Xưa, thường nghe đến trên đời này có bốn loại sướng. Tứ sướng mà dân gian truyền tụng bao gồm: Ăn, ngủ, *** và… ỉa.
Mình không có chuyên môn về ba vấn đề kia, nhưng cũng va vấp ít nhiều về cái chuyện “Thực bất tri kỳ vị”. Lại nghe có câu “Dân dĩ thực vi tiên”, tức là chuyện ăn uống là quan trọng lắm lắm, trên hết thảy mọi thứ. Nhân ngày nhàn tháng rỗi, trong lòng có nhiều tâm sự, cũng muốn chia sẻ cùng bàn dân thiên hạ về cái chuyện Ăn.
Hỡi người trong mộng, anh chỉ mong có một ngày anh và em tay trong tay, vai kề vai, anh sẽ nhẹ nhàng, khẽ khàng và có thể là bẽ bàng nói nhỏ với em:
“Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn
Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon”
Con người từ thuở sơ khai đã tiến hóa qua nhiều giai đoạn, kèm theo đó là sự phát triển của cái sự Ăn. Người sang, kẻ hèn cũng từ cái cách Ăn uống mà quy ra. Mỹ miều thì “thiết đãi, dự tiệc, thưởng thức”; lịch sự lễ phép thì “dùng bữa, xơi”; bình dân thì “ăn, chiến, chén”; vua chúa thì “ngự thiện”, phàm phu thì “xài, đớp, hốc, xực, tọc, tống, dồn, nẫng, hốc, ngoạm, đợp, rỉa, mổ”. Tiếng Tây thì gọi là “Eat”, tiếng Oa thì gọi là “Tabemasu”, tiếng Tàu thì gọi là “Thực”… dù có muôn hình vạn trạng thế nào đi nữa, thì cái hành động chuyển giao thức mà chúng ta ăn được (thức ăn) vào trong bộ nhai để chuẩn bị đi xuống yết hầu, dạ dày, thực quản… đều cũng chỉ là Ăn.
Ăn cũng chỉ là bước đầu tiên của một quy trình trao đổi chất tuần hoàn. Tuy nhiên, nếu bỏ qua cái vòng tuần hoàn ấy mà rút gọn, mà giản lược hóa thì không còn gì là tinh túy, là hưởng thụ cả. Ai ai cũng nghĩ rằng cái việc Ăn nó luôn tồn tại và hiện hữu, là cái việc một ngày ta làm đôi ba chục lần thì làm gì mà phải để ý đến. Nhưng mấy ai hiểu được cái tinh túy, cái sâu xa tiềm ẩn trong đó. Duy chỉ có người nào biết cách ăn uống mới là đắc đạo cao nhân vậy. Kẻ sang không phải là do ăn ở nơi lầu son gác tía, kẻ hèn chẳng phải là ăn ở nơi lều tranh vách đất. Phân sang hèn, cao thấp chính là ở cách ăn mà ra. Ăn thì ai chẳng ăn, nhưng ăn có ngon không, ăn có sướng không? Ăn để mà nơm nớp lo sợ, ăn để mà mỡ bụng mỡ gan, để nay cái này co, mai cái kia thắt, ăn như trâu húc mả thì còn gì gọi là ăn.
Xét về mặt khoa học Kim-Cổ, Đông-Tây, Ăn là một công việc, tuy không cần phải lên lưu đồ cụ thể, nhưng cũng cần có những tiêu chí nhất định, ấy là cự li, tốc độ và tư thế…..
Về mặt Địa lý, Phong thủy học, các cụ đã dạy “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Cái hướng ngồi khi ăn hoàn toàn có thể chọn lọc và điều chỉnh được. Ăn không chỉ đơn thuần là nhai và nuốt. Nâng lên tầm giả dối của nghệ thuật, Ăn còn bao gồm là thưởng lãm “vị”, “ảnh” và “hương”.
Về mặt vị, đến lúc cho vào miệng đôi ba lần mới cảm được rõ nên sẽ nói sau. Còn về chuyện “ảnh” và “hương”, hoàn toàn có thể điều chỉnh được. Nên chọn hướng ngồi nào có thể chiêm ngưỡng được bàn ăn cho trọn vẹn nhất, cho hợp hướng sáng, hợp màu tường, màu quần áo mọi người xung quanh nhất. Nếu như ngồi ăn trên bàn xoay thì khỏi cần chú ý đến góc nhìn vì góc nào cũng vậy, chỉ cần để ý đến cách sắp đặt các đĩa thức ăn mà thôi.
Vậy còn chuyện “hương”? Tuyệt nhiên không ngồi trực diện hướng gió mà nên ngồi chệch đi một tẹo, vậy sẽ ngửi được mùi một cách trọn vẹn nhất, không sợ sốc mùi, không sợ no sớm, không sợ ám mùi. Nếu nhà dùng quạt trần thì cũng có thể bỏ qua yếu tố này, vì gió quạt trần rất khó đoán.
Về mặt Vật lý, Động lực học, cũng như tốc độ lái xe vậy, lái nhanh quá hay chậm quá đều tốn xăng, chỉ nên lái bình bình. Ăn có nhai, nói có nghĩ. Nhai kỹ là quay về với Thượng đế, là hòa mình với thiên nhiên, là người và cơm hợp nhất, là cảm nhận tinh tế những phản ứng đang diễn ra. Từng đợt, từng đợt dội lên nhau, điên cuồng mà êm dịu, toàn bộ các giác quan được huy động, không còn phân biệt não trái hay não phải, chỉ còn độ nhịp nhàng giữa hàm trên và hàm dưới, sự tinh tế giữa lưỡi và các tuyến nước bọt, sự co giãn của cơ vòm họng, yết hầu và cả cách mà hai cánh mũi nở căng để đón nhận những làn hương mới. Ôi thật tuyệt, thật tuyệt. Con người thì ăn chậm, nhai kỹ; con vật thì ăn nhanh, nuốt vội. Con người ăn ít nhưng để no lâu, con vật thì ăn nhiều, nhưng để chống đói.
Về mặt Y học, Thẩm mỹ học, phàm là con người khỏe mạnh bình thường thì cái dáng ăn cũng phản ánh sức khỏe và cả tính cách. Người khỏe mạnh thì ngồi ăn mà mặt mày tươi tỉnh, rạng rỡ. Kẻ ốm yếu thì ủ rũ, ê chề. Hai mạch Nhâm, Đốc cũng là mấu chốt cho việc ăn có ngon, uống có tuyệt hay không. Khi ta chỉ chăm chăm gắp thức ăn, tức là cơ thể ta bị lệch. Tuyệt đối kiêng kị chuyện nhồm người hoặc ngồi xổm vào giữa mâm cơm mà khiến cho kinh lạc bị o bế, trì trệ. Ngồi ăn phải ung dung thư thái, đĩnh đạc thong thả. Người quân tử biết cách phải điều hòa nhịp thở, ra vào đều đặn, gắp nhai nhịp nhàng, nuốt ngừng đúng lúc. Kẻ phàm phu chỉ biết hùng hục gắp khiến mồ hôi nhễ nhại, tổn hại thâm tâm. Ấy là chưa biết cách, chẳng những không no, không khoái mà còn bị người đời chê cười, đàm tiếu. Ăn một miếng, tiếng một đời là như vậy đấy, thế nên mới có câu: “Xem việc trong bếp, biết nết đàn bà”.
Về mặt Lịch sử, khảo cổ học, miếng ăn là miếng nhục. Nhưng ở một góc độ khác, miếng nhục cũng là một cục dinh dưỡng (Hán-Việt: nhục = thịt). Vậy, có những cái tưởng chừng bị người ta chê bai nhưng lại rất thiết yếu. Có những cái tưởng chừng là cao lương mỹ vị, nhưng lại chỉ là đồ bỏ đi. Truyện Trạng Quỳnh ngày xưa có nhắc đến “Món ăn mầm đá”, ấy là món chẳng thể ăn được, nhưng nhà Chúa vẫn nhắm mắt mà gặm, đó cũng là vì chữ Nhục. Vậy ngẫm ra, miếng ăn lại càng đúng là miếng nhục!
Về mặt Tâm linh học, để thần thánh hóa chuyện ăn uống, để đa dạng hóa các món ăn, ta hoàn toàn có thể khiến người khác cảm phục và vô hình chung, đẩy cái nhục sang cho họ. Tỉ dụ, bạn là người thích ăn kem, bạn luôn tâm niệm về kem ở trong đầu, và bạn có thể quy bất cứ thứ gì ra kem, ấy là bạn đã thần thánh hóa kem. Khi ăn thịt chó, bạn có thể cũng nghĩ tới kem. Một bát rượu mận rắc vừng rang ở trên khác nào một ly kem trải đầy si rô. Khi bạn cầm bánh đa quệt vào, khác nào khi đang ăn kem ốc quế! Tuy nóng lạnh, ngậy béo khác nhau, nhưng cũng đều tuyệt cả, đố đứa nào dám chửi, dám khinh!
Thêm nữa, về mặt Tâm lý học, buôn có bạn, bán có phường, ăn uống cũng vậy. Ăn một mình đau tức, chén một mình cực thân. Những kẻ ngồi ăn một mình rồi đi rêu rao chính là những kẻ đang cô đơn đến tột cùng, đang đau tức đến tột độ. Chả vậy mà trong giờ học tiếng Tàu, khi cô giáo hỏi một bạn: “Khi buồn em thường làm gì?”. Mình lại ngồi và buột miệng theo điệu nhạc: “Khi cô đơn, em thường ăn tiết canh…”. Ấy chính là lúc cô đơn, quạnh hiu lắm lắm!
Trên đây là một số quan điểm về sự ăn. Lúc này đây, ắt hẳn tự bạn đã biết việc quan trọng của việc ăn như thế nào, điều mà xưa nay ta vốn coi thường thì lại bao hàm mọi yếu tố tự nhiên của trời đất, của nhân sinh. Các bạn ạ, hạnh phúc thay cho những kẻ luôn luôn đói khát, bởi khi đói khát ta mới biết được niềm vui khi no đủ.
Tóm lại, ăn đúng sẽ suy nghĩ và hành động đúng, ăn một miếng tiếng một đời.