Tuhieuminh.blogspot.com LC3B2ngtE1BBABbilC3A0nE1BB81ntE1BAA3ngcE1BBA7ahC3B2abC3ACnhthE1BABFgiE1BB9Bi
Theo khoa tâm lý học Phật Giáo, phần lớn những khổ đau của chúng ta đều phát xuất từ lòng dục vọng, và sự tham đắm của chúng ta vào mọi vật mà chúng ta lầm tưởng rằng chúng là những vật thể chắc thực bền lâu.
Sự theo đuổi các đối tượng dục vọng và lòng tham đắm của chúng ta khiến chúng ta dùng đến sự xâm lăng và tranh chấp như những phương pháp mà chúng ta thường nghĩ rằng chúng sẽ mang lại kết quả. Những ý tưởng này dễ dàng biến thành hành động nhằm nuôi dưỡng chiến tranh được chúng ta xem như là phương pháp hiển nhiên. Tâm con người đã có những ý niệm ấy từ thưở xa xưa, nhưng hành động tranh chấp này đã trở nên có tác dụng hơn trong hoàn cảnh sống hiện đại.
Làm thế nào để chúng ta có thể kiểm soát và chế ngự được những ý tưởng độc hại tham sân si này? Vì những ác tính đó là nguồn gốc đã gây ra mọi cuộc khủng hoảng khó khăn trên thế giới.
Là một tu sĩ được hấp thụ qua truyền thống của nền Phật Giáo Đại Thừa, tôi nghĩ tình thương và lòng từ bi là căn bản đạo đức cho nền hòa bình thế giới.
Trước tiên, tôi xin định nghĩa thế nào là lòng từ bi? Khi bạn phát tâm giúp đỡ một người nghèo khổ vì bạn thương hại kẻ đó đang gặp cảnh khốn cùng, như vậy lòng từ bi của bạn được xây dựng trên sự xót thương hồn nhiên, không suy tính.
Trái lại, tình yêu thương vợ chồng, con cái hay người quen thân của bạn thường xuất phát từ lòng tham đắm. Khi sự đắm say của bạn thay đổi, lòng tốt của bạn cũng thay đổi theo, và nó có thể biến mất luôn. Đây không phải là tình thương chân thật.
Tình thương chân thật không xây dựng trên lòng tham đắm, mà trên sự xót thương. Trong trường hợp này, lòng từ bi của bạn được xem như một nhu cầu đáp ứng lại sự khổ đau và tình thương ấy cần được duy trì bao lâu con người còn tiếp tục đau khổ. Đó là lòng từ bi mà chúng ta nên tu tập nơi mỗi chúng ta và chúng ta cần phát triển nó từ mức độ hẹp hòi cho đến rộng rãi bao la.
Lòng từ bi bao la, hồn nhiên và không phân biệt đối với mọi chúng sanh rõ ràng không phải là thứ tình yêu thông thường, phát xuất từ vô minh, lòng ái dục và tham đắm mà con người thường có đối với bạn bè hay gia đình của họ. Loại tình thương chúng ta nên duy trì và phát triển là thứ tình thương rộng lớn hơn mà chúng ta có thể thực hiện ngay cả đối với kẻ thù đã làm hại chúng ta.
Lý do chúng ta nên có lòng từ bi vì mọi người chúng ta ai cũng muốn sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Thực vậy, mọi người sinh ra với những ước muốn giống nhau nên ai cũng có quyền bình đẳng để thành đạt các điều mong ước đó.
Nếu tôi so sánh tôi với vô số những người khác, tôi thấy họ quan trọng hơn tôi nhiều, vì tôi chỉ có một trong khi những người khác thì số đông. Lại nữa, giáo lý Phật Giáo Tây Tạng dạy chúng ta nên xem mọi chúng sanh như những thân mẫu của chúng ta và nên bày tỏ lòng biết ơn, yêu thương họ.
Vì theo lời Phật dạy chúng ta sinh ra và luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, cho nên ai cũng có thể là cha mẹ của chúng ta trong đời này hay đời khác. Do đó, tất cả mọi người ở thế gian này đều có liên hệ gia đình với nhau.
Bất cứ ai dù có tin đaọ giáo hay không, họ vẫn tán dương tình thương và lòng từ bi. Ngay khi chúng ta vừa mới lọt lòng, chúng ta đã được sự chăm sóc của cha mẹ chúng ta, và sau này trong cuộc sống, khi chúng ta gặp đau khổ vì bệnh hoạn hay già yếu, chúng ta cũng cấn đến tình thương và giúp đở của những người khác.
Nếu từ lúc sinh ra cho đến giờ phút lìa đời trong cuộc sống, chúng ta đã phải nương nhờ đến lòng tốt của mọi người, thì tại sao trong đời sống chúng ta lại không bày tỏ lòng thương yêu của mình đối với những kẻ khác.
Sụ phát triển lòng thương yêu (tình cảm thân thiện đối với mọi người) không liên quan gì đến lòng sùng đạo mà chúng ta thường áp dụng trong sự thực hành tôn giáo. Nó không những chỉ dành riêng cho kẻ có tín ngưỡng mà cho mọi người không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay đoàn thể chính trị.
Tình thương cần thiết cho bất cứ ai, nam lẫn nữ tự nhận thấy mình trên hết, là một phân tử trong đại gia đình của nhân loại, cũng như đối với những người nhìn thấy sự việc từ nhận thức bao quát và xa rộng hơn. Đó là thứ tình cảm đạo đức mà thay vì không lưu tâm, chúng ta nên phát triển và thực hành nó, đặc biệt đối với tuổi thanh xuân, khi chúng ta nhận thức được rằng kiếp sống con người là vô thường, không bền chắc.
Khi chúng ta tìm hiểu vấn đề một cách bao quát hơn, chúng ta nhận thấy mọi người đều muốn có hạnh phúc và không thích khổ đau cũng như ý thức rằng trong tương quan với vô số người khác, cá nhân chúng ta không có gì quan trọng; và khi ấy, chúng ta có thể nghĩ rằng mang tài sản của chúng ta ra chia xẻ, giúp đỡ cho người khác là điều đáng làm.
Nếu luyện tập cho mình có được nhận thức như vậy, giá trị chân chính của lòng từ bi- ý nghĩa đích thực của tình thương và sự kính trọng kẻ khác- sẽ trở nên là điều mà chúng ta có thể thực hiện được.
Hạnh phúc cá nhân không còn là ý thức nỗ lực tìm cầu của chính bản thân mà nó trở nên thành quả tự nhiên và tuyệt luân của mọi sự phát triển về tình thương và hành động cứu giúp cho những kẻ khác.
Lòng từ bi chân chính còn mang lại kết quả khác của sự phát triển tinh thần cũng như rất hữu ích cho đời sống hằng ngày vì nó giúp cho tâm mình được sáng suốt và thanh tịnh.
Cuộc đời chúng ta luôn luôn biến đổi và gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn đó sẽ được giải quyết thành công khi tâm chúng ta bình tĩnh và sáng suốt. Nếu chúng ta không kiểm soát được tâm mình vì lòng oán giận, ích kỷ, ganh ghét và sân hận; chúng ta sẽ không còn lý trí để xét đoán.
Vào những giờ phút cuồng dại vì tâm chúng ta mù quáng thì bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Cho nên, sự thực hành lòng từ bi và trí tuệ là điều hữu ích cho tất cả, nhất là đối với những người có trách nhiệm điều hành công việc quốc gia, khi mà họ nắm trong tay quyền lực và phương tiện có thể tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
Nguyên tác: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
(Trích từ tập sách “A Human Approach to World Peace”)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ