Tuhieuminh.blogspot.com VE1BB81bE1BAA3nchE1BAA5ttE1BBB1docE1BBA7aconngC6B0E1BB9Di
Đọc tham luận của Hoàng Hưng tại Hội nghị Lý luận và phê bình văn học vừa qua, tôi muốn giới thiệu một vài đoạn dịch từ cuốn Về bản chất của tự do của con người của Martin Heidegger, như một sự ủng hộ nhỏ nhoi cho thái độ tự do và can đảm của Hoàng Hưng khi ông lên tiếng đòi quyền tự do sáng tạo cho người nghệ sĩ.
Người dịch
Trong số các định nghĩa về bản chất của tự do, có một cách định nghĩa vẫn luôn luôn được áp dụng. Theo cách định nghĩa này, tự do cũng có nghĩa là độc lập. Tự do là “được giải phóng khỏi…” […], Eckhart nói như vậy: “Vật tự do không hề phụ thuộc vào bất cứ cái gì và cũng không có cái gì phụ thuộc vào nó cả”. Định nghĩa cơ bản này về tự do coi tự do là độc lập, là không-phụ-thuộc. Nó bao hàm sự phủ định tình trạng phụ thuộc vào người khác. Như vậy ở đây chúng ta đang nói đến quan niệm phủ định về tự do, hoặc ngắn gọn hơn, về tự do phủ định [liberté négative]. Và cái tự do phủ định này của con người, hiển nhiên, chỉ được xác định một cách đầy đủ nếu, theo nghĩa này, ta chỉ ra được con người độc lập với cái gì hoặc được quan niệm như là độc lập với cái gì. Thế mà trong quan niệm và cách giải thích truyền thống về tự do, cái “với cái gì” này đã được thử nghiệm và đặt thành vấn đề theo hai hướng cơ bản như sau:
1. Con người “được giải phóng khỏi…” trước hết là độc lập với tự nhiên. Điều mà qua đây chúng tôi muốn nói tới, đó là hành động của con người, trong tư cách là hành động, ngay từ đầu, không hề bắt nguồn từ các quá trình tự nhiên; nó không bị câu thúc bởi các quy luật diễn tiến của các quá trình tự nhiên, và không phục tùng tính tất yếu của các quy luật này. Nhưng sự độc lập này đối với tự nhiên có thể còn được hiểu một cách chính xác hơn và cơ bản hơn nếu ta suy nghĩ rằng, xét từ quan điểm nào đó, quyết định và cách giải quyết mang tính chất riêng tư nhất của con người còn độc lập hơn nữa đối với tính tất yếu của tiến trình lịch sử và số phận của mỗi người. Căn cứ vào những gì đã nói trên đây, chúng tôi có thể tóm tắt sự độc lập đối với tính tất yếu của tự nhiên và lịch sử dưới cái tít là: sự độc lập đối với “thế giới”, vì thế giới được hiểu như là cái toàn thể duy nhất của lịch sử và tự nhiên. Nhưng quan niệm phủ định đầu tiên này về tự do đi kèm với một quan niệm phủ định thứ hai, đương nhiên là không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng từ đó nhen nhóm ý thức bản lai về tự do.
2. Theo quan niệm thứ hai này, “được giải phóng khỏi…” cũng có nghĩa là độc lập với Đức Chúa, tự chủ trước Chúa. Bởi vì, chỉ khi tồn tại một sự độc lập như vậy đối với Chúa thì về phần mình, con người mới có thể có một quan hệ với Chúa. Do vậy, chỉ khi đó con người mới có thể tìm kiếm Chúa, nhận ra Chúa, tuân theo Chúa và như thế nhận trách nhiệm về những yêu cầu mà Chúa trao cho anh ta. Một tạo vật như vậy đối với Chúa về cơ bản có lẽ không thể có nếu con người không có khả năng từ bỏ Chúa. Nhưng khả năng từ bỏ hoặc quy theo, nói chung và trước hết, giả định trước một sự độc lập nhất định đối với Chúa và một sự tự do nhất định chống lại Chúa. Vì thế, quan niệm đầy đủ về tự do phủ định có nghĩa là: sự độc lập của con người đối với thế giới và đối với Chúa. (tr. 15-16)
… Nếu nhìn chung việc nói đến tự do phủ định là hợp pháp, vậy thì tự do khẳng định [liberté positive] có thể và cần phải được nghĩ tới, […] chính thứ tự do này, trong tư cách là khẳng định, trước hết, đã hé mở cho thấy tính ưu việt của vấn đề tự do. (tr. 19)
Ở tất cả những nơi bắt đầu hình thành sự hiểu biết về tự do, tự do được hiểu, trước hết, theo nghĩa phủ định, như là sự độc lập đối với… Và sự áp đặt này của tự do phủ định, và có thể là của sự phủ định nói chung, giả định rằng con-người-tự-do được nhìn nhận như là một con người đang-trở-thành-tự-do thoát khỏi một sự cưỡng bức hoặc ràng buộc. (tr. 30)
Tự do phủ định có nghĩa là: tự do đối với… sự cưỡng bức, là việc được giải phóng, được ở ngoài vòng sự cưỡng bức này. Tự do khẳng định không có nghĩa là một sự ở ngoài vòng đối với…, mà là một sự quy thuận về…; tự do khẳng định là “được tự do để…”, là cảm thấy rộng mở để…, là để cho bản thân mình được quyết định bởi… là tự quyết định, là tự quyết định số mệnh của mình… Những gì bao hàm ý tưởng về việc quyết định xuất phát từ bản thân – chính mình – hành động của chính mình, tự mình đặt ra luật lệ cho hành động của mình. Chính trong ý nghĩa tự quyết định này mà Kant đã hiểu tự do như một cái gì khẳng định, và sâu sắc hơn, như là “sự tự hoạt động (tự động) tuyệt đối”. Ông đã định nghĩa tự do như là “khả năng” “tự quyết định chính mình” trong con người. (tr. 30-31)
Như chúng tôi đã nói, Kant quan niệm tự do như là khả năng tự quyết định chính mình, như là “tự hoạt động tuyệt đối”. Cả hai định nghĩa ấy, không có gì là phủ định. Đương nhiên, hai định nghĩa ấy không phải là một, và vì thế mà chính Kant đã phân biệt giữa tự do “với nghĩa vũ trụ luận” và tự do “với nghĩa thực tiễn”. Nhưng sự phân biệt này của Kant không hề trùng hợp với sự phân biệt giữa tự do phủ định và tự do khẳng định.
Trước hết chúng tôi đặt câu hỏi: Kant hiểu như thế nào về tự do vũ trụ luận và tự do thực tiễn? “Tôi hiểu tự do theo nghĩa vũ trụ luận là khả năng tự bắt đầu một trạng thái từ chính bản thân mình; [một thứ tự do] mà, theo luật của tự nhiên, khi đến lượt nó, quan hệ nhân quả của nó không lệ thuộc vào một nguyên nhân khác, cái nguyên nhân đã quyết định nó trong dòng thời gian. Theo nghĩa này, tự do là một ý tưởng siêu nghiệm thuần tuý”. Như vậy tự do có nghĩa là : khả năng tự mình bắt đầu một trạng thái. Điều này giải thích cho chúng ta quan niệm của Kant về tự do đã nêu ở trên, “tự hoạt động tuyệt đối”: bắt đầu từ chính mình, một cách tự động. […] Tự do như là tự động tuyệt đối là tự do theo nghĩa vũ trụ luận – một ý tưởng siêu nghiệm. Ý nghĩa của những định nghĩa vừa xong sẽ được soi sáng ngay sau đây. Trước tiên, chúng ta nêu câu hỏi thứ hai: Tự do “theo nghĩa thực tiễn” có nghĩa là gì? “Tự do theo nghĩa thực tiễn là sự độc lập của ý chí đối với sự cưỡng bức của các khuynh hướng thuộc năng lực cảm giác”. Tự do theo nghĩa thực tiễn là sự độc lập, vậy đó chính là cái mà chúng tôi đã nêu ra như là đặc điểm của quan niệm phủ định về tự do. (tr. 31-32)
Quan niệm khẳng định về tự do có nghĩa là: tính tự chủ [autonomie] của ý chí, tự làm chủ pháp luật [autolégislation]. Tự do theo nghĩa thực tiễn không phủ định tự do theo nghĩa siêu nghiệm, mà chính tự do theo nghĩa thực tiễn sẽ phân tự do thành tự do phủ định và tự do khẳng định. (tr. 34)
Tự động tuyệt đối [spontanéité absolue]: khả năng tự mình bắt đầu một trạng thái. Tự chủ: sự tự làm chủ pháp luật của một ý chí có lý tính. Trong tự động tuyệt đối (tự do siêu nghiệm) không phải là ý chí và quy luật của ý chí, mà là việc tự mình bắt đầu một trạng thái; trong tự chủ, ngược lại, không phải là một thực thể cá biệt [étant] được quyết định… […] Như vậy cả cái này lẫn cái kia không bị lẫn lộn với nhau, tuy nhiên, “cái chính mình” đều có ở cả hai phía. Nhưng có như thế nào? Việc tự-mình-quyết-định hành động với tư cách là tự làm chủ pháp luật chính là tự-mình-bắt-đầu một trạng thái trong phạm vi hoạt động cá biệt của con người, hoạt động của một sinh vật nói chung là có lý tính. Tự chủ là một phương thức của tự động tuyệt đối, cái này xác định bản chất chung của cái kia. Chính trên cơ sở của tính chất cơ bản của tự động tuyệt đối mà tự chủ có khả năng trở thành hiện thực. Nếu như tuyệt đối không có tự động, thì cũng không có tự chủ. Tự chủ, khi có thể, được hình thành trong tự động tuyệt đối, tự do thực tiễn được hình thành trong tự do siêu nghiệm. (tr. 34)
Từ Huy dịch
Bản tiếng Việt © 2006 talawas

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ