Theo Jonah Peretti – nhà sáng lập của trang Buzzfeed, cựu sáng lập của tờ Huffington Post – các báo điện tử trên thế giới hiện đang mắc phải một quan niệm vô cùng sai lầm về cách thức tính toán sự hấp dẫn của mình đối với độc giả. “Hãy quên pageview đi. Đừng tự biến mình thành nô lệ của những con số”.
Bài tham luận của Jonah Peretti vừa được trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội các tạp chí Mỹ hôm 22/10 vừa qua đã “củng cố niềm tin” cho rất nhiều nhà báo làm việc trong lĩnh vực truyền thông số.
Tại Hội nghị, Peretti ngồi đối diện với Andy Serwer, Tổng thư ký tòa soạn của tờ Fortune và trước mặt rất đông các nhà báo, chủ bút danh tiếng của Mỹ nhưng ông đã tỏ ra rất thẳng thắn khi chỉ trích rằng giới truyền thông số đang dần dần trở nên phụ thuộc quá nhiều vào các công cụ đo đếm lượng truy cập, lượng độc giả (trên Internet) đối với trang báo của mình. “Tôi nhận thấy rằng, sự lệ thuộc vào những con số là một việc làm vô cùng nguy hiểm”.
Thực tế là quan điểm của Jonah Peretti không phải quá mới nhưng nó vẫn đủ khiến những người tham gia hội nghị phải cảm thấy “động lòng”. Tuy nhiên, không có ai dám đứng lên phản bác Peretti bởi không phải “ăn may” mà nhân vật này đã biến The Huffington Post trở thành một thế lực rất mạnh của làng truyền thông thế giới để rồi sau đó đột ngột bỏ đi xây dựng một “đế chế” của riêng mình là mạng tin Buzzfeed với con số hiện tại là khoảng hơn 80 triệu unique visitor.
“Có một xu hướng ‘tùy biến trang web’ một cách vô tội vạ đang diễn ra”, Peretti nói với Serwer, “Ông có thấy là độc giả thường rất dễ bị thu hút vào những tin “lộ hàng” (nguyên văn: hấp dẫn bởi kích cỡ của bầu ngực). Có một số ngôi sao cố tình ăn mặc thiếu vải hơn nữa để công chúng có thể nhìn thấy rõ hơn bộ ngực đồ sộ của họ. Và các tờ báo bắt đầu đưa lên trang chủ của mình những hình ảnh bắt mắt nhất, “lộ” nhiều nhất để rồi sau đó tỏ ra khoan khoái khi nhìn ngắm những con số nhảy múa. Nếu bạn là một kẻ nô lệ của những con số, một cách vô thức bạn sẽ dần dần có xu hướng đưa ngày càng nhiều những thứ đó lên trang nhất của website để rồi không lâu sau đó bạn sẽ nhận ra rằng tờ báo của mình chỉ rặt những thứ rác rưởi, khiêu dâm, rẻ tiền… Nếu chỉ nhìn vào những con số, bạn sẽ “tối đa hóa độc giả cục bộ” bởi bạn sẽ chẳng bao giờ biết có bao nhiêu độc giả khác chẳng bao giờ thèm quay trở lại website của mình”.
Cũng theo Peretti, một website tin tức trực tuyến tự biến mình thành nô lệ của “lượng xem trang” (pageviews) sẽ lâm vào cái bẫy “tối đa hóa độc giả cục bộ” – những con số thống kê không thể tính được số lượng độc giả bỏ đi vì nội dung chất lượng kém và chi phí cơ hội của những “click chuột” bị đẩy lên cao gấp đôi.
Trước khi Peretti trình bày về khái niệm này, một số sinh viên của MIT Media Lab đã thực hiện bài luận văn tốt nghiệp của mình dựa trên ý tưởng về trải nghiệm của người dùng để thiết kế trang web. Khái niệm “tối đa hóa cục bộ” như Peretti miêu tả, về cơ bản là làm sao thu hút được lượng người đọc nhiều nhất dựa trên một số chủ đề nội dung rất hạn chế. Việc này sẽ cản trở sự mở rộng của nội dung và cũng ngăn cản việc một tờ báo mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
“Các bạn cần phải sáng tạo. Các thử nghiệm đã cho thấy độc giả quan tâm đến rất nhiều thứ khác nhau”, Peretti nói.
Trong làng truyền thông số quốc tế, Jonah Peretti nổi tiếng là nhân vật luôn theo đuổi quan niệm cho rằng có một sự mâu thuẫn và xung đột giữa các nội dung được tạo ra để được chia sẻ trên mạng xã hội và nội dung được tạo để thu hút các nhấp chuột (cuộc chơi với các công cụ tìm kiếm). Ông khẳng định rằng ông gần như không quan tâm đến lượng truy cập (traffic) trên các website của mình.
“Đó là một sự khó khăn. Tôi nghĩ rằng trong tương lai sẽ đến lúc công cụ tìm kiếm sẽ phải chạy theo luồng truy cập từ các mạng xã hội. Cách thức mà Google tổng hợp dữ liệu đang có vấn đề. Những kẻ đi “thuổng” nội dung sẽ chiến thắng bằng cách nhồi nhét từ khóa, triệt để sử dụng các thủ thuật SEO (tối đa hóa cho bộ máy tìm kiếm) và những câu chuyện (bài báo) được viết lại. Nhưng trên các mạng xã hội, người ta chia sẻ không chỉ nội dung mà còn cả uy tín, mức độ đảm bảo của nguồn tin. Ví dụ, một thông điệp của Ben Smith (Tổng biên tập của Buzzfeed) trên Twitter sẽ được chia sẻ lại rất nhiều lần nhưng bài báo của ông không bị viết lại (ăn cắp nội dung) và ông vẫn nhận được một lượng lớn truy cập từ đó. Các bài báo viết lại sẽ nhận được một lượng truy cập từ Google. Đây là “lỗ hổng” của Google mà họ đã phát hiện ra và đang dần dần tìm cách “bịt”.
Theo tiết lộ của Jonah Peretti, một lượng khá lớn trong số hơn 80 triệu độc giả (unique visitors) của Buzzfeed đến từ Facebook, Twitter hay Pinterest cũng như một lượng độc giả truy cập trực tiếp. Thêm vào đó, những độc giả đến từ công cụ tìm kiếm lại thường có rất nhiều nguồn tin, đề tài tương tự như của bạn để lựa chọn và nguy cơ bạn bị bỏ qua là không hề nhỏ.
Theo Lê Trí
Infonet.vn