1. Con người đã đi được một chặng thật xa, từ cái ngày còn ở trong hang chỉ biết dùng mấy cục đá làm dụng cụ gọi là thời kỳ đồ đá; tới thời kỳ đồ đồng làm ra được cái rìu, nồi chảo, trống đồng khoảng 5 ngàn năm trước; rồi tới thời kỳ đồ sắt chế tạo được những vũ khí tân tiến vào khoảng 3 ngàn năm nay. Con người bắt đầu chỉ biết dùng lực của bắp thịt mà đi hái nhặt trái cây và săn bắn thú vật ngoài rừng. Rồi tiến dần sang canh nông và sống quần cư thành làng mạc. Nguồn năng lượng bây giờ đã vượt hơn bắp thịt thân xác mình tới năng lượng sinh vật như dùng mỡ thú vật để đốt, khai thác năng lượng của nước, gió, dầu, ánh sáng mặt trời, như những máy xay nước, máy xay gió, thuyền buồm…
Nền kỹ nghệ chỉ bắt đầu từ thế kỷ 18 kéo dài tới ngày nay với những phát minh tân tiến hơn về điện tử, nguyên tử, hóa năng, điện năng, vi tính, khoa học không gian và liên hành tinh, mạng lưới toàn cầu. Biên giới quốc gia càng ngày càng mờ nhạt. Bây giờ là thời kỳ của xe hơi, máy bay, phi thuyền, chạy bằng xăng, bằng điện, bằng nguyên tử. Bay được lên trời, bay tới mặt trăng thăm chị Hằng như Amstrong, bay đi hỏa tinh nhặt mấy cục đá về khảo cứu chơi.
Từ một ước mơ, từ một hình ảnh, con người đã có thể mọc cánh thành chiếc máy bay đầu tiên bằng cánh quạt bay được qua Đại Tây Dương. Quả là một mốc ghi lạ lùng. Máy bay dần dần rụng chong chóng đi để dùng sức đẩy thành phản lực. Cả một khối Boeing 747 hay Air Bus A-380 khổng lồ như vậy mà có thể rồ máy vươn vai mọc cánh phóng lên không trung một cách nhẹ nhàng như thế. Tuyệt quá.
2. Nhưng với bằng ấy nỗ lực, bằng ấy tiến bộ, con người vẫn cảm thấy mình như bị nhốt giam tù túng thế nào ấy. Lên được tới mặt trăng hay hỏa tinh, tưởng là giây phút vinh quang nhất thì con người lại thấy mình nhỏ bé nhất trước vũ trụ bao la kia với cả tỷ tỷ ngôi sao đang chuyển động theo nhịp theo điệu rất trật tự diệu kỳ. Trái đất này chỉ là một hành tinh nhỏ bé trong thái dương hệ, và so với vũ trụ thì chỉ là một chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, chưa kể tới biết bao giải ngân hà khác mà không thể nào biết được biên giới vũ trụ là đâu! Từ một hành tinh nào đó nhìn xuống trái đất, bao nhiêu chiếc xe hơi tưởng rằng le lói nhất cũng đang cố bò lệt bệt, bao nhiêu dinh thự chọc trời trở thành đồ chơi trẻ con, bao nhiêu phát minh kênh kiệu về trí lực con người, bao nhiêu cuộc tranh giành hơn kém thắng thua, bao nhiêu áp đặt chủ nghĩa đỉnh cao hay địa vị bền vững, bỗng trở thành trò lố bịch thật đáng tội nghiệp.
Và đến lúc người ta nói tới năng lượng của trí tuệ, của tâm linh. Giấc mơ mọc cánh lần này không chỉ là hai cánh máy bay hay phi thuyền. Đây là thời điểm cần phát minh ra loại phi thuyền có thể đi vào cõi tâm được: con người có thể mọc cánh bay lên vô hạn được, chứ không phải cứ mãi “ru rú xó bếp” như hiện nay. Điều này đã được các nhà tâm lý thời đại nhất là Karl Jung chứng nghiệm. Mike and Nancy Samuels trong cuốn Nhìn Bằng Con Mắt Của Tâm (Seeing with the Mind’s Eyes) đã chứng minh rằng văn minh nhân loại đang tiến tới hai chiều: “Đi ra không gian và đi vào cõi tâm. Đi ra thì dùng phi thuyền, đi vào thì phải nhờ hình ảnh”. (A Random House, trang 3)
Hình ảnh đây là ước mơ được vẽ ra trong mắt, là viễn kiến, là niềm tin tức là “cái thấy” thực sự về chính năng lực của mình. Niềm xác tín này đã ẩn hiện từ lâu trong nhiều truyền thống. Người Da Đỏ mỗi lần nhảy múa đều mặc áo lông chim, có ý muốn hóa thân mọc cánh như chim. Thực vậy, con người luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi từ thẳm sâu: Tôi là ai? Tôi đâu chỉ giới hạn trong cái túi thịt gọi là xác thân này, mà phải vươn lên được tới vô hạn. Qua mọi truyền thống, chim bay luôn là biểu tượng của con người thật, của hồn thiêng bất tử.
Con như cánh vạc bay
Vào không gian vô hạn
Lên tận cõi thinh không
Nơi Chúa ngự huy hoàng
(Tagore)
3. Truyện kể về một ông quan rất chịu chơi, tỏ ra tiến bộ hợp thời. Một hôm người ta dẫn đến nộp cho quan một tên ăn trộm vừa bắt được, bị cạo trọc đầu, quần áo tả tơi. Ông quan nhìn tên trộm thì nghĩ ngay: thằng này không đến nỗi tệ, mình có cách cải hóa nó. Thế là ông cho dọn một bữa nhậu và cho nó cùng ăn như đệ tử, chắc thế nào nó cũng cải tà qui chính.
Nhậu đến khuya thì ông quan say mèm. Tên trộm thấy cơ may hiếm có, bèn lấy dây trói ông quan lại, cạo trọc đầu, lột bộ áo quan và thay bộ áo rách của mình cho quan mặc, rồi bỏ đi mất.
Mãi gần sáng ông quan mới tỉnh dậy. Thấy người có vẻ khang khác, ông soi gương nhìn kỹ thì càng lấy làm lạ: đầu thì trọc, mà quần áo thì rách rưới, đúng cái tướng thằng trộm. Ông chợt lẩm bẩm: Ơ hay, thằng trộm thì còn ở đây, mà mình thì đi đâu mất rồi?!
4. Câu chuyện dí dỏm trên nói lên phần nào tâm trạng của mình lúc này. Từ ngày đổi đời lao mình vào xã hội mới, bao chuyện cười ra nước mắt! Nhiều lúc dừng chân tự hỏi không biết mình đang là ai và đang đi đâu trong cuộc sống này. Anh hùng tạo thời thế, nhưng nhiều khi thời thế lại đưa đẩy vùi dập anh hùng thấm mệt.
Mình có thể cũng giống như con chim Hải Âu tên là Lý Vinh Tân. Đó là tựa đề một cuốn truyện và cuốn băng hình của Richard Bach rất nổi tiếng với hình ảnh thật gợi cảm. Câu truyện diễn tả cuộc đời của một con chim hải âu có tên là Jonathan Livingston, tạm đọc là Lý Vinh Tân. Một buổi sáng tự nhiên nó cảm thấy buồn nôn. Mặt trời vừa mọc thì một ngày bận rộn khác trở lại với đàn hải âu. Lý Vinh Tân thức giấc vừa lúc những chiếc tầu đánh cá ngoài khơi vào bờ. Những ngư phủ hân hoan thu nhặt những con tôm tươi đem bán lấy tiền, còn những con cá thối được vất xuống bãi. Thế là đàn hải âu hồ hởi tranh giành cắn cấu nhau để lấy phần cho một bữa ăn sáng thịnh soạn.
Cứ thế ngày này qua ngày khác. Một ngày như mọi ngày. Lý Vinh Tân rùng mình tự hỏi đời sống sinh ra chỉ có vậy thôi à? Suốt ngày chỉ còn biết nghĩ đến chuyện tranh nhau mấy con mồi thối, ganh nhau từng tiếng gáy, chèn nhau từng chỗ đứng cao thấp, thì khá thế nào được. Phải có gì hơn thế chứ!
Kể từ hôm đó, Lý Vinh Tân tập bay lên miền núi. Lúc đầu thật khó khăn, té lên té xuống. Bầy hải âu thì chế nhạo mỉa mai, đôi khi hè nhau tấn công. Lý Vinh Tân kiên trì nhắm đích. Rồi một ngày nó đã có thể tung cánh bay cao trên đầu đàn hải âu vẫn tiếp tục tranh bữa ăn sáng sà sà ở bãi biển.
Lý Vinh Tân đã tìm ra ý nghĩa đời sống, đã tìm ra phẩm giá của mình khi nhận ra mình là ai, nên đã có thể bay cao.
5. Cuộc khủng hoảng của con người ngày nay được các nhà tâm lý xã hội phân tích và kết luận đó là cuộc khủng hoảng về căn tính (identity crisis): không biết mình là ai nữa! Nói khác hơn, là không nhận ra con người thật của mình, không có một khuôn mẫu nào để mà rèn luyện, không có một lý tưởng nào mà vươn lên. Một lúc nào đó, mình thấy mình như những tên bù nhìn bị bịt mắt dẫn vào những chủ thuyết, trở thành những cái nút bấm tự động phản ứng vô kiều kiện theo bản năng như đàn hải âu, do những tay tài phiệt dẫn dụ. Đã đến lúc mình nhìn ra có cái gì cao hơn, vượt lên khỏi những bon chen vật chất thường ngày, vượt lên khỏi cái hộp đã được tạo sẵn để nhốt giam mình.
Vậy thì giải pháp cho những khủng căn tính của con người ngày nay là làm sao tìm lại được phẩm giá con người thật của mình. Nếu chỉ nghĩ mình là con vật kinh tế hay con khỉ tiến hóa biết mặc quần “din” uống coca và chạy xe hơi, thì cũng chẳng hơn đàn khỉ trong rừng bao xa. Cuộc sống đầy lam lũ vật lộn: Đi làm lụng tối ngày về nhà lại lo ăn và ngủ để lấy sức đi cày tiếp ngày hôm sau. Rồi già đi lúc nào không biết. Rồi cũng lăn ra chết. Cuộc sống chỉ có thế thôi sao?!
Nguồn: violet.vn
Tầm mắt
1. Người Ấn Độ thường chấm một điểm trên trán giữa hai con mắt để diễn tả con mắt thứ ba, là thần nhãn, thấy được những gì mà hai con mắt thịt vẫn nhìn mà không thấy.
Hồi còn là sinh viên, trong lớp tôi cũng có mấy anh bạn người Ấn. Có lần tôi đã trót dại đi nhạo báng mấy tên này vì cái trò ăn bằng tay có vẻ mất vệ sinh, nhất là khi ăn cà ri thì nhoe nhoét quá chừng. Tôi khơi mào bằng chuyện “bước tiến hóa tất yếu của lịch sử” văn minh loài người, rằng cứ xem cách ăn thì biết một sắc dân đã văn minh tới cỡ nào. Này nhé: ăn bằng cả mười ngón tay là thuộc thời còn trong hang hốc rừng rú; người da trắng văn minh hơn một tí thì đã biết mặc quần áo và ăn bằng xiên tức là bốn ngón; còn người Việt thì chỉ dùng có hai ngón mà thôi, tức là dùng đũa. Văn minh chưa?
Nghe tôi cười nhạo như vậy mà tên người Ấn không tỏ dấu tức giận gì, nhưng cứ bình tĩnh đợi cho tôi nói cho đã rồi mới từ từ nói lại: “Này bạn, khi ba mình trao cho mình một món quà, thì bạn lấy hai cái gậy mà khều hay lấy bốn cái que mà chọc? Tôi thì tôi chẳng dám thế. Tôi sẽ cung kính giơ hai bàn tay ra mà lãnh nhận với lòng biết ơn. Người Ấn chúng tôi thấy mọi sự đều là ơn Trời ban: từng hơi thở, từng miếng ăn, từng ngụm nước, từng hạt cơm. Ăn cũng là một nghi thức đấy.”
Đang hí hửng đắc thắng, tôi im bặt ngay, thấy thẹn trong người. Phục tên này quá sức. Đúng là họ có con mắt thứ ba vẽ tượng trưng ở trán. Chẳng lạ gì nhiều nhà khảo cứu đã từng nói tới hạch tuyến Pituitary và Pineal ở chính điểm trên.
2. Một con kiến đang bò trên mặt một tờ giấy, ra sức bò từ đầu này sang đầu kia. Một người đứng quan sát nó bò như vậy vừa tới đầu bên kia thì liền nẩy ra ý vui vui là gấp tờ giấy lại cho đầu và cuối trang giấy giáp vào nhau. Con kiến lấy làm lạ là nó bỗng gặp lại chỗ nó đã khởi hành mà không hiểu tại sao.
Đối với con kiến thì thế giới của nó là cái mặt phẳng hai chiều: chiều ngang và chiều dọc. Nó không thể hiểu và thấy được chiều kích thứ ba gọi là hình học không gian: chiều đứng. Đối với nó thì “thế gian” chỉ vỏn vẹn trong tầm mắt trên tờ giấy. Nếu có người bỏ một miếng mỡ nhỏ vào trên mặt giấy thì nó khoái trá mò đến kiếm ăn khen ngon rốt rít, nhưng nó không thể hiểu miếng mỡ từ đâu tới. Đối với nó, việc miếng mỡ “hiện ra” trên mặt giấy là một phép lạ.
Chúng ta vẫn thường nói: Mặt trời mọc và mặt trời lặn. Sự thật có phải vậy đâu. Nói như thế cũng giống như con ếch ngồi đáy giếng bảo trời đất chỉ bằng cái vòng tròn trên miệng giếng kia. Cho đến thời Isaac Newton bỗng thấy một sự thật khác qua chuyện nhìn trái táo rụng mà “thấy” được, phát minh ra định luật về trọng lực.
Quả thực, Newton và Descartes đã ghi mốc cho một nền văn minh gọi là khoa học kỹ thuật từ Âu Châu tiến đến tột đỉnh ở Mỹ như ngày nay. Sự vật được nhìn như những “thực thể” hoàn toàn vật chất tách rời biệt lập, để được đo lường cân lượng, để trở thành những kết luận, những định luật, định lý.
Cái nhìn và cái thấy mới, được gọi là “văn minh” này, có thể diễn tã đơn giản là con kiến trước đây chỉ biết bò trên mặt phẳng, bây giờ biết bò trong một cái hộp vuông có chiều đứng. Nó bèn vênh mặt lên tự hào đã bá chủ được “vũ trụ.” Cho đến một hôm nó cố gắng mò mẫm bò lên được mặt trăng, chưa kịp gáy để khoe mẽ thì bỗng dưng cụt hứng khi nhìn về trái đất và thấy một sự thật khác: tất cả những đo lường, những dinh thự chọc trời, những bon chen ở dưới kia sao mà nhỏ bé li ti một cách tội nghiệp đến thế! Rồi nhìn ra chung quanh: vũ trụ bao la với triệu thái dương hệ, có những ngôi sao vừa ra đời, có những ngôi sao đang bay vào hố đen thăm thẳm gọi là “black hole.” Con người bằng ấy năm “văn minh” mà sao lệt bệt quá vậy? Cứ tưởng tượng xem: văn minh gì mà cứ phải bò lết trên mặt đường bằng những phương tiện mà loài người gọi là xe hơi, dù là xe láng hay xe sắp ra nghĩa địa. Và mọi đo lường, mọi giá trị vẫn tự hào xưa nay bỗng dưng thay đổi chiều kích.
Mà cả trái đất cũng là một phi thuyền đang bay vào khoảng trống vô biên. Một đời người sống hai chục năm hay tám mươi tuổi nhìn lại cũng chỉ là một khoảnh khắc hết sức tương đối. Ôn lại lịch sử con người từ cái ngày còn ở trong hốc đá cho đến khi biết mặc quần jean, mấy ngàn năm tưởng như một nháy mắt. Con người đã bước vào một thiên niên kỷ mới, khởi đầu một vòng xoay của trái đất như một chấm nhỏ li ti trong giải ngân hà, những sinh vật gọi là loài người ngồi tính sổ, rốt cuộc rồi cũng thấy mọi thành quả đỉnh cao, mọi tiến bộ tất yếu chỉ là chuyện nhảm nhí. “Con kiến” mang mặt người như vừa thức tỉnh vượt lên khỏi cảnh “ếch ngồi đáy giếng” với một cái nhìn mới trong một chiều kích mới.
3. Nhiều người vẫn có cảm tưởng mình bị nhốt giam tù túng trong một cái bị thịt, con mắt không sao mà nhìn cao và xa hơn được. Ngay cả về thể lý,con mắt mình chắc chắn là không sáng bằng đôi mắt chim cú, không tinh và đầy quyền năng như con rắn nhìn chú gà con, không đơn thành trong sạch bằng đôi mắt bồ câu, không nhìn xa được bằng mắt chim phượng. Người ta đã từng khám phá ra mắt con ruồi có tới ba ngàn lăng kính, chính xác hơn ống kính nổi tiếng nhất thế giới ngày nay như Zeiss, Leica… Người ta vẫn đổ tội cho ông A-đam và E-và tham ăn tham uống mà con mắt thứ ba là hạch tuyến Pituitary và Pineal bị vít lại, nên hóa ra mù tối mất đi chất trong sáng nguyên thủy.
Nhưng thực ra thì những chuyện lắng lo lẩm cẩm hằng ngày của mỗi người bây giờ càng ngày càng che lấp tầm mắt chẳng còn có thể nhìn thấy gì xa hơn nữa. Cộng thêm vào đó là những ham hố, những tham vọng, những bon chen, khiến cho con mắt càng bị che phủ mờ mịt đi. Nhìn lên chỉ thấy ganh tị chưa bằng người; nhìn xuống chỉ thấy những vênh mặt tự đắc tưởng rằng đỉnh cao; nhìn gần chỉ toàn thấy những giấy đòi nợ và những bon chen hơn thiệt triền miên, đau khổ vật vã với những giằng co đi vào đường cùng. Đúng là quẩn quá! Đến một khoảnh khắc sực tỉnh mình bỗng thấy tầm mắt mở rộng, thoát ra khỏi những chặn vít thường ngày:
Con mắt nhìn lên trời cao xanh ngát
Con mắt nhìn xuống biển rộng bao la
Con mắt nhìn gần quên điều nhỏ nhặt
Con mắt nhìn xa chợt thấy quê nhà.
(thơ Nguyễn Khánh Hòa, New Orleans )