Một nghiên cứu cấp bộ về diện mạo đạo đức của sinh viên trong một số trường Đại Học TP HCM do TS Huỳnh Ngọc Sơn và cộng sự vừa công bố, cho biết “có đến 41% sinh viên đồng ý không nhất thiết phải sống cao thượng vì đôi khi cao thượng lại là mù quáng, 36% đồng ý làm việc theo lương tâm sẽ bị thua thiệt”. Chắc chắn lối sống đó không chỉ trong sinh viên các trường ĐH của TP HCM. Một sự thật khó nuốt nhưng lại là sự thật.
Phải chăng chủ nghĩa lãng mạn đã chết? Phải chăng, sau nhiều thế hệ được dạy dỗ phải khắt khe lên án lối sống thực dụng, lớp trẻ chúng ta đang trả lại bài cho thầy, bước theo vết xe đổ vì không muốn thua thiệt trong cuộc sống?
Khái niệm “sống cao thượng” không chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn mà còn là bản chất của con người, hình thành khi con người trở thành người và được nuôi dưỡng cùng với tiến bộ của nền văn minh hiện đại. Vì từ rất sớm, con người đã hiểu ra rằng, muốn tồn tại trước những đe dọa ghê gớm của thiên nhiên và sự tha hóa thường trực trong xã hội loài người, con người phải tự vệ bằng cách xiết chặt lại với nhau. Chất kết dính cơ bản nhất không phải là quyền lợi mà là đạo đức (thời đức trị) và pháp luật (thời pháp quyền). Một xã hội nghèo, lạc hậu có thể bảo nhau “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, ràng buộc lỏng lẻo và thiếu cơ chế dân chủ nên làm người ta dễ dàng qua mặt đạo đức để thực thi đạo đức giả, nói không làm, trăm voi không bát xáo. Nhưng một xã hội dân chủ, văn minh thì những tiêu chí đạo đức cơ bản ấy được biến thành luật. Đạo đức không có bộ mặt Phật mà là mặt sắt đen sì của Bao Công, xem ra có thể hiệu quả hơn. Xã hội pháp quyền làm con người biết sống cao thượng, cái cao thượng bền vững hơn nhiều lần một xã hội đạo đức giả.
Ở nước ta người ta vẫn lên án là vô đạo đức những kẻ bỏ mặc người gặp nạn mà không cứu, dửng dưng với người nghèo, bạo hành với trẻ em, phụ nữ, gian lận trong thi cử, làm ăn, đối xử tàn tệ với người làm hay vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Nhưng trong một xã hội pháp quyền thì những hành động thiếu cao thượng ấy sẽ bị trừng trị nghiêm khắc theo pháp luật. Ví như để san bớt cái hố giàu nghèo, mọi người dân nghiêm chỉnh đóng thuế, hệ thống bảo hiểm hoạt động hoàn hảo v.v. Singapor phạt đến ngàn đô la một người đái bậy. Và nếp sống cao thượng đã trở thành văn hóa, không chỉ theo thói quen mà còn bắt buộc với tất cả mọi người.
Gần một nửa số sinh viên nghĩ “không nhất thiết phải sống cao thượng” làm ta sửng sốt nhưng hãy bình tĩnh trước khi kêu to về suy thoái đạo đức trong lớp trẻ. Hãy tìm nguyên nhân ở nếp sống giả dối, pháp luật thiếu nghiêm minh, nhất là phương pháp chọn “người hiền tài”, ở nền giáo dục còn quá nhiều vấn nạn.
Dù vậy, khi chờ đợi một xã hội pháp quyền hoàn chỉnh, con người cũng như lớp trẻ cũng không thể lơ là với những tiêu chí đạo đức cổ truyền gắn liền với bản sắc nhân bản của một dân tộc có truyền thống hy sinh và cao thượng như dân tộc ta. Còn gì cao thượng cao cả hơn truyền thống xả thân vì dân vì nước, vì độc lập tự do, vì sự trường tồn của dân tộc?
Xin trích dẫn một câu nói của Montesquieu, một triết gia của thế kỷ Ánh Sáng: “ Nếu có điều gì đó có ích cho tôi nhưng có hại cho gia đình tôi, tôi sẽ đuổi nó ra khỏi ý nghĩ. Nếu tôi biết có điều gì đó có ích cho gia đình tôi và không có ích cho tổ quốc tôi, tôi sẽ tìm cách quên nó đi. Nếu tôi biết có điều gì đó có ích cho tổ quốc tôi nhưng có hại cho loài người, tôi sẽ coi đó là một tội ác”. Sống cao thượng có thể thua thiệt, nhưng không thể sống mà không cao thượng là vậy đó!
Nguyễn Quang Thân