Lời khuyên của Pháp vương Chogye Trichen Rinpoche về Thực hành Đức Tara xanh lục
Giới thiệu

Nhận ân phước của Bồ tát Tara

Thiền định về Đức Tara xanh lục
Trên nền tảng của thực hành mở đầu, đồng thời dựa trên tiếp nhận ân phước của Bồ tát Tara, chúng ta có thể thực hành thiền định về Tara và trì tụng thần chú của ngài. Con đường vào thiền định Phật giáo theo truyền thống Đại thừa bắt đầu với lojong, luyện tâm. Quan trọng nhất là phát khởi và rèn luyện từ bi. Làm thế nào chúng ta phát khởi sự rèn luyện này? Trước hết, chúng ta thiền quán về lòng tốt của người mẹ đối với chúng ta. Mẹ của chúng ta mang thai và sinh ra chúng ta. Bà đã cho ăn và tắm rửa chúng ta từ khi chúng ta còn bé bỏng yếu đuối bất lực. Hãy nhớ đến lòng tốt của bà, hãy nghĩ đến chính người mẹ của chúng ta. Khi chúng ta thiền quán theo cách này về người mẹ của mình, phát sinh tình thương và lòng biết ơn đối với bà. Một khi chúng ta khởi lên cảm xúc này, chúng ta có thể mở rộng cảm xúc ấy đối với người khác, dần dần cho đến lúc chúng ta có thể phát triển tình thương và lòng biết ơn đối với toàn thể chúng sanh trong lúc mình thiền định. Điều này là có thể bởi vì trong quá khứ vô thủy, mọi chúng sanh thực sự đã từng là người mẹ tử tế của chính chúng ta. Như đã nói trong nhiều cầu nguyện quy y, ‘Vì mọi chúng sanh hữu tình từng là mẹ của con, Con xin quy y’. Một cách khác là chúng ta cũng quán tưởng về tình thương người mẹ dành cho đứa con duy nhất của bà, và tương tự mở rộng cảm xúc này đến toàn thể chúng sanh hữu tình. Một khi chúng ta làm được điều này, bước kế tiếp là bắt đầu tập phát khởi lòng bi. Thấu hiểu lòng tốt của người mẹ dành cho chúng ta, chúng ta sẽ không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ mình phải chịu bất kỳ đau khổ nào. Mong muốn giải thoát mẹ của chúng ta ra khỏi mọi đau khổ là lòng bi. Đặt mình vào vị trí của người mẹ, cảm nhận những bất hạnh và bất cứ nỗi khổ đau nào mà bà phải gánh chịu. Một khi cảm xúc bi mẫn xuất hiện trong tim chúng ta, thì chúng ta có thể mở rộng nó ra với người khác cho đến khi nó bao bọc mọi chúng sanh. Chúng ta thực sự cảm nhận nỗi đau khổ của người khác và khát khao chân thành muốn giải thoát họ ra khỏi đau khổ. Trong trạng thái này, chúng ta sẵn sàng để quy y. Ở đây điều quan trọng phải hiểu đó là chúng ta chỉ có thể quy y với một bậc tự do giải thoát thực sự. Không có một sự giúp đỡ rốt ráo nào đối với việc chúng ta quy y với mọi thiên thần thế tục, cũng như một vị tiểu vương không thực sự bảo vệ chúng ta giống như một bậc đại vương được. Cũng có những cách rèn luyện tâm khác mà chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho thiền định về quy y. Rất hữu ích trong việc quán xét về những lợi ích của lòng vị tha đối lập với những lợi ích vị kỷ. Mọi bất hạnh và đau khổ thực sự bắt nguồn trực tiếp từ việc đeo đuổi lợi ích cá nhân dẫn đến tổn hại những gì có thể tốt đẹp nhất cho người khác. Sự thật chính là mọi lợi lạc và may mắn bắt nguồn từ việc đặt hạnh phúc của người khác lên hàng đầu. Mọi thứ sa sút chỉ vì chúng ta làm việc vì lợi ích của chính mình rốt cuộc chỉ mang lại rắc rối cho chính chúng ta. Sống vì người khác chắc chắn điều tốt lành sẽ đến với chúng ta trong tương lai.Tương tự như vậy, thực hành thiện nghiệp là phần chính yếu của rèn tâm chúng ta theo chánh pháp. Cho ví dụ, nếu chúng ta bố thí trong quá khứ, chúng ta sẽ có đời sống sung túc thịnh vượng trong hiện tại. Nếu chúng ta nhẫn nhục trong quá khứ, thì bất cứ ai nhìn thấy chúng ta sẽ tự nhiên bị cuốn hút bởi chúng ta và cảm mến chúng ta, giúp chúng ta có sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Đặc biệt quan trọng là sống theo chuẩn mực đạo lý. Nếu chúng ta không giữ giới trong đời này, thì khó có thân người ở đời sau. Sinh làm người trong đời này là nhờ một số thực hành giới luật trong đời trước. Như thế giới luật là mảnh đất thực sự cho mỗi một và mọi phẩm hạnh phát sanh ra. Cơ sở của giới luật là tu tập thiện hạnh. Về mặt thực hành, điều này nghĩa là từ bỏ mười hành vi bất thiện. Đó là : (1) Sát sanh, (2) Trộm cắp và (3) Tà dâm là ba hành vi thuộc về thân; (4) Nói dối, (5) Nói vu khống, (6) Nói lời khó nghe, và (7) Nói nhảm là những hành vi thuộc về khẩu; và (8) Tư tưởng tham lam hám lợi, (9) Ý nghĩ xấu xa muốn hãm hại người khác và (10) Niềm tin sai lầm hay tà kiến, là những hành vi thuộc về ý. Mười thiện hạnh thuộc về thân, khẩu và ý phát sinh tự nhiên khi chúng ta không phạm vào mười hành vi bất thiện. Do đó chúng ta nên hiểu rằng gìn giữ giới đức cũng là nền tảng khác của quy y. Theo cách này, bất cứ hành vi nào chúng ta làm, đều là những món cúng dường và phụng sự cho chư Phật. Bây giờ chúng ta thảo luận một vài cách thức rèn luyện làm nền móng cho quy y, những đối tượng nào nương theo đó chúng ta quy y? Đó là Tam bảo. Bảo đầu tiên là Phật, ngài có ba thân, hay thân, khẩu và ý giác ngộ. Đức Phật được nói rằng có ba thân hay những thân của giác ngộ. Pháp thân Phật như sự mênh mông của bầu trời hoặc không gian. Báo thân Phật hiển lộ mà không hề tách rời với Pháp thân, nó như trăng trên trời. Hiện thân của Phật như Hóa thân của thịt và máu như bóng trăng phản chiếu trên mặt hồ. Bảo thứ hai là Pháp. Nó gọi là tripitaka, Tam tạng kinh điển. Chúng ta quy y Pháp bởi vì sự chứng ngộ xuất hiện trong tâm của hành giả dựa trên sự hiểu biết kinh điển. Bảo thứ ba là Tăng đoàn, chúng hội giác ngộ, gồm A-la-hán, Bồ tát và các Bổn tôn. Chúng ta quy y là bước đi vững chãi trên con đường dẫn đến giác ngộ. Chúng ta quy y vì toàn thể chúng sanh hữu tình. Điều này nâng sự quy y của chúng ta lên tầm mức Đại thừa hay cỗ xe lớn, là mong muốn cứu vớt mọi chúng sanh hữu tình. Phật quả, sự giác ngộ, đạt được nhờ chứng ngộ vô ngã, trong đó có sự thấu suốt về tánh không của mọi hiện tượng. Luyện tập từng bước một và tích lũy công đức giúp chúng ta có thể chứng ngộ tánh không. Để làm điều đó, chúng ta cần nuôi dưỡng lòng kiên định dũng mãnh quyết đạt được giác ngộ. Cũng cần phải phát bồ đề tâm quý báu. Để có thể phát bồ đề tâm, cần phải quý trọng hạnh phúc của người khác. Điều này thường được đề cập trong giáo lý là tất cả đau khổ bắt nguồn từ bản ngã, trong khi tất cả hạnh phúc đến từ việc trân quý và mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Việc nâng niu hạnh phúc của người khác sẽ dẫn đến bồ đề tâm, là động lực vị tha nhằm giải thoát mọi chúng sanh khỏi đau khổ và an lập họ trong giác ngộ. Nói sâu hơn đó là toàn bộ giáo lý của Phật có thể soi sáng bởi luật của nghiệp, luật nhân quả. Nếu bạn gieo hạt giống đức hạnh, nó sẽ sanh ra quả may mắn và hoàn cảnh thuận lợi. Nếu bạn nuôi dưỡng hành vi bất thiện, nó sẽ dẫn đến bất hạnh. Trong Phật giáo, chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của luật nhân và quả. Ki-tô giáo nhấn mạnh vào niềm tin Chúa trời. Nhưng đức tin tự nó còn là nhân, một nhân lành, vì vậy hạnh phúc thực vậy có thể phát xuất như là kết quả của một nguyên nhân, được vun bồi bằng đức tin. Vì vậy, thực chất, Chúa Giê-xu cũng nói về luật nhân và quả. Giáo lý của hai tôn giáo này có thể dùng nhiều khái niệm khác nhau song chia sẻ một vài ý tưởng rất tương đồng.Khi chúng ta nhận quán đảnh và tu tập pháp môn Tara xanh lục, ngài phải được nhìn nhận với niềm tin rằng ngài là hiện thân của tất cả hoạt động giác ngộ của chư Phật. Vì thế chúng ta có thể cầu nguyện với Nữ Bồ tát Tara. Không chút nghi ngờ nào về việc ngài có thể làm an dịu và hóa giải mọi nỗi sợ hãi. Cả Tara và Nữ Phật Vajrayogini là đồng nhất về bản thể, vì cả hai đều là Thánh nữ trí tuệ, những đấng giác ngộ. Ngay cả khi chúng ta không thể thực hành đầy đủ mọi chi tiết của mười một yoga của ngài Vajrayogini, chúng ta biết làm thế nào để cầu khẩn sâu xa đến Thánh nữ Tara và nhận được lợi lạc tương đương. Thông thường cùng với quy y và phát nguyện cứu độ mọi chúng sanh, chúng ta cũng trì tụng cầu nguyện bảy nhánh, được tìm thấy trong phần mở đầu của nhiều nghi quỹ. Bảy nhánh là : kính lễ, sám hối, tùy hỉ thiện hạnh của người khác, …, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế và hồi hướng công đức. Mỗi nhánh thể hiện một bộ phận quan trọng của con đường. Khi quy y và kính lễ, chúng ta thấy Đức Tara như đối tượng duy nhất của sự quy y, với ngài chúng ta phó thác đức tin của chúng ta. Đây là cái đầu tiên của bốn năng lực của sự sám hối, nhánh thứ hai. Năng lực đầu tiên của sám hối gọi là ‘năng lực của bàn thờ (năng lực nương tựa-ND)’. Giờ đây chúng ta sẵn sàng sám hối những ác hạnh với sự ăn năn mạnh mẽ, giống như một người uống nhầm thuốc độc và vì thế hối hận thực sự. Chúng ta biết tai họa như thế nào khi phạm những lỗi lầm như thế, và với sự ăn năn và hối lỗi, chúng ta sám hối. Đây là năng lực thứ hai của sám hối, ‘năng lực của ăn năn’. Năng lực thứ ba của sám hối là ‘năng lực của thuốc giải độc’; vắn tắt, điều này nghĩa là cam đoan thật chân thành không bao giờ tái phạm hành vi xấu nữa. Nhờ kết quả của điều này, mọi ác hạnh sẽ được sửa chữa hoàn toàn và thiện hạnh sẽ được phục hồi. Đây là năng lực thứ tư, ‘năng lực của hồi sinh’. Trừ khi chúng ta sám hối những hành vi bất thiện, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục tích lũy những nguyên nhân của đau khổ. Một ví dụ của nhánh thứ ba trong cúng dường bảy nhánh, tùy hỷ công đức, được minh họa qua câu chuyện của một người ăn xin tùy hỉ công đức của một nhà vua dâng cúng một bữa ăn thịnh soạn lên Đức Phật. Nhờ tùy hỉ, người ăn mày thậm chí phát sinh công đức còn lớn lao hơn chính nhà vua. Tương tự, nếu chúng ta biết ai đó đã hoàn thành việc trì tụng nhiều triệu biến thần chú, nếu chúng ta hoan hỉ với thực hành đó, chúng ta có thể chia sẻ khối công đức lớn lao đó. Điều này cho thấy rằng ngay cả khi không có sự nỗ lực dụng công của người khác, nhưng nhờ tùy hỉ công đức của họ, chúng ta có thể đạt được sự tích lũy công đức rộng lớn. Một nhánh khác là thỉnh cầu chư Phật quay bánh xe pháp. Không có những thỉnh cầu như thế, giáo pháp không bao giờ đến được với chúng sanh hữu tình. Điều này đã được minh chứng trong cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.Khi Đức Phật đạt giác ngộ, ngài đã có một câu nói nổi tiếng được ghi lại trong kinh điển :“Ta đã tìm ra giáo pháp tinh túy như cam lồ; nó trong sáng tinh khiết, sâu xa và an lạc, vượt qua suy lường của khái niệm.“Dù ta có giảng giải kẻ khác cũng không hiểu, và vì thế ta sẽ tiếp tục sống trong rừng không nói năng.” Trước việc đó, Phạm Thiên, đấng sáng tạo, đã thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân tùy theo những nhu cầu riêng biệt của chúng sanh hữu tình. Nhánh cuối cùng của bảy nhánh là hồi hướng công đức. Hồi hướng công đức là phần quan trọng nhất của cúng dường bảy nhánh. Bất kỳ thiền định, thực hành hay thiện hạnh nào chúng ta thực hiện, chúng ta phải luôn hồi hướng để công đức không bị tiêu mòn. Trừ khi bạn hồi hướng công đức, dù lớn lao đến đâu, nó cũng không mang lại lợi lạc nhiều hơn so với công đức đã được hồi hướng, và kết quả hành động chúng ta thậm chí có thể dẫn đến một nẻo khác! Mặt khác, một thiện hạnh dù nhỏ nhoi bao nhiêu, nhờ hồi hướng công đức, lợi ích sẽ tiếp tục tăng trưởng mãi không ngừng nghỉ.Cho ví dụ, một hành động bố thí dù nhỏ bé, như mang nước uống cho người khát, nếu được hồi hướng sau đó, nó sẽ tiếp tục tăng trưởng khối công đức của người đó. Nếu không hồi hướng, ngay cả công đức có được từ những thiện hạnh lớn lao cũng dễ dàng cạn kiệt. Kinh Phật dạy rằng chỉ một thoáng giận dữ có thể hủy hoại nhiều khối công đức lớn lao chưa được hồi hướng. Sân hận là cảm xúc phiền não có sức phá hoại lớn nhất. Chúng ta hãy hồi hướng bất cứ công đức gì chúng ta tạo ra ngay lập tức để nó không bị tiêu tan bởi những ý nghĩ, lời nói và việc làm tiêu cực của chúng ta. Phật dạy rằng nhẫn nhục như phương thuốc giải độc sân hận. Công đức phát sinh từ hạnh nhẫn nhục thật bao la. Trước bất kỳ lời lăng mạ nào nhắm vào bạn, đơn giản hãy thực hành nhẫn nhục. Bởi vì điều này quá ư quan trọng, chúng ta hãy dừng lại đây để xem xét những công đức của thực hành nhẫn nhục. Nhẫn nhục được liệt vào một trong sáu hay mười ba-la-mật, đáo bỉ ngạn của chư Bồ Tát. Có ba loại nhẫn nhục. Cao nhất là thấu hiểu vạn pháp vốn không tự tánh. Kế tiếp là nhẫn nhục bất bạo động, ở đây người ta không trả đũa hay đánh trả lại người đã sỉ nhục hay xử tệ với chính mình. Điều này nghĩa là chúng ta tự nguyện chấp nhận bất kỳ đau khổ hay thiệt hại có thể giáng xuống chính mình mà không đáp trả lại. Thực hành nhẫn nhục là một trong những hình thức cao nhất của khổ hạnh. Nhờ thực hành này, mọi cuộc gây hấn tự nó sẽ được xoa dịu. Khi hai cộng đồng có xung đột, nếu một trong cả hai có thể thực hành nhẫn nhục, mối bất hòa giữa họ có thể giảm bớt và lắng dịu xuống dần dần. Nhẫn nhục đôi lúc được xem như cao nhất trong tất cả các thiện hạnh; nó vô cùng thiêng liêng. Nếu ai đã thực hành nhẫn nhục, nó dẫn thẳng đến tái sinh với thân tướng đẹp đẽ. Mặc dầu chúng ta nghĩ rằng bẩm sinh đẹp đẽ là do kế thừa một loại di truyền nào đó của cha mẹ, thực tế phần lớn là nhờ công đức của hạnh nhẫn nhục trong những đời trước của họ. Quả thực, việc may mắn sinh làm người là nhờ giữ gìn đạo đức, thiện hạnh trong những đời trước. Nhưng không phải tất cả mọi người sinh ra đều xinh đẹp; chỉ những ai đã thực hành nhẫn nhục mới thọ hưởng được thân tướng đẹp đẽ trong đời này. Những ai hay nhẫn nhịn nói chung thường được mọi người khen ngợi; từ vua chúa và người quyền quý đến người thấp kém nhất, tất cả đều kính trọng người có hạnh nhẫn nhục. Đó là do nhẫn nhục làm tiêu tan sân hận-là nhân của nỗi đau khổ nhất. Không có ác hạnh nào giống như sân hận; chúng hủy hoại mọi hạt giống của công đức. Ngược lại, thực hành nhẫn nhục sẽ dẹp tan sân hận. Thực sự là không có công đức nào có thể sánh với công đức của nhẫn nhục. Một trong sáu hay mười ba-la-mật khác của chư vị Bồ Tát là Tinh tấn. Bất kỳ cái gì các bạn đảm nhận, bạn phải nỗ lực chuyên cần để thực hiện. Nếu bạn chuyên cần, bạn có thể tạo ra thậm chí một cái lỗ trên viên đá bằng cách dùng tay của bạn. Thực hành tinh tấn trong đời này có thể khiến người ta làm mọi việc một cách nhanh chóng và thành công trong đời tương lai, không gặp nhiều chướng ngại. Một cái nữa của ba-la-mật là Thiền định. Lợi ích của việc luyện tập thiền định đó chính là khiến chúng ta trở nên dễ hài lòng, an lạc và khoan dung. Chúng ta sẽ thấy rằng tâm của mình trở nên dễ thuần phục, và mọi việc đều tốt đẹp và chúng vốn dĩ như thế. Đó là một số công đức của thiện nghiệp phát sanh nhờ Thiền định. Đặc biệt quan trọng là Trí tuệ ba-la-mật. Nó trao cho chúng ta khả năng nhận thức mọi vấn đề với sự sáng suốt và lập luận rõ ràng. Luật nhân quả không hề sai chạy; nó không bao giờ kéo bạn xuống. Ác hạnh chắc chắn sẽ gặp đau khổ. Ngay cả khi người ta có may mắn sanh làm người, nếu những nhân xấu hiện diện trong chính họ, họ sẽ không ngừng chịu đau khổ, ngay cả khi có được tái sanh cao hơn. Những cảnh khổ như địa ngục là quả của ý niệm và hành vi sai lầm của chính mình. Không có một “nơi chốn” gọi là địa ngục. Lửa của địa ngục nóng là sự biểu hiện của sân giận không kiềm chế và ý niệm xấu tích tập trong tâm. Việc tích lũy những nghiệp này tái hiện những gì đã xuất hiện trong đời thực mà họ đã trải qua. Do nghiệp xấu, họ có một nhận thức méo mó về thực tại, không nhận ra bất cứ cái gì của thực tại, họ dường như chỉ kinh nghiệm về những gì tạo ra bởi chính tâm thức họ. Mọi thực hành thiền định phải được xây dựng theo ba điểm tinh yếu : đó là chân chánh lúc bắt đầu, chân chánh lúc ở giữa, chân chánh lúc kết thúc. Trong thiền định, điều quan trọng nhất là quán tưởng về tánh không. Mọi thành tựu của chư Phật là kết quả của quán không. Chính chúng ta không thể trở thành Phật bởi vì chúng ta không thiền quán thực sự về tánh không. Chân chánh lúc bắt đầu là Quy y. Chân chánh ở giữa là phần chính yếu của thực hành. Chân chánh lúc kết thúc là hồi hướng công đức. Vì vậy chúng ta có thể thấy Quy y là nền tảng của tất cả mọi thực hành tiếp theo. Theo trường phái Cựu dịch, họ nói về 9 thừa của Phật giáo, bao gồm cả 6 thừa mật giáo, trong lúc trường phái Tân dịch nói về 4 thừa hay cấp độ Tantra: Kriya hay Tantra Hành động; Charya hay Tantra Thực hiện; Tantra Yoga; và Anuttarayoga Tantra hay Tantra Yoga Vô thượng. Trong thực hành của Kriya Tantra, chúng ta quán tưởng bổn tôn, như Thánh nữ Tara, trong không gian bên trên và trước mặt, và nghĩ chính mình như một thần dân trung thành cầu khẩn với một vị vua hay nữ hoàng, mong nhận được lòng tốt của các ngài. Đây là bản chất của mối quan hệ của hành giả và bổn tôn trong Kriya Tantra. Trong Charya Tantra, bạn xem bổn tôn như một người bạn, người mà bạn yêu cầu cho một ân huệ hay trợ giúp hoặc một ban phước nào đó. Trong Charya hay Tantra Thực hiện, mối quan hệ giữa hành giả và bổn tôn như một người bạn với một người bạn.Trong Tantra Yoga, chúng ta sẽ hợp nhất tự tánh của mình với bản tánh của bổn tôn, hợp nhất hình tướng của chính mình với hình tướng của Tara. Trong Tantra Anuttarayoga, chúng ta không xem chính mình và bổn tôn tách rời về mặt bản thể. Dựa trên điều này, chúng ta chuyển thân, khẩu và ý của chính mình thành thân, khẩu và ý của Thánh nữ Tara. Để làm điều này, chúng ta phải nhận được sự cho phép-khai tâm. Đây là những gì giúp chúng ta chuyển thân bình phàm của chúng ta thành thân thiêng liêng, chuyển khẩu bình phàm của chúng ta thành khẩu giác ngộ, và chuyển ý bình phàm của chúng ta thành trí tuệ của Thánh nữ Tara nhờ thiền quán về tánh không.
Lợi ích đặc biệt ban tặng bởi Thánh nữ Tara và các Thánh nữ khác
Thực hành Tara mang đến nhiều ban phước phi thường khác nhau, và đặc biệt hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cho ví dụ, người ta nói rằng thời kỳ cuối của đại kiếp, khi những khó khăn và thiên tai ngày càng tăng, thần chú và nghi thức cúng dường Tara rất cần thiết. Bất kỳ ai có thể trì tụng cầu nguyện Tara sẽ nhận được lợi lạc vô cùng lớn lao. Vào thời kỳ đầu của Hiền kiếp chúng ta, Đức Phật Đại Nhật Như Lai là vị Thầy, bậc hướng dẫn tâm linh, của Thánh Tara. Phật Đại Nhật đã ban phước cho ngài Tara và tiên tri rằng vào cuối kỳ Hiền kiếp, những vùng đất và thế giới nào làm lễ puja, tụng kinh và những nghi thức của Tara được trì tụng, nhờ kết quả của những thực hành này, nhiều dịch bệnh, bất ổn và rối loạn gây ra bởi ác ma và con người đều được an dịu và giải quyết. Tôi thấy rằng thực hành Tara là vô cùng quan trọng và là tinh túy cho mọi thực hành trong thời kỳ này. Các vị Thiên nữ khác cũng rất hữu dụng về mặt này là Marichi, hay Ozer Jemma, và thiên nữ Dược vương nổi tiếng, Parna Shawari. Trì tụng kinh của các ngài và thần chú mang lại năng lực và lợi lạc tương đương như Đức Tara. Các ngài cơ bản là một với Phật mẫu Prajnaparamita, chỉ khác nhau về hiện thân. Với Tara, người ta nói rằng không chỉ dịch bệnh và rối loạn tạo ra bởi ác ma, mà cả chiến tranh, xung đột và tranh tụng cũng có thể thoa dịu và được giải quyết nhờ năng lực của thực hành về ngài. Mọi trở ngại và khó khăn liên quan có thể được hóa giải nhờ ân phước của những cầu nguyện và thần chú của ngài. Ozer Jemma and Parna Shawari cũng như Yudon Drolma, là những hình tướng đặc biệt hiệu quả của thiên nữ đối với sự thực hành để bảo vệ chống lại và chữa lành mọi bịnh tật. Chúng đặc biệt quan trọng đối với việc bảo hộ khỏi trộm cướp và tội phạm, và chữa lành đau khổ tạo bởi bất hòa và xung đột. Người ta nói rằng các nghi lễ cầu nguyện cúng dường puja và trì tụng thần chú đặc biệt quan trọng khi chúng ta đi vào giai đoạn cuối của đời người hay chu kỳ của thời gian. Trong những thời kỳ như vậy, thực hành Guru Rinpoche thường được khuyên áp dụng, nhưng Tara, Ozer Jemma và Parna Shawari cũng thật quan trọng. Trong những thời kỳ đe dọa bởi chiến tranh, dịch bệnh, bất hòa, v.v… thật quan trọng trong việc in thần chú của ba thiên nữ này lên cờ cầu nguyện và treo trên cao, càng nhiều người làm càng tốt. Mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội hãy làm điều này và tụng đọc thần chú này càng nhiều càng tốt. Cùng với cầu nguyện Guru Rinpoche, những thực hành này là hiệu quả nhất trong những thời kỳ và hoàn cảnh như đã nói trên. Điều này đã được đề cập trong nhiều kinh điển. Những ai dâng lời tán thán Đức Tara là thực sự khôn ngoan. Dầu sáng sớm hay đêm khuya, nếu ai trì tụng tán thán 21 Đức Tara, hai, ba và bảy lần, tổng cọng 12 lần trì tụng tán thán 21 Đức Tara, mọi nguyện ước đều thành tựu. Trong nghi lễ 4 mạn đà la của Thánh Tara “Ngọn đèn sáng” người ta tụng đọc kinh tán thán hai, ba và bảy lần. Khi nói rằng mọi mong ước đều được thành tựu, điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn con cái, bạn sẽ có. Nếu bạn cần tiền, điều này sẽ được thỏa mãn. Bất kỳ mong muốn của bạn, đều được thành tựu nhờ tán thán Đức Tara. Thực sự, người ta không cần làm gì nhiều hơn ngoài thực hành này; nó thành tựu mọi việc. Bạn cần thử để kiểm tra điều đó, thử xoa dịu những chướng ngại của bạn. Mọi chướng ngại và khó khăn, dù nhiều bao nhiêu, cũng có thể được xua tan và an dịu nhờ tán thán Đức Tara. Nhờ cầu khẩn Đức Tara, mọi chướng ngại tiềm ẩn mất khả năng để làm hại bạn; chúng được xoa dịu một cách tự nhiên. Không cái gì có thể làm hại bạn bằng bất kỳ cách thức nào; bạn trở nên không thể xâm nhập, không thể khuất phục. Không nghi ngờ gì Đức Tara rất nhanh chóng làm an dịu mọi chướng ngại. Nó là một phương pháp nhanh chóng và gắn bó đặc biệt đối với các hành giả nữ. Tara và Phật mẫu Vajrayogini là đồng nhất về bản chất; Vajrayogini cũng là một phương pháp nhanh chóng đạt được thành tựu. Mọi hoạt động của chư Phật đều hiện diện ở Đức Tara, hoàn toàn trong ngài. Giờ đây bạn đã được ban năng lực để quán tưởng chính mình trong hình tướng của Tara xanh lục. Lời nói của bạn có thể chuyển thành thần chú, ý của bạn thành trí tuệ. Bạn không còn là một con người bình thường; thân, khẩu và ý của bạn đã được nâng lên trạng thái cao quý của chính Đức Tara, mang hình tướng, thần chú và trí tuệ của Đức Tara. Những câu kinh tán thán 21 Đức Tara không phải là tác phẩm thông tuệ của các học giả. Chúng được tuyên thuyết trực tiếp từ chính kim khẩu của Đức Phật Đại Nhật Như Lai và Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hãy trì tụng tán thán Đức Tara nhiều hết mức có thể hàng ngày trong suốt cuộc đời bạn. Nếu bạn không thể có bất kỳ thời gian nào để trì tụng tán thán, hãy cố gắng tụng thần chú Tara,OM TARE TUTTARE TURE SVAHA. Tối thiểu bạn có thể tụng “Tara, Tara, Tara iK” hay có thể tụng “Tare, Tare, Tare iK”, chỉ lặp lại tên của ngài. Khi bạn réo gọi tên của ai đó, họ làm thế nào có thể bỏ qua sự chú ý đến bạn? Nhờ kêu cầu danh hiệu Thánh Tara, ngài chắc chắn sẽ nghe thấy và trả lời bạn. Đừng làm điều đó bởi vì tôi nói như thế, mà bằng mọi cách, hãy thực hành!
Việt dịch: Nyingmapavietnam 10.9.2012