Các cụ xưa có câu: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, thâm thúy, thấm thía thật. Muốn danh thơm, tiếng tốt thường rất khó. Để mất danh, mất tiếng thì rất dễ. Nay, muốn có danh chẳng còn khó như xưa nữa. Xưng danh bóng lộn, dù danh chưa chắc đã thơm, tiếng chưa hẳn đã tốt.
– Chẳng qua là tại “bệnh” háo danh đang lây nhiễm mà ra. Trong các loại “bệnh háo”: háo chức, háo quyền, háo tiền, háo sắc, háo tửu, háo ăn… thì háo danh thuộc loại nhẹ nhất, như bệnh ghẻ lở thôi, dễ trị lắm.
– May mà ông không phải là bác sĩ, giỏi lắm chỉ là lang băm. Bệnh háo danh không chừa từ trẻ đến già. Thằng cháu tôi khóc ấm ức vì không được làm tổ trưởng, lớp trưởng để được ra lệnh, quát tháo các bạn, ông bạn tôi về hưu mà vẫn thích chức tổ trưởng, trưởng ban.
– Công nhận ông có con mắt tinh đời, sâu sắc. Tôi chỉ hay xem truyền hình thấy sao mà nước ta lắm “sao”, “siêu mẫu” thế. Một con bé mới nứt mắt đã được phong tặng siêu sao. Danh hiệu mà bừa bãi thì chẳng qua là danh hão. Nhiều danh ca hát hỏng như đấm vào tai, nhảy nhót như choi choi mà cũng được gọi là “sao”, dám tự coi là “sao”.
– Trẻ háo danh đã đành, người lớn có địa vị, vai vế trong xã hội cũng “háo” không kém, ông không nhớ chuyện ầm ĩ một vị giám đốc của một tỉnh nọ, có học vị tiến sỹ tại một đại học Hoa Kỳ, thế mà không giao tiếp được bằng tiếng Anh.
– Tôi nhớ ra rồi. Mới đây còn có một giảng viên đại học được tung hô là “giáo sư quốc tế”, nhưng sau đó tóe loe ra trường đại học phong tặng danh hiệu đó là trường đại học “ma”. Chỉ cần bỏ ra hai trăm đô la Mỹ đóng phí thì ai cũng có thể được phong viện sỹ, giáo sư của viện này, đại học nọ.
– Háo danh chẳng qua chỉ là bệnh danh hão, đầu óc rỗng tuếch, trí thức rỗng không nhưng lại cứ muốn thiên hạ phải nhìn mình với con mắt kính trọng, kính nể.
– Thế cho nên tôi rất sợ gặp ông nào đưa cho tấm danh thiếp in kín mít các chức danh, đủ các loại “nhà”, các ông “sỹ”. Bệnh sĩ quá nặng. Danh thiếp y như quảng cáo, rao vặt.
– Háo danh tức là hư danh, hư danh là hư người, hỏng nhân cách mà không biết. Cứ như tôi với ông, chỉ có mỗi cái danh “dân lành”, cốt sao trong nhà, ngoài phố, không ai nhìn mình bằng nửa con mắt.
– Nếu ai cũng nghĩ được như vậy thì xã hội sẽ không còn các loại “bệnh háo” như bây giờ. Nhưng tôi sợ nhất là người ta chẳng còn biết sợ mất danh, mất tiếng… mà chỉ sợ bị mất “miếng” thôi.
Việt Báo (Theo ANTĐ)