TE1BBB1hiE1BB83umC3ACnhsBlog Tuhieuminh.blogspot.com ChE1BBA3tnghC4A9C491E1BABFncC3A1isE1BBB1giC3A0unghC3A8o
Tôi lại nghĩ về cả cuộc đời, cả kiếp người mà trong đó cái sự giàu nghèo, sướng khổ, vui buồn thường dính liền, đi đôi với nhau như một lý do tồn tại, một cảm hứng trung tâm, một tọa độ xuyên suốt dù có cố vẫy vùng thoát ra cũng không được. Âu đó cũng là căn bệnh ưa triết lý, ưa dông dài lắm chuyện một khi con người đã chớm bước vào tuổi già.
Ông bà có câu: “Nghèo mất vợ, giàu mất chồng” ngẫm ra thật đúng trong mọi hoàn cảnh, trong mọi quốc gia vì chưng nó là bản chất của loài, của thuộc tính bất di bất dịch trong xã hội loài người. Nghèo dễ sinh ra suy bì, so sánh. So rằng tại sao nhà người ta cũng vợ cũng chồng, cũng con cũng cái, cũng công lên việc xuống nọ kia, cũng đàn ông sức dài vai rộng mà sao họ lại sướng thế? Nhà cửa khang trang, tiền tiêu không hết, hễ bước chân ra đường là đều được những con mắt nhìn theo them thuồng, kính trọng. So bì mãi thành ám ảnh, thành cục u, lại thêm có chút nhan sắc trời cho, thế là một ngày bỗng bước ra khỏi ngôi nhà thanh bần có người chồng “Vô tích sự” của mình để gá bạc cuộc đời vào một gã đàn ông thơm phức mùi nước hoa đắt tiền có cái nhìn như muốn bứt tung khuy áo ngực kẻ khác giới. Đấy là nghèo.
Còn giàu thì sao? Cái này lại thuộc về phía anh chồng. Đàn ông giàu có, bất biết vì lý do gì, kể cả lý do may rủi hay bất minh, lại thường tìm cách giải ngân vào các cô gái trẻ mỡ màng, non búng. Giải mãi thành quen, thành bản chất, thành ghiền. Để rồi bao nhiêu của cải đều đem dồn hết vào cái tấm thân nóng hổi không có đáy kia mà quên béng đi cái hình bóng một thời quá đỗi thân thương của vợ con. Thế là tan nát, là chia tay, là bị xa lìa luôn cả cái đám chân dài mỹ nữ kia một khi họ bỗng nhận ra giá trị thật của anh chả còn gì ngoài tiếng đếm tiền xột xoạt mỗi khi chăn gối xong.
Lại có câu: “Nghèo thì hèn, giàu còn hèn hơn”. Câu này hình như là của tôi, kẻ viết những dòng này, một câu có thể tạm gọi là gan ruột được chiết ra từ chính cuộc sống đã bươn chải qua bao thăng trầm đến tê tái, đến toát mồ hôi và có đận đến trào nước mắt.
Nghèo thì hèn, cái đó quá rõ rồi. Vào cái thời bao cấp ảm đạm đìu hiu ấy, cuộc sống cứ như con chuột ngày, lương chưa tiêu đã hết, quân phục lĩnh về chưa kịp đưa lên mũi xem cái mùi hồ nó thơm ngái ra sao đã vội lén mang ra chợ bán tháo để kiếm vài đồng cắc mang về mua sữa cho con, lén mang cả khay đá ra quán giải khát vào cái giờ chập choạng không ai nhìn thấy để đỡ nhục, cái thời mà nhân cách đã biến thành những hòn gạch vỡ giãy đành đạch trong sự xếp hàng từ lúc nửa đêm để mong mua được ít mỡ, ít dầu, cái thời mà đêm tân hôn trong cơn hứng khoái chẳng may người vợ quờ tay đánh vỡ một cái phích Rạng Đông trị giá chỉ có 18 đồng là sáng mai có thể đưa đến một sự ly dị không cưỡng nổi, cái thời mà… Mà thôi, có thống kê ra thì phải mất vài ngàn trang giấy cũng không nói hết được cái sự nghèo hèn khốn khổ ấy. Hèn trong cuộc sống, trong tư duy, trong mọi ứng xử và hèn ngay trong cả từng con chữ viết ra.
Nhưng bỗng một ngày phát giàu phát lộc thì sao? Khổ rồi! Không biết tiêu đồng tiền, không biết làm chủ đồng tiền, mà lại muốn lờ lãi sinh sôi ào ạt chứ không thể để nó chết khô, thiu thối trong ngân hàng, thế là a dua theo thời thượng cũng lùng sục đi mua đất làm trang trại, mua đất mua nhà để đó chờ giá lên theo con thủy triều bất động sản, chưa hết, lại mụ mị tham gia vào cả thị trường chứng khoán trong khi ngay hai chữ chứng khoán cũng chả biết nó là cái nghĩa gì. Cũng thế là, đáng ra sáng sáng thanh nhàn ra bờ hồ làm mấy động tác vẫy tay, tối tối ngồi vào bàn suy tưởng mênh mông chữ nghĩa nọ kia thì lại suốt ngày chúi mặt vào báo, vào mạng, vào sàn giao dịch để lo lắng, để hồi hộp, để càu nhàu cáu kỉnh và để khổ đau, tuyệt vọng theo từng con số xuống, lên. Người bỗng hèn đi, mắt cạn cợt, đầu óc hoang hóa, ngay cái cười, cái nói cũng dáo dác như cái đứa đi buôn bạc giả. Vậy thì còn lòng dạ đâu mà để tâm đến những điều thanh cao, sâu thẳm nữa. Hiểm họa mất hồn, mất bản ngã, mất nghề đã trở nên nhỡn tiền mà dầu có cố gượng lấy lại cũng đã muộn.
Thì ra sống nhàn tâm, sống đủ là tốt nhất. Nhưng thế nào là đủ? Định nghĩa thì vô vàn, và mỗi thời, mỗi quốc gia, mỗi người lại có một định nghĩa khác nhưng có lẽ nó chỉ bao hàm một điều nôm na, đơn giản thế này. Một buổi sáng ngủ dậy, người ngợm còn đang mệt mỏi ứ hừ, bỗng thấy một cái thiếp mời cưới trị giá 300 ngàn đồng, 500 ngàn đồng nhét qua khe cửa, cầm lên không cần đọc kỹ, nhếch mép cười, chuyện nhỏ, chuyện vặt thì thế là đủ. Còn cầm lên, dụi mắt, đeo mục kỉnh hai tròng vào rồi cấm cảu như giẫm phải phân mèo: “Mẹ! Thằng nào ấy nhỉ? Mình có quen nó không nhỉ? Cái tên sao lạ ngoắc mà lại mời mọc thế này? Lại mất cha nó một phần mười tháng lương hưu rồi” thế là chưa đủ. Nghèo thì khổ mà giàu còn khổ hơn. Sống đủ, sống không phải ăn đong bữa nay lo bữa mai, sống nhàn tâm giữa cuộc đời, giữa con cháu, giữa cộng đồng xôn xao là sướng nhất. Cái chân lý muôn đời đó vậy mà không phải ai cũng giữ được. Không hiếm người cuộc sống đã đủ đầy mọi sự vung vinh tiền bạc, quyền chức, danh vọng nhưng suốt cả cuộc đời vẫn cúi mình làm nô lệ cho lòng tham và đến chót đời vẫn bị lòng tham đó hành hạ như nghiệp chướng, như định mệnh để rồi dẫn đến một cái kết tan cửa nát nhà, con cái hư hỏng, bản thân vướng vòng lao lý.
“Tất cả đều ở ngoài ta, chỉ có sức khỏe mới ở trong ta, của ta” Câu nói tưởng như quá giản đơn ai cũng biết cũng hiểu nhưng không mấy ai dám nói ra ấy không phải của tôi mà là của ông Thủ tướng Trung Quốc sau khi đã từ bỏ quan trường chất ngất. Thì ra cuối cùng tất cả đều qua đi, phù phiếm, chỉ có sức khỏe là còn lại vậy mà cái qua đi, cái phù phiếm ấy đã miên man làm khổ con người, làm nảy sinh ra biết bao tật xấu, cái ác, kể cả chiến tranh hay hòa bình từ thuở khai sinh lập địa đến giờ và chắc hẳn là đến mãi sau này, đời đời kiếp kiếp.
Do đó, câu này là của tôi mà tôi không thể không chép lại sơ sài ở đây để làm dấu chấm hết: Thưa tất cả các quý vị đang ngậm trong miệng mình một mẩu tiền tài quyền lực, tôi xin khuyến cáo các quý vị một điều rằng, mỗi một năm quý vị hãy tìm ra biển một lần để đứng trước cái vô hồi vô hạn của đại dương sẽ thấy cuộc đời là mỏng manh, là hữu hạn lắm mà bớt buồn khổ, bớt tranh giành ham hố đi. Còn nếu quê hương quý vị xa biển thì cũng mỗi một năm, xin các quý vị hãy ghé nghĩa trang một lần vào một chiều đông để thẩm thấu được cái giá lạnh của sự chết mà thấy rằng, cuộc sống, kiếp người cũng phù du, bèo bọt, hư vô lắm, thôi thì còn sống với nhau ngày nào hãy sống cho tử tế để sau đó cùng cầm tay nhau đi vào cõi vĩnh hằng.
Như thế đó mới là sự giàu có vô vàn quý giá của tâm hồn con người chứ không phải tiền bạc hay những điều không có thật khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ