su mong manh va tuong oi giua sinh va tu 2 106616749
Sự sống và cái chết là một tiến trình tương đối diễn ra ở bất kỳ sinh vật – vật thể sống – trên hành tinh xanh của chúng ta, khi xét về mặt sinh học phân tử đúng nghĩa. Nó có nghĩa là, khi sự sống hình thành ở một cá thể nào đó cũng là lúc cái chết bắt đầu diễn ra.
Hôm qua, có bạn nữ trẻ gửi tin riêng hỏi với tôi rằng: “Bác ơi, con biết bác là bác sỹ, nên con nhờ bác giúp con một việc rất quan trọng đối vối con là: Hiến máu có tốt không bác? Vì con đã hiến máu 14 lần. Bạn trai của con không cho con hiến máu nữa. Vì bạn ấy bảo: nếu hiến máu là tốt thì các bác sỹ đã thi nhau hiến máu rồi, chứ tại sao họ lại không hiến máu mà phải kêu gọi người khác hiến máu?”
Tôi rất cảm ơn bạn trẻ đã có câu hỏi rất tốt cho cộng đồng. Tôi xin trả lời như sau:
1. Ở người trưởng thành, máu là do tủy xương – là chủ yếu – và một số cơ quan khác sinh ra để giúp cho sự sống của cơ thể. Đời sống trung bình của các tế bào máu – hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu – từ 80 đến 120 ngày, và chúng sẽ chết đi vì già nua.
2. Hiến máu là một việc làm tốt cho cộng đồng mà không có hại cho sức khỏe của người không có bệnh tật và khỏe mạnh, thậm chí còn có tác dụng tốt cho tủy xương tăng cường sinh sản ra máu mới. Vì theo (1): đời sống trung bình của các tế bào máu – hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu – có tuổi thọ trung bình 80 đến 120 ngày. Nếu ta không hiến máu thì các tế bào ấy cũng sẽ già nua và chết đi. Sau hiến máu quá trình đồng hóa sẽ được thúc đẩy mạnh hơn quá trình dị hóa. Có nghĩa là quá trình sống diễn ra mạnh hơn quá trình chết.
3. Trong cấp cứu, bác sỹ chúng tôi vẫn phải thường hiến máu cho bệnh nhân khi gặp trường hợp thiếu máu, mà cần phải có máu đúng nhóm máu để phẫu thuật cứu bệnh nhân. Không phải là bác sỹ không bao giờ hiến máu, mà là bác sỹ có hiến máu để cứu bệnh nhân thì cũng không ai muốn nói ra cho cộng đồng để kể công làm gì.
Thông qua vấn đề trên chúng ta thấy rằng, bất kỳ một thành phần sống nào của cơ thể từ đơn vị tế bào, dưới tế bào, và cả cơ thể sống của chúng ta cũng có tiến trình sinh và tử diễn ra. Vì mỗi ngày có hàng trăm ngàn đến hàng triệu tế bào chết đi và hàng triệu tế bào mới sinh ra.
Đứng về sinh học phân tử thì, tiến trình sống của con người chỉ có một tiến trình tuyệt đối – chỉ có tiến trình sống mà không có tiến trình chết diễn ra – trong cái tương đối là, khi 1 tế bào gốc gồm một nửa của cha là trinh trùng kết hợp với một nửa của mẹ cho là trứng, để phát triển thành những tế bào gốc ban đầu trước khi biệt hóa thành những tế bào chuyên biệt cho từng cơ quan, bộ phận của phôi như, lông tóc móng tim gan phèo phổi, v.v… Sau đó, quá trình biệt hóa diễn ra để hình thành một cái phôi có đầy đủ cơ quan, bộ phận của một cơ thể sống thì quá trình chết cũng đã bắt đầu diễn ra ngay lúc phôi – trong 3 tháng đầu của chu kỳ thai – và sau đó là thai ngay từ lúc còn nằm trong buồng tử cung của người Mẹ.
Thế nhưng tại sao ta vẫn sống và ta sẽ chết trong tương lai? Đây là câu hỏi rất đơn giản có từ khi loài người có mặt trên trái đất, nhưng cũng là câu hỏi hóc búa nhất, mà y học đã, sẽ và đang tìm câu trả lời ở góc độ y sinh học phân tử. Đã có nhiều giải Nobel y học được trao tặng cũng chỉ giải mã dần từng khía cạnh nhỏ của câu hỏi này ở những phát minh sinh lý, sinh hóa, sinh học phân tử dưới mức vi mô của tế bào.
Trước khi đi vào vấn đề sinh và tử ở mặt vi mô và đại thể chúng ta cũng cần hiểu thêm khái niệm của một môn khoa học sinh học phân tử mới ra đời trong vài thập niên gần đây là Biểu Sinh – Epigenetics – có liên quan nhiều đến sự sống và cái chết của muôn loài. Từ Epigenetics là từ Hy Lạp. Nó được ghép từ tiếp đầu ngữ epi- (tiếng Hy Lạp : επί giao , bên ngoài, xung quanh) và từ genetics mà thành. Biểu Sinh là nghiên cứu về những thay đổi di truyền trong hoạt động gene mà không bị gây ra bởi những thay đổi trong chuỗi DNA, nó cũng có thể được sử dụng để mô tả việc nghiên cứu sự thay đổi dài hạn có tính ổn định – như sự lão hóa – trong tiềm năng phiên mã của tế bào mà không phải là nhất thiết phải di truyền. Không giống như di truyền đơn giản dựa trên những thay đổi trong chuỗi DNA (kiểu gen), những thay đổi trong biểu hiện gen hoặc kiểu hình tế bào của biểu sinh có nguyên nhân khác. Nói nôm na, Epigenetics là ngành chuyên nghiên cứu về những biểu hiện bên ngoài của sinh vật sống thông qua sự thay đổi hay không của bộ gene bên trong tế bào do quá trình đột biến, sao chép, di truyền.
Song đến hôm nay y học thế giới đều công nhận những kết luận tổng quát sau đây:
1. Dưới góc độ nghiên cứu chuyên ngành Epigenetics thì cái chết sẽ diễn ra do quá trình lão hóa bắt buộc phải diễn ra ở mức độ gene trong bộ nhiễm sắc thể của tế bào. Ở bộ gene trong bộ nhiễm sắc thể của mỗi loại tế bào chuyên biệt đều mang một đoạn gene mã hóa cho sự trẻ hóa. Trong quá trình sao chép và nhân đôi tế bào, cứ mỗi lần như thế đoạn gene mã hóa cho sự trẻ hóa này mất đi một hay vài amino acide. Sự mất các amino acide này là nguyên nhân cho sự trẻ hóa của tế bào giảm dần. Và tiến trình lão hóa ở mức độ tế bào diễn ra. Cuối cùng là, quá trình lão hóa của bất kỳ sinh vật sống nào cũng phải đi đến, mà cho đến nay chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể làm được sự sao chép ở mức độ phân tử mà không có sự mất đi các amino acide này.
2. Trên cơ sở đó của (1), ở mức độ đại thể sự lão hóa được giải thích ở mức độ sinh học phân tử là cơ thể sinh vật sống lão hóa và chết đi là do mất những amino acide của gene quy định cho sự trẻ hóa. Nhưng ở mức độ tế bào học vi mô thì tại sao mỗi tế bào lão hóa và chết đi trong quá trình sống của chúng ta và mọi loài vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Vì sao màng tế bào giòn, tăng tính thấm và dễ vỡ khi tế bào già đi? Vì sao ADN của tế bào tan rã khi tế bào già đi? Vì sao tương bào không còn đủ chất để cho tế bào sống tiếp tục khi tế bào già đi? v.v… và v.v… thì vẫn còn bỏ ngõ.
3. Ở mức độ vì thể để nhìn đại thể, người ta thấy rằng tiến trình sống của con người bình thường không có khuyết tật – ở đây không nói đến các loài sinh vật khác – mạnh hơn tiến trình chết từ khi thụ thai cho đến tuổi 35. Khi tiến trình chết diễn ra mạnh hơn tiến trình sống là cơ thể đang bị dị hóa mạnh hơn đồng hóa – phá hủy nhiều hơn xây dựng. Sau tuổi 35 tiến trình chết sẽ diễn ra mạnh hơn tiến trình sống, và sự lão hóa thực sự diễn ra ở thời điểm này. Cho nên mọi năng lực hoạt động tốt nhất, nhiều tiềm năng vô tận nhất của con người cho phát minh, phát kiến là ở lứa tuổi từ khoảng 18 đến 35. Sau lứa tuổi 35 là kết tinh của kinh nghiệm, sáng tạo và sự cần mẫn.
4. Trên cơ sở của (3), ở mức độ sinh học phân tử và mức độ đại thể sự lão hóa diễn ra rõ ràng hơn. Ví dụ như, quá trình sinh xương sẽ giảm hơn quá trình hủy xương. Ngày dưới tuổi 35 chúng ta có thể chạy nhảy, chơi thể thao nặng như đá banh, tennis, cầu lông, v.v… bằng chân đất mà không cảm thấy đau khớp cổ chân, không thấy ê gót chân, v.v… Nhưng sau tuổi 35 nếu chúng ta chỉ cẩn chạy nhẹ thể dục buổi sáng mà không có đôi dép hay đôi giày có độ đàn hồi tốt, thì đau khớp và ê gót chân là chuyện bình thường.
Cái mong manh của tiến trình sinh và tử, và cái sự tương đối của sống và chết luôn diễn ra trong mỗi chúng ta luôn khách quan và khoa học. Sống và chết chỉ cách nhau một lằn ranh giới mỏng hơn bề dày của một trang giấy pelure. Vấn đề của mỗi chúng ta là, sống cho đáng sống ở đẳng cấp của loài động vật mà mỗi chúng ta vẫn tự hào. Đó là, danh dự, liêm sĩ, nhân cách, v.v… để hoàn thiện cho riêng mình trước lúc ra đi. Vì suy cho cùng, sinh ra đời là để tự hoàn thiện cho chính mình. Mỗi người có một nhiệm vụ được trao, nhưng nhiệm vụ ấy, trong mỗi chúng ta không ai biết được, mà cứ mãi kiếm tìm trong cõi vô thức cho đến ngày gần kề cái chết vẫn có kẻ không hiểu mình sinh ra đời để làm gì, vẫn điên cuồng vùng vẫy như Gaddafi, Mao Trạch Đông, Hitler, v.v…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ