Nguồn gốc Âm Dương:
Vì không gian 3 chiều, mặt phẳng trong thế giới thực khá phức tạp cho phép mô tả nên tôi dùng một tập xác định đơn giản hơn là đường tròn (không phải hình tròn). Đường tròn giãn rộng và thu gọn vô tận có thể biến hình thành mặt phẳng, mặt phẳng liên tiếp xếp lớp có thể biến hình thành không gian 3 chiều. Cho nên hình đơn giản nhất thể hiện sự tuần hoàn là đường tròn.
Đường tròn là vô cực khi không có vật thể chuyển động trên đường tròn, không có gì để phân biệt các điểm khác nhau trên đường tròn. Khi xuất hiện vật thể a chuyển động trên đường tròn. Vẫn không thể mô tả mọi điểm của đường tròn qua điểm a, vì a trên mọi điểm của đường tròn là như nhau. Cần một điểm mốc để xác định vị trí của a trên đường tròn, từ đó có thể xác định mọi điểm của đường tròn. Điểm mốc đơn giản nhất là một điểm Ao, quy ước là vị trí của a tại thời điểm a xuất hiện trên đường tròn, thời gian lúc đó quy ước là t=0, tại thời điểm t, vị trí của a gọi là At. Ao và At tạo thành một cặp âm dương. Ao tĩnh còn At động. Khi đó có thể mô tả mọi điểm của đường tròn. Nói cách khác khi có âm dương, có thể mô tả vạn vật bằng âm dương. Thời gian là lưu ảnh của không gian và ngược lại không gian là mô tả của thời gian. Không Thời tạo thành một cặp âm dương.
Đây là tiền đề quan trọng để mô tả bản chất của can chi phía dưới.
Vạn vật quy tâm:
Một câu hỏi xuất hiện là khi nào a thoát khỏi sự tồn tại của mình. Trả lời đơn giản là khi a thoát khỏi tất cả mọi sự mô tả của a. Nói cách khác, không có gì có thể mô tả được a, không có lưu ảnh của a thì không có thời gian. Không có thời gian thì không có không gian.
Khi đó a chuyển động song song cùng mô tả của a, hay a chuyển động song song cùng Ao. Điều này là không thể vì Ao là cố định. Chỉ có một cách duy nhất là a thoát khỏi đường tròn và đứng vào đúng tâm O của đường tròn, khi đó a là đồng đẳng với mọi điểm trên đường tròn, nói cách khác đường tròn không thể mô tả a. Phía trên đã giới hạn tập xác định là đường tròn, nay lại cho a thoát khỏi đường tròn đứng về tâm, nghe chừng có vẻ vô lý. Nhưng do phép biến hình đã mô tả phía trên, tâm O có thể đạt được nếu thu nhỏ phía trong của đường tròn (vành tròn) đến vô tận. Nói cách khác, vạn vật có thể quy về một tâm O nếu chuyển động của vũ trụ là tuần hoàn quanh tâm O đó.
Tóm lại: Động Tĩnh, Không Thời hay các cặp Âm Dương khác có thể mô tả toàn bộ vũ trụ. Không Gian và Thời Gian là một và hoán đổi cho nhau, mô tả lẫn nhau.
Nguồn gốc Ngũ Hành:
Khi con người quan sát thế giới, nhận biết 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong không gian, nhận biết 4 mùa luân chuyển của thời gian. Do không thời là một cặp âm dương hỗ, mô tả không gian sau đó dùng lưu ảnh của không gian thì có thể mô tả được thời gian. Nên trước hết không gian được mô tả theo quan sát của con người. Lúc này Không Gian được giới hạn là một mặt phẳng vô tận. Muốn mô tả mặt phẳng vô tận này trước hết có Đông Tây Nam Bắc, trong đó Nam Bắc là một cặp âm dương (phương Nam nóng, phương Bắc lạnh), Đông Tây là một cặp âm dương (phương Đông là rừng xanh, phương Tây là núi cao). Như vậy vẫn chưa đủ một đơn vị để mô tả mặt phẳng với 4 hình vuông đơn vị ở 4 phương, muốn đầy đủ phải có 1 hình vuông đơn vị nửa ở Trung Ương. 5 hình vuông này tạo thành hình chữ thập cân +. Hình chữ thập + này là đơn vị nhỏ nhất, xếp liên hoàn cạnh nhau có thể mô tả toàn bộ mặt phẳng. Một vấn đề nảy sinh là: Đông Tây, Nam Bắc là 2 cặp âm dương nên thỏa lý âm dương, nhưng Trung Ương liệu có đứng ngoài âm dương ? nếu TW đứng ngoài âm dương thì coi như thuyết ngũ hành này độc lập hoàn toàn với âm dương. Nhìn kỹ lại, TW hoàn toàn có thể biểu diễn qua Đông Tây Nam Bắc, nói cách khác TW là giao điểm của hai trục ĐT và NB, nói cách khác TW là một hàm f(Đông, Tây, Nam, Bắc), hay TW đã hàm chứa âm dương. Nói cách khác Ngũ Hành là cách biểu diễn khác của Âm Dương, Ngũ Hành và Âm Dương là một.
Can Chi:
Vậy thế nào là Can và Chi ?
Nối tiếp phần trên, sau khi đã mô tả được không gian bằng ngũ hành. Cho ngũ hành lưu chuyển để mô tả thời gian. Bản khí phương Bắc lạnh, quy là thủy. Phương Nam nóng quy là hỏa. Phương Đông quy là mộc. Phương Tây quy là kim. TW quy là thổ. Từ lập luận phía trên có thể thấy Thổ là tập hợp của 4 khí còn lại.
Khí là a. Khí là gì ? Khí là sự tồn tại.
Phần khí động (chính là At mô tả bên trên) gọi là Can lưu chuyển 5 phương tạo nên 4 mùa, phần tĩnh đồng thời xuất hiện cùng với phần động gọi là Chi trụ ở 5 phương là điểm sinh ra, là điểm mốc của khí (chính là Ao mô tả bên trên). Do có sự lưu chuyển của khí mà tạo thành thời gian, thành 4 mùa.
Nhất khí lưu chuyển 5 phương dùng lưu ảnh tại 5 phương để mô tả nhất khí. Nên nhất khí có thể biến thành ngũ khí là Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, nên tuy 5 nhưng là một khí lưu chuyển 5 phương mà ra.
Ngũ khí Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ để thỏa tính âm dương của chính nó (chính ngũ khí) nên có thập thiên can, trong đó Giáp là dương mộc, Ất là âm mộc, Bính là dương hỏa, v.v… đến Nhâm Quý. Vậy thập thiên can chẳng qua chỉ là âm dương của ngũ khí, là 10 lưu ảnh của nhất khí trên 10 thời điểm mà ra.
Chi là gì ? chi là 5 phương Đông Tây Nam Bắc TW ban đầu biến hình thành vòng tròn, để thỏa tính âm dương của 4 phương mà ra con số tối giản là 12, Thổ là sai số được cài vào 4 phương.
Chi là 5 phương tại thời điểm khai sinh ban đầu Ao của ngũ khí.
Lục thập hoa giáp là lưu ảnh chuyển động của thập thiên can trên thập nhị địa chi mà thành. Giáp Dần là khí dương mộc tại điểm Dần (phương khai sinh của Bính hỏa). Nên lục thập hoa giáp tưởng là ngũ hành kép nhưng thực chất cũng chỉ là ngũ hành đơn được mô tả trên 12 phương mà thành.
Giáp Ất tưởng là hai khí nhưng chỉ là âm dương của mộc khí mà thành.
Ngũ khí tưởng là 5 khí độc lập nhưng cũng chỉ là lưu ảnh của khí lưu hành ngũ phương mà thành.
Tóm lại nhất khí (sự tồn tại) lưu hành 5 phương hay nói cách khác lưu hành khắp vũ trụ mà thành can chi và lục thập hoa giáp.
Phần tới tôi sẽ trình bày tiếp cái lý của: Ngũ Dương tòng khí bất tòng thế, Ngũ Âm tòng thế vô tình nghĩa. Và ngũ hành nạp âm của lục thập hoa giáp.
Ngũ dương tòng khí bất tòng thế, ngũ âm tòng thế vô tình nghĩa:
Phần trước đã nói về lý Can động lưu chuyển khắp nơi tương sinh hình tròn tượng cho trời tròn, Chi tĩnh có 4 phương khác biệt không hoán chuyển không thay đổi mang thế vững chãi của đất tượng là hình vuông. Can Chi cùng sinh cùng diệt, vận chuyển hòa hợp mà sinh ra vạn vật. Vạn vật mang cái động của thiên can cái tĩnh của địa chi, thuận thế thì sống nghịch thế thì chết.
Ngũ khí tuy năm khí mà là một khí di chuyển biến hóa qua ngũ phương nên còn gọi là ngũ hành. Khi gọi ngũ khí tức là đã hàm chứa ngũ phương ở trong đó. Ngũ khí phần động là Can, phần tĩnh là Chi.
Trong ngũ can lại chia thành phần âm và dương gọi là âm can dương can, tuy âm dương nhưng là nhất khí. Phần dương do chuyển động sinh hóa mà thành. Giáp mộc sinh ở Hợi, lộc ở Dần nên sinh Bính hỏa, Bính hỏa sinh Mậu thổ, Bính Mậu đến Tỵ sinh Canh kim, Canh kim đi đến Thân mà sinh Thủy, Thủy đi đến Hợi mà sinh Mộc. Ngũ dương can do ngũ hành chuyển hóa tương sinh mà thành, do 5 phương luân chuyển mà nên, khí chuyển hóa hoàn toàn. Từ thủy vượng sinh mộc, mộc vượng sinh hỏa thổ, hỏa thổ vượng sinh kim, kim vượng sinh thủy. Cho nên nói: Ngũ dương tòng khí bất tòng thế là vậy.
Chi là phần tĩnh của nhất khí là mốc khai sinh ra nhất khí nên tàng chứa nhân tố để tạo thành can, còn gọi là các can tàng trong chi. Ngũ dương tòng khí nên tại Dần Tỵ Thân Hợi tàng chứa khí ngũ dương. Ngũ dương tàng trong chi luôn ở thế Trường Sinh, Lâm Quan.
Nhìn ngũ âm, lấy ví dụ Ất can âm mộc. Ất tàng trong Mão, Thìn, Mùi là những vị trí Đế Vượng, Suy, Mộ của Giáp tức dương mộc, tức phần dương của mộc. Như vậy Ất tàng chi tại các vị trí Giáp vượng nhất (Mão), sau khi Giáp cường vượng (Thìn), và khi Giáp nhập mộ. Chứ Ất không từ Nhâm thủy vượng sinh ra, Ất không từ Quý thủy vượng sinh ra như các chuyển hóa ngũ dương can phía trên. Cho nên nói: Ngũ âm tòng thế vô tình nghĩa. Thế ở đây là thế vượng thế quy tàng mộ của can dương đồng khí với nó. Tình nghĩa là chuyển hóa tương sinh ngũ hành. “Vô tình nghĩa” có nghĩa là: không do chuyển hóa tương sinh ngũ hành mà ra. Nói cách khác, ngũ dương tòng khí nghĩa là có tình nghĩa.
Đến đây thì bản chất âm dương của can lộ rõ. Dương đi trước thiết lập và do khí chuyển hóa mà thành, bất kể khí sinh ra nó có vượng, nó cũng không theo, có hóa thì mới có dương. Còn Âm xuất hiện khi dương cực. Theo Dịch Lý dương cực sinh âm, và âm cực thì sinh dương. Như vậy, một khí có hai phần âm dương. Phần Dương thể hiện thời xuất hiện, thời hành động, thời thịnh của khí đó. Phần Âm chính là mô tả thời suy thời quy tàng của khí. Dương chủ tán thì âm chủ hợp.
Nhậm Thiết Tiều đại ca bình chú Trích Thiên Tủy làm cho đàn em phía sau đọc mà phát chán. Mới đọc còn nghĩ đời sau giấu bài nhưng đọc đến phần Nhậm Thiết Tiều kêu oai oái vì sao Ất lại tử địa ở Hợi đất thủy vượng thì thấy thà không đọc bình chú còn đỡ nhầm, bất kể do Nhậm đại ca u tối hay đời sau chơi xấu. Ất mộc đâu do thủy sinh thành mà phải kêu oai oái vậy.
Lướt qua phần Luận Thiên Can thì thấy tinh thần dụng ý của Lưu Bá Ôn đại ca cho các can âm, rất rõ ràng: không ngại khắc chế, chỉ sợ thế yếu.
Giáp mộc tham thiên
Thoát thai yếu hỏa
Xuân bất dung kim
Thu bất dung thổ
Hỏa sí thừa long
Thủy đãng kỵ hổ
Địa nhuận thiên hòa
Thực lập thiên cổ.
Ất mộc tuy nhu
Khuê dương giải ngưu
Hoài đinh bão bính
Khóa phượng thừa hầu
Hư thấp chi địa
Kỵ mã diệc ưu
Đằng la hệ giáp
Khả xuân khả thu
Giả sử đây là nguyên bản, xem Lưu Bá Ôn đại ca dùng từ thế nào cho hai can âm dương. Với Giáp: tham, bất dung, bất dung, thực lập, toàn những động từ mạnh chủ động của can dương. Với Ất không thấy khắc, không thấy không tha, không thấy sáng lập chỉ thấy: khuê, giải, hoài, bão, khóa, thừa, và câu đằng la hệ giáp (buộc theo Giáp, gắn với Giáp) thể hiện rõ nhất “ngũ âm tòng thế”. Âm can cũng không có vị trí Kình Dương cũng là vậy.
Tóm lại Dương theo khí sinh ra, Âm theo Dương mà có, quy về đúng Dịch Lý.
Vậy mới thấy cách luận âm can dương can sinh khắc chế hóa thoải mái như nhau quả là kinh dị trong kinh dị.
Bổ sung thêm:
Subscribe to Updates
Get the latest creative news from FooBar about art, design and business.
Trending
- Ý nghĩa phong thủy của tủ rượu trong phòng bếp
- Phong thủy cho các căn hộ chung cư, tòa nhà chung cư
- Cầu thang nhà ở và những điều cần biết trong phong thủy
- Người tín đồ chân chánh của Phật giáo
- Sắc dục
- Xem lá số tử vi 2015 cho người mạng tuổi MÃO: Ất Mão, Đinh Mão, Kỷ Mão, Tân Mão, Quý Mão
- Cách đặt Tên cho con
- TAM BAN XẢO QUÁI VẪN PHÁT HỌA NHƯ THƯỜNG