Sau mùa an cư, Đức Phật trở về tu viện Trúc Lâm ở Rajagaha, người được tin khất sĩ Vakkali đang bị bệnh nặng. Người cùng thị giả Ananda đến thăm khất sĩ Vakkali trong căn nhà của một cư sĩ làm nghề đồ gốm. Sau khi thăm hỏi bệnh tình của khất sĩ, Đức Phật nói:
Vakkali! Thầy có thấy sắc thân là vô thường không? Sắc thân nơi thầy cũng thế mà sắc thân nơi ta cũng thế!
Bạch đức Thế tôn! Con thấy rõ sắc thân là vô thường, con thấy cảm thọ cũng vô thường. Những đau đớn, những vui mừng của con cũng đang sinh diệt, biến chuyển không ngừng. Tri giác, tâm tư và nhận thức nơi con cũng chịu luật sinh diệt vô thường ấy.
Vakkali! Sự sống mầu nhiệm khắp nơi, thầy hãy mỉm cười đi! Mỉm cười với tấm thân tứ đại của thầy, mỉm cười với những đau đớn đang sinh diệt trong cơ thể của thầy.
Hai mắt của khất sĩ Vakkali rươm rướm ướt, trên môi thầy rõ rệt đang có một nụ cười. khi Đức Thế Tôn ra về, khất sĩ Vakkali nhờ các bạn tu khiêng mình ra nằm trên triền núi và ngày hôm ấy khất sĩ từ trần.
Buổi chiều đức Phật lên núi Isigili, bầu trời trong xanh, chỉ có một gợn khói bốc lên từ cuối chân trời nhưng trong phút chốc, gợn khói cũng tan loãng trong không gian và biến mất. Nhìn bầu trời bao la, Đức Phật nói với các vị khất sĩ:
Vakkali đã giải thoát, không một ma chướng nào, không một pháp hữu vi nào có thể kìm hãm, giam giữ được Vakkali!
Thị giả Ananda là một tỳ kheo uyên bác, chánh trực, sống cuộc đời đạo hạnh và rất tình cảm. Khi được tin tôn giả Sariputta nhập diệt, thị giả quay đi và lấy vạt áo cà sa che mặt khóc sướt mướt. Đức Phật thấy vậy nói rằng:
Có sinh tất có diệt, có hội ngộ thì phải có phân ly, các pháp hữu vi là thế đó. Hãy vượt thóat lên khỏi thế giới của sinh diệt và của tụ tán.
Khi thực hành Bát Nhã Ba La Mật, đức Quan Thế Âm Bồ Tát quán niệm thân thể bên ngoài, Bồ Tát thấy các xác chết bỏ ngoài nghĩa địa tím đen, sình lên, phân hủy, hôi thối, bị dòi bọ đục rỉa, Bồ Tát thấy những bộ xương rải rác trên mặt đất dưới mưa nắng qua nhiều năm tháng. Bồ Tát so sánh những cảnh tượng đó với tự thân rồi quán niệm rằng: “Thân này rồi cũng sẽ chịu số phận như thế, không tránh thoát được.”
Với lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ người mẹ khôn nguôi, nhà vua Prasenajit (vua nước Xá Vệ trong thời Đức Phật còn tại thế) đến xin đức Thế Tôn soi sáng và ban cho nhà vua sự an tịnh trong tâm hồn khi mẫu thân nhà vua vừa qua đời.
Đức Phật dạy rằng: Đời người có bốn việc không thể tránh, đó là:
Mang thân trung ấm không thể không thọ sinh
Đã sinh không thể không già
Đã già không thể không bệnh
Khi đã bệnh không thể không chết.
SINH, LÃO, BỆNH, TỬ là qui luật của kiếp người, không ai tránh khỏi.
Với tấm thân tứ đại, bệ hạ và chính ta đây rồi cũng không tránh khỏi qui luật đó.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh. Cái chết luôn rình rập hiện diện quanh ta và ập đến bất ngờ. Chỉ một hơi thở, khi thở ra mà không hít vào được là đã qua một kiếp người.
Thế nhưng chúng ta thường bị một “bức màn” che mờ lý trí làm cho chúng ta không thấy được cái mong manh và sự tạm bợ của kiếp sống. Bức màn dày đặc đó chính là: THAM, SÂN, SI. Vì lòng tham chúng ta không bao giờ thấy đủ để dừng lại và vượt lên khỏi bờ vực của sân hận và phiền não.
Khi chấm dứt cuộc sống chúng ta không mang theo được những thứ mà chúng ta cố sức gom góp, tích lũy từ cõi trần này được ngoài cái NGHIỆP là cái mà chúng ta đã gieo trong suốt cuộc đời chúng ta đã sống.
Quanh ta, có biết bao người già yếu, bệnh tật, nghèo khó, bất hạnh đang hết sức cần sự giúp đỡ của chúng ta.
Niềm hạnh phúc và an lạc sẽ đến với chúng ta không phải từ sự giàu sang hay danh vọng mà chính là cách sống của chúng ta.
Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nếu chúng ta cùng chia sẻ, mang niềm vui và hi vọng đến với những người già yếu, tật nguyền và cùng khổ đó. /.