t mat tich va su anh huong cua van hoc 1095392525
Văn học Pháp là một trong những nền văn học có sức ảnh hưởng lớn trong bức tranh văn học thế giới vốn đa thanh đa sắc. Các khuynh hướng, trào lưu cũng như các đại biểu xuất sắc của văn học Pháp đã vượt qua giới hạn địa lí, tạo nên sự tác động sâu rộng mang ý nghĩa toàn nhân loại. Việt Nam cũng là nước nằm trong trường ảnh hưởng đó, từ sự tiếp thu mang tính chất cưỡng ép trong giai đoạn đầu đến tính tự nguyện trong xu thế giao lưu văn hoá, văn học ở giai đoạn sau có ý nghĩa to lớn đối với quá trình hiện đại hoá văn học Việt Nam. 
Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, có thể nhận thấy những tác phẩm có giá trị nhất định, gây được sự chú ý của dư luận là những tác phẩm tiếp thu nhuần nhị các yếu tố của văn học thế giới, trong đó có văn học Pháp như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện sinh, văn học phi lí, tiểu thuyết mới…cùng các thủ pháp dòng ý thức, giễu nhại, phân mảnh, nghịch dị, huyền ảo…
Thuận là nhà văn sống ở Pháp khá lâu, tiếp nhận một cách tự nhiên cuộc sống hiện đại phương Tây, trong đó có văn học. Tác phẩm của Thuận cũng như các nhà văn Việt Nam khác sống lâu ở nước ngoài thấm nhuần cảm thức về nỗi cô đơn của phận người tha hương, chịu sự va chạm mạnh mẽ về văn hoá, khó bám rễ vào mảnh đất mới khi đã bứt khỏi cội nguồn. Ngay ở đây, tinh thần hiện sinh tồn tại. Ý thức về bản thể mất đi trong một xã hội mà con người không thể giao tiếp để hoà nhập, cuộc sống trở nên phi lí. Nhân vật “tôi” trong “Và khi tro bụi” của tác giả Việt kiều Đoàn Minh Phượng bỏ lại tất cả để đi tìm bản thể của chính mình: “Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết”. Như một người khách nơi xứ lạ, con người sống cô đơn và biết mình rất dễ vỡ. Với Thuận, nhân vật của cô cô đơn ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này. Liên trong “Paris 11 tháng 8” cô đơn không chỉ khi sang Pháp mà từng cô đơn ngay chính trên quê hương mình, lúc còn ở Việt Nam. Người phụ nữ trong “Chinatown” như kẻ lạc loài ám ảnh bởi người chồng đã rời xa và luôn lo sợ rằng đến một ngày đứa con trai cũng để cô lại một mình. Từ khi sinh ra đến lúc đã là người phụ nữ trưởng thành, cái tôi của cô là của ba người – cô và bố mẹ. Suốt dòng hồi tưởng về cuộc đời không phẳng lặng trên chuyến tàu bị kẹt, cô chỉ đau đáu, miên man trở đi trở lại những câu hỏi vô nghĩa như chính cuộc sống vô nghĩa bởi bản ngã của cô chưa từng thuộc về cô: “Tôi chỉ muốn gặp Thụy để hỏi… Những ngày ấy Thụy ở đâu, gặp ai, làm gì…”. Cuộc sống nghịch lý đến nực cười khiến con người đánh mất luôn bản ngã dù không phải là chưa từng ý thức về nó. Đến “T. mất tích”, nỗi cô đơn của con người vượt ra khỏi biên giới người Việt, không phân biệt giới tính, quốc tịch – những người đàn ông Pháp cũng cô đơn và dửng dưng trong xã hội Pháp hiện đại. Đi qua bốn tiểu thuyết “Made in Viet Nam”, “Chinatown”, “Paris 11 tháng 8”, tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh càng rõ nét ở “T. mất tích”. Nỗi cô đơn, xa lạ, vô nghĩa của tồn tại được đẩy đến cực hạn.
Tiếp thu đồng thời các xu hướng, trào lưu nên ngoài chủ nghĩa hiện sinh, ta còn có thể thấy dấu ấn của tiểu thuyết mới, của giọng văn hài hước đen trong “T mất tích” của Thuận. Sự tiếp thu văn học Pháp trong tác phẩm này nói riêng và sáng tác của Thuận nói chung còn nhiều vấn đề cần bàn, song ở đây bài viết chỉ khảo sát, tìm hiểu sơ bộ tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh là thân phận cô đơn của con người trong xã hội hiện đại và thủ pháp tẩy trắng nhân vật tiếp thu từ tiểu thuyết mới, và điểm qua giọng văn hài hước đen nhằm thể hiện sự ảnh hưởng của văn học Pháp với văn học Việt Nam, cụ thể qua nhà văn Thuận.
1.    Thân phận cô đơn của con người hiện đại
“T. mất tích” gợi nhớ đến tác phẩm lừng danh của Haruki Murakami, “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Thời hiện đại, từ chuyện mất tích của con mèo đến người vợ một ngày đi làm không quay về nhà đã thức tỉnh Okado Toru lắng nghe cuộc sống xung quanh với xúc cảm tự nhiên và mạnh mẽ nhất trong tiếng kêu của con chim vặn dây cót – tiếng kêu vọng ra từ bản ngã đang bị chìm khuất. Những giấc mơ đậm chất siêu hình và tính dục, những ám ảnh hiện sinh, những mối lưu truyền tâm linh huyền bí giữa con người, giữa các thế hệ…tất cả trải ra trên cuộc hành trình thử thách sức mạnh tâm linh cũng như sự nhạy cảm của con người. Bắt đầu từ cái phi lí để khám phá những cái phi lí khác đang tràn đầy thế giới xung quanh. Con người tìm ra bản thể của chính mình – ý nghĩa của sự tồn tại, tìm lại tình yêu đã mất và cả cuộc sống đã qua.
“T. mất tích” cũng vậy, sự kiện phi lí này lật lên sự kiện phi lí khác. Câu chuyện bắt đầu từ một buổi chiều, người vợ – T không đến đón con gái ở trường. Không có sự thay đổi này, cuộc sống vẫn trôi qua trong mối quan hệ “phi giao tiếp” giữa những con người sống cạnh nhau. Dưới bề mặt có vẻ  bằng phẳng đến tẻ nhạt đó là một lớp sóng ngầm, tảng băng tan vỡ, lớp sóng dâng trào cuộn chảy, bình thản và chậm rãi nhưng vẫn tạo một sự thay đổi đủ để con người không thể tiếp tục lạnh lùng trượt qua từng phút giây của cuộc sống.
Cuộc sống hiện đại trong nền văn minh vật chất biến con người thành cỗ máy vô cảm, cảm giác thuần tuý con người còn sót lại là cảm giác bất an, ích kỷ và đề phòng. Sáng đến công ty, chúi mặt vào đống sổ sách với các dãy số, nghỉ ăn trưa với món được cả công ty thích thú rồi sau ly rượu vang là câu chuyện về bất động sản và chuyện giường chiếu ngoài hành lang kèm theo cái nháy mắt hoặc vỗ vai hoặc hắng giọng tuỳ theo mốt của công ty, rồi những ly cà phê, những chuyến tàu điện ngầm chật ních người, đón con, uể oải ăn tối trong tâm trạng mệt mỏi, kết thúc một ngày là hai con người trên hai chiếc giường song song…
Mỗi ngày trôi qua là một đường thẳng nhàm chán, “không phải vô tình mà chiếc đồng hồ mang hình tròn. Mỗi ngày trôi qua, cứ tưởng là đang tiến về phía trước nhưng trên thực tế, đã quay lại vị trí ban đầu. Cuộc sống tù đọng. Chỉ trẻ con mới nghĩ là lớn lên sẽ tự do đến nơi mình muốn, làm điều mình thích. Chín mươi chín phần trăm chúng ta lần lượt lập gia đình, sinh con, đi làm, khai thuế, nhích dần từng bậc lương, đánh vật với các phương tiện giao thông, uống cà phê như uống nước để chống chọi các cơn buồn ngủ…”.
Giá trị con người thể hiện trên giấy đóng thuế, phiếu trả lương của người lớn, tiền căngtin của trẻ con. Con người không còn là cá thể độc đáo, ấm áp và đầy cảm xúc. Sự lặp lại nhàm chán, “tù đọng” đã mài mòn cảm xúc, biến con người thành những thực thể dửng dưng, lạnh lùng, khép kín. Người chồng Pháp, nhân vật “tôi” không có thói quen bộc lộ, không muốn ai biết về mình cũng như không có nhu cầu biết về người khác, trong các cuộc giao tiếp với người khác là “tôi im lặng”, “định nói…rồi thôi”, “tôi không nói gì”… Nhân vật “tôi” sống dửng dưng ngay từ nhỏ, từ một lúc nào đó đã lâu lắm, gắn với sự tồn tại của anh ta trên cõi đời này. Cùng năm tháng, cuộc sống càng tô lên đậm nét cái dửng dưng đến vô tâm đó. Anh ta cô đơn, sống lạc lõng trên cõi đời mà không hề ý thức được. Nhân vật “tôi” cắt đứt mình ra khỏi mọi mối quan hệ, kể cả những mối quan hệ quan trọng, tất yếu nhất. Mẹ mất mà “không thấy đau đớn lắm”. Người vợ chung sống sáu năm bỗng nhiên biến mất mà không mảy may lo lắng, “tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm”, anh ta tự thấy vui sướng vì không bao giờ phải “hứng chịu” bầu tâm sự của vợ. Anh ta không gọi vợ và con gái là “vợ tôi” hay “con gái tôi” mà chỉ là T và Hanal – trung tính, không ràng buộc.
Không hiểu gì về vợ ngoài tính ít nói, thân hình khá quyến rũ, ngay cả tên vợ cũng không bao giờ gọi và cũng không viết được. Đời sống tình dục vợ chồng diễn ra theo thói quen, không đam mê, không cuồng nhiệt, không hứng thú, “mười lăm phút, vài động tác cơ bản và im lặng từ đầu đến cuối”. Lúc còn nhỏ sống với bố trong một căn hộ “nhưng hiếm khi gặp nhau”, khi đã lớn thì hai mươi năm không liên lạc, không biết gì về cuộc sống của nhau, “tôi chưa bao giờ tò mò về đời tư của ông, chưa lần nào thử hình dung xem ông sống ra sao”, khi biết tin bố đã chết không hề xúc động, “ngạc nhiên biết rằng bố tôi hơn tôi đúng ba mươi tuổi”, cũng không biết bố mất vì bệnh gì. 
Ở công ty thì luôn giả vờ không nghe thấy, không trả lời, không tranh luận, không biết gì về đồng nghiệp cùng phòng ngoài thói quen vẽ lò xo khi nghe điện thoại và hà hơi vào mắt kính rồi kéo áo lên lau, “làm việc cùng nhau mấy tháng nhưng hầu như chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện riêng. Một đôi lần tôi mời anh ta cà phê và ngay sau đó, anh ta tìm cách mời lại, dường như để có qua có lại, xã giao là chính”. Sự cô đơn của anh ta còn thể hiện trong ẩn ức tính dục, mọi ham muốn chỉ dồn lên và được giải toả với những tấm hoạ báo chụp ngực Emmanuelle Beart chứ không phải với vợ hay con người nào đó có thật, nóng bỏng và đam mê. T mất tích ngay từ đầu, không xuất hiện trực tiếp nhưng với cuộc sống như thế, người chồng như thế, chắc chắn rằng T cũng không thể không cô đơn, có lẽ cô đơn hơn ai hết, có lẽ chính vì cô đơn mà T quyết định “mất tích”, thoát khỏi cuộc sống “tù đọng” đang bủa vây này.
Xã hội văn minh đề cao tự do cá nhân, mọi người đều ý thức tối đa về việc tôn trọng đời sống riêng tư. Hầu hết các nhân vật trong “T mất tích” đều ít nói, xa cách và khó chịu trước cảm giác bị người khác biết về mình. Sự quan tâm biến thành thói xoi mói. Quyền con người “là vũ khí khá ư lợi hại mà người ta sử dụng để thanh toán lẫn nhau”. Con người hoài nghi tất cả. “Tôi tránh đến ngân hàng cũng chỉ vì không muốn giáp mặt với những kẻ biết rõ bí mật tài chính của tôi”, quan tâm đến việc viên cảnh sát điều tra hơn việc vợ mất tích.
Cô bé Hanal năm tuổi trong môi trường như vậy cũng có thói quen luôn im lặng, không biểu lộ cảm xúc. Mic, đứa em trai cùng cha khác mẹ với nhân vật “tôi” cũng lạnh lùng đến kì lạ trong một cơ thể gầy gò, xấu xí. Họ tồn tại cạnh nhau rời rạc, tẻ nhạt, gượng ép và giá lạnh. Đánh mất các mối quan hệ ràng buộc giữa người với người, con người trở nên cô đơn trong lớp vỏ lạnh lùng. Tôn trọng đời sống riêng tư bị đẩy đến cực đoan khiến con người trở nên vô tâm với cả những người thân yêu nhất.  Trong suốt cả câu chuyện người đọc khó có thể tìm thấy một cảm giác yêu thương, nhớ nhung, chia sẻ. Những người đến chia buồn trong đám tang của ông bố với một câu nói, giọng rầu rầu như nhau một cách máy móc đến hài hước. Mọi sự tồn tại đều vô nghĩa, phi lí. Vấn đề thân phận con người với nỗi cô đơn hoang vắng và sự tha hoá bởi sự xói mòn các giá trị tinh thần mang tính bản thể được đặt ra một cách day dứt từ chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành nỗi trăn trở của nhà văn.
Nếu không có chuyện T mất tích thì có lẽ anh ta vẫn tồn tại lơ lửng như vậy cho đến khi chết mà chưa từng thật sự sống, “tất cả đã đột ngột biến đổi. Trong thâm tâm, tôi không tính được sự kiện T mất tích sẽ ảnh hưởng sâu xa thế nào đến cuộc sống của tôi, nhưng tôi biết từ nay tôi không còn nhìn mọi thứ như trước nữa”. “Cú huých” đó đưa nhân vật bước vào một cuộc hành trình mới tìm kiếm bản thể, tìm lại ý nghĩa đích thực của cuộc sống, giá trị tồn tại của mình. Con người phải tìm thấy bản ngã chân thực và đó là con đường đầy khó nhọc, âu lo. Từ sự chống chếnh, khắc khoải đầy bất an con người có thể nhận thức sâu xa, chắc chắn về thực tại – nơi mà họ tìm thấy mình đang ở trong đó. Bắt đầu bằng những việc có vẻ vô nghĩa như băn khoăn về viên đại uý Delon, theo dõi sếp Brunel…từ đó nghĩ về cuộc sống vợ chồng và nhận ra “trên thực tế tôi biết gì về T?”, bắt đầu hiểu về người bố hào hoa nhưng ích kỉ, về nỗi trớ trêu trong gia đình sếp Brunel với quan hệ loạn luân giữa vợ và con nuôi…Những cách lí giải về các sự kiện diễn ra theo trí tưởng tượng, có thể đúng có thể không nhưng là con đường nhân vật hoà nhập vào cuộc sống, suy tư, trăn trở về những người xung quanh, dần dần thức tỉnh mọi cảm xúc sống động.
Quan niệm về con người cô đơn, tha hoá trong “T mất tích” mang dấu ấn của tinh thần chủ nghĩa hiện sinh. Tác phẩm thấm đượm nỗi cay đắng về sự tồn tại phi lí, vô nghĩa của cuộc đời, của thân phận con người trong xã hội hiện đại. Tính nhân bản của thông điệp cảnh báo về sự tan rã các mối quan hệ khiến người đọc bàng hoàng, chua xót và cuộc tìm kiếm bản ngã đã bị đánh mất là con đường duy nhất khẳng định giá trị của mỗi cá nhân trong cuộc sống vô cùng bề bộn này.
2. Thủ pháp tẩy trắng nhân vật
Thể hiện con người cô đơn, tha hoá, nhà văn Thuận đã tiếp thu và vận dụng khá nhuần nhuyễn thủ pháp tẩy trắng nhân vật của Tiểu thuyết mới.
Nổi lên trên nền tác phẩm là dòng sự kiện và những suy tư của người chồng Pháp sau khi T mất tích. Trong đó anh ta nổi lên lạc lõng giữa cuộc đời cô đơn, vô nghĩa và tẻ nhạt. Tuy nhiên nhân vật bi kịch nhất, khủng hoảng nhất chính là nhân vật chưa hề xuất hiện, T. T đã bị tẩy trắng, xoá nhoà hoàn toàn.
T là ai?
Với văn phong hình sự, trinh thám, Thuận đã thu hút người đọc qua từng trang với hi vọng nắm được chút ít về người mất tích đang được (bị) “truy tìm trên toàn lãnh thổ nước Pháp”. Song càng đọc càng vô vọng. T càng lúc càng nhạt nhoà bởi cuối cùng, T chẳng là gì cả. T dường như chỉ là ý niệm, như không hề tồn tại thực. T cô đơn, vô nghĩa đến mức không còn là mình.
Tên: Không được gọi tên đầy đủ, chỉ được kí hiệu là T, đó không phải là tên gọi. Chồng chưa bao giờ viết hoặc gọi tên (cũng như chưa bao giờ gọi tên chồng).
Về gia đình, người thân, bạn bè: Không có cả gia đình lẫn bạn thân ở Pháp, từ ngày lấy chồng không về thăm gia đình ở Việt Nam lần nào, không đến các buổi họp đồng hương.
Tính cách: Ít khi nói, “hầu như chỉ gật và lắc”, ngay cả một câu nói hoàn chỉnh khi nói chuyện với chồng cũng không có. Không khó tính, không ý kiến, không bình luận, không tỏ thái độ gì về mọi thứ diễn ra xung quanh kể cả việc chọn nhà ở, không tâm sự. Không ai hiểu gì về T ngoài những biểu hiện đó.
Ngoại hình và ham muốn tình dục: Hình thức bên ngoài không cụ thể, chỉ vài nét phác hoạ: “Cô ấy có thân hình gợi cảm, đường nét mềm mại, nước da mịn, vòng hông nhỏ, bộ ngực nhu nhú. Và mái tóc đen thả dài”, cơ thể “sạch bong và không mùi”, “như món ăn Nhật Bản, trình bày hài hoà, đẹp mắt, tinh tế nhưng lúc cho vào miệng lại không thấy vị gì, ăn hết rồi mà chẳng hiểu no hay đói, có thèm nữa hay không”, “làm tình đều đặn mười ngày một lần” và chưa bao giờ là người chủ động bởi sự kín đáo, e dè quá mức mà cũng có thể bởi lạnh lùng đến mức không còn ham muốn.
Mối quan hệ với những người xung quanh: Hầu như không ai biết về sự tồn tại của T, hoặc có biết thì cũng coi như T không có mặt. Những người ở cùng khu nhà đôi khi gặp cả hai vợ chồng nhưng chỉ lên tiếng chào người chồng. Khi cưới không mời ai tham dự, không đồng nghiệp nào ở công ty của chồng biết tên T. Không ai biết tin T mất tích ngoài cảnh sát, song cũng không biết cảnh sát có tìm được ảnh của T để biết mặt T không. T mất tích cũng không thể làm hai người thân duy nhất ở Pháp là chồng và con xúc động, lo lắng. Mẹ kế của chồng không hề hỏi về T dù biết có sự tồn tại của T…Chỉ có sếp của chồng là Brunel có một chút “liên quan” với T khi đọc đúng tên T và chung ngân hàng với T. Nhưng đó là mối liên hệ yếu ớt, ngẫu nhiên, vô nghĩa, dường như chỉ là cái cớ để người chồng tìm hiểu về vợ.
Như vậy hầu như về tất cả các phương diện thể hiện sự hiện hữu của một cá nhân T đều không có. T bị tẩy trắng tất cả. Thủ pháp tẩy trắng nhân vật đã hư vô hoá con người, không quá khứ, không tương lai và cả không hiện tại.  T mất tích hay không cũng chẳng gây xao động đến ai nên có thể T vẫn đó song đã nhạt nhoà đến mức hư vô, không ai có thể nhận ra. Cũng có thể T quyết định mất tích để thay đổi cuộc đời nhàm chán, tẻ nhạt của mình.
T là biểu trưng đau xót nhất cho thân phận con người thời hiện đại đang bị tha hoá, bào mòn tất cả, đánh mất tất cả đến mức không còn gì nữa. Những điều có thể nói về nhân vật bị tẩy trắng này chỉ có một chữ “không” trống rỗng. Đó là sự phi lí trong cái lí của tồn tại. Con người sống cô đơn, lạc lõng, không có ý nghĩa, không thể hiện được giá trị, không là gì cả của mình thì ngay sự tồn tại đó đã là phi lí.
3. Giọng văn “hài hước đen”
Đọc các tiểu thuyết của Thuận, người đọc thường mỉm cười thú vị trước giọng văn hài hước tinh tế, sâu sắc. Trong “T mất tích” giọng điệu hài hước đó tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong tính giễu nhại – hài hước đen. Khó có thể khẳng định dứt khoát Thuận chịu ảnh hưởng của nhà văn, trào lưu cụ thể nào song ta có thể bắt gặp giọng giễu nhại đó trong văn học phi lí cũng như nhiều người cho rằng trong tác phẩm của Thuận nói chung và “T mất tích” nói riêng có dư vị hài hước chua chát của Michel Houellebecq, điều đó không phải là không có lý.
Điểm nhìn của người trần thuật trùng với điểm nhìn của nhân vật tôi. Giọng trần thuật của nhân vật tôi có lúc lạnh lùng vô cùng nhưng đôi lúc vẫn thoáng gợn cảm xúc. Giọng điệu hài hước gắn với những câu chuyện bi thảm của cuộc sống tạo nên một thế giới bi hài, cay đắng. Thông báo vợ mất tích trong một câu ngắn, vô cảm, dửng dưng: “T mất tích. Cảnh sát, sau bốn mươi tám tiếng đúng quy định hình sự, đã khẳng định như vậy và tung kế hoạch truy tìm trên phạm vi toàn quốc”. “Tôi chẳng làm gì nên tội. T mất tích thì cảnh sát cứ việc đi tìm. Tựu trung thì bỏ nhà ra đi không phải là một tội ác”. Cái hài hước ở trong sự dửng dưng đến khó tin và cái chua xót cũng nằm ở đó. Những quan điểm về cuộc sống gia đình, những nhận xét về gia đình Brunel với bà vợ loạn dâm và sự đối nghịch kệch cỡm giữa Brunel và đứa con nuôi, những nhận xét về thanh tra Delon, về những người đến viếng trong đám tang bố… đều được phủ một giọng kể giễu nhại hài hước chua chát này.
Chất hài hước sâu sắc là điểm mạnh tạo nên sức hấp dẫn của “T mất tích”. Chính cách nhìn hài hước đó càng tô đậm sự bi đát của cuộc sống. Dường như không có gì là quan trọng trong một cuộc sống đã mất hết ý nghĩa.
Ngày nay, xu thế giao lưu toàn cầu xoá bỏ mọi khoảng cách, rào cản. Các nhà văn hoà vào dòng chung của văn học thế giới, thể hiện cảm thức của con người hiện đại với một bút pháp tinh tế và hoàn toàn hiện đại.
Cùng với một số nhà văn Việt kiều khác, Thuận đã mang lại cho văn học Việt Nam một dòng chảy mới mà giá trị phần nào đã được khẳng định. Tinh hoa văn học thế giới được tiếp thu nhuần nhuyễn, xuyên thấm trong tác phẩm của Thuận. Ở đó ta có thể bắt gặp dấu ấn tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh về một thế giới cô đơn, trống rỗng, phi lí, đầy hoài nghi và dấu ấn khá rõ nét của Tiểu thuyết mới với thủ pháp tẩy trắng nhân vật, hay về giọng hài hước đen. Từ sự kết hợp đó Thuận đã khá thành công trong việc thể hiện cảm quan của con người hiện đại qua một tác phẩm không quá đồ sộ và khó đọc như “T mất tích”.
Nguyễn Thái Hoàng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Đặng Anh Đào. Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXBGD-Hà Nội, 1995.
2.    Phương Lựu. Lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, NXBVH, Hà Nội, 1995.

3.    Một số bài viết nhỏ về nhà văn Thuận trên mạng evan.com.vn, tuoitre.com.vn…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ