phai chang thit mau xuong cua loai vat 2044493655
Hỡi các bạn! Trong đời sống của con người không có việc gì cao đẹp bằng “Lòng Thương Yêu Sự Sống Của Muôn Loài”. Vì chính lòng thương yêu ấy sẽ giúp cho các bạn có một đời sống biết chan hòa tình thương của mình với muôn loài vạn vật sống khác.
Này các bạn! Ðừng vì sự sống của mình, mà nỡ tâm sống trên sự đau khổ của người khác, vật khác. Phải không hỡi các bạn?
Này các bạn! Ðừng vì sự sống, sự an vui của mình, mà nỡ lòng để nước mắt của người khác phải rơi, để nước mắt của loài vật khác phải rơi? Sống như vậy đâu có được gọi là lòng thương yêu, các bạn!
Này các bạn! Ðừng vì sự sống, sự ăn uống, sự vui chơi, sự giải trí của mình, mà nỡ tâm để nước mắt và xương máu của loài vật khác phải đổ xuống? Như vậy các bạn sống có công bằng không? Công lý của sự sống ở chỗ nào các bạn? Loài người xuất hiện là một loài động vật cao cấp, để loài người trở thành một người anh cả trong muôn loài. Nhưng cớ sao người anh cả lại không thương những người em vô minh, khờ dại, ngu tối…lại nhẫn tâm ăn thịt các em của mình ra. Như vậy, con người còn có xứng đáng là người anh của muôn loài vật chăng? Hay cũng chỉ là một loài vật tầm thường như bao nhiêu loài vật khác?
Thưa các bạn! Các bạn nghĩ sao? Nếu loài người không thực hiện được đạo đức hiếu sinh, thì sự sống của con người sẽ ra sao các bạn? Vì thế, trong loài người có một tôn giáo ra đời đã quả quyết xác định: “Ðời là khổ”. Có đúng không các bạn? Ðời là khổ, nhưng chúng ta biết chuyển nó thì nó sẽ hết khổ, các bạn ạ! Có nghĩa là chúng ta sống với lòng yêu thương chân thật đối với sự sống của muôn loài. Vì sự sống của mình, mà sự sống chết của muôn loài vật như chỉ mành treo chuông. Vì thế, chúng sanh phải khóc thương cho kiếp sống khổ đau của mình; chúng sanh phải chịu lầm than, bạc phước, vì bị loài người ác độc, vô đạo đức hiếu sinh, nên loài người đã, đang và sẽ giết hại chúng, để rồi ăn thịt chúng.
Sao lại nỡ nhẫn tâm vì sự sống của mình mà giết hại chúng sanh ăn thịt? Trong tiếng kêu la thảm thiết của chúng mà chúng ta không có chút lòng thương xót sao? Sao lại nỡ nhẫn tâm chà đạp lên sự sống của muôn loài vật khác? Trong lúc đó mọi vật đều muốn sống, sống bình đẳng như nhau, sống bình an và hạnh phúc.
Chúng tôi thành tâm, tha thiết kêu gọi lòng đạo đức yêu thương sự sống của các bạn đối với loài người và đối với vạn loài vật khác trên hành tinh này. Các bạn có nghe chăng? Có hiểu được lòng của chúng tôi chăng? Mỗi khi chúng tôi nghe tiếng kêu của những con vật mà các bạn đang đập đầu, cắt cổ, nhổ lông để làm thực phẩm, thì lòng chúng tôi đau xót vô cùng, cảm thấy như chính mình đang chịu sự giết hại đó.
Các bạn đâu có biết? Mỗi một con vật bị các bạn giết là một phần nghiệp của các bạn đang thọ quả khổ đau do các bạn đã từng làm ác tạo ra. Nói một cách khác cho dễ hiểu hơn, là bạn đang giết và ăn thịt con của các bạn mà các bạn không biết. Vì mỗi con vật được sinh ra đều do từ môi trường sống. Trong môi trường sống có nghiệp ác hay nghiệp thiện của các bạn. Hằng ngày hành động của các bạn đang thải ra trong không gian vũ trụ những nghiệp mà khi đủ duyên hợp chất nghiệp, thì những nghiệp đó sinh ra các loài vật hoặc loài người.
Mỗi khi chúng tôi nhìn thấy các bạn giết hại chúng sanh và ăn thịt chúng, thì chúng tôi cảm thấy xót xa, thương cho các bạn vô cùng. Vì chính các bạn đang ăn thịt con của các bạn đấy, ăn thịt những người thân của các bạn mà các bạn đâu có biết.
Các bạn có biết không? Do sự vô minh mà các bạn đánh mất nền đạo đức hiếu sinh sự sống trong lòng của các bạn. Ðạo đức hiếu sinh sự sống là nền đạo đức cao thượng tuyệt vời, nó đem lại sự sống an lành cho các bạn và cho mọi loài trên hành tinh này, nó đem lại cho quả đất này một mầu xanh tươi đẹp, một vẻ đẹp vô cùng; nó đem lại một sự thanh bình, an ổn cho muôn loài vạn vật, sống không còn lo âu và sợ hãi nữa.
Nếu một con người vừa sanh ra mà để cho một con thú vật nuôi, thì con người đó sẽ không biết nói tiếng người, mà chỉ biết kêu, hú như loài vật, và cũng chẳng bao giờ biết đi đứng bằng hai chân như con người, mà chỉ biết bò, đi 4 chân như loài thú vật.
Một con chim non được người nuôi dưỡng và dạy nói tiếng người, con chim sẽ nói được tiếng người một cách dễ dàng, không mấy khó khăn. Có khi nào các bạn nghe con chim nói tiếng người chưa? Có nhiều loại chim nói được tiếng người như: chim anh vũ, chim sáo, chim cưởng, chim nhồng, v.v… Ðều do con người dạy và tập luyện chúng.
Bởi vậy, con người cũng như con thú vật, chỉ có sự học hỏi và tập luyện mà thành thói quen tốt hay xấu, có đạo đức hay vô đạo đức, v.v… mà thôi.
Thói quen có hai phần: phần tốt và phần xấu. Vậy thói quen là gì? Thói quen là do một hành động gì huân tập nhiều lần đã thấm nhuần. Nếu một người thường sống theo ác pháp thì sẽ quen đi với những hành động ác. Bởi vì ý thức chủ động điều khiển hằng ngày theo hướng ác, thì ngày này tăng thêm một chút ác, ngày khác tăng thêm một chút ác, mỗi chút ác ấy gom lại thành thói quen ác. Khi đã huân tập thành thói quen ác thì rất khó bỏ, muốn bỏ không phải dễ dàng. Ví dụ như từ lâu chúng ta quen ăn thịt chúng sanh, bây giờ bỏ không ăn thịt chúng sanh nữa, thì đó là một việc làm không phải dễ dàng. Muốn bỏ một hành động nào đã thành thói quen thì chúng ta phải có nghị lực, có gan dạ và còn phải bền chí thì mới mong bỏ được. Một thói quen xấu mà muốn bỏ thì phải vất vả, gian nan mới bỏ xấu được. Tuy biết rằng ăn thực phẩm thực vật vẫn sống bình thường, nhưng vì thói quen, tâm chúng ta vẫn thèm thịt cá; tâm chúng ta vẫn thích ăn nước mắm hơn là ăn nước tương.
Chúng ta vẫn biết, mỗi con vật được đem ra giết để làm thực phẩm, đều có sự đau khổ, đều có sự phản ứng chống lại hoặc cầu cứu, van xin để được chúng ta tha mạng sống. Nhưng chúng ta làm ngơ như không biết. Hoặc chúng ta không biết thật sự, hoặc chúng ta thích thú khi thấy con vật bị cắt cổ nhổ lông, bị thọc huyết, bị đập đầu, bị chích điện… khiến cho con vật chỉ còn kêu lên một tiếng, giẫy giụa rồi ngã xuống bất động, chết một cách thương tâm, chúng ta nào có biết! Con vật chết một cách đau đớn, chúng ta nào có hay! Chết một cách thê thảm, xương thịt được người ta phân chia ra từng ký lô, rồi từng người mua mang về làm thực phẩm ăn tươi nuốt sống một cách hả hê, thích thú…
Bởi vì thói quen ăn thịt chúng sanh là một thói quen đã làm mất đi lòng thương yêu chân thật của con người đối với sự sống của muôn loài.
Lòng thương yêu sự sống của muôn loài là một hành động đạo đức hiếu sinh cao thượng và cao đẹp nhất của một động vật cao cấp như loài người. Chỉ có loài người mới thực hiện được đạo đức hiếu sinh, ngoài loài người ra thì không có loài vật nào có thể sống và làm được những hành động đạo đức cao thượng tuyệt vời này. Con người không học hành, không tập luyện đạo đức hiếu sinh này, thì chẳng khác nào những con thú vật. Con người có tập luyện học hành, biết sống có đạo đức, có lòng yêu thương này, thì con người sẽ hơn con thú rất nhiều. Nói cách khác cho dễ hiểu, là con người thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú khi biết sống có đạo đức.
Tập luyện, học hành sống cho có đạo đức hiếu sinh, biết thương yêu sự sống của muôn loài là tập thành thói quen tốt, một thói quen tốt đáng được ca ngợi. Còn ngược lại, nếu tập luyện, học hành sống không có đạo đức hiếu sinh, không biết thương yêu sự sống của muôn loài, thường giết hại, làm đau khổ mình và chúng sanh, hằng ngày còn ăn thịt chúng sanh, thì đó là tập thành thói quen xấu ác. Thói quen xấu ác làm đau khổ mình, đau khổ người và đau khổ muôn loài vật. Thói quen ấy không được ca ngợi, không được khen tặng, không được chấp nhận, luôn luôn bị chê bai và khinh bỉ.
Làm người phải xa lìa, viễn ly những hành động xấu ác này. Những hành động xấu ác này biến chúng ta trở thành ác thú hay là ác quỷ.
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích Lòng Yêu Thương – Tập 1

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ