HẰNG CHUYÊN TÂM NIỆM
Quảng Tánh

Những ai học Phật đều biết rằng có vô lượng pháp môn tu tập. Tùy theo nhân duyên và biệt nghiệp của mỗi người mà chọn cho mình một pháp môn tu. Như trăm sông đều xuôi về biển cả, như nước trong đại dương chỉ thuần một vị mặn, dù tu tập theo pháp môn nào của Chánh pháp thì đích đến vẫn là giải thoát, an lạc.

Trong tiến trình tu tập theo giáo pháp của Thế Tôn, tuy có nhiều cấp độ và cung bậc chứng đạt cao thấp khác nhau nhưng tựu trung có hai mục tiêu căn bản mà trong đời này phải thành tựu.
Một là, nếu đời này chưa thành tựu giải thoát thì quyết không rơi vào đường ác mà chỉ một bề theo đường lành (hưởng phước báo trời, người rồi tu tiếp). Hai là, ngay trong đời này, ngang qua các quả vị mà thẳng tiến đến Niết-bàn, thành tựu giải thoát tối hậu (chứng đắc Thánh quả A-la-hán).

Có điều ít ai ngờ rằng, để thành tựu hai mục tiêu căn bản ấy chỉ cần tu tập “một pháp”, giản đơn và nhẹ nhàng thôi nhưng kết quả thì không thể nghĩ bàn, đó là “lòng tin tha thiết” và “hằng chuyên tâm niệm”. Đức Thế Tôn đã dạy về cách tu tập “một pháp” ấy như sau:

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có Tỳ-kheo tu hành một pháp, chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác, chỉ có một bề theo đường lành, một bề hướng đến Niết-bàn.

– Thế nào là tu hành một pháp chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác? Ðó là tâm dốc lòng tin. Ðúng là tu một pháp này chẳng thể bị bại hoại rơi vào đường ác. Thế nào là tu hành một pháp hướng đến chỗ lành? Nghĩa là tâm hành lòng tin tha thiết.

– Thế nào là tu hành một pháp tiến đến Niết-bàn? Nghĩa là hằng chuyên tâm niệm. Ðó là tu hành pháp này được đến Niết-bàn.

– Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy chuyên ròng tâm ý, nghĩ nhớ các gốc lành. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Hộ tâm,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.119)
Chỉ cần “tâm dốc lòng tin”, “tâm hành lòng tin tha thiết” thì đời này “chẳng bị bại hoại rơi vào đường ác” và chắc chắn “một bề theo đường lành”. Không quá khó cho mọi người! Nhưng vấn đề đặt ra là tin ai, tin điều gì, tin như thế nào? Chính là tin sâu Tam bảo, ba ngôi báu Phật-Pháp-Tăng là cội nguồn ánh sáng soi đường cho chúng ta đi về chốn thiện lành. Tin chắc nhân quả không bao giờ sai lệch, thiên vị một ai nên sợ hãi với điều ác, siêng làm việc thiện. Tin vào quy luật duyên khởi, duyên sinh, vô ngã tính của vạn pháp nên thực hành xả buông, vượt thoát mọi chấp thủ, cái tôi còn rơi rụng hà huống gì cái của tôi. Quan trọng nhất là tin tâm, tin mình có khả tính giác ngộ, thành Phật để vững bước trên lộ trình giải thoát. Niềm tin phải được un đúc và vun bồi đến tịnh tín, bất hoại tín, dù cho mất mạng đi nữa cũng không lay chuyển được niềm tin này. Nếu ai có lòng tin và tin sâu một cách tha thiết như thế thì chắc chắn cánh cửa thiện lành sẽ rộng mở, phúc lạc sẽ tràn trề trong đời này và đời sau.

Cao hơn một bước nữa là thực hành “hằng chuyên tâm niệm”, nhiếp tâm vào một đối tượng Chánh pháp như tu tập Lục niệm hay Tứ niệm xứ. Phật dạy “nghĩ nhớ các gốc lành” chính là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên hay niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm, niệm Pháp. Chỉ cần niệm “một pháp” thôi mà “chuyên ròng tâm ý” thì sẽ thẳng tiến đến Niết-bàn. Như niệm Phật chẳng hạn, niệm đến nhất tâm bất loạn thì thể nhập Niết-bàn, bước lên Tịnh độ; mới hay Tịnh độ cũng không khác Niết-bàn.

Qua pháp thoại này, chỉ cần tu tập “Tín” và “Niệm” thật thâm sâu, thật vững chắc thì những người tu Phật đã có đủ hành trang căn bản để vượt thoát phiền não, sanh tử và thành tựu giác ngộ, giải thoát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0853989686
Liên hệ