Lần đầu tiên người Hà Nội được chứng kiến một robot đọc thơ , diễn kịch với con người trên sân khấu. Hình thức đơn giản tối đa đến mức nhiều khán giả đã phải đặt câu hỏi, vì sao phải dùng một con robot đọc thơ khi con người cũng có thể được “robot hóa” để thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Ngày 31/8, Rạp Công nhân kín chỗ. Tất cả đều tò mò về con robot giống hệt như người thật đang ngồi im lặng trên sân khấu. Vở kịch Sayonara (Tạm biệt) bắt đầu. Sân khấu tối đen và một giọng đọc thơ trầm ấm vang lên. Dưới ánh sáng rõ dần, cô gái robot chợt sinh động với đôi môi hấp háy và gật đầu nhè nhẹ ngân nga những vần thơ về sự cô đơn, về những vùng đất vĩnh hằng. Đối diện với robot là một cô chủ nhỏ bị bệnh nặng. Bố cô bé đã mua con robot để đọc các bài thơ mà cô thích. Cuối cùng cô chủ nhỏ chết. Chiếc ghế bành đối diện với robot trống rỗng. Một người công nhân đến khởi động lại nguồn cho robot và nói chuyện vài câu. Nhiệm vụ tiếp theo của con robot là sẽ đọc thơ cho những linh hồn cô đơn tại Fukushima – nơi đã xảy ra thảm họa kép sóng thần, động đất. Một trong những nơi cô đơn nhất hành tinh mà chỉ robot có thể tiếp cận nhà máy nhiễm phóng xạ để đọc thơ cho những người đã khuất.
Vở kịch 30 phút. Còn lại là 60 phút dành cho đạo diễn, nhà biên kịch – GS. Oriza Hirata* chia sẻ và lắng nghe phản hồi từ các khán giả. Đa phần đều bỡ ngỡ với loại hình kịch ít diễn xuất và cố hiểu chuyện gì đã xảy ra trong 30 phút vừa qua. Cuối cùng đạo diễn muốn nói điều gì và vai trò của robot trên sân khấu chả nhẽ chỉ nói và gật gù mỗi cái đầu vậy thôi? Đặc biệt là loại hình diễn xuất tối giản đã khiến một đạo diễn sân khấu Việt Nam phải thắc mắc rất nhiều bởi dường như, trong nhận thức của người hành nghề kịch ở Việt Nam, cứ lên sân khấu là nhân vật phải di chuyển, phải có các cử chỉ, biểu đạt bằng hình thể để ngay cả một người mù chữ, hoặc bị điếc cũng có thể hiểu được!
Những thắc mắc được nêu ra đều rất dễ hiểu bởi loại hình kịch robot mới xuất hiện trên thế giới từ 5 năm trước và duy nhất được phát triển bởi phòng nghiên cứu robot giao tiếp thông minh của trường Đại học Osaka . Đưa robot vào sân khấu, GS Hirata đã khiến kịch rối truyền thống của Nhật Bản bước sang một giai đoạn mới khi những con rối có thể tự vận hành và trở nên có “linh hồn” nhờ sức mạnh của thi ca. Đối với những khán giả tập trung quan sát và cảm thụ âm thanh của những vần thơ giữa robot với con người thì chỉ cần 15 phút, dường như tất cả đều quên bẵng mất rằng có một cỗ máy đang đóng kịch. Đây chính là phép màu của sân khấu khiến khán giả dù là đứa trẻ 4 tuổi nhìn vào các con rối nước hay thú nhồi bông… đều mặc nhiên tin rằng: chúng là sinh vật có linh hồn.
Xét về công nghệ, robot Android không có nhiều chức năng ứng dụng bằng một chiến điện thoại di động. Nó chỉ có thể di chuyển từ cổ trở lên với một số diễn đạt cơ bản của gương mặt và không có khả năng tương tác với con người qua bộ cảm biết. Tất cả chỉ đọc theo lập trình của đạo diễn. Nhưng nó rất đặc biệt bởi là bản sao từ một người mẫu cụ thể. “Sự cô đơn, vắng lặng chính là một nét đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Và trong kịch nghệ, đây chính là thời điểm mà các ý nghĩa sâu xa nhất bùng nổ” – GS. Hirata chia sẻ trước bình luận của một khán giả về cảm nhận cá nhân sau khi xem kịch. Chính sự vắng lặng và đơn giản của vở kịch Sayonara đã tạo ra nhiều câu hỏi cho khán giả và buộc từng người phải tự tìm ra câu trả lời cho mình.
“Nếu hôm nay, chúng ta đang tranh luận về vai trò của những chiếc smartphone ảnh hưởng đến xã hội ra sau thì chắc chắn, trong tương lai, robot cũng sẽ nằm trong cuộc tranh luận đó. Tôi chỉ hi vọng, các bạn sẽ nhìn vấn đề từ thật nhiều khía cạnh.” – ông Hirata nói.
Quả nhiên, nếu nghĩ rằng, con người cô đơn đến mức phải cần đến robot thì không có nghĩa là nó là điều tệ hại. Bởi những người tàn tật rất cần đến công nghệ này. Cũng như, nếu bạn ở xa người thân thì chiếc điện thoại di động sẽ là cầu nối tuyệt vời mà nếu cách đây chục năm trước sẽ không có điều kỳ diệu tương tự xảy ra. Nhưng có lẽ, trước khi đánh giá lợi ích của bất cứ công nghệ nào thì con người phải hiểu rõ chính mình. Giống như lựa chọn của GS. Hirata là để cho robot đọc thơ chứ không phải làm những việc lau dọn nhà cửa. Bởi thi ca sẽ khiến con người bớt cô đơn và khi con người còn dành thời gian để nghe những vần thơ, nghĩa là tâm hồn họ còn khoảng trống để dành cho người khác.
Phải chăng, đó là cách người Nhật lưu giữ được những giá trị truyền thống tưởng chừng như sẽ bị cuốn phẳng, san bằng bởi các cơn sóng thần “hiện đại hóa”, “đô thị hóa”. Và khi nào một dân tộc còn bắt rễ được với cội nguồn thì dân tộc đó sẽ không ngừng tái tạo, phục hồi và vươn lên mạnh mẽ từ chính trong những đổ nát chiến tranh và không bao giờ khuất phục trước các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp.
(*) Năm 2012, GS Oriza Hirata đã từng đến Việt Nam và thuyết trình về Văn hóa Lập quốc, chia sẻ những đánh giá về vai trò của không gian công cộng như quảng trường, công viên và tầm quan trọng của các làng nghề truyền thống trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ người nông dân trước làn sóng đô thị hóa của thế kỷ 21.