Chùa Tiêu nơi không có hòm công đức
Tha hồ chặt chém
Tại phủ Tây Hồ một trong những địa chỉ đông khách nhất, trong những ngày Tết, Ban quản lý di tích đã bố trí lực lượng bảo vệ từ ngoài vào đến tận các gian thờ, tình trạng nhốn nháo, chen chúc cũng giảm nhiều, tình hình ANTT đã ổn định hơn trước. Tuy nhiên với số lượng khách khổng lồ như vậy cũng là cơ hội cho các dịch vụ tha hồ chặt chém. Khi chúng tôi có mặt vào ngày mùng 6 Tết, không phải ngày cao điểm nhưng bãi gửi xe của HTX Nông nghiệp DVTH Quảng Bá lúc nào cũng chật cứng, và dù trên vé gửi xe của Cục Thuế TP in mức giá 3.000 đồng nhưng tất cả du khách đều phải trả 10.000 đồng/xe máy. Các dịch vụ ăn uống thì tăng giá chóng mặt, một bát bún riêu, ốc tăng lên 50.000 – 70.000 đồng, bánh tôm 100.000 – 150.000 đồng/đĩa. Các cửa hàng bán đồ lễ thờ được dịp mời chào, nâng giá.
Không chỉ ở Phủ Tây hồ mà hầu hết các chùa chiền ở Hà Nội, khách lễ chùa vẫn không khỏi phiền toái khi ngay ở phía ngoài cổng chùa, hiện tượng chèo kéo, chặt chém khách vẫn diễn ra hết sức phản cảm. Tại các chùa, đền như Phúc Khánh, Kim Liên, Quán Sứ… nhiều hộ dân gần cổng chùa đều tranh thủ khoanh vùng, tận dụng khoảng hành lang nhỏ hẹp trước cửa nhà để làm dịch vụ gửi xe và bố trí người đứng ngay ở lòng đường để chèo kéo khách. Giá vé gửi xe đến hẹn lại lên, tăng gấp 5-10 lần so với ngày thường, dao động 10-20 nghìn đồng/xe máy, khoảng 100.000 đồng/ô tô.
Tại đền Quán Thánh, tuy năm nay được bố trí một bãi gửi xe của quận Ba Đình với giá vé 3.000 đồng/lượt nhưng không xuể với lượng khách đến. Khi chúng tôi có ý định gửi xe, một người mặc áo có băng rôn của lực lượng trật tự đã chỉ sang bãi xe đối diện bên kia đường với lý do “Hết chỗ”. Ở chùa Phúc Khánh (Tây Sơn, Đống Đa), những hộ dân xung quanh “linh hoạt” đưa ra các mức vé gửi xe tùy từng khách, dao động 10-20 nghìn đồng, thậm chí 50 nghìn đồng vào những ngày cao điểm.
Tại điểm gửi xe trước cửa chùa Bà Nành trên phố Nguyễn Khuyến khu vực giao nhau giữa ngã tư phố Nguyễn Khuyến và phố Văn Miếu, điểm gửi xe chật cứng, lách mãi mới dắt được xe vào bãi gửi, cô bé trông xe nói gọn lỏn: 20 nghìn trả tiền trước. Hỏi lại: sao đắt thế. Cô bé trả lời, ôi giời đắt mà còn chả muốn trông đây này. Nói rồi cô đưa cho chúng tôi một cái vé xe. Vé đề của công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hẳn hoi, có số hiệu, mã số đàng hoàng. Giá vé đề 2.000 đồng/xe. Thấy tôi cự nự, một người khác chạy ra bảo thế chị đi đâu, tôi bảo ra đằng kia. Chị này mềm giọng, à chị đi chùa à, đi chùa thì 10.000 thôi. Thế mới hay, giá vé xe chả có ai quản lý cả, do người trông xe thích phát giá bao nhiêu thì phải chịu…
Viết sớ, xổ số kiếm bộn
Tại một số chùa như chùa Hà, phủ Tây Hồ, dịch vụ viết sớ thu hút nhiều khách lễ. Phủ Tây Hồ đếm sơ sơ cũng phải đến 30-40 bàn viết sớ xếp dài từ ngoài vào trong. Các “thầy” không ngại trưng biển viết sớ chữ nho, thậm chí xem chỉ tay, xem tử vi… và lời mời chào mỗi lần khách đi qua. Thông thường, nếu mua một lá sớ cầu sức khỏe, phúc lộc, may mắn… có giá từ 30 – 50 nghìn đồng. Cá biệt có những tờ sớ cầu công danh, quan chức, đỗ đạt có giá lên đến cả trăm nghìn đồng. Bùa hộ mệnh được bán với giá 10 – 20 nghìn đồng/chiếc… Vì việc viết sớ nhanh gọn và kiếm tiền dễ dàng nên đa phần các thầy gác lại dịch vụ xem tử vi, tướng số với lý do “mất thời gian lắm”.
Tại chùa Hà, nếu sớ do các thầy trong chùa viết thì rẻ hơn, khoảng 5.000 – 10.000 đồng nhưng nếu các bàn sớ ngoài cổng thì mức giá lên đến 30.000 đồng/tờ. Không biết thần thánh có đọc được sớ hay không, và cũng chưa xét đến những giá trị tâm linh và tín ngưỡng mà những tờ sớ này mang lại nhưng rõ ràng với những xô bồ, chợ búa của “chợ sớ” đã khiến nét văn hóa này trở nên nhem nhuốc. Bà Tạ Thị Biên (Thanh Xuân, Hà Nội) ngán ngẩm: Tôi đi phủ Tây Hồ, thấy các thầy mời chào thì cũng chọn một thầy râu tóc bạc phơ để viết sớ. Thầy viết một tờ rồi in giấy than sang các tờ còn lại và đòi giá 90.000 đồng, tôi mặc cả 50.000 đồng thì thầy cũng đồng ý.
Chen chúc đi chùa, thoải mái chặt chém
Vẫn có những ngôi chùa không có hòm công đức
Đầu năm xuân mới, đa phần người dân Việt đều có thói quen đi chùa để tỏ lòng ngưỡng mộ với đạo Phật, đồng thời cũng để cầu tài cầu lộc cho năm mới gặp nhiều may mắn. Nhưng thói quen và nét đẹp đó lại đi kèm với những hình ảnh xấu khiến cho việc đi chùa đầu năm mất dần đi nét đẹp vốn có. Người ta chen nhau lên chùa để hối lộ thần thánh, sắm lễ chay lễ mặn rủng rỉnh, tiền vàng nhét khắp nơi, rồi sì sụp khấn vái như bổ củi thậm chí chả biết mình đang khấn ai, thần thánh nào mà chỉ cần biết rằng “đa lễ thì đắc lộc”. Tại những chùa đông khách tiền vàng, hoa quả lễ bái vứt ngổn ngang, tan hoang mất hết vẻ tôn nghiêm. Tại bia Bà vào tối mùng 1 Tết hoa quả xác xơ, tiền lẻ vứt bừa bãi trên bàn lễ, những người trong ban quản lý liên tục vơ cất đi nhưng vẫn không xuể.
Trong khi cái sự lên chùa nó xô bồ, nó ồn ào, nó biến tướng như vậy thì thật may là vẫn có những ngôi chùa thanh tịnh như vốn có của nhà Phật. Trong khi có nơi chùa chiền bia phủ thu bộn tiền công đức, trong khi có những chốn linh thiêng thu tiền vé vào cửa thì cũng có những ngôi chùa vẫn chay tịnh không hề có hòm công đức theo đúng tinh thần của văn hóa thờ tự. Chùa Tiêu thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũng là một ngôi chùa như vậy.
Đặt tiền giọt dầu và phát tâm công đức đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt, đó là công sức của mỗi người đóng góp phù hợp với khả năng của mình. Tiền công đức là sự tự nguyện và lòng thành của mỗi người với những nơi thờ tự, tuy nhiên quan niệm về việc công đức không phải ai cũng làm đúng được, nhất là khi đi chùa. Có nhiều người quan niệm công đức càng nhiều thì sẽ có nhiều lộc hơn là hoàn toàn sai. Thậm chí có nơi lợi dụng việc này đặt la liệt hòm công đức ở những nơi thờ tự để kiếm tiền.
Theo Sư cụ Thích Đàm Chính (86 tuổi), là trụ trì chùa Tiêu thì bây giờ ít người còn hiểu đúng quan niệm về đi chùa nữa. Theo đúng quan niệm của đạo Phật thì đi chùa chính là để đi soi mình vào tấm gương sáng. Phật chính là một nhà giác ngộ, một tấm gương sáng về đạo đức của lối sống ở đời chứ không phải là một vị thần thánh có thể ban phúc hay giáng họa cho những người trần thế. Do vậy đi chùa chính là để soi mình vào đức Phật để thấy mình còn nhiều dục vọng, tính xấu mà sửa đổi. Vì thế lên chùa là với lòng thành tâm, để học những điều hay lẽ phải để mà sống ở đời. Phật pháp vô biên nên người ta năng đi chùa để học hỏi biển kiến thức răn dạy lối sống đạo đức. Đi chùa cũng không cứ gì ngày rằm, mùng một hay đầu năm xuân mới mà với những người có tâm thực sự là đi chùa vào bất kể thời điểm nào rảnh rỗi muốn học hỏi những điều hay trong Phật pháp. Nhà Phật có câu là “lòng thành”, nghĩa là đến chùa chỉ cần có sự thành tâm là được rồi chứ Phật đâu có ăn mặn, đâu cần nhiều tiền vàng mã đốt phí phạm. Phật cũng dạy rằng “Phật tại tâm”, tức là trong tâm sống tốt là đã đúng với lời Phật dạy rồi.
Vì thế mà việc lên chùa có những thói quen như trên là không đúng với tinh thần đi chùa. Lên chùa chỉ cần duy nhất một điều là tâm lành, ý thiện, muốn tu tỉnh những thói hư tật xấu còn tồn tại trong người thì mới là đúng.
Nói về việc tại sao chùa không đặt hòm công đức, theo sư cụ Thích Đàm Chính thì việc không đặt hòm công đức ở chùa có từ bao giờ không ai rõ. Nhưng bất kể đời sư trụ trì nào cũng không bao giờ cho đặt hòm công đức. Đến khi cụ tiếp quản chùa này đã hơn 60 năm nay, có nhiều người kiến nghị với cụ là nên đặt hòm công đức để Phật tử đến lễ bái công đức, thậm chí còn đề nghị mua hòm công đức hộ nhà chùa nhưng cụ không đồng ý. Vì cụ cho rằng chùa là không phải là nơi quyên góp tiền bạc, vì vậy chùa chỉ nhận tiền vào những khi xây dựng cơ ngơi cho nhà chùa. Còn khi xây dựng xong thì không nhận tiền công đức của ai nữa. Khách đến lễ chùa chỉ đặt theo tâm nguyện giọt dầu thẻ nhang ở chiếc đĩa nhỏ ngay ngắn giữa nơi thờ tự mà thôi.
Tại Hà Nội, khi bước vào chùa Bà Nành, ngôi chùa nằm khiêm nhường ở một đầu phố Nguyễn Khuyến thấy một cảm giác an lành thư thái tĩnh tại vô cùng. Chùa vắng vẻ thanh tịnh, tiếng chuông mõ thanh thản, tiếng cầu kinh nhẹ nhẹ đều đều, khác hẳn với sự ồn ào của ngôi chùa Bà Ngô cách đó vài bước chân với hàng trăm người chen chúc cúng sao giải hạn trong tiếng đọc kinh qua loa của nhà chùa. Chùa Bà Nành ngày 6 Tết chỉ có vài người lặng lẽ thắp hương, nhìn quanh không thấy hòm công đức đặt la liệt như ở các ngôi chùa khác. Hỏi nhà chùa thì được trả lời: Chùa là chùa nhỏ, chỉ có hai thầy trò nên chùa không hề đặt hòm công đức. Chỉ có duy nhất một hòm công đức đặt sâu khuất bên trong là của UBND phường quản lý, một năm họ đến kiểm tra mấy lần chứ nhà chùa không quản lý. Mới lại nhà chùa mở cửa để đón khách thành tâm đến lễ Phật cầu may đầu xuân năm mới chứ đâu phải để thu tiền mà đặt hòm công đức.
Đầu năm đi chùa, thấy cảnh chùa mỗi nơi mỗi khác, thấy người đến chùa cũng mỗi người mỗi khác. Xem ra cũng nhiều chuyện phải suy nghĩ về nét văn hóa tâm linh này.