truyền hình. Nhưng với 267 kênh truyền hình trên cả nước tính đến tháng 6-2011, trong đó hầu hết phát 24/24 giờ, mà thời lượng quảng cáo cho phép là 7% giờ phát sóng thì lượng thông tin quảng cáo ngồn ngộn trên truyền hình mỗi ngày ai có thể kiểm soát nổi, nếu không phải là chính đơn vị sản xuất và nhà đài – đơn vị phát sóng? Và, với con số doanh thu 14.000 tỉ đồng/năm, liệu ai có đủ can đảm tự “vạch lá tìm sâu”?
Một clip quảng cáo phát trên truyền hình bị chi phối bởi quá nhiều luật: Luật doanh nghiệp, Luật quảng cáo, Luật báo chí… nhưng vẫn để lọt vô số rác rưởi. Vì luật nọ chồng chéo luật kia. Một quan chức Bộ TT-TT nói: “95% quảng cáo trên tivi và báo chí thuộc sự kiểm soát của Bộ TT-TT, 5% còn lại trên panô, apphich, tờ rơi… thuộc Bộ VH-TT&DL, nhưng Luật quảng cáo lại do Bộ VH-TT&DL soạn nên bất cập là phải”.
Quan chức Bộ VH-TT lại cho rằng: “Nhà đài cứ thấy không phản động, không bạo lực, không rượu, không thuốc lá là cho phát, thanh tra TT-TT cũng thấy thế là cho qua, những ý kiến của thanh tra văn hóa về thuần phong mỹ tục, về sự đại ngôn trong quảng cáo – vốn là ranh giới mong manh giữa quảng cáo và lừa đảo có mấy khi được ghi nhận và chấn chỉnh. Cũng tại người xem truyền hình nữa, kêu thì cứ kêu nhưng nghe, xem quảng cáo vẫn xem, người ta thấy rating cao người ta càng quảng cáo chứ sao”(!).
Vậy không lẽ, muốn không bị nghe nói dối, bị lừa mua hàng dỏm giá cao, bị xem những cảnh trái tai gai mắt trong bữa ăn gia đình, người xem chỉ còn cách duy nhất là… tắt tivi? Và chỉ đến khi đó, các nhà quảng cáo mới chịu hiểu ra rằng: khi người xem tivi cũng đồng thời là người tiêu dùng đã quay lưng thì sự lừa dối dù đã được tiếp tay, sẽ phải trả giá đắt thế nào.
THU HÀ
Nguồn: Tuổi trẻ