Để sản phẩm đến với người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng tung ra những quảng cáo gây sốc đôi khi đã vi phạm tới nguyên tắc đạo đức.
Sự lôi cuốn kỳ diệu
Có những quảng lôi cuốn và hấp dẫn bởi sự hài hước. Khán giả khó có thể quên anh chàng vì thích bia Heineken mà chịu lạnh cóng tay trong thùng đá với nhiều loại nước uống khác nhau để chọn bằng được loại bia mình thích.
Trong một quảng cáo khác, một cô gái cố với hai chai bia Heineken cuối cùng trên giá bán hàng của siêu thị, thì bất ngờ một anh chàng đẹp trai xuất hiện. Hai người nhìn nhau âu yếm khiến cô gái lầm tưởng anh chàng này sẽ ga lăng giúp mình, nhưng chàng trai đã dành hai chai bia cuối cùng hết sức ngọt ngào trước sự ngỡ ngàng của cô gái. Không cần diễn giải rườm rà bởi câu từ, hình ảnh hài hước của nhân vật chính trong quảng cáo này khiến khán giả cảm thấy thích thú. Cùng với giai điệu nhạc hài hước và câu slogan quen thuộc Chỉ có thể là Heileken.
Bên cạnh đó, cũng có những phim quảng cáo biết “đánh” vào sự hướng thiện của con người, làm khán giả không quên. Chẳng hạn như đoạn phim quảng cáo bột giặt OMO đã tác động vào tâm lý của người xem qua những câu chuyện đầy tính nhân văn. Nhân vật chính trong đoạn phim này là những diễn viên nhỏ tuổi, được sống trong môi trường giáo dục tốt, biết sống quan tâm, yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh. Các em làm những việc nhỏ như nhặt chiếc vỏ chuối để người đi đường không bị ngã, giúp người lớn đẩy xe chở đồ nặng, hay giúp bố mẹ chăm sóc vườn mai nở hoa đúng dịp tết… đã mang đến người xem những thông điệp ý nghĩa như: Trẻ học điều hay, ngại gì vết bẩn; Hãy để trẻ tự do sống với tuổi thơ; Tết làm điều hay, vận may nhân khắp; Trẻ học cảm ơn, cành vươn lộc tết… Việc sử dụng hình ảnh biểu cảm, chân thành khiến khán giả như được sống, trò chuyện cùng quảng cáo và tin tưởng vào sản phẩm.
Gượng ép và tẻ nhạt
Tuy nhiên, những quảng cáo vừa hấp dẫn về hình ảnh, âm thanh và thông điệp truyền tải như trên không nhiều. Trên truyền hình hiện này vẫn còn rất nhiều quảng cáo nhạt nhẽo, gượng ép, thậm chí sai sự thật, gây phản cảm cho người xem.
Trước chương trình thời sự Chào buổi sáng trên kênh VTV1, khán giả thường bị “ép thưởng thức” những quảng cáo thuốc ho, thuốc đại tràng, thuốc chữa bệnh trĩ… Với mô tuýp quen thuộc, nhân vật chính của những đoạn quảng cáo này xuất hiện trong trạng thái ốm yếu, đau đớn, mặt nhăn nhó khó chịu. Lời thoại quá ôm đồm với những triệu trứng của căn bệnh và trình bày một loạt công dụng “thần kỳ” của sản phẩm. Khán giả như bị nhồi nhét bởi một mớ ngôn từ hỗn độn đọc nhanh đến mức không kịp ghi nhớ. Lời thoại trong quảng cáo sản phẩm Nam thận bảo làm nhiều khán giả khó chịu bởi sự liệt kê quá dài dòng những biểu hiện của bệnh: “Thận hư gây đau lưng, tiểu tiện nhiều lần, sinh lý yếu đã có Nam thận bảo. Nam thận bảo, bổ thận nam. Một người khỏe, hai người vui!”. Bên cạnh đó, hình ảnh người phụ nữ đứng tuổi cười khành khạch cùng nam diễn viên chính hét lên câu “Một người khỏe, hai người vui!” bị phê bình là… thô.
Về sự đơn điệu, nhàm chán của hình ảnh và câu từ trong quảng cáo có thể nói thêm tới một số phim quảng cáo nước giải khát và mỹ phẩm. “…Uống rượu bia nhiều, nóng trong người. Chơi khuya tiệc tùng thâu đêm, nóng trong người… Nóng trong người uống trà Dr.Thanh, uống trà thảo mộc Dr.Thanh…”. Chưa nói tới tính nghệ thuật trong giai điệu của những câu hát, ngay ở phần nội dung đoạn quảng cáo có nhiều điều đáng bàn. Cứ cho rằng trà thảo mộc Dr.Thanh có tác dụng giải nhiệt, tốt cho sức khỏe, nhưng ca từ trong quảng cáo làm người xem hiểu rằng họ đang tung hô, cổ súy cho việc uống rượu bia, tiệc tùng thâu đêm.
Các quảng cáo lăn khử mùi, trắng da với sự xuất hiện của các nữ diễn viên đều ở trạng thái giơ tay lên cao, trên xe bus, gặp gỡ bạn bè, cửa hàng, siêu thị… cũng rất đáng bàn. Khán giả muốn cười cho sự gượng ép đến ngô nghê của diễn viên trong phim, khi cô cứ giơ cao tít ngay khi mang cả núi đồ. “Thứ hai xinh xắn áo dây, thứ tư áo thun lôi cuốn, tự tin với áo vai trần mỗi ngày…thứ bảy mình diện đầm dây quyến rũ…”. Và tuyên ngôn của cô gái là Vì đẹp là tự tin. Phải chăng, đẹp, tự tin là phải giơ tay mọi lúc?
Nhà sản xuất nói gì?
Quảng cáo hấp dẫn khán giả bởi hình ảnh đẹp, xuyên suốt, có yếu tố hài hước hoặc nhân văn và slogan hấp dẫn chưa phải là tất cả. Một quảng cáo thành công theo đánh giá của nhà sản xuất bao gồm hai yếu tố: hay và bán được hàng. “Nếu chỉ hay mà không tác động tới hành động của người tiêu dùng, cũng coi như quảng cáo thất bại”, một nhà sản xuất quảng cáo chuyên nghiệp chia sẻ.
Chính vì thế, phía nhà sản xuất lý giải, nếu quảng cáo không mang tính cưỡng ép mạnh tới người tiêu dùng họ sẽ không lựa chọn sản phẩm. Có thể lấy ví dụ trong quảng cáo thuốc, để tác động tới tâm lý người tiêu dùng, nhà sản xuất quảng cáo đã tìm hậu quả của tiểu đường ảnh hưởng tới thận, mờ mắt, chân run, suy gan… khiến họ sợ và phải quyết định mua thuốc. Hay như trong quảng cáo thuốc Nam thận bảo, thuốc chữa bệnh trĩ… với những người bình thường có thể bị coi là phản cảm, nhưng với những người mắc bệnh, họ sẽ “dính đòn” tâm lý và sẽ tìm mua sản phẩm.
Có được phim quảng cáo hay, ý nghĩa và để lại dấu ấn trong lòng độc giả vẫn luôn là thử thách với những người làm quảng cáo. Nhưng thiết nghĩ, mỗi nhà quảng cáo nên lưu ý tới văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước để sử dụng ngôn từ và hình ảnh ấn tượng tốt với khán giả.
Theo Đất Việt
Xem thêm: Khi quảng cáo “nổ” là chính