Xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam với một hệ giá trị mới mà vẫn phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc đang là vấn đề đáng quan tâm.
Khi giới trẻ “lệch” chuẩn giá trị
Hiện tượng hôi của khi người khác bị nạn; những hành vi, thái độ ứng xử không đúng giữa thầy với trò, giữa con với cha mẹ, giữa cháu với ông bà…, nếu áp theo chuẩn đạo đức truyền thống thì đều khó chấp nhận, đều là những hành vi lệch lạc.
Lệch chuẩn một phần xuất phát từ sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, đưa tới một số hiện tượng, hành vi “mất thăng bằng” trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đã và làm thay đổi quan niệm, nhận thức đối với nhiều giá trị truyền thống của dân tộc. Và chúng ta đang phải chứng kiến những sự việc như là biểu hiện của tình trạng rối loạn về “chuẩn giá trị”.
Góc nhìn của người trẻ
Nhiều bạn trẻ cho rằng sự quan tâm đối với các hiện tượng được gọi là “hot”, sốc, v.v… trong xã hội, trong sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật… được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu giải trí hay “mua vui” hết sức tầm thường ở một số người. Bạn Hồ Thu, sinh viên Đại học Ngân hàng, nhận định nhiều bạn trẻ có những hành động khác thường, thậm chí là quái dị, ở trên mạng xã hội như là một cách khẳng định “cái tôi” của bản thân hoặc tìm kiếm sự nổi tiếng (tai tiếng) phù phiếm.
Lý giải về hiện tượng những bức ảnh “khoe” thân của các cô gái thu hút được hàng nghìn “like” trên Facebook, bạn Quốc Toản, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng đây không hẳn đó là sự tán đồng hay thích thú với hành động đó mà thực tế người “like” chỉ xem đây là một trò mua vui hoặc cố ý giễu cợt.
Thế nhưng về lâu dài những hiện tượng đó lại có thể “khuyến khích” những hành vi “lệch chuẩn” ở các bạn trẻ cũng như làm ảnh hưởng đến nếp sống thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thêm vào đó, một số phát ngôn và hành vi “chẳng giống ai” của các “sao” Việt kiểu như: Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn, khoe cơ thể để “làm từ thiện” cho những người đàn ông cô đơn, nude vì môi trường… có thể dẫn đến nhận thức lệch lạc về giá trị sống, quan điểm sống của một bộ phận giới trẻ.
“Từ thế giới ảo đến đời thực là ranh giới vô cùng mong manh. Nếu bản thân các bạn trẻ không biết nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về sự việc, hiện tượng thì có thể gây ra những hậu quả tai hại trong đời sống thực. Bạn muốn nổi tiếng nhưng thực tế lại mang tai tiếng và một vết nhơ khó xoá nhoà trong dư luận. Khi nào bạn nhận ra giá trị của mình thì khi ấy mọi người cũng mới trân trọng bạn được”, bạn Lê Hoa, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, nói.
Còn đối với Thu Hà, sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế, thì “hy vọng bạn nào muốn “nổi tiếng” hãy suy nghĩ thật kỹ, vì dư luận có thể nâng bạn lên cao thật đấy, nhưng nếu nó đã dìm bạn xuống thì không dễ để thoát ra đâu”.
Điều đó cho thấy không ít các bạn trẻ có góc nhìn khác biệt về hành vi “lệch chuẩn” văn hóa của những người đồng trang lứa.
Lý giải từ chuyên gia
Trong khi đó, khác với quan điểm “đồng tình-phản đối” từ giới trẻ, các bậc phụ huynh đều tỏ ra lo lắng khi những hiện tượng, hành vi “lệch chuẩn” ảnh hưởng đến suy nghĩ, lối sống của các bạn trẻ.
Chị Hà Linh, một phụ huynh, cho rằng lứa tuổi mới lớn, nếu thiếu sự định hướng, hướng dẫn, rất dễ bị ảo tưởng mà không thể lường trước được những hậu quả về sau.
Còn cô Hoàng Oanh, một phụ huynh khác, nhấn mạnh “có nhiều cách để người trẻ thể hiện sự tự tin, dấu ấn và khẳng định cái tôi của bản thân bằng năng lực, tài năng thực sự của mình chứ không phải bằng các chiêu trò gây sốc, lạc lõng, bất bình thường”.
PGS.TS Xã hội học Hoàng Bá Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội) nhận định, ngay từ bậc mầm non, trước khi học chữ, học kiến thức, học sinh rất cần được chú ý giáo dục đạo đức làm người. Tuy chuẩn đạo đức có sự thay đổi theo sự vận động của cuộc sống nhưng cái tinh túy nhất, giá trị nhất thì vẫn lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Trao đổi về những hành vi “lệch” chuẩn văn hóa của các bạn trẻ, TS. Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho rằng, nhìn ở khía cạnh tích cực, sự quan tâm của dư luận về bất kỳ một hiện tượng xã hội nào đó chứng tỏ cộng đồng không thờ ơ trước những vấn đề xã hội, đặc biệt là những vấn đề được coi là mới, lạ.
Nhưng, những hiện tượng “lệch” chuẩn giá trị của một số bạn trẻ hiện nay thì không thể chủ quan, thậm chí là đáng báo động, rất cần đến vai trò của nhà quản lý, giáo dục, nhà tâm lý-xã hội học, vai trò của truyền thông trong việc định hướng, tuyên truyền, uốn nắn suy nghĩ, nhận thức và hành vi cho giới trẻ.