Tuhieuminh.blogspot.com DE1BBA5ctC3ADnhchC3A2nmC3B3nghayC491E1BB89nhthC3A1pcE1BBA7avC483nchC6B0C6A1ng
Chẳng có gì trân trân – lù lù hiện diện như cơ thể! Chảng thế mà khi Descartes tuyên xưng “Tôi có đây tôi hiện hữu” – lập tức nó trở thành một chân lý bất khả cưỡng. Khi thân xác xuất hiện thì ngay lập tức nhục dục cũng hiện diện. Nó hiện diện như quyền sống tất yếu của bản năng cơ thể như: ăn- uống, thức – ngủ, thâu nạp – tiêu hoá, đầu vào – đầu ra… Nhục thể vận hành nhục dục, đó là cấu – hành tất yếu, như nước phải sinh ra sóng. Song khi thị dục xuất hiện, thì cơ năng vận hành đó được phóng vượt từ thân xác lên vương quốc tinh thần bằng đôi cánh khát vọng. “Thị dục”, theo tiếng La Tinh appetitus, là tìm kiếm tất cả những gì ham muốn cho các giác quan, cảm xúc, và ý chí[1]. Ta có thể coi phương ngôn sau đây của Kinh Thi là một dẫn dụ của thị dục, bao gồm cả giác quan và đối tượng:
Ngũ âm mà khôn xiết nghe
Ngũ sắc mà khôn xiết nhìn
Ngũ vị mà khôn xiết nếm
Cửu sổ mà khôn xiết đếm [2]
Khi thị dục bò từ giác quan (senses) lên cảm giác (feeling), tới cảm xúc (emotion), lên ý muốn (will), rồi lên ý chí (free will)… cao hơn nữa đến linh hồn (soul) và nhắm tột đỉnh tinh thần (spirit), thì nó không còn đơn giản nằm trong khuôn viên “nhục dục” nữa, mà nó đã hoá thân và thánh hoá rất nhiều bởi đôi cánh siêu hình (metaphysics). Đây cũng chính là khoảnh khắc cơ thể đánh rơi thân xác trần tục nặng nề của nó để bay lên tháp ngà nghệ thuật. Cuộc cất cánh này được minh chứng qua những cơ thể được Raphael, Michelangelo, Leonardo de Vinci, và nhiều nghệ sĩ khác chưng cất tinh thiết đến mức, chúng trần trụi không còn mảnh vải, bay liệng trên những vòm cung nhà thờ, mà chẳng gợn lên bất kỳ ám ảnh nhục dục nào. Khi con người tìm cách băng qua giới hạn của mình thì tôn giáo và nghệ thuật hiện ra. Sách Bách Khoa Thần học (New Catholic Encyclopedia) viết: “Trước nghệ thuật và tôn giáo con người chia sẻ nỗi tri âm vô hạn bất khả diễn giải. Trước cả hai thứ, con người đều cố gắng phá vỡ biên ải hiện hữu của chính mình”. (In both art and religion man can feel himself to be in communication with the inexpressible infinite. In both, man tries to break through the frontiers of his own existence)[3] . Và ông hoàng mỹ học Hegel, thế kỷ 19, cũng khẳng nhận: “Mục đích có tính bản chất của nghệ thuật là có nhiệm vụ và có khả năng làm dịu bớt tính chất thô bạo của các dục vọng”.[4]
Khi nhục dục bò lên địa hạt tinh thần để kiến thiết vương triều nghệ thuật, thì bản năng ngày càng rơi rụng và lý trí ngày càng gặt hái. Song lý trí, tôn giáo, cũng như nghệ thuật duy lý đã bị giáng những đòn chí mạng khi các phong trào phản lý trí (anti – intelectuel), phản văn chương (anti- littérature) đặc biệt là công cuộc giải phóng phụ nữ, giải phóng tình dục xuất hiện, chưa hết, thủ lĩnh dục tính đệ nhất lịch sử Freud “giáng trần” cùng chiếc gậy libido trong tay đã khiến cho tâm trí và nghệ thuật của thế kỷ 20 thất điên bát đảo. Cuộc giải phóng phụ nữ là cuộc cách mạng về nhân vị và nhân tính, nâng phái yếu lên ngang tầm bình đẳng với đàn ông, một cuộc cách mạng từ cổ chí kim chưa từng có. Cuộc cách mạng tự do tình dục là cuộc tháo lũ “nước chảy chỗ trũng” cuồn cuộn đổ về “rốn” của dục vọng cuốn theo bao nỗ lực của ý chí, của nghệ thuật, cũng như của tôn giáo đã lên gân gắng gỏi đằng đẵng suốt thời trung cổ. Và vị cứu tinh của cách mạng tính dục Freud đã xuất hiện rất kịp thời đầu thế kỷ 20, đem theo chủ thuyết “giải phóng mặc cảm tình dục tiềm tàng o bế con người”. Hoàn toàn, có thể nói, thế kỷ 20 là thế kỷ giải phóng phụ nữ, đó cũng chính là sự thiết lập tự do giới tính – và tất yếu dẫn đến tự do tình dục. Văn học là cuộc đời. Vậy tất yếu nghệ thuật và văn học của thế kỷ 20 không thể đứng ngoài dòng lũ của dục vọng. Sau phát hiện phân tâm học của Freud, đã có biết bao bức tranh ngưỡng vọng cuộc ái tình giữa Adam và Eva, và biết bao văn nhân đã tiêm chích libido vào đời sống các nhân vật của mình.
Nhưng “nghệ thuật tình dục” có phải cái đẹp mỹ học thuần khiết không? Từ lâu, các nhà mỹ học đã cho rằng, nghệ thuật đánh vào dục vọng của con người là nghệ thuật kiếm lời nhanh nhất, nhưng cũng là thứ nghệ thuật non bấy nhất vì vẫn phải bấu víu vào những ham hố của con người: tranh vẽ một cô gái thường được ngắm nhiều hơn tranh vẽ đứa bé con, vì cô gái hoàn mãn những đường cong gợi dục nhiều hơn, và cũng cô gái đó, bức khoả thân thường dễ quyến rũ hơn bức vận trang phục, bởi nó trực tiếp đập vào thị dục…Vậy, chắc hẳn “cuộc giải phóng tình dục” là một phong trào xã hội học nhiều hơn văn học. Đấy là xét thuần lý thuyết. Trong thực tế thì sao?
Chẳng có gì trân trân như thân xác, thì cũng chẳng có gì biện chính mãnh liệt sờ sờ như dục vọng. Dục vọng là cơn khát xuất hiện đầu tiên, liên lỉ, âm ỉ và lộ liễu ở mọi ngóc ngách của cuộc đời. Và một nền văn học nhắm đến dục tính cũng ào ạt lấn lướt chiếm đoạt ngay mối quan tâm của độc giả và xã hội. Văn học dục tính chiếm ưu thế trên diễn trường xã hội nhưng có sức sống lâu bền trong đời sống văn hoá tinh thần không? Câu trả lời đã quá rõ ràng. Mới đây, tại Pháp, các nhà xuất bản mở cuộc thăm dò dư luận để chọn những nhà văn xuất sắc nhất thế kỷ, ngạc nhiên thay, nhưng cũng tất yếu thay, tác giả Sagan nổi tiếng trên “trường tình” đến vậy chỉ được bầu chọn có 1,5% so với 12% của Albert Camus và Jean-Paul Sartre, sự chênh lệch gấp đến cả chục lần. Ở Việt Nam, thực tế này cũng phơi mình rất rõ. Trong nước, một loạt các tác giả nổi lên như cồn bởi bút pháp thao diễn những cảnh trai gái mùi mẫn, thương nhớ sụt sùi đã tàn lụi nhanh hơn cả sức vóc tình dục của tuổi trẻ. Ở ngoài nước, có tác giả đã từng nổi tiếng về bút pháp có tầm văn hoá, lại nhanh chóng hết vốn rơi về hoàn cảnh đào xới “vốn tự có” của tình dục, khiến cho con đường sáng tạo cá nhân trở nên thoái hoá và quanh quẩn đi mãi chẳng xa khỏi ranh giới bản năng. Sáng tác nặng bản năng, nặng trực cảm, vẫn là con đường mòn của những cây bút thiếu tư tưởng. Ở ta lại càng thấy rõ, do các khả năng văn hoá, phán đoán, lý luận, tôn giáo, thần học, triết học không trở nên nguồn vốn thu hái và đào luyện thường xuyên, nên các cây bút thường loay hoay rơi vào ranh giới dục vọng đời thường, không bứt mình vọt cánh bay lên được. Hegel nói: “Nghệ thuật có thể gợi lên cho tâm hồn ta và trong trí tưởng tượng của ta những tình cảm tốt đẹp cũng như xấu xa, có thể củng cố ở ta những ham thích cao thượng cũng như đưa vào lòng ta những dục vọng ích kỷ có tính chất tình dục”[5]
Cũng theo Hegel thì chỉ khi nào tác phẩm đạt đến cấp độ tinh thần mới được gọi là sáng tạo, bởi lẽ trực cảm chỉ có thể trực nhận và mô phỏng lại đối tượng tự nhiên. Tuy nhiên, khi chúng ta tuyên xưng nguyên lý tinh thần cho nghệ thuật, không có nghĩa là chúng ta sẽ chối bỏ thân xác theo kiểu “yes or no” (có hoặc không). Thân xác không phải là đỉnh chóp nhưng là nền tảng của nghệ thuật. Hơn cả thế, thân xác là điều kiện – là giới hạn, để tinh thần phóng vượt, giống như sự bó buộc là vật cản thiết yếu của tự do. Một nền văn chương nhằm vào nơi hành lạc của dục tính như mục đích cuối cùng là một nền văn chương không băng ra khỏi “vốn tự có” của cuộc đời. Nhưng một nền văn chương thoát ly khỏi dục vọng trần tục – không coi đó là một nền tảng thiết yếu, thì trái lại, là một nền văn học mất gốc dở người dở thánh. Nếu văn chương là thứ cứu rỗi tâm hồn con người khỏi cuộc trầm lụt của dục vọng, thì, đầm lầy dục vọng càng lớn – cuộc vượt thoát của tâm hồn càng lớn. Jean Lacroix nói: “Ở đâu bản năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn”. Một nền văn chương lớn không muốn được ươm trồng trên mảnh đất bạc mầu của dục vọng. Trái lại, văn chương là cuộc đời toàn diện, nó muốn gieo trồng cánh rừng của mình trên một bình nguyên mầu mỡ, ở đó, cây mọc lên vùn vụt, chim bướm bay về, sâu mọt kéo đến, đạo chích quần tụ rình mò, và chàng hiệp sĩ cứu rỗi bắt đầu xuất hiện. Một nền văn chương lớn chỉ xuất hiện ở một xã hội văn minh, ở đó dục vọng phát triển cùng sự tiến bộ đã bày ra vô vàn vấn nạn “mặt trái của tấm huân chương” về tội ác, sự tha hoá, những bế tắc và lạm phát.
Không giống điêu khắc, hội hoạ, là nghệ thuật không gian, chúng phải trình diễn ngay lập tức sự hoàn mỹ của tác phẩm, văn chương là nghệ thuật thời gian, nó được quyền kiến thiết cái toàn chân – toàn thiện – toàn mỹ trên hành trình cứu chuộc, trần gian lầm lạc được mở ra và cuộc tinh chế để thánh hoá tâm hồn bắt đầu lần từng bước một về miền đất hứa. Không có tác phẩm đích thực nào lại phi mục đích. Cũng vậy, không có thân xác nào trong tác phẩm lại chỉ là thân xác (nếu thế thân xác chỉ là con rối mua vui – và đó là thứ văn học gia nô, chứ không phải văn học của chủ nhân ông sáng tạo), thân xác phải chứa hành động – tư tưởng và cứu cánh, giống như, hình thức phải mang lấy nội dung nghệ thuật. Nhưng muốn cứu rỗi trần gian, thì trước hết phải sống trần gian và trình bày trần gian đã. Thánh Bernard nói: “Cái thiêng liêng không đi trước cái súc vật, trái lại cái thiêng liêng chỉ đến sau, vì vậy trước khi mang hình ảnh người cõi trời, chúng ta phải mang hình ảnh người cõi thế”.
Văn chương không thể thoát ly khỏi thực tại đời sống, và thân xác là thực tại đầu tiên thuộc kinh nghiệm làm người. Bởi thế văn chương phải “xuống thế”, “xuống tầu” và “xuống trần” để sống cuộc đời. Nhưng không phải để “cưỡi ngựa xem hoa” cuộc đời, mà để bắt tay vào dọn dẹp, tẩy uế, và cứu rỗi cuộc đời theo ngả đi lên. Chúng ta vì một nền văn học sát cánh với trần gian, nhưng không phải bằng cuộc vui hưởng những lạc thú trần gian, mà bằng đức dấn thân để cải thiện trần gian. Dù sao thì với trần gian còn đầy bộn bề lam lũ, bất công, bạo hành, đạo tặc, đói rách… văn chương không thể chỉ là thứ chăm chăm giải chiếu để “uống rượu bình thơ” hay đòi tự tình cùng người “trong mộng”. Cũng vậy, chúng ta quan tâm đến thân xác không phải chỉ để tôn vinh những đòi hỏi dục lạc của nó, mà để luôn đánh thức và dìu bước người anh em cật ruột đi tìm cánh cửa mở vào trời. Văn chương bắt đầu từ thân xác, nhưng thân xác phải ngước lên nhìn vòm trời lồng lộng bằng đôi mắt của tâm linh. Saint Augustine nói: “Con người bị kẹt giữa vị trí trung gian, nếu bạn có một linh hồn nó sẽ nằm ở giữa, bạn nhìn xuống sẽ thấy cơ thể, bạn ngước nhìn lên sẽ thấy Thượng Đế, bạn bị cơ thể kéo xuống, nhưng lại được linh hồn nâng lên”.[6]
Chăm chút cho thân xác là chăm chút một khởi điểm cho dự phóng tinh thần của văn chương, chứ không phải “trùm chăn đóng cửa” quanh phạm vi thân xác để mua vui hay truy cầu dục lạc. “Sinh vì nghệ, tử vì nghệ”, không có nghề nghiệp nào trên đời, không cần đến đức dấn thân và đức hy sinh. Văn chương là một nghề đặc biệt – nghề cuộc đời toàn diện, càng đòi hỏi đức dấn thân và hy sinh hơn bao giờ hết. Nếu không, văn chương nếu chỉ chăm ẵm cho đời sống dục vọng, thì như Kierkegaard phản tỉnh “càng thụ hưởng càng thấy mình nghèo nàn” nền văn chương đó chỉ bơi trên “gối đệm” của dục vọng, không thể nào lớn được.
Từ lý luận và thực tế còn nóng hổi, chúng ta dường như buộc phải thừa nhận rằng văn chương duy dục tính chỉ là văn chương phục vụ thị hiếu xã hội mà thôi, nó là thứ văn chương loại hai. Làm sao người ta có thể tìm thấy nồng độ duy dục tính trong tầm cao vĩ đại của những tác phẩm Vua Lia, Rô-mê-ô và Juliet, Chiến tranh và hoà bình, Anh em nhà Caramadốp… Một nền văn chương lớn lao đích thực phải là nền văn chương vọt cánh bay khỏi khuôn viên thân xác. Và chỉ có những nhà văn có tư tưởng mới làm được điều đó mà thôi! Tuy vậy, một tác giả lớn đích thực không tìm cách chối bỏ giá trị thân xác, trái lại, anh ân cần cúi xuống chăm ẵm thân xác và chiếu sáng dẫn lối thân xác bằng ngọn đèn sáng láng của tinh thần, nhắm miền đất hứa. Nhà văn chân chính là nhà văn bám sát vào đất sống trần gian để nhận chân cuộc đời toàn diện, và mở màn anh nhận thức, như Pascal nói: “Con người không phải là thần thánh cũng không phải là súc vật, nhưng sự bất hạnh muốn rằng kẻ nào muốn làm thần thánh sẽ làm súc vật”.
Nâng đỡ thân xác! Cứu rỗi tâm hồn! Thanh tẩy trần gian! Đó hẳn là quá trình vận động của nghệ thuật và văn chương. Văn chương không phải là thứ bày bàn ăn cho thân xác, giải chiếu đệm cho dục vọng, hay tấu nhạc cho mặc cảm danh vọng, mà văn chương là thứ tinh chế thực tại thô ráp của đời sống thành hiện thực cao cả của nghệ thuật, vắt lọc cuộc đời thô lậu thành cái đẹp mỹ học của tâm hồn luôn thèm khát thanh tao – lý tưởng – và tuyệt đối. Về điểm này, tôi cho lời khuyên của Faulkner thật là chí lí: “Nhà văn không được nói về cô đơn, hắn phải nói về cô đơn và sức mạnh. Nhà văn không được nói về đau khổ, hắn phải nói về đau khổ và cao quý và giải thoát… và hắn không được nói về trái cật thay vì trái tim. Hắn phải nói về trái cật để bổ túc trái tim. Hắn không được nói về tình dục thay vì tình yêu. Hắn phải nói về tình dục để hỗ trợ tình yêu. Hắn không được nói về sa đoạ thay vì thánh thiện. Hắn phải nói về sa đoạ như một cám dỗ thánh thiện và như một bước đầu trưởng thành. Nghĩa là hắn phải nói về con người toàn diện vậy”.[7]
Một nền văn học không nhờ cậy vào sức phóng của tinh thần thì không thể tạo ra quá trình thanh lọc cảm xúc nhắm tới đỉnh cao của tư tưởng và cái đẹp. Đó là thực tế, kinh nghiệm sống thực, và là điều kiện sống còn của nền văn học chúng ta. Giờ đây, không chỉ theo đánh giá của Hội nhà văn Việt Nam, chúng ta không có tác phẩm ngang tầm thời đại. Chỉ có tác phẩm bé và vừa, mà trong thực tế, tiểu thuyết là một số đếm quá nhọc nhằn, trường ca cũng vậy, thơ nhiều nhưng hầu hết chỉ rặt “thúng – mủng” gánh hàng rong, điều đó có phải, nền văn học của chúng ta còn quá non bấy, chưa đủ sức vóc tinh thần để sắp xếp những hòn đá cảm xúc thành một lâu đài? Hơn thế chúng ta chưa trau dồi đủ tầm cao tư tưởng – tri thức – và văn hoá để thiết kế bản vẽ của toà lâu đài?
Để kết thúc, chúng ta hãy ngắm nhìn nguyên lý: dục vọng là cái đầy quyến rũ nhưng cũng là cái dễ lầm lạc nhất về mỹ học, bởi lẽ, nó rủ rê tán tỉnh và tiêm chích nhiều hơn là cứu chuộc tâm hồn độc giả. Và một tác giả nhắm vào dục vọng của bạn đọc, cơn ức chế của một giai đoạn, hay nhu cầu nào đang nổi lên… thì sự nổi danh chưa chắc đã là của tay nghề mỹ học, có thể chỉ là ngón nghề xã hội mà thôi! Một nền văn chương toàn hảo không từ chối dục vọng, nhưng cũng không xem dục vọng như một cứu cánh cuối cùng.
– Con người đúng đắn duy nhất là thân xác phải mang ý thức.
– Nghệ thuật đúng đắn duy nhất là hình thức phải chứa nội dung. Và
– Văn chương chân chính duy nhất là dục vọng phải chở mang cuộc cứu chuộc của tinh thần.
“Chừng nào cuộc đời còn đi lên thì hạnh phúc và bản năng đồng nhất” (Nietzsche).
Nguyễn Hoàng Ðức
[1]Đọc Encyclopedia New Catholic (ENC) by The Catholic University of America, 1967 cuốn A – 703.
[2]Câu “Cửu số mà khôn xiết đếm”, tôi nghe được, không có trong Kinh Thi.
[3]ENC, cuốn A – tr. 885
[4]Mỹ học Hêghen – Nhà xuất bản văn học, tr.122.
[5]n.t., tr.121
[6]ENC, cuốn A – tr. 1048

[7]Con đường sáng tạo, tác giả Nguyễn Hữu Hiệu, tr. 260.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ