Như Đức Phật đã nói, giữ gìn sự hiểu biết ấy trong tâm mọi lúc chính là chân đạo để đạt được chân diệt đối với các vấn đề của chúng ta. Nếu ta luôn có sự hiểu biết đúng đắn ấy, ta sẽ không có bất kỳ sự vô minh nào. Và nếu không có một sự vô minh nào, ta sẽ không có tâm sân hận; không có sự chấp thủ, tham lam, v.v…
Một khi bạn đã phát triển công cụ định lực, ít nhất là đến mức độ nào đó, thì điều mà bạn thật sự muốn là có khả năng giữ sự tập trung vào sự hiểu biết đúng đắn về điều gì đang diễn ra. Chúng ta có đủ thứ vô minh về thực tại – về cách chúng ta tồn tại như thế nào, người khác tồn tại ra sao, thế gian tồn tại như thế nào – và vì sự vô minh ấy, ta có đủ loại phóng tưởng về những điều thực chất không có thật, đúng không? Ta có thể phóng tưởng rằng: “Tôi không xong rồi. Tôi là kẻ thua cuộc.” Hay ta có thể phóng tưởng: “Tôi là điều tuyệt vời nhất trên thế gian.” Ta có thể phóng tưởng rằng: “Thật tội nghiệp cho tôi. Không ai thương tôi cả.” Nhưng nếu chúng ta thật sự phân tích về mọi người trong đời mình, thì điều đó có nghĩa là mẹ tôi không bao giờ thương tôi, con chó của tôi không bao giờ thương tôi – chưa từng có ai thương tôi cả. Điều này thật khó mà đúng được.
Thế thì chúng ta đang phóng chiếu những ảo tưởng này và tin rằng chúng là sự thật; đó là điều đáng sợ. Chúng ta tin rằng mình có thể đến trễ, hoặc không có mặt trong một cuộc hẹn, và điều đó chẳng sao cả: “Bạn không có cảm giác mà,” đúng không? Và rồi ta rất thiếu thốn sự quan tâm đến người khác. Nhưng mọi người đều có cảm xúc, cũng như tôi có cảm xúc. Không ai muốn bị phớt lờ cả. Chẳng có ai thích thú gì nếu họ có cuộc hẹn và người khác không gọi điện thoại thông báo hay có mặt trễ. Không ai thích điều đó cả. Vì vậy, điều chúng ta cần làm là dùng định lực của mình để cắt đứt những ảo tưởng, và ngưng phóng chiếu tất cả những điều vô nghĩa ấy, ví dụ như suy nghĩ rằng hành vi thiếu quan tâm của mình không làm tổn thương người khác, bởi vì đó thật sự là nguyên nhân sâu xa nhất trong các vấn đề của chúng ta: “Tôi là trung tâm của vũ trụ. Tôi phải luôn luôn được như ý. Tôi là người quan trọng nhất.” Điều này hiển nhiên là một sự phóng chiếu của ảo tưởng. Không ai là người quan trọng nhất cả. Nhưng trên nền tảng của niềm tin rằng ảo tưởng của chúng ta là đúng, chúng ta trở nên ích kỷ. Vì vậy, nếu muốn vượt qua tâm vị kỷ thì ta cần phá bỏ ảo tưởng ấy và ngưng phóng chiếu nó. Dù có cảm giác như thể tôi là trung tâm của vũ trụ và tôi là người duy nhất tồn tại (vì khi nhắm mắt lại, giọng nói này vang vọng trong đầu tôi, và tôi không thấy ai khác nữa, thế nên dường như tôi là người duy nhất đang tồn tại), chúng ta phải nhớ rằng đây là một ảo giác và cố gắng không tin vào nó: “Nó không phải như vậy. Nó chỉ có vẻ là như vậy thôi.”
Như Đức Phật đã nói, giữ gìn sự hiểu biết ấy trong tâm mọi lúc chính là chân đạo để đạt được chân diệt đối với các vấn đề của chúng ta. Nếu ta luôn có sự hiểu biết đúng đắn ấy, ta sẽ không có bất kỳ sự vô minh nào. Và nếu không có một sự vô minh nào, ta sẽ không có tâm sân hận; không có sự chấp thủ, tham lam, v.v… Và nếu không có bất cứ phiền não nào, thì ta sẽ không hành động một cách tiêu cực. Nếu không hành động một cách tiêu cực, ta sẽ không gây ra đủ các loại vấn đề cho người khác và chính mình. Đó là phương pháp Phật giáo căn bản về cách đối phó với những khó khăn trong cuộc sống.
Nếu muốn có những mối quan hệ hạnh phúc hơn, thì chúng ta cần nhận ra rằng: Tôi là một con người. Bạn là một con người. Tất cả chúng ta đều có cùng những cảm xúc, v.v…Tất cả mọi người đều có những điểm mạnh. Tất cả mọi người đều có những điểm yếu. Tôi có chúng, và bạn cũng vậy. Không có ai là Hoàng Tử hay Công Chúa Quyến Rũ trên con bạch mã.
Bạn có hình ảnh ấy trong những câu chuyện của bạn không? Chúng ta luôn luôn đi tìm người phối ngẫu hoàn hảo, một người cưỡi trên con bạch mã, nhưng đó là chuyện cổ tích. Nó không tồn tại, nhưng ta đang phóng tưởng về nó. Vì tin tưởng vào chuyện cổ tích ấy, ta nghĩ rằng người này sẽ là hoàng tử hay công chúa, rồi khi họ không giống như vậy thì chúng ta nổi giận với họ. Đôi khi, thậm chí ta hất hủi họ. Và rồi ta phóng tưởng về người kế tiếp mà ta gặp và nghĩ rằng họ có tiềm năng làm người bạn đời của mình, rằng anh ấy hay cô ấy là hoàng tử hay công chúa. Nhưng chúng ta không bao giờ tìm thấy hoàng tử hay công chúa, vì không hề có những người như vậy.
Vì vậy, nếu muốn có những mối quan hệ lành mạnh thì chúng ta cần chấp nhận thực tế. Như tôi đã nói, thực tế là mỗi người đều có những điểm mạnh, có những điểm yếu, và dù sao đi nữa, chúng ta cần học cách chung sống với nhau, và không ai là trung tâm của vũ trụ cả. Rồi bạn sẽ thấy những giáo huấn chung trong bất kỳ tôn giáo hay nền triết học nhân văn nào, đó là sự tử tế, quan tâm, yêu thương, v.v…, trở nên kiên nhẫn, rộng lượng, tha thứ. Mọi tôn giáo và mọi nền triết học nhân văn đều dạy những điều tương tự, và đạo Phật cũng thế.
Các nguyên tắc tương tự cũng áp dụng trong những mối quan hệ làm việc của chúng ta. Nếu bạn tử tế với những người cùng làm việc với bạn trong văn phòng (hoặc tử tế với nhân viên của mình, nếu bạn mướn người khác làm việc), thì toàn bộ công việc sẽ vận hành một cách trôi chảy hơn. Nếu bạn đang làm việc trong một cửa hàng và bạn tử tế, vui vẻ với khách hàng, thì bầu không khí làm việc sẽ dễ chịu hơn nhiều, có phải vậy không? Và nếu một người thành thật trong các giao dịch của mình – không lừa dối người khác và v.v… – thì cũng như thế, mọi việc sẽ tiến triển tốt hơn nhiều. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cố gắng tạo ra lợi nhuận và kiếm sống, nhưng điểm cốt yếu là không tham lam lợi nhuận.
Và khi người khác lừa dối chúng ta – bởi vì không phải tất cả mọi người đều sẽ hành xử theo cách đề cập ở trên – thì bạn mong đợi điều gì? Nhưng trên quan điểm Phật giáo, ta sẽ không nói rằng đây là những người xấu; ta sẽ chỉ nói rằng họ vô minh. Họ vô minh. Họ không hiểu rằng hành động theo cách này sẽ chỉ gây ra nhiều và nhiều vấn đề hơn cho họ: sẽ không ai yêu thích họ. Do đó, họ là đối tượng của lòng bi mẫn chứ không phải là đối tượng của sự căm hận. Nếu ta xem họ là đối tượng của lòng bi mẫn và nhẫn nại với họ, thì ta sẽ không khổ não khi bị họ lừa dối, và sau đó, ta cố gắng cẩn thận hơn với những người kế tiếp, để không bị lừa dối lần nữa. Nhưng chúng ta mong đợi điều gì từ con người? Rất nhiều người gian lận như thế. Vì vậy, đó là thực tế. Việc cho rằng tất cả mọi người đều chân thật là một sự phóng tưởng.
Không phải ai cũng chân thật cả! Nếu mọi người đều chân thật thì sẽ rất tốt, nhưng không phải ai cũng như thế. Vì vậy, ít nhất chúng ta có thể cố gắng làm người chân thật.
A.B
Theo lieuquanhue.vn