Tuhieuminh.blogspot.com C490E1BB9DisE1BB91nglC3A0thE1BB83thE1BBA9ccE1BBA7atinhthE1BAA7n
Cuộc đời toàn diện là cuộc đời bao gồm đất sống của nó và toàn bộ ý nghĩa về cuộc đời cũng như cứu cánh cho cuộc đời. Bởi vậy, cần một siêu hình học để nhận biết cuộc đời. Con người là thai nhi, là lúc trưởng thành, là cả cái chết. Con người là cả quá khứ, hiện tại và tương lai, là cả vô minh và thông thái, là cả lầm lỗi và công chính, là cả hạnh phúc và đau khổ, bởi vậy cần một siêu hình học để nhận biết con người toàn thể.
Tại sao một Valery lại than thở đến hoang vu cả tâm hồn “tôi là kẻ bao giờ cũng vắng mặt chính mình” (Je suis cette divine absence a moi meme)? Con người là ai? Là thể xác hay tâm linh? Là tiền định hay số phận? Là vô thức hay tiềm thức? Nó từ quê hương của thánh thần đến hay từ xứ sở của thần Hadex ngoi lên? Đó là câu hỏi đã đeo đuổi từ kiếp người này đến kiếp người khác, và chúng chẳng bao giờ là không mới mẻ lạ hoắc trước tâm trí ngỡ ngàng của con người . Aristote, một bậc thầy của hành tinh mà cũng phải bó tay khi kêu lên: “Tôi sinh trong mê muội, sống trong hồi hộp, chết trong hoài nghi.” Như vậy cuộc sống chẳng bao giờ nghỉ việc phun những làn sương mù mịt huyền nhiệm vào cuộc đời vốn đã mang sẵn sự bí nhiệm tận thâm sơn cùng cốc.
Lịch sử văn minh của con người đã đi trước Socrate cả vài nghìn năm, vậy mà khi Socrate đứng bất động như trời trồng giữa sân trong thời gian nối giữa hai buổi hoàng hôn, nhân lọai mới chợt tỉnh để nhận ra bài học vỡ lòng rằng: đứng im một chỗ khó khăn hơn đi lại vãng lai một trời một vực. Tại sao vậy? Đạo Phật cho rằng: khi thân xác tĩnh thì tâm hồn càng động, lúc thân xác ở yên là lúc tâm hồn bay bổng lùng sục ở khắp các tầng trời, ở khắp các nẻo đường biền biệt của khát vọng. Còn khi thân xác động, thì tâm hồn được ngự trị trong yên nghỉ.
Tại sao Socrate lại dừng bước chân mình để đứng bất động giữa dòng chảy vẫn di dịch náo loạn ở đời? Vì Socrate cho rằng: muốn hiểu vạn vật trước tiên phải tự hiểu mình “connais toi- toi meme”; khi mình tự hiểu mình, mình mới trở thành chiếc thước công chính để đo vạn vật.
Song khi con người xoay mặt vào chính mình để tìm hiểu mình như một thực tại nền tảng đầu tiên thì con người bị rơi vào niềm lung lạc hoang mang mới, bởi lẽ con người tự phát hiện ra mình không phải chỉ là thân xác, mà mọi biên giới của con người cứ mở mãi theo nhãn quan của con người và biến con người thành một tiểu vũ trụ “L’homme est un micro cosmos”. Và một Jean Wahl sau khi xoay mặt vào chính mình đã phải thốt lên: “Chúng ta sống bao giờ cũng xa cách bản ngã hiện tại của chúng ta, đó là phận làm người. Cuộc đời trốn chạy trước tư tưởng về cuộc đời.”
Tại sao cuộc đời lại chạy trốn cuộc đời? Tại sao con người lại rượt bắt chính mình mà chẳng bao giờ được? Bởi một lẽ hiển nhiên, con người sống giữa hai thực tại: thực tại chất thể và thực tại tinh thần. Brunsch Vicg nói: “Thực tại là tinh thần” (Le reel est esprit. – Emile Brehier ‘Histoire de la Philosophie’, France 1953, tr.79). Thực tại chất thể làm sao có thể nắm bắt được thực tại của tinh thần? Trần gian làm sao có thể mở lòng để uống cạn khoảng không vòi vọi của bầu trời? Thể xác làm sao có thể đắm đuối trong đam mê mong lĩnh hội được đường bay của đôi cánh linh hồn? Nhưng cuộc đời là toàn diện, không phải cái thấp phải uống lấy cái cao, nhưng mà cái cao sẽ hạ xuống để đám cưới cùng cái thấp. Linh hồn và thể xác sẽ hôn phối nhau, bầu trời sẽ ân ái cùng mặt đất, và suy tưởng sẽ hòa điệu cùng hành động. Kant nói: “Suy tư và hành động chẳng thể tách dời nhau.”
Và đến đây, con đường siêu hình học của chúng ta đã nhảy lên thêm một bước, nó nhảy từ cái hữu thể toàn diện (being in general) lên địa hạt tinh thần. Người Trung Hoa nói: “Vật nhờ tâm mà thông, tâm nhờ vật mà hiện”, có nghĩa là vật thể toàn diện là vật thể mang lấy tâm nó. Cũng vậy, con người là con người của thể xác cụ thể hòa điệu cùng một tinh thần bay ngất ở tận chín tầng mây. David Hume nói: “Siêu hình học là khoa học thực thụ của tinh thần nhân loại” (La vrai metaphisique est la science de l’esprit humain. – sdd ‘La Philosophie moderne’, tr.138).
Như vậy, siêu hình học là phạm trù rất gần gũi với đời sống, chứ không phải là những hình ảnh bay trên mây trên gió. Nhà triết học Plotinus một ngôi sao chói sáng nhất hậu tiền công nguyên đã nhìn nhận về cuộc đời như sau: “Tất cả đời sống chỉ là thể thức của nhãn quan tinh thần” (All life is a kind of spiritual vision. –LAW). Điều đó hẳn là phải xác đáng như thực tại. Chúng ta hãy nhìn vào đời sống: nào hiến pháp, định chế xã hội, nào triết học, văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa… tất cả chẳng đều xuất phát từ ngọn nguồn tinh thần ư? Nếu tinh thần không thai nghén ra chúng thì ai thai nghén ra chúng? Nhưng đó chỉ là dẫn dụ đã co giảm rất nhiều tầm vóc của tinh thần, ý tưởng của Plotinus mênh mông hơn nhiều: “Mọi thể thức là của nhãn quan tinh thần.”
Bạn có nghi ngờ về điều đó không? Một chiếc rìu có cái cán gỗ là do chúng tự tìm đến nhau hay do tinh thần của con người sắp đặt chúng? Gần như trọn dòng lịch sử xã hội của mình, người Trung Hoa đã đưa Lễ lên hàng đầu các thể thức “lễ , nhạc, xạ, hương” dùng trong triều đình. Vậy Lễ ở đây là nghi thức thuộc phạm vi tinh thần hay nằm ở những cờ xí, áo quần hay đồ vật dùng cho lễ? Khi cuộc sống chuyển từ giai đoạn chất thể vô minh lên giai đoạn tinh thần mẫn huệ, thì siêu hình học xuất hiện. Nó xuất hiện như thể đồ vật đã được mặc thêm ý nghĩa của nhãn quan con người. Bergson nói: “Siêu hình học là một nỗ lực nhằm nắm bắt nguyên lý và hoạt động của đời sống” (La metaphisique est un effort pour saisir le pricipe de vie d’activite. – ‘La Philosophie moderne’, tr.277).

Nguyễn Hoàng Đức

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ