Lần giở lại những trang sách mong vồ chụp cái ý nghĩa cuộc đời mà tâm thức cứ dày vò – day dứt đeo đuổi hoài, tôi bắt gặp lời gọi của G. Marcel – có thể coi đó như một lời tuyên xưng làm Người khởi thủy:
“Khẩu hiệu của con người là: Hãy làm người “SUM” nhưng là nâng cao lên “SURSUM”.
Câu hỏi: Chúng ta là ai? Chúng ta đứng ở đâu? Tấy yếu sẽ đặt chúng ta vào dòng chảy của cuộc TIẾN HÓA. Dòng chảy đó sẽ cuốn chúng ta đi, rồi một câu hỏi khác lại lóe lên, trong đầu chúng ta: Chúng ta đi về đâu? Về đâu? Câu trả lời quá ư đơn giản: cuộc sống chẳng hành trình về cõi chết là gì? Nhưng mà, có phải tất cả những trăn trở ý nghĩa làm Người của chúng ta để rồi hoài công trút cả vào cái hố kết thúc sinh thái đó: Cái chết.
Không? Chắc hẳn là không! “L’homme est Pélerin de I’absolute”. Nào, bây giờ với tư cách con người là kẻ hành hương, chúng ta hãy trả lời: Chúng ta đi đâu? Còn đi đâu nữa! Tôi có thể nói như vậy; sinh ra là một kẻ lãng du tôi đến vãng lai cuộc đời, đi đi – về về, ngó lui ngó tới, vui đùa – thưởng ngoạn, chẳng có gì để làm ở cuộc đời này bởi vì mọi thứ đã bày sẵn cả rồi, và nếu không, làm cũng chẳng để làm gì. Nhọc xác! Thế là tôi chỉ có việc “Cưỡi ngựa” đến xem “Vườn hoa” cuộc đời. Đi lại về, về lại đến, nghĩa là chẳng có cứu cánh cuối cùng gì cả. Nếu chỉ có vậy, tôi vẫn cứ sống ở cõi đời này mặc cho cứu cánh “xem hoa” của nó đã đoản thọ rồi. Và mặc kệ cuộc đưa ma CỨU CÁNH ngày lại ngày hóa kiếp đời sống thành thứ dây leo kéo dài lê thê vất vưởng.
Song, chúng ta là Người, khát khao chính đáng của chúng ta là HẠNH PHÚC, và chúng ta muốn kéo dài thứ hạnh phúc đó ra bất tận. Nghĩa là chúng ta muốn sống – SỐNG có ý nghĩa. Mỗi đêm đi ngủ tôi đều khát: có được một giấc mơ đẹp, tôi cay ghét những cơn ác mộng. Mỗi ngày thức dậy, tôi đều mong mỏi đón nhận thứ nhựa sống tinh khôi mới mẻ của đời sống; những tia sáng bình minh lóng lánh, những làn gió tươi tắn thoảng qua… Chính vậy mà Anbe Camus đã trằn trọc thốt lên “ý nghĩa của cuộc đời là vấn đề cấp bách nhất”.
Trở lại câu hỏi “đi về đâu?” hiển nhiên tôi muốn đoạn tuyệt cách trả lời “vãng lai” cho nó. Chúng ta đến không phải để vãng lai ở cuộc đời này, vậy chúng ta đi đâu? Chúng ta vượt núi hay băng đèo, lê bước trên xa mạc nóng cháy hay dập dình trên những con sóng bất tận của đại dương là để hành trình về cõi làm Người. Đây không phải là cuộc hành trình của “Con kiến leo cành đa – Leo phải cành cộc leo ra leo vào”. Đã là con người sao còn đi về cõi làm người? Và Người là thứ sinh vật cao quý nhất, thứ ga lớn cuối cùng rồi còn phải đi tìm thứ ga xép nào nữa? Không! Con Người phải hành trình đến cõi CON NGƯỜI nhưng cao hơn.
Quá trình làm người quả là quyết liệt và vật vã, chính vì thế mà vòng vo một hồi, đến đây chữ TIẾN HÓA của tôi mới vén mở vài tia sáng. TIẾN HÓA có lẽ chẳng có gì khác hơn là không THOÁI HÓA. Thoái hóa chính là SUY ĐỒI, là Decadence.
“Suy đồi” là tiếng la ó, gào thét của Nietzsche chẳng để làm gì khác hơn là cảnh tỉnh con người trước tình cảnh suy thoái của mình. Đó là khát vọng thăng tiến của nhận thức vừa là sự tỉnh táo sáng suốt của lý trí khi tham vọng đặt con người vào một bệ phóng bị ép nén để nó khỏi phóng vào một đời sống quá u lỳ, sơ cứng và bại hoại. Nietzsche còn la tiếp “Con người là cái gì đó cần phải bị vượt qua”. Đó là khao khát nội lực bức xúc ở bên trong đang cố phá tung cái vỏ bọc cứng nhắc – biếng nhác – thụ động của một cơ thể đã quá uể oải nhão nhợt vì trầm mình quá lâu trong bể lạc thú sặc sụa mùi son phấn và tiện nghi vật chất – một tinh thần đã xuống cấp quá lâu rồi.
Tiếng hú “suy đồi” của Nietzsche hiển nhiên không chỉ đơn thuần chứa đựng cái “thuốc tím tẩy rửa” mang ý nghĩa xã hội, trước hết Nietzsche là một nhà Triết học. ông đã đặt chữ “Suy đồi” bằng cả tâm thế, khát khao cũng như trí năng về Hữu thể luận (Ontologie). Rimbaud có nói: “Con đường thái quá dẫn tới lâu đài minh triết”. Có thể bằng toàn bộ sức lực của mình Nietzsche đã cố nhấn con Người sâu xuống tận đáy – nơi lầy nhầy những lớp bùn suy đồi của hố thẳm tư duy, để con Người nhìn lại khả năng cất cánh khỏi hố thẳm của mình sau khi đã tẩy uế bùn dơ trên thân thể cao quý của nó. Khởi đầu, Nietzche đặt những con người cao quý nhất – những Triết gia: “Tất cả các Triết gia đương đại chắc hẳn đang phải sống trong một thế giới bi thảm nhất”. (De tous les Philosophes du monde, il est certainement le plus tragique. – Nietzsche, Les grands philosophies de L’occident, p. 242) Câu này của Nietzche ru chúng ta vào hai tiến trình lớn:
1. Duy niệm: Khát vọng của tinh thần thăng tiến (điều này tôi đã đề cập ở trên)
2. Duy thực tại: Sử tính về nhận thức
Tôi xin đi vào tiến trình thứ hai:
Có một khuynh hướng bề nổi cho rằng: Trong một giai đoạn lịch sử, nền văn minh suy tàn đi theo cơn hấp hối của Đế quốc La Mã, bởi rất dễ dàng để nhận thấy: Đội quân của Đế quốc uy danh lừng lẫy từng khải hoàn vó ngựa chiến thắng ngạo nghễ của nó trên khắp các nẻo đường chinh phục đã tiêu vong; cái kinh thành xa hoa lộng lẫy tối ngày gào rú trong lạc thú đã trút bỏ tinh hoa để trở thành xác ướp khổng lồ… Song có hai cách nhìn khác có vẻ ngậm ngùi hơn:
1- La Mã không có nền văn minh tinh thần, nó chỉ là nền văn minh mô phỏng đến từng lỗ chân lông nền văn minh Aten; bằng chứng là toàn bộ các vị thần La Mã chỉ là cuộc “thay nhãn” tên các vị Thần Hy Lạp.
2- Văn Minh La Mã không có tên gọi bởi ngay lúc cất tiếng khóc chào đời, hài nhi của chàng Đế quốc khổng lồ đã hít thở không khí siêu hình của Kitô giáo. Bởi vậy, tên gọi đích thực của Văn minh La Mã là: Văn minh Kitô giáo.
Là người cố công truy đuổi ý nghĩa của cuộc đời, tôi thiên về nền văn minh tinh thần hơn, bởi vậy chúng ta khởi sự từ nền văn minh Hy Lạp. Trước công nguyên năm trăm năm trở lại những khối óc đồ sộ, lọc lõi, nhân bản nhất đã ra đời đặt nền móng cho toàn bộ hành trình nhận thức của nhân loại: Socrat với Biện chứng phép, Platon với Hữu thể luận, và Aristote với Tam đoạn luận… Sau đó dường như là cuộc xả hơi mãn nguyện của lịch sử, đến tận thế kỷ III và IV sau công nguyên mới xuất hiện hai tinh tú mới: Plotinus (205-270) – Tân chủ Platon, và St. Augustine (354-430) Nhà triết học – Thần học giữa bầu trời không đủ cường lực để đánh thức giấc ngủ tri thức của nhân loại, lịch sử nhận thức sau cơn trở mình ngắn ngủi lại lăn tiếp vào giấc ngủ mê mệt, đến tận thế kỷ mười ba mới xuất hiện trở lại một khuôn mặt: St. Thomas Aquina (1225-1270) Triết gia Kitô giáo minh triết lỗi lạc. Nhìn lướt qua như vậy, chúng ta dễ thừa nhận rằng trí tuệ của nhân loại đã quá “bình thản nghỉ ngơi”.
May thay! Thời Phục hưng đã hiện ra, ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó đã hun đúc những vì sao khiến cả bầu trời chói sáng, nào: Galileo, R. Descartes, I. Kant, Hegel… Đây là thời kỳ chói sáng đến mức Nietzsche đã phải thốt lên: “Đây là buổi ngọ thiên cuối cùng của nhân loại”. Thời Phục hưng như tên gọi “Renaissance” của nó tức là tái sinh những giá trị cũ; điều đó ám ảnh rằng thế giới của chúng ta chẳng làm được gì khác hơn là hâm nóng lại những giá trị tinh túy đã chìm trong quên lãng thời gian. Vì chính buổi ngọ thiên chói chang đã biểu lộ rằng: những tia sáng của nó đã được khởi chiếu từ lúc “Bình minh với những ngón tay hồng”. Dòng chảy lịch sử này khiến nhiều nhà Triết học, Sử học, Nhân loại học, đặc biệt là Triết gia vĩ đại Hegel đã quan niệm đại thể rằng: Lịch sử đã dự phóng trước một cứu cánh khởi thủy từ một ngọn nguồn cao nhất. Để dễ dàng hơn chúng ta hãy liên tưởng đến cỗ máy vũ trụ là mạnh nhất bởi nó phải tạo đà cho cả cuộc vận động của nó.
Đến đây, chữ “Suy đồi” của chúng ta đã phơi ra khá nhiều góc cạnh nào: khát vọng thăng tiến, nào dòng lịch sử… Và buổi ngọ thiên đã đến rồi, có phải chúng ta đang rơi vào đám sương mù bàng bạc của buổi hoàng hôn đang tắt nắng hay không? Đó là vấn nạn quyết liệt của chúng ta, chúng ta phải trả lời nó không chỉ bằng tri thức, nền văn minh mà phải bằng tất cả máu thịt của mình. Nietzsche đã ngao ngán tự bêu riếu khi thừa nhận rằng: “Chúng ta chẳng làm được gì nhiều hơn điều mà Tổ sư của chúng ta đã làm”.
Có phải những tia nắng của chúng ta vẫn là những tia nắng được thắp sáng từ buổi bình minh trên ngọn Ô-lanh-pơ?
Tuy vậy, trọn vẹn cuộc bày đặt “Suy đồi” có phải để tự xúc xiểm hoặc khổ dâm (sadisme) thời cuộc mong thỏa thuê miệng lưỡi ngoa ngoắt của mình, hay nó là cái gì ít độc tố hơn. Chúng ta hãy nghe Nietzsche bộc lộ: “Bi kịch trước hết là một phương thuốc phòng ngừa “một cuộc trồng độc” chống lại định mệnh không thể tránh khỏi”. Suy đồi – liệu có phải là tiếng la rú phả hơi độc vào không khí đời sống, hay chỉ là một thái độ tự kỷ khắc nghiệt? Tinh lọc “quặng người” qua lửa? Chẳng có ai khác lại vẫn là Nietzche kẻ chịu chơi rốt ráo đến tận cùng đã thu dọn cái khối suy đồi đó, Nietzche kêu: “Chính trong thời gian đau ốm, chúng ta không được phép bi quan. Cũng vậy chính trong thời đại bi thảm chúng ta phải chấm dứt mọi triết lý bi đát”. Ở chính cuộc thoái lui Suy đồi này Nietzche đã châm ngòi một ý chí vượt thắng – ý chí hùng tráng.
Tất nhiên đường cùng “Suy đồi” không phải nỗ lực Hữu thể luận của các Triết gia, cũng không phải sử thi của các Sử gia, mà là cuộc truy đuổi ráo riết của thái độ sống, thái độ làm người. Chính vậy mà Mounier đã quả quyết “… Một người không biết phản kháng với hết sức mình, không biết phẫn uất với lòng mình… thì người đó chỉ là một tâm hồn nghèo nàn, tuy có vẻ đẹp đẽ nhưng đã bắt đầu hôi thối mùi xác chết”. Và nhà văn Mỹ Faulkner với thái độ văn nghệ dấn thân của mình đã tuyên xưng một nguyên lý: “Nhà văn không được nói về sa đọa thay vì thánh thiện, hắn phải nói về sa đọa như một cám dỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về “con người toàn diện” vậy”.
Chính tiếng hét Suy đồi đã buộc con người phải đứng trước vấn nạn quyết liệt của mình: VẤN NẠN LÀM NGƯỜI. Vấn nạn động trời này gây lên một cuộc phản tỉnh dằn vặt trong tâm thức những cây bút thời đại, từ đấy văn chương trở nên sống động hơn – nó muốn lấm lem cát bụi cuộc đời; nó khát khao dấn thân, khát khao phụng hiến như một phương tiện mong cứu rỗi cuộc đời ba chìm bảy nổi. Và cũng kể từ đây, thứ văn chương thù tạc, “cưỡi ngựa xem hoa” trở nên nghẹt thở vì thiếu hẳn sinh khí của đời sống.
Kể từ đây nhà văn và nhân vật của họ luôn chiêm ngắm chính mình, họ đặt câu hỏi: Ta là ai? Ta là người? Vậy người là ai? Ta là người: Người thần thánh hay Người súc vật?
Chính những câu hỏi lật đi xới lại dằn vặt đó đã khiến nhân vật của Sartre trong cuốn Buồn nôn phát hiện: Con người là một sinh vật phi lý, anh ta không thể xinh xắn bằng một con ốc lóng lánh đủ màu sắc lúc nào cũng nghễu nghện như một tòa biệt thự, và còn nhiều lắm… Chúng ta hãy nhớ lại, Nietzsche đã rú lên thứ âm thanh hạnh phúc đến tột đỉnh như thế nào khi vớ được cuốn sách của Dostoievski, ông bảo: “Dostoievski là sự tình cờ hạnh phúc nhất đời tôi”. Tôi chắc rằng những ngôn từ mà Nietzsche vớ được chẳng ngoài những dòng này của Dostoievski: “Con người có phải là thứ sinh vật đê tiện không? Không phải là sinh vật đối với những ai biết đặt cho mình câu hỏi đó. Là sinh vật với những ai không biết tự đặt cho mình câu hỏi đó, và những kẻ đi theo con đường của mình mà không bao giờ tự hỏi”. Có lẽ thật chính đáng, hiển nhiên và đơn giản khi: Chúng ta muốn tiến hóa, vậy trước hết chúng ta phải nhận diện trạng thái suy đồi của mình.
Đến đây, chúng ta đã đi trọn hai phần:
1- Duy niệm: Khát vọng
2- Duy thực tại: Sử tính
Viết đến đây tôi nảy sinh ý đồ được “múa may” phép tam đoạn luận, vậy tôi đề nghị: Quý vị sẽ thăm thú phép Syllogisme của tôi là:
1- Tiền đề: Khát vọng
2- Hủy đề: Thực tại tính lịch sử
3- Tổng đề: Cuộc đời.
Tôi xin đi tiếp vào mục ba, tổng đề: Cuộc đời
Trong trào lưu phát triển thần tốc của khoa học hiện nay, không ít người trong chúng ta đã tự hào rằng: Chúng ta đang sống ở một nền văn minh tột đỉnh nhất. Nếu chỉ nhìn vào phi cơ, xe hơi, súng liên thanh, vô tuyến điện… chúng ta có thể hí hửng lạc quan như vậy. Nhưng còn trí tuệ, trí năng và phẩm cách của chúng ta thì sao? Nó có lăn theo tốc độ bánh xe, hay được phóng vút đi như những viên đạn liên thanh hay không? Cách đây hàng nghìn năm, xa lắc xa lơ rồi, chẳng một người dân đạo Hồi nào không hiểu những dòng chữ này trong kinh Kôran: “Các ngươi được tạo ra đàn ông để cho đàn bà và đàn bà để cho đàn ông. Nếu các ngươi không thuộc về nhau như vậy sẽ có một chứng bệnh cực kỳ hiểm hóc xen vào giữa các người”. Và bệnh Si-đa đã giáng xuống loài người, đó không phải là cú chơi sỏ của Thượng Đế hay bất kỳ một thần thánh – ma mãnh nào, mà là tặng phẩm cho lối sống đồng tính luyến ái, lưỡng dục, tình dục sai “cơ quan”, ái tình xúc tác cơ năng đầy bệnh hoạn của chúng ta.
Liệu chúng ta vẫn đang làm người? Hoặc yên chí làm người một cách thần thánh?
Tổng đề đời sống là ngả suy nghiệm riêng rẽ của mỗi người trong chúng ta, bởi lẽ ai trong chúng ta cũng đang sống. Bởi thế tôi xin trả lại quý vị cái cơ hội suy nghiệm của mình, và để quý vị hoàn toàn tự do, tôi xin:
Quẳng lại, viết lại, bôi mực lại hai chữ: SUY ĐỒI.