tuhieuminh.blogspot.com CC6A1nGiE1BAADnTE1BBABC490C3A2uTE1BB9Bi
Cơn giận của ta từ đâu tới? Từ nơi thương mà tới. Ta thương ai mà người ấy không đáp lại, thì cơn giận liền đi tới. Từ nơi tham mà cơn giận bước tới. Ta tham đối với bất cứ cái gì mà không được thỏa mãn, thì cơn giận trong ta liền bước tới. Từ nơi nghi ngờ mà cơn giận đi tới. Ta nghi ngờ đối với cái gì, thì khi ta tiếp xúc với cái ấy là cơn giận xuất hiện nơi ta. 
Từ nơi tiếp xúc không như ý mà cơn giận đi tới. Bất cứ cái gì ta tiếp xúc mà không như ý, thì cơn giận đi tới. Từ nơi chấp ngã mà cơn giận đi tới. Từ nơi tà kiến và chấp kiến mà cơn giận đi tới. Và từ nơi chấp pháp mà cơn giận đi tới. Nghĩa là cơn giận có thể đi tới với ta bất cứ lúc nào và ở đâu, khi ở nơi đó và lúc đó ta có chấp ngã và chấp pháp.


Chấp ngã là cho năm uẩn nầy là ta; cho kiến thức nầy là ta; cho tư tưởng nầy là ta; cho những nhận thức nầy là ta; cho vị trí nầy là ta; cho danh dự nầy là ta; cho nhân cách nầy là ta,… Vì vậy, cái ta là tụ điểm cho mọi cơn giận xuất hiện và đi tới. Cái ta càng lớn, thì sự giận dữ càng nhiều và càng bén nhạy.
Chấp pháp là cho rằng, pháp ta đang sống là tối thượng, pháp của người kia đang sống là thấp kém; pháp của thầy ta là tối thượng, pháp của thầy người kia là thấp kém,… Vì vậy mà sanh ra sự tranh cãi, từ tranh cãi dẫn sinh tranh chấp, từ tranh chấp, nên có thắng bại. Người thắng sinh kiêu hãnh, kẻ bại sinh giận dữ, oán thù. Chính kiêu hãnh là đối tượng của giận dữ và oán thù đi tới.
Ở trên đời không có bất cứ một bậc có trí nào tuyên bố rằng, những kẻ sống với tâm thường giận dữ là thông minh và có lợi ích cả.
Trái lại, người đời thường nói với nhau rằng: “Giận thì mất khôn”. Và kinh Hoa Nghiêm thì nói: “Một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng công đức” hay “Một niệm sân ở nơi tâm khởi lên là mở ra trăm vạn cửa ngõ cho nghiệp chướng”.
Bản ngã của ta càng to, thì đời sống dễ thương của ta càng teo lại; bản ngã của ta càng to thì sự giận dữ của ta có thể bung ra bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu đối với bất cứ ai.
Kinh nghiệm cho ta thấy rằng, sự nôn nóng hay nhiệt tình của ta đối với một công việc nào đó hay với ai đó, là một hình thức khác của giận dữ. Nôn nóng hay nhiệt tình đối với công việc gì đó, với ai đó là một hình thức khác của ái dục. Ái dục là một hình thức khác của giận dữ. Ái dục thì săn đuổi, kiếm tìm, thèm khát, hung hăng và mất bình tĩnh. Hung hăng và mất bình tĩnh là một hình thức khác của giận dữ. Ái dục là ghen tuông. Ghen tuông là một hình thức khác của giận dữ. Ái dục là ích kỷ. Ích kỷ là một hình thức khác của giận dữ. Do ái dục, thèm khát và ích kỷ mà cơn giận dữ đi tới.
Giận dữ là xấu, là bất thiện. Giận dữ làm cho hạnh phúc của ta tan biến; làm cho gia đình của ta vỡ tan và làm cho xã hội nổi loạn.
Ở trong đời, chỉ có những kẻ ngu mới thường nổi lên những cơn giận dữ và làm cho cơn giận dữ nổi lên. Do cơn giận, người ta tự tử. Người tự tử do cơn giận, không ai bảo rằng, người ấy thông minh cả.
Bất mãn gia đình mà nổi giận, thì thử hỏi đến khi nào ta mới hết nổi giận. Vì gia đình là nơi dễ nổi giận nhất, tại sao? Vì nơi đó là nơi dễ thương nhất của ta. Do là nơi dễ thương, cho nên là nơi dễ nổi giận. Nếu không thương, thì lấy cái gì để giận và không giận thì lấy cái gì để thương.
Có những người bất mãn với xã hội mà nổi giận với gia đình và nổi giận luôn đối với chính mình. Giận như vậy, gọi là sân nhũng. Ấy là sự nhũng lạm của lòng sân. Ở đời người ta không phải chỉ có tham mà còn có tham nhũng, tức là nhũng lạm của lòng tham. Người ta không phải chỉ nhũng lạm về tiền bạc mà còn nhũng lạm đối với sắc dục, đối với quyền lực, và ngay cả ăn uống, ngủ nghỉ. Mỗi khi đối với những cái ấy người ta nhũng lạm không được, thì cũng từ nơi những cái ấy mà lòng sân khởi lên. Và mỗi khi sân đã khởi lên, mà không có phương pháp phòng hộ và chuyển hóa, thì sân nhũng sẽ khởi lên. Sân nhũng đã khởi lên, thì si nhũng cũng từ đó mà phát khởi.
Các bậc Thánh trí nói: “Tham sân si là nguồn gốc của mọi tội lỗi và khổ đau”. Thế mà con người thời nay, không những chỉ có tham sân si, mà còn phát triển tham thành tham nhũng, phát triển sân thành sân nhũng và phát triển si thành si nhũng, thì thử hỏi mọi gốc rễ tội lỗi, chúng to lớn đến chừng mức nào và mọi khổ đau của thế giới con người hiện nay đến khi nào mới hết?
Và nếu ta ngồi giữa thế giới nầy mà buồn và giận, thì đến khi nào ta mới hết buồn và giận. Người đời sống với tấm lòng không tham, ta mới ngạc nhiên, chứ họ sống với lòng tham, thì có gì để ta ngạc nhiên mà buồn và giận họ. Người đời họ sống với lòng không sân, ta mới ngạc nhiên, chứ họ sống với lòng đầy sân hận, thì có gì để ta ngạc nhiên mà buồn và giận họ. Người đời họ sống với lòng không si, ta mới ngạc nhiên, chứ họ sống với lòng đầy si mê, thì có gì để ta ngạc nhiên mà buồn và giận họ.
Có khi nào ta giận những chú chim bay trên trời và những chú cá ở dưới nước, những chú cọp ở trên rừng không nhỉ? Nếu ta có những cái giận ấy, thì chính ta đã rơi vào tình trạng của sân nhũng và si nhũng rồi đấy!
Cũng vậy, trong đời sống xã hội, có người giàu, có người nghèo, có người giỏi, có người lếu, có người cao, có người thấp, có người mập, có người ốm, có người tham, có người không tham, có người đạo đức, có người không đạo đức, điều đó có gì là lạ, có gì là đáng ngạc nhiên?
Điều đáng ngạc nhiên là ta đòi hỏi một xã hội bình đẳng? Và nếu xã hội không có bình đẳng theo kiểu của ta là ta buồn và ta giận! Xã hội bình đẳng là xã hội vẽ trên giấy. Và thực hiện một xã hội bình đẳng là thực hiện trên giấy hay là một xã hội chết.
Một xã hội sống là một xã hội luôn luôn sinh động. Xã hội sinh động là một xã hội của sai thù, vạn biệt. Một xã hội sai thù, vạn biệt là một xã hội hấp dẫn và đẹp. Trong một xã hội sai thù vạn biệt ấy, mỗi thành viên tự điều chỉnh và hoàn thiện sự có mặt của mình để tạo nên một xã hội bông hoa tốt đẹp và đa dạng.
Ta đừng hiểu bình đẳng xã hội theo kiểu bắt buộc dê đực phải có chửa như dê cái. Và nếu dê đực không có chửa như dê cái, thì ta buồn và giận nó. Cái buồn và cái giận của ta như vậy, không khởi sinh từ chân lý của cuộc sống, mà do từ ảo tưởng, và do từ những ảo tưởng về bình đẳng vẽ trên giấy, viết ở trong sách và bị nhồi sọ ở trong các học đường.
Nước thì lỏng, lửa thì nóng, đất thì khô, gió thì chuyển động, chim thì bay, cá thì lội. Cái sai biệt và không bình đẳng của mọi vật ở giữa thế gian như vậy, là chân lý và công lý của chúng.
Mọi sự vật hiện hữu từ bản thể của nó và mọi hiện tượng của nó đều là hiện tượng của bản thể. Mọi tác dụng của nó đều là những tác dụng của bản thể, nên nó an trú đúng vị trí của nó. Nó không lạm dụng cái khác, nó chỉ làm đúng vị trí của nó. Chính vì vậy, nó hiện hữu mà không làm trở ngại những cái hiện hữu khác.
Đối với xã hội con người cũng vậy, chúng chỉ có thể trở nên trật tự và tốt đẹp, khi nào mỗi người hãy tự mình làm cho tốt đối với những gì ngay ở nơi vị trí của mình và đừng bao giờ lạm dụng những công việc không phải là công việc và vị trí của mình.
Mỗi người hãy tự mình làm đúng vị trí của mình, chỉ có hỗ dụng mà không có ai lạm dụng cái của ai, thì cái giận sẽ không bao giờ phát sinh. Cái giận trong mỗi người đều không có chỗ tới mà cũng không có chỗ về. Cái giận ở nơi mỗi người tự rỗng lặng, và mỗi người đang ở trong mỗi thế giới thênh thang. Tự do không đòi hỏi mà tự có, bình đẳng không mong đợi mà tự thành, khổ đau không có ai xua đuổi mà tự tan và công lý tự hiển lộ không cần có kẻ thi hành. Hạnh phúc đích thực của con người và xã hội của nó chính là cái ấy. Cái ấy không bao giờ có chỗ đến và cũng không bao giờ có chỗ về.

Tác giả: Thích Thái Hòa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ