“Chúa Ruồi” là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của William Golding. Thông qua một hệ thống các biểu tượng giàu ý nghĩa, ông thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác trong mỗi con người.
Những ám ảnh kinh hoàng của cuộc chiến tranh trong thế giới người lớn được William Golding tái hiện trọn vẹn trong “Chúa Ruồi”. Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, bản năng sinh tồn mãnh liệt đã vùng lên và che lấp nét trong sáng, ngây thơ trong tâm hồn những đứa trẻ trên hoang đảo. Liệu ai có thể níu kéo chúng khỏi trượt ngã vào cõi u mê, tăm tối và man dại?
Bí ẩn về con ác thú
Khi ở một nơi hoang vu, con người luôn luôn lo sợ và có cảm giác bị rình rập bởi một con ác thú giấu mặt bất ngờ xuất hiện trong đêm tối. Dù ở lứa tuổi nào thì con người cũng chỉ có hai cách: hoặc đối đầu trực tiếp với con ác thú và chấm dứt nỗi hoang mang hoặc chạy trốn để nỗi hoảng sợ ấy đeo đuổi đến tận khi trưởng thành. Trong “Chúa Ruồi”, William Golding đã tái hiện một cuộc truy đuổi và đối đầu giữa lũ trẻ và con ác thú trên một hòn đảo hoang vu tuyệt không có bóng dáng người lớn. Bản năng của lũ trẻ được đánh thức và chúng bàng hoàng nhận nơi con ác thú trú ngụ.
Bóng dáng của một con ác thú đã xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên trong lời kể của một cậu bé nhút nhát sáu tuổi có một cái bớt màu đỏ nâu trên khuôn mặt. Ngay sau câu chuyện về ác thú, lũ trẻ đã gây ra một đám cháy lớn trên hoang đảo và cậu bé kia cũng mất tích hoàn toàn sau đám cháy. Sự mất tích của cậu bé đã tạo ra không khí u ám trên đảo. Như vậy, trong trò “trận giả” của lũ trẻ không chỉ có 2 đứa bị chết mà phải tính thêm cả sự mất tích của cậu bé với câu chuyện về ác thú khổng lồ từ rừng rậm.
Nỗi ám ảnh về con ác thú len cả vào trong những giấc mơ của lũ trẻ và hễ đêm đến là chúng tại túm tụm vào nhau. Tác giả dành hẳn hai chương để nói về những mối đe dọa của con ác thú để cuối cùng người đọc có thể hiểu ra rằng con ác thú không từ trên trời rơi xuống và cũng không đến từ biển cả mênh mông.
Mối hoài nghi cứ lớn dần và sự truy đuổi con ác thú được chuyển sang một sự thỏa hiệp. Lũ trẻ dùng những cái đầu heo cắm trên cọc nhọn làm lễ vật hiến tế cho con ác thú. Vật hiến tế đó chính là sự hiện diện của Chúa Ruồi, của cái Ác. Chính Chúa Ruồi đã điều khiển và chi phối tất cả bởi cái Ác tồn tại trong mỗi con người.
Từ cảm giác ghê tởm mùi máu và sự do dự khi giết một con vật đã dần thay thế bởi niềm say sưa giết chóc trong vũ điệu cuồng loạn bên đống lửa và điệp khúc ghê rợn với tiếng hú man dại giữa rừng già. Niềm tin, tình bạn, sự chia sẻ và cảm thông đã hoàn toàn biến mất khi cái phần bản năng, cái phần Con đã lấn át phần Người, khi lũ trẻ không thể nhận ra nhau trong hình hài kì quái: “Đó là một thằng mọi mà bóng dáng không ăn nhập gì với hình ảnh trước kia của một thằng nhỏ mặc quần soóc, áo thun”.
Chỉ có Chúa Ruồi mới lí giải được màn bi kịch khốc liệt mà lũ trẻ gây ra trên hoang đảo, từ việc chúng đánh mất giá trị con người đến những vết trượt dài của chúng vào vùng mê muội: “Tụi bay cứ tưởng ác thú là cái gì tụi bay có thể săn và giết được… Mày biết phải không nào, ta là một phần của bọn mày. Một phần rất gần gũi, rất gần gũi, gần gũi lắm…”.
Ánh lửa sống còn và nền văn minh bị quên lãng
Từ trong lịch sử phát triển của nhân loại, ánh lửa đã là một biểu tượng mang những ý nghĩa đối lập nhau. Ánh lửa vừa gợi lên không khí ấm áp, quây quần của những buổi hội họp lại vừa là một mối họa hủy diệt bởi lửa có thể thiêu đốt mọi thứ ngáng đường nó. Trong “Chúa Ruồi”, ánh lửa là nguồn gốc nảy sinh mối xung đột không thể giải quyết giữa Ralph và Jack.
Với tư cách là người đứng đầu, Ralph luôn tâm niệm việc thắp lên ngọn lửa để tàu thuyền có thể trông thấy và đến cứu là công việc hệ trọng nhất đối với lũ trẻ. Cậu bé tìm mọi cách để khiến lũ trẻ hiểu ra điều đó song đó là một nỗ lực vô vọng bởi hầu hết bọn trẻ không thể tập trung làm việc gì quá 5 phút và chúng dễ bị thu hút bởi những hoạt động huyên náo hơn là ngồi một chỗ và trông chừng đống lửa.
Đi ngược lại với nỗ lực của Ralph, Jack chỉ quan tâm đến việc đi săn. Niềm say mê săn đuổi đã xâm chiếm tâm hồn cậu bé và lây lan nhanh chóng trong đám trẻ. Jack cũng sớm nhận ra việc kiếm được thịt tạo cho nó quyền chỉ huy đám trẻ. Đối với Jack, ngọn lửa không có ý nghĩa là một tín hiệu cầu cứu bởi nó đã thích nghi được với hoàn cảnh khắc nghiệt trên đảo hoang. Nó sẵn sàng hạ những nhát dao chí tử vào các con mồi để duy trì sự sống và nhất là sự quyền lãnh đạo tối cao của mình. Với Jack, ngọn lửa bập bùng là thứ để nấu chin thức ăn cho buổi tiệc tùng man dại. Điệu nhảy xung quanh ánh lửa của những bộ mặt nạ vằn vện biến chúng thành một lũ mọi.
Sự giao tranh khốc liệt giữa hai phe luôn được hỗ trợ bởi những tia sét rạch ngang bầu trời và đó là những điềm báo đầy tai ương với cuộc sống của lũ trẻ. Mặc dù cuối cùng, hành động thắp lên ngọn lửa biến hòn đảo trở thành một đảo lửa của Ralph đã giúp tàu hải quân phát hiện và cứu lũ trẻ xong ám ảnh về ánh lửa và những cuộc tranh giành tàn bạo để có được ngọn lửa vẫn sẽ ám ảnh lũ trẻ. Chúng có thể bước ra khỏi làn khói mịt mờ của khu rừng trên hoang đảo nhưng chúng sẽ phải đạt chân vào một thế giới ghê rợn hơn. Đó là cuộc chiến tranh nguyên tử của người lớn. Ánh lửa lại làm một ranh giới đưa chúng từ một bi kịch nhỏ đến một bi kịch lớn hơn và lần này, liệu chúng có may mắn được cứu thoát?
Hòa mình với cuộc sống hoang dã, những đứa trẻ dần quên đi nền văn minh đang tồn tại bên ngoài hòn đảo. Dưới sự lôi kéo của Jack, lũ trẻ từ bỏ những chiếc lều bên bãi biển để sống trong hang đá. Hình dáng những cậu bé đáng yêu không còn mà thay vào đó là những tên mọi tí hon vẽ mặt vằn vện. Chính cái mặt nạ đó đã khiến chúng “không còn biết xấu hổ dưới ánh mặt trời”.
Với giọng văn lạnh lùng và đanh thép, William Golding đã miêu tả hành trình ngược về cõi u mê của những đứa trẻ bị bỏ rơi trên đảo hoang. Thông qua một hệ thống các biểu tượng giàu ý nghĩa, ông thể hiện cuộc chiến khốc liệt giữa cái Thiện và cái Ác trong mỗi con người. Cuốn sách là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của Golding. Ông được nhận giải Nobel văn chương năm 1983 và là một trong 50 nhà văn Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1945 (theo bình chọn của tạp chí The Times).
Tác phẩm: Chúa Ruồi
Tác giả : William Golding
Dịch giả : Lê Chu Cầu
NXB Văn học và công ty Nhã