Những năm chiến tranh hầu như Freud không có tác phẩm nào công bố. Phải đợi đến năm 1919 – 1920, ông mới khởi thảo ‘Bên kia nguyên lý khoái lạc’. Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Freud liều đưa ra giả thuyết về một thứ bản năng chết.
Sau đó, bản năng chết cũng sẽ được gọi bằng thuật ngữ “Thanatos”. Nó đối lập với “xung năng tính dục thần thánh, là sự biểu hiện của bản năng sống[1]. Ngoại trừ trong các cuộc trò chuyện riêng tư, Freud ưa dùng các thuật ngữ bản năng chết hay bản năng huỷ diệt hơn. Trong lần trao đổi với Einstein về vấn đề chiến tranh, Freud đã xác lập sự khác nhau giữa hai loại bản năng như sau: bản năng chết hướng tới việc chống lại bản thân, còn bản năng huỷ diệt sinh ra là để chống lại thế giới bên ngoài. Năm 1909, Steckel đã từng sử dụng từ “Thanatos” để chỉ một ước mong được chết, song chính Paul Federn mới là người phổ biến từ đó theo nghĩa hiện nay đang được chấp nhận[2].
Thật là lý thú khi ta nhận thấy Freud mặc dù từ rất sớm đã biết rõ những khía cạnh hoang dã trong bản tính nhân loại với các xung năng giết người của nó, nhưng trước năm 1915 ông không mảy may nghĩ tới qui trình biểu hiện bệnh tật của các xung năng đó. Một số kháng cự nhất định của Freud liên quan đến việc cắt đứt quan hệ với Adler chắc hẳn phải có vai trò nào đó. Chúng ta biết rằng từ năm 1908 Adler đã đưa ra định đề sự tồn tại một bản năng gây gổ sơ khai. Tuy nhiên như E. Jones[3] chỉ rõ, khái niệm của Adler mang tính xã hội nhiều hơn là tâm lý học (bàn về cuộc đấu tranh vì quyền lực và nhằm đảm bảo ưu thế của mình), còn khái niệm của Freud thì động chạm đến cả sinh học, hoá học và vật lý.
Hơn nữa Freud sẵn sàng công nhận rằng cá nhân ông luôn luôn cảm thấy một sự ghê tởm nào đấy khi chấp nhận ý kiến về một bản năng huỷ diệt độc lập. Trong tác phẩm ‘Sự bất ổn ở nền văn minh’, ông viết: “Tôi không thể hiểu được làm sao chúng ta lại có thể bỏ qua tính phổ cập của trạng thái gây gổ phi tính dục và của sự huỷ diệt, làm sao chúng ta lại có thể bỏ sót mà không gán cho trạng thái ấy ý nghĩa mà nó có quyền được có trong sự giải thích của chúng ta về cuộc sống”. Và ông viết thêm: “Tôi nhớ thái độ tự vệ của chính tôi lúc mà ý niệm về bản năng huỷ diệt lần đầu tiên xuất hiện ở thể loại văn học phân tích tâm lý. Và tôi nhớ phải mất một thời gian tôi mới có thể chấp nhận được quan niệm đó”[4].
Freud hồi tưởng rất nhiều lần về chuyện này. Do đó trong tác phẩm Các Hội nghị mới về phân tâm học, ông nêu rõ một bản năng gây gổ tồn tại có thể gây ra những kháng cự nào. Ông viết: “Tại sao chính chúng ta tại chậm thừa nhận sự tồn tại của một bản năng gây gổ đến như vậy? Tại sao chúng ta không mạnh dạn làm sáng tỏ, không giải thích trên phương diện lý thuyết những sự việc rõ mười mươi trước mắt, ai ai cũng đều biết cả? Chắc hẳn sự kháng cự sẽ ít hơn nếu như loại bản năng như thế chỉ bị gán cho động vật.
Nhưng nếu chấp nhận trong bản tính con người có hiện diện bản năng gây gổ ấy thì đó có vẻ như một sự báng bổ, sẽ đi ngược lại đa số giả thuyết tôn giáo và định ước xã hội. Không được, con người cần phải tốt hay ít nhất phải là tử tế. Nếu thi thoảng con người tỏ ra tàn nhẫn, dữ dằn, độc ác thì lỗi ấy là do một số rối loạn thoáng qua đời sống tình cảm của y, đa số là những rối loạn bị thách thức và chắc chắn tình trạng tổ chức xã hội yếu kém được duy trì cho đến ngày nay sẽ phải chịu trách nhiệm về những rối loạn đó”[5].
Trong tác phẩm ‘Bên kia nguyên lý khoái lạc’, bằng cách nào Freud phát biểu được thành định đề sự tồn tại của một xung năng chết?
Chúng ta đều biết nguyên lý khoái lạc[6] chi phối diễn biến của các quá trình tâm lý. Freud định nghĩa diễn biến ấy như sau: “Chúng ta tin rằng dòng chảy của các quá trình tâm lý bao giờ cũng bùng phát bởi một trạng thái căng thẳng khó chịu. Nó sẽ tìm hướng chảy sao cho cuối cùng làm giảm được sự căng thẳng, có nghĩa là làm triệt tiêu sự bất mãn hoặc làm nảy sinh ra niềm vui”[7].
Trong tác phẩm ‘Bên kia nguyên lý khoái lạc’, Freud làm sáng tỏ một số nhận xét mà ông thấy có vẻ như đi ngược lại cái nguyên lý trung tâm ấy của đời sống tâm thần. Trước tiên, ông lưu ý tới nguyên lý tính hiện thực[8]. Dưới ảnh hưởng của các xung năng bảo tồn, nguyên lý tính hiện thực có xu hướng muốn tự xếp chồng lên hoặc tự chấp nhận theo nguyên lý khoái lạc.
Tuy nhiên ông thấy rõ ràng là những đòi hỏi của tính hiện thực được gắn liền với lợi ích của Cái Tôi thì sẽ không mâu thuẫn với lòng khát khao khoái lạc bắt nguồn từ dục năng libido. Chỉ có điều những đòi hỏi đó buộc dục năng libido phải trì hoãn việc hiện tại hoá các xu hướng và hiện thực hoá các tiềm năng của nó. Như vậy là không có sự đối đầu không khoan nhượng giữa hai nguyên lý trên. Maurice Bénassy viết: “Trong khi va chạm với thực tế, người ta gặp những điều khó chịu; điều khó chịu nào được chấp nhận thì sẽ không đi ngược lại nguyên lý khoái lạc, bởi vì cái điều khó chịu hiện tại ấy về sau này sẽ giúp ta đạt tới sự sung sướng hoặc giúp ta tránh được một điều khó chịu tệ hại hơn”[9].
Tuy nhiên có những sự việc hiển nhiên vượt quá giới hạn nguyên lý khoái lạc và đối lập hoàn toàn với nguyên lý đó. Thời gian đầu, Freud lưu ý hiện tượng lặp lại ở những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, làm sao giải thích được các chứng loạn thần kinh do chấn thương tâm lý thông qua việc tìm sự thoả mãn dục tình hoặc thông qua một ý định đơn giản muốn làm chủ những kinh nghiệm không vui? Ở loại bệnh thần kinh này, đặc biệt là ở các chứng bệnh loạn thần kinh do chiến tranh được thấy rất nhiều trong thời kỳ Đại chiến, người bệnh lúc nào cũng thấy tái hiện trước mắt cú va chạm, tai nạn xảy ra, nỗi khiếp sợ mà anh ta là nạn nhân. Freud coi đó là dấu hiệu của người bị quỷ ám, của một sức mạnh không cưỡng nổi, độc lập với nguyên lý khoái lạc và có khả năng chống lại anh ta.
Cái dấu hiệu của “người bị quỷ ám” ấy, cái sức mạnh không cưỡng lại được của việc lặp đi lặp lại ấy, Freud đã từng quan sát thấy ở trò chơi kỳ cục của một trong những đứa cháu của ông, lúc đó nó được 18 tháng tuổi. Đứa bé ngoan ngoãn dễ thương khiến những người xung quanh ngạc nhiên vì thói quen đáng tiếc của nó. Vớ được thứ gì nó cũng ném vào góc phòng hoặc dưới gậm giường, vừa ném vừa kéo dài giọng o-o-o rất to. Ở hành vi thứ hai, nó bắt mọi người nhặt lại đồ và lần này thì vui mừng hớn hở nói “đa”. Nó chơi đi chơi lại trò này không biết mệt.
Cách giải thích của Freud khiến ta không thể nghi ngờ ý nghĩa của trò chơi lặp lại trên: sự biến mất và tái xuất hiện của đồ vật – trong trường hợp đó là một khuôn mặt, một đầu người – thể hiện sự ra đi và sự trở về của người mẹ. Trò chơi nhấn mạnh trước hết đến sự biến mất của người mẹ, ta nên chấp nhận rằng trò đó làm nảy sinh một cách có chọn lọc một sự kiện đau lòng.
Một lần nữa nguyên lý khoái lạc có vẻ như lại bị đánh trúng điểm yếu. Freud so sánh giấc mơ của những người bị chấn thương tâm lý và trò chơi của đứa cháu nhỏ của ông với những gì thường xuyên diễn ra trong các cuộc trị liệu bằng phương pháp phân tích tâm lý, ở đó người bị bệnh thần kinh không thấy có tiến bộ gì bởi lẽ người ấy không ngừng tái thể hiện lại nguyên xi các trạng thái triệu chứng bệnh như trước. Từ đó Freud suy ra rằng trong đời sống tâm thần tồn tại một khuynh hướng lặp lại không cưỡng được. Đấy là khuynh hướng sơ đẳng và do bản năng thôi thúc, nó bộc lộ ở bên ngoài hoặc thậm chí gây tổn hại cho nguyên lý khoái lạc, chính vì thế nguyên lý khoái lạc mới đòi hỏi phải được xem xét lại.
Để thuyết minh cho cơ chế tự động lặp lại ấy, Freud đưa ra định đề sự tồn tại các lực nội tại ở dạng chất sống, chúng có khuynh hướng muốn đưa dạng chất sống ấy về trạng thái của dạng chất không sống. Qua đó, Pierre Fougeyrollas[10] nhận xét, cái chết sẽ được tiến hành ở ngay giữa lòng sự sống và chúng ta sẽ phải chấp nhận một quan niệm tuyệt vời biện chứng về quan hệ sống/chết. Một hiện thực của xung năng duy nhất sẽ tự tách ra và tự chống lại chính nó bằng cách giải phóng ra các bản năng sống và bản năng chết trong cuộc đối đầu giữa chúng với nhau.
Chú thích:
[1] Về việc sử dụng thuật ngữ “bản răng” (instincts) hay “xung năng” (pulsion) để dịch chữ Trieb trong trong Đức, xin tham khảo cuộc tranh luận công khai công bố trên báo Le Monde ngày 8 tháng 2 năm 1967.
[2] Năm 1912, Sabine Spielrein công bố trong Jahrbuch: “Sự huỷ diệt như là nguyên nhân của kết quả”, một nghiên cứu đã hình dung trước gần như từng điểm một những ý kiến sau này của Freud. Xin tham khảo công trình nhan đề Satina Spielrein ở giữa Freud và Jung, NXB Aubier, 1981.
[3] Trong Cuộc đời và tác phẩm của S. Freud, tập III, tr. 314.
[4] Trong Sự bất ổn ở nền văn minh, PUE, 1971, tr. 75.
[5] Trong Các Hội nghị mới về phân tâm học, tr. 161.
[6] Trong tác phẩm Từ vựng phân tâm học, Laplanche và Pontalis định nghĩa khái niệm nguyên lý khoái lạc như sau: “Một trong hai nguyên lý chi phối – theo Freud – toàn bộ hoạt động tâm thần, nhằm mục đích thoát khỏi sự bất mãn khó chịu và mang lại niềm thỏa mãn sung sướng. Sự bất mãn được gắn với sự gia tăng số lượng kích thích, còn sự sung sướng được gắn với sự giảm thiểu số lượng kích thích. Chính vì vậy, nguyên lý khoái lạc là một nguyên lý tiết kiệm”.
[7] Trong Bên kia nguyên lý khoái lạc, tr. 8.
[8] Laplanche và Pontalis định nghĩa nguyên lý tính hiện thực như sau: “Một trong hai nguyên lý chi phối – theo Freud – hoạt động của tâm thần. Nó hình thành cặp đôi với nguyên lý khoái lạc mà nó làm biến đổi: trong chừng mực nó chịu trở thành như nguyên lý điều hoà thì việc tìm kiếm sự thỏa mãn sẽ không còn được thực hiện bằng những con đường ngắn nhất nữa, mà sẽ bằng đường vòng và sẽ trì hoãn kết quả tìm kiếm tuỳ theo các điều kiện ngoại cảnh áp đặt.
“Xét về mặt kinh tế, nguyên lý tính hiện thực tương ứng với sự chuyển đổi từ năng lượng tự do sang năng lượng bị ràng buộc; xét về mặt chủ đề đang bàn, nguyên lý tính hiện thực về cơ bản đặc trưng cho hệ thống tiền ý thức – ý thức; xét về mặt động năng. phân tâm học tìm cách xây dựng nền tảng sự can thiệp của nguyên lý tính hiện thực dựa trên một loại năng lượng nhất định của xung năng, đặc biệt loại năng lượng ấy sẽ hiện về phục vụ cái tôi nhiều hơn”. (Từ vựng phân tâm học, tr. 36).
[9] Lý thuyết về bản năng, tr. 11, trong Lý thuyết phân tâm học.
[10] Sđd
Nguồn: bachkhoatrithuc.vn
Xem thêm: ‘ Freud– Cuộc đời và sự nghiệp’, ‘Bảnchất phi bản năng của văn hóa‘