Câu 225: Chỉ tụng Kinh Vô Lượng Thọ có đúng không?
Câu 225: Chỉ tụng Kinh Vô Lượng Thọ có đúng không?
Bạch Thầy! Cho con được hỏi, con đã quy y Phật và thờ Phật tại gia. Hàng ngày con hỏi Kinh Phật, kinh nào con cũng học nhưng con chuyên học Kinh Pháp Hoa, kinh Pháp cú và Kinh Địa Tạng. Nhưng các bạn con nói là bỏ hết đi chỉ học Kinh Vô Lượng Thọ thôi, Niệm Phật thôi, tu theo pháp môn Tịnh độ thì mới được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Như thế có đúng không ạ? Con xin Thầy chỉ dạy cho con được rõ ạ?
Trả lời:
Kính thưa quý Phật tử! Pháp môn Tịnh độ không phải là tụng một bài kinh Vô Lượng Thọ, hay tụng một bài kinh Di Đà hay chỉ đọc hồng danh Phật. Nhưng gần đây một số Pháp sư nhấn mạnh điểm này, rồi quy kết rằng nếu Phật tử đọc thêm các Kinh khác là ” TẠP TÂM, TẠP TU” cho nên không cho Phật tử đọc thêm các Kinh khác, chỉ được đọc Kinh Vô Lượng Thọ. Một thời gian sau họ lại nói không tụng đọc Kinh Vô Lượng Thọ nữa vì trong đó cũng nhiều Phẩm, vẫn còn tạp nên chỉ đọc hồng danh A Di Đà Phật.
Kính thưa quý Phật tử quan điểm tu tập như vậy là không đúng, là “diệt Phật pháp”. Kinh, Pháp của Phật bổn phận người đệ tử phải bảo trì và lưu hành. Chẳng lẽ 49 năm thuyết Pháp hàng ngàn Kinh điển của Phật bây giờ mình bỏ hết đi thì Phật Thích Ca “công không”. Như thế chúng ta có tội với Phật. Ai mà tuyên bố bỏ Kinh Phật người đó là phá Phật pháp.
Chúng ta thấy chư Tổ ngày xưa quý Kinh Phật như thế nào. Các Ngài cho khắc vào đá, vào gỗ để lưu truyền. Mà khắc được một bản Kinh vô cùng gian khổ. Có những Ngài phải xẻ thịt giấu Kinh Lăng Nghiêm vào trong để vượt biên mang sang nước ngoài vì vị vua nước đó không cho truyền bá kinh này.
Như thế mà bảo là bỏ hết Kinh Phật, bao nhiêu công sức của Ngài đổ xuống sông xuống biển hết. Pháp của Phật chưa diệt mà mình đã làm cho diệt. Cho nên Pháp sư nào giảng như vậy phải sám hối.
Vậy chúng ta là đệ tử Phật có điều kiện học được là tốt. Nhưng học phải đúng phương pháp, phải hiểu được Kinh và ứng dụng tu tập được, chứ không phải đọc tràn lan, mà chẳng hiểu ý nghĩa gì cả thì không được lợi ích.
Là người Phật tử chúng ta phải có chính kiến như vậy để con đường tu tập không bị sai lạc.