Một khi lòng sân hận không kìm chế được, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc như một trận bão, càn lướt, phá hủy mọi thứ trên con đường nó đi qua. Tiếc thay, mọi điều sẽ tốt lành, an lạc nếu ta biết sự tác hại ghê gớm của lòng sân mà câu chuyện thật cảm động sau đây như một lời cảnh báo:
“Một người đàn ông đang đánh bóng chiếc xe, thấy đứa con cầm viên sỏi vẻ gì đó lên cánh cửa chiếc xe, cơn giận dữ nổi lên, người cha nắm lấy bàn tay bé nhỏ của đứa con và đánh mạnh liên hồi, ông quên rằng mình đang cầm chiếc mỏ lết. Hậu quả là đứa bé phải đưa đi Bệnh viện vì các ngón tay bị dập nát. Khi vào thăm, ông nghe con hỏi: Bố ơi! khi nào các ngón tay của con sẽ mọc ra lại vậy hả bố? Người cha nghe đau nhói trong lòng, khi ra ngoài, ông chợt nhìn thấy dòng chữ ngoằn ngèo của đứa con viết trên cánh cửa chiếc xe: Bố ơi! Con yêu bố lắm! Vài ngày sau, khi biết bàn tay của con mình sẽ tàn phế, người cha quyết định tự sát”.
Câu chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng và tốt đẹp biết bao nếu đổi lòng sân hận bằng tình thương yêu và độ lượng, cuộc sống luôn ban tặng những điều tốt đẹp nhất cho những ai biết nhẫn nhịn. Tình thương yêu và tha thứ có thể cho bất cứ lúc nào và sẽ được đền bù xứng đáng.
Thước đo của cải của một người không phải là tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, đất đai mà là những gì người đó đã cống hiến cho đời, cho những cuộc sống cơ cực, lầm than, đói nghèo, bệnh tật.
Tình thương yêu là điều duy nhất có thể sẻ chia mà không hề mất mát.
Sân hận là giận dữ, theo Y học, khi cơn giận bộc phát, các cơ trên mặt căng ra, tím tái, hoặc đỏ lên, áp huyết tăng cao, tim đập nhanh, não bộ không còn kiểm soát được ý chí, lúc đó con người hành động theo bản năng của cơn giận dữ.
Tham, Sân, Si. Sân đứng hàng thứ nhì, chỉ sau lòng tham muốn cũng đủ nói lên sự tác hại khôn cùng của nó.
Trương Phi một danh tướng trong thời Tam quốc, mỗi khi nghe nhắc đến tên ông, chúng ta liền liên tưởng đến một người nóng nảy. Lúc nào cũng có thể quát tháo với khuôn mặt dữ dằn. Vì nóng lòng báo thù cho người anh kết nghĩa là Quan Vân Trường bị đối phương giết chết. Trương Phi ra lệnh cho tất cả tướng sĩ dưới quyền phải may đồ tang trong 3 ngày để mặc ra trận phục thù. Nếu không xong, ông sẽ chặt đầu. Rốt cục, ông đã bị thuộc hạ giết chết vì tính nóng nảy của mình.
Trong danh tác Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung, tác giả đề cập đến tính nóng nảy như lửa của Thiên Môn đạo nhân, Chưởng môn phái Thái Sơn. Trong lúc họp bàn sát nhập năm phái do Tả Lãnh Thiền chủ xướng. Biết tính nóng nảy là điểm yếu của Thiên Môn nên Ngọc Cơ Tử dùng lời khích bát để Thiên Môn lộ ra yếu điểm của mình và nhân cơ hội ấy để đoạt lấy chức Chương môn và Thiên Môn đạo nhân đã rơi vào bẫy của Ngọc Cơ Tử.
Rốt cục, Thiên Môn đạo nhân, một người ngay thẳng, cương trực đã phải chết thê thảm vì sân hận.
Không ít mẫu chuyện trong cuộc sống hàng ngày, vì không kìm chế được lòng sân, chỉ vì một cái nhìn, vì một câu nói không vừa ý là có thể xảy ra án mạng, đưa đến cảnh tù tội, gia đình ly tán.
Để kìm hãm mỗi khi cơn nóng giận bộc phát, chúng ta cố gắng trấn tỉnh, hít vào một hơi thật sâu rồi nhẹ nhàng thở ra chậm rãi, chỉ cần vài phút hít thở như vậy, cơn giận sẽ lắng xuống và từ từ tan đi.
Không vì để thỏa mãn cho lòng sân hận trong phút chốc mà gây ra những hậu quả không lường trước được làm ta phải ray rức, hối tiếc ân hận cho đến lúc cuối đời./.