Nhà xã hội học nổi tiếng A.Gordon từng kết luận khá độc đáo: “Cuộc đời là bọt nước. Chỉ có hai điều như đá tảng: Tử tế khi người khác lâm hoạn nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình”.
Mới đây, dư luận xã hội xôn xao về vụ “hôi của” trên đường phố khi một thanh niên đi xe máy đến đoạn vòng xoay ngã năm An Dương Vương, quận 5, TP HCM thì bị hai tên cướp đi xe máy từ phía sau giật túi xách không thành, túi xách của anh bị rách toạc và số tiền để trong túi bay ra đường. Lợi dụng tình cảnh ấy, những người đi xe máy cùng một số người dân gần đó đã ào ra giữa đường lượm mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người thanh niên bị nạn.
Vài tháng trước, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An, chiếc xe biển số 54N-6476 chở dưa hấu chạy hướng Vinh – Hà Nội đã va quệt vào một xe tải khác chạy ngược chiều rồi lật ngang, nằm chắn trên quốc lộ, nhiều người dân từ già trẻ, trai gái đã đổ xô ra “hôi” dưa hấu, thậm chí nhiều người đang trên đường đi làm cũng tranh thủ xuống nhặt. Vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm học sinh đến trường nên nhiều học sinh cũng tham gia.
Thời gian qua thường xuyên xảy ra những chuyện lợi dụng sự sơ hở từ các vụ tai nạn để trộm tài sản của nạn nhân và những người hiếu kì đứng xem, móc túi ở bến xe, cướp giật nơi phố phường… giữa ban ngày, nhiều người chứng kiến mà ít ai dám ra tay ngăn cản.
Không ít người cho rằng, trong xã hội ta ngày nay con người trở nên vô cảm, quan niệm mạnh ai nấy sống. Nhiều người khác lại cho rằng đó là việc của chính quyền, của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Một số người sợ hãi, vì bọn côn đồ quá hung hãn, vì sự an toàn của mình, vì mình quá đơn độc. Còn phần lớn thì phẫn nộ bởi nhìn cảnh bất công mà mình bất lực.
Cháy nhà hàng xóm khoanh tay đứng nhìn, thấy chết mà không cứu, thấy người gặp nạn mà không giúp, đó là thái độ vô cảm thập phần đáng trách. Nhưng lao vào “hôi của”, về bản chất, so với hành vi “cướp của” cũng chính là một, đó là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, thật đáng lên án và phẫn nộ.
Tuy nhiên, phẫn nộ tới mức quy chụp một cách tiêu cực về nền tảng đạo đức xã hội chung thì sẽ dễ dàng khiến chúng ta rơi vào cái “bẫy” tâm lý do chính chúng ta hồ đồ giăng mắc: Sự võ đoán.
Một thực tế đáng buồn, mặt trái của xã hội, đó là tâm lý hưởng thụ, thỏa mãn vật chất, đặt mục đích tiền bạc lên vị trí ưu tiên, dựa vào các giá trị vật chất để nhìn nhận giá trị con người, quá chú ý đến việc giành lấy bằng cấp học thuật mà ít dành thời gian cho giáo dục đạo đức và các giá trị sống. Điều đó khiến xảy ra nhiều nghịch lý trong thời đại ngày nay, như ai đó đã tổng kết khá chua chát: “Càng ngày chúng ta càng có những ngôi nhà lớn hơn, nhưng gia đình lại mỗi ngày một nhỏ đi; nhiều tiện dụng hơn, nhưng thời gian lại ít đi. Nền giáo dục mỗi ngày một cao hơn, nhiều hiểu biết hơn, nhưng lại ít đi những tri thức lành mạnh và khả năng phán đoán vấn đề. Chúng ta có nhiều nhà nghiên cứu, phát hiện được nhiều vấn đề và có nhiều loại thuốc hơn, nhưng bệnh tật lại gia tăng và ít người có sức khỏe tốt…”. Khó lòng phủ nhận sự phổ biến của những hiện tượng này, nhưng cũng không ai có thể thừa nhận đây là thái độ đúng.
Những giá trị đạo đức cơ bản về nhân cách con người như trung thực và khiêm tốn, biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, khoan dung và đoàn kết, trách nhiệm với gia đình và xã hội, yêu tổ quốc và yêu hòa bình vẫn là những giá trị cốt lõi được đề cao, được tôn vinh trong mỗi cộng đồng, mỗi con người.
Khi chúng ta coi hành vi xấu của một số người là mặt trái song song tồn tại trong xã hội mà ta luôn phải đấu tranh để khắc phục. Khi lý giải được hành động thiếu suy nghĩ của những người vì áp lực của cuộc sống mà mất đi kiểm soát, vì tổn thương tâm lý hoặc vì nhận thức nông cạn mà trở thành tội phạm, chúng ta sẽ thấy, họ chỉ là thiểu số, không bao giờ đại diện cho cả cộng đồng. Khi nhận thấy nhiệm vụ chung là cùng nỗ lực để giảm thiểu và dần loại bỏ những hành vi phản văn hóa, hành động vô nhân tính trên con đường xây dựng một xã hội văn minh, chúng ta sẽ đặt mình sang một góc khác để đánh giá.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, từ bao năm qua, đạo lý cảm thông chia sẻ trước nỗi đau của đồng loại dường như ai cũng biết và hầu hết mọi người trong xã hội chúng ta đều ứng xử nhân văn cao cả khi cứu trợ đồng bào bão lụt, ủng hộ người tàn tật, giúp đỡ người nghèo… những nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, tinh thần tương thân tương ái, đầy tình người, thông thường người ta lặng lẽ làm như việc phải làm, nên làm.
Xung quanh chúng ta, vô vàn những tấm gương người tốt, việc tốt, hết lòng vì cộng đồng, vì sự phát triển của xã hội. Chiến sĩ Công an quên mình vì nhiệm vụ trấn áp tội phạm, chàng trai trẻ mồ côi lao xuống dòng lũ dữ cứu người, anh xe ôm trở thành “hiệp sĩ” săn bắt cướp… Vài hành xử phi đạo đức, trái lương tâm tuy có thể khơi dậy sự ồn ào, chú ý của dư luận, ảnh hưởng tiêu cực phần nào đến tâm lý dân chúng, cuối cùng cũng chỉ có thể là một số mảng tối, không thể làm nhòa đi những hình ảnh tươi sáng trên bức tranh về đạo đức xã hội.
Bản tính của con người là thiện, cái ác và tội lỗi đi kèm thường xâm nhập từ bên ngoài. Để ngăn chặn nguồn gốc tình trạng bạo lực, chữa trị căn nguyên của sự vô cảm, ngoài việc thực thi pháp luật, chúng ta cần xây dựng các chương trình tuyên truyền giáo dục một cách bài bản, cân bằng các mục tiêu vật chất với việc duy trì các chuẩn mực đạo đức, lối sống, khơi dậy những lý tưởng sống, lòng tự tôn trong mỗi con người và học cách tìm kiếm điều tốt đẹp ở người khác. Nhìn từ góc hướng thiện đôi khi cũng là một cách hóa giải hiệu quả đối với các hành vi tội ác.
Nhà xã hội học nổi tiếng A.Gordon từng kết luận khá độc đáo: “Cuộc đời là bọt nước. Chỉ có hai điều như đá tảng: Tử tế khi người khác lâm hoạn nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình”.
Vế sau thì hẳn đúng, nhưng vế đầu là một định kiến làm mất đi động lực của mỗi con người có tri thức, có đạo đức. Nhiều người trong chúng ta chính là đang cần vượt lên những định kiến ấy để góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn.