Câu hỏi đặt ra cũng rất tự nhiên, người ta quan sát và cảm nhận thấy cuộc sống cứ tuần hoàn: ăn, ngủ, làm việc….từ làm việc để rồi chủ yếu lại ăn ngủ, tình dục và sau khi “tái sản xuất con người” thì thế hệ mới lại tiếp tục những việc đó. Vậy đâu là cái đích của những quá trình tuần hoàn gần như vô tận ấy. Vả lại, nếu mỗi người cuối cùng cũng chết, vậy mọi sự tận hưởng hay nỗ lực làm việc cuối cùng cũng “về với cát bụi” thì xét cho đến “cùng” cuộc sống cũng không có ý nghĩa tối hậu.
Ngoài những tuần hoàn “tầm thường” như ăn ngủ bài tiết…. còn một số thú vui khác phát sinh để phục vụ cho đời sống tinh thần của con người như thể thao, âm nhạc, thơ ca, văn học, du lịch…. Nhưng rồi thì mọi thú vui cũng đi đến hồi chán. Vậy một cách hợp lô gic, người ta kết luận rằng không có hoạt động gì “thực sự ý nghĩa” theo cái kiểu “đem lại thỏa mãn tối thượng, vĩnh hằng”. Và rất có thể cái cốt lõi của đam mê mang tính tôn giáo chính là đi tìm cái sự thỏa mãn vĩnh hằng đó mà điển hình là đạt tới cõi Niết bàn của đạo Phật hay cõi thiên đường của Thiên chúa giáo…..
Tôi chưa hiểu mục đích của cuộc sống hay sự sống thực sự là gì? Nhưng tôi có cảm nhận rằng, chính bản thân sự sống và đặc biệt là sự sống có ý thức, bản thân nó là thiêng liêng rồi. Nghĩa là vũ trụ phải trải qua không biết bao nhiêu lâu mới xuất hiện một hành tinh xanh như trái đất và rồi lại trải qua biết bao nhiêu lâu nữa để hình thành nên những sự sống đầu tiên. Rồi lại rất lâu, rất lâu nữa mới tiến hóa đến những tổ chức phức tạp như cơ thể động vật và cuối cùng là con người họ biết tự ý thức về mình, tìm hiểu mọi thứ và ý nghĩa của mọi thứ thì thật là vô cùng kỳ diệu.
Do vậy, bạn hay tôi, hay bất cứ người nào khác bất kể ở địa vị xã hội nào hay mức độ thành công, bất kể ngoại hình ra sao, bất kể tốt hay xấu, đều có một sự thiêng liêng bẩm sinh, đó là: “sự sống” và ý thức. Đó là cái mà vũ trụ phải tiến hóa rất rất lâu mới đến được. Cái mà chúng ta được thừa hưởng như ngày hôm nay nhờ vào sự loại trừ cái không phù hợp của quy luật tự nhiên dưới sự đào thải của lịch sử nhân loại.
Đấy là cái ý nghĩa nội tại “bẩm sinh” của cuộc sống, sự sống mà tôi hiểu. Còn sự sống và ý thức này có còn phục vụ cho một mục đích hay ý nghĩa cao hơn nữa gì không (hay là không cuộc sống không có ý nghĩa cao hơn sự tồn tại của chính nó?); thì tôi cũng không rõ và cũng đang tìm hiểu và chiêm nghiệm (bằng mọi hoạt động có thể)… Xin đưa ra một số ý kiến về khái niệm sống để làm gì và xin được lắng nghe nhiều ý kiến các các bạn.
Sống để làm một điều gì đó lớn lao
“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay giả giả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho thỏa sức vẫy vùng trong bốn bể”
Nguyễn Công Trứ
Ngày xưa, các bậc anh hùng hào kiệt, chính nhân quân tử thường có ý nghĩ sống làm sao để được lưu danh vào sử sách, thật là có khí phách. Sử sách ngày xưa ghi cả công cả tội của con người và thường những người nằm trong danh sách đó phải là những nhà tư tưởng, nhà cải cách, bậc hiền sĩ, vị tướng tài ba hoặc những kẻ tội đồ không thể dung thứ…
Thời đại ngày nay thì sao? Sử sách không phải đã quá nhiều để mà không còn chỗ lưu danh các vị hào kiệt nhưng con người dường như không còn quan tâm tới việc để tiếng thơm hay tiếng xấu như thế nào nữa, con người thực dụng hơn, đặt các mục tiêu cụ thể (có thể cân đong đo đếm, sờ nắn được) để hướng tới mục đích của chính mình.
Thửa bé, mình cũng có nhiều hoài bão lắm, cứ nghĩ cố gắng học giỏi sau này sẽ có cơ hội làm người này người khác, giúp dân giúp nước. Đúng là trẻ con như tờ giấy trắng là vậy, cuộc sống cứ dần trôi và thực tế cứ hiển hiện một cách phũ phàng dạy mình hiểu “ Sống phải biết mình là ai? Vì vậy mà giờ ở cái tuổi 24 mình chỉ đơn giản nghĩ rằng sống đừng để sau này phải nuối tiếc những gì đã làm. Quỹ thời gian của chúng ta cứ sau một đêm ngủ dậy lại ít đi, như một nhà triết học đã từng nói:” Sống nghĩa là đang chết”. Vì thế mà hãy ngủ ít đi, ít say xỉn, quan tâm hơn tới Bố, Mẹ, Anh chị em, người thân và bạn bè của mình hơn trước.
Sống để trả nợ cho đời
Con người mới sinh ra đã nợ cha mẹ mình, rồi lớn lên, học tập lại có duyên với người này, có nợ với người kia. Âu cái duyên cái nợ cũng chỉ là một, cái duyên kiếp này là cái nợ kiếp sau, cái nợ của kiếp này âu cũng là do duyên từ kiếp trước vậy. Nhưng cái người mà ta nợ lớn nhất lại là chính ta, ta nợ ta của ngày hôm qua những giấc mơ đã không thể là hiện thực, ta nợ của ta của ngày mai những khát vọng đầy khó khăn.Vì vậy để khỏi mắc nợ “chồng chất”: việc ngày hôm nay đừng để ngày mai
Chân lý thật đơn giản, quen thuộc nhưng ta đã hiểu hết nó đâu.(Nói gì đến thực hiện)
Đời ta đã nợ thật nhiều: Cha mẹ ta chăm lo từng cốc nước, thầy cô đã dạy ta cần kiên nhẫn, can đảm.Ta nợ về một con người đã không còn sống để thực hiện một ước mơ, về một con người có thể sống mà thực hiện giấc mơ, ta nợ chính ta cũng một nỗi niềm tương tự thế.
Sống hết mình đừng để phải hối hận
“Cái quý nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận về những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình. Để đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ta có thể tự hào mà nói rằng: Cả đời ta, ta đã đấu tranh cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”
Con người sống để làm việc, sống trước tiên để học tập, lao động để nuôi sống chính bản thân mình trước đã rồi hãy nói đến việc nuôi gia đình, bố mẹ. Sống để thấy lòng mình được thanh thản là mục tiêu đầu tiên của bản thân, nhưng tôi nói thật, từ ngày bắt đầu biết nhận thức đến giờ, tôi chưa có 1 ngày được thanh thản. Vì nhiều những lý do khác nhau nhưng tôi vẫn phải sống, tự tìm lấy cho mình niềm vui, sự an ủi để sau này, khi trở về sau tôi sẽ cảm nhận được sự an nhàn, hạnh phúc
Đã có rất nhiều người, không chỉ riêng các bạn đang trong tâm trạng thất vọng chán chường, mà ngay cả lúc bình thường cũng có không ít bạn trẻ không thể trả lời câu hỏi mình sống để làm gì, mình muốn gì….
Có bạn trả lời ngắn gọn, chung chung: Thành công và hạnh phúc. Có bạn liệt kê hơn cả trang giấy với tất cả những đòi hỏi: từ tiền bạc, tài sản, sức khỏe, danh tiếng để thoải mái, sung sướng…. Có bạn trả lời theo kiểu cao thượng: Sống không nên tham lam và ích kỷ, sống để làm theo lý tưởng, sống để giúp đỡ người khác, muốn mang hạnh phúc đến cho mọi người v.v…
Thực ra khi hỏi câu hỏi này, không phải bạn không biết sống để làm gì hay đầu óc của bạn có vấn đề mà ngược lại. Con người dù có tiến xa đến đâu, cuộc sống muôn hình vạn trạng đến đâu thì con người vẫn còn nợ lại ba câu hỏi này:
– Con người sinh ra từ đâu?
– Sống để làm gì?
– Chết rồi thì đi đâu?
Có một nhà hiền triết trước công nguyên đã cho khắc lên mộ mình một câu: “Đây là nơi an nghỉ của một người mà không biết sống để làm gì”. Quả thật, tôi không biết con người trót được sinh ra và bị nhốt chung vào cái cuộc đời to lớn này để làm gì. Để được hưởng hạnh phúc trước lúc chết hay để chịu đau khổ mà chỉ có khi chết mới chấm dứt? Mà trong cuộc đời này, đau khổ đã luôn nhiều hơn hạnh phúc rồi”
Nói tóm lại sống để làm gì có thể nói đại khái như sau: Sống để chinh phục! – Sống để chia sẻ – Sống để trải nghiệm – Sống để hưởng thụ. Nhưng ta có đủ ý chí để chinh phục mãi sau những gì của sự thành công không? Có đủ cứng cáp khi không có ai cùng chia sẻ? Có đủ mạnh mẽ để đứng vững sau bao nhiêu trải nghiệm đắng cay?
Nhưng….
Nếu biết được ngày mai thì cuộc sống không còn là cuộc sống, nó cũng giống như khi bạn xem một bộ phim mà đã biết tất cả các tình tiết từ đầu chí cuối thì đâu cần tìm hiểu cuộc sống tương lai làm gì khi đang được lập trình. Đó là cuộc sống đó bạn à!. Không gì nhiều đơn giản và trực tiếp…cuộc sống vốn là cuộc sống. Và câu hỏi này từ mấy ngàn năm làm đau đầu các nhà triết học, tôn giáo và khoa học với ước mơ tìm một mục đích cho nhân loại và tạo dựng nên nền văn minh cho tương lai nhưng đến giờ vẫn chưa ai thống nhất cho một câu trả lời chính xác được mọi người công nhận cả.
Nếu các bạn còn ý nào khác thì hãy chia sẽ cùng tôi, biết đâu một ngày nào đó bạn tìm được câu trả lời, lúc đó bạn sẽ là người nổi tiếng nhất thế giới đó.
Nguồn: yume.vn