1. Những nghi lễ chủ yếu từ khi sinh ra tới tuổi trưởng thành
1.1. Nghi lễ đầy tháng
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, bởi vậy, những nghi lễ liên quan tới trẻ em sau sinh có sự khác biệt về số lần tiến hành theo phong tục của mỗi dân tộc. Chẳng hạn như lễ 3 ngày sau sinh, 3 tháng 10 ngày sau sinh, lễ đặt tên gọi hồn…. Tuy nhiên, nghi lễ không thể thiếu được đối với trẻ em sau sinh đó là lễ đầy tháng và lễ đầy năm.
Lễ đầy tháng hay còn gọi là cúng đầy tháng là thời điểm theo quan niệm truyền thống của Việt Nam, đứa trẻ vừa được tròn một tháng sau sinh. Sự kiện này bao hàm nhiều ý nghĩa như: kết thúc giai đoạn khó khăn nhất không chỉ đối với người con mà còn với cả bà mẹ thời hậu sản (phải kiêng khem ở cữ); Đứa trẻ đã qua thời trứng nước tức tính được phần lớn những rủi ro trong năm đầu tiên của cuộc đời; Thông báo cho tổ tiên về việc ra đời và đầy tháng tuổi của một thành viên mới trong gia đình. Song, bao trùm lên hết thảy, nghi lễ đầy tháng chính là chứng nhận của xã hội về sự hiện hữu của một con người – một thành viên mới trong gia đình và xã hội để qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với thành viên mới, thế hệ tương lai.
Việc tổ chức, trình tự tiến hành trong lễ đầy tháng của người Việt Nam rất đa dạng bởi còn phụ thuộc vào quy định theo phong tục tập quán của từng dân tộc. Điều này thể hiện ở lễ vật dâng cúng, người chủ trì hoặc thực hành nghi lễ, thời gian, cách thức từ khi bắt đầu đến kết thúc nghi lễ… Tuy nhiên, điểm chung của nghi lễ đầy tháng thường được tổ chức không bó hẹp trog phạm vi gia đình mà còn có sự tham gia của dòng họ, bạn bè, láng giềng thân cận, khách mời. Nội dung của những lời khấn nguyện (khi tiến hành nghi lễ) không gì khác hơn là mong muốn sự phù trợ từ các đấng bề trên (tổ tiên, bà Mụ, Đức ông, ma nhà…) cho đứa trẻ luôn khỏe mạnh, mau lớn, hiền ngoan… Tiếp sau là lời chúc mừng và tặng quà (hoặc tiền lì xì) của những người tham gia cho đứa trẻ và gia đình.
Ở Nhật Bản, đứa trẻ sau khi sinh được 30 (hoặc 31 ngày) 51 ngày, 101 ngày cũng được quan tâm thông qua các nghi lễ song dường như đây chỉ là những dấu mốc chứ không phải là sự kiện lớn như quan niệm của người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, lễ đầy tháng thường chỉ tiến hành trong phạm vi gia đình hoặc có sự tham gia của ông bà ngoại đứa trẻ. Điểm nhấn của nghi lễ này là đứa trẻ được đưa đến đền thờ làm lễ cầu may mong muốn nhận được sự phù hộ cùng những điều tốt đẹp từ các thần.
1.2. Lễ đầy năm và lễ Shichigosan
Đối với người Việt Nam, nghi lễ đầy năm của đứa trẻ rất quan trọng được xem như mở đầu cả đời người, do đó, lễ đầy năm (còn gọi là cúng đầy năm, lễ thôi nôi, cúng thôi nôi, đám thôi nôi) nhiều khi được tổ chức lớn hơn cả lễ đầy tháng. Là nhân vật chính của ngày này, cho nên đứa trẻ được tắm sạch sẽ, mặc quần áo đẹp. Không chỉ vậy, ngoài việc cúng lễ cầu mong cho đứa trẻ hay ăn mau lớn, luôn khỏe mạnh, trước kia còn có nghi thức thử tài “chọn nghề tương lai” của trẻ. Nếu là bé trai thì bày các vật dụng như bút, giấy, tiền, cưa, búa, đục…với bé gái là kim chỉ, gương lược, dao kéo, rổ rá… Theo quan niệm dân gian, vật nào được trẻ chọn trước (cầm trước) thì đó chính là sự chọn lựa nghề nghiệp tương lai cho mình.
Sau nghi thức này, mọi người cùng chúc phúc, tặng quà cho trẻ và qua đó kết thúc nghi lễ đánh dấu một sự kiện lớn trong đời con người.
Khác với Việt Nam, ở Nhật Bản, người ta tổ chức nghi lễ chúc mừng khi trẻ lên 3, 5 và 7 tuổi. Người Nhật quan niệm số lẻ là số may mắn nên tiến hành nghi lễ khi bé gái lên 3 và 7 tuổi, bé trai lên 3 và 5 tuổi. Nghi lễ quan trọng này gọi là lễ Shichigosan diễn ra ngày 15 tháng 11 dành cho trẻ em lên 3, 5 và 7 tuổi với ý nghĩa ngày mừng bé khôn lớn hơn trong cuộc đời. Lễ Shichigosan thường được tổ chức tại gia đình với sự tham gia của những người trong họ hàng nội ngoại, bạn bè, hàng xóm thân cận. Mọi người mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với đứa trẻ thông qua lời chúc mừng và tặng quà. Những đứa trẻ đến độ tuổi đó sẽ được mặc trang phục truyền thống đẹp nhất để đến đền làm lễ với mong muốn cầu nguyện sức khỏe, gặp nhiều may mắn và ngày càng lớn khôn đến tuổi trưởng thành. Ngoài ý nghĩa như vậy, nghi thức đến đền làm lễ còn nhằm “thăm thần Giám hộ (vị thần cai quản vùng đất đó) và được làm lễ rửa tội (Oharai) để trừ điềm xấu”[1]
1.3. Nghi lễ trưởng thành
Trong các nghi lễ của chu kỳ đời người thì nghi lễ trưởng thành (hay lễ thành nhân, lễ thành đinh, lễ cấp sắc) thường được tiến hành khi con người trưởng thành về mặt giới tính. Nghi lễ này cũng được xem là cột mốc rất quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời từ khi “con non dại” để trở thành “người lớn”. Tuy nhiên, không có độ tuổi qui định thống nhất để tiến hành nghi lễ trưởng thành bởi còn phụ thuộc vào lịch sử, nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.
Có thể nói, nghi lễ trưởng thành của Việt Nam dường như ít được chú ý nên không quá nổi bật trong các nghi lễ vòng đời người ở nhiều dân tộc hiện nay. Mặc dù là dân tộc đa số, song nghĩ lễ trưởng thành ở người Kinh (được ghi lại qua sử liệu) thường được tiến hành khá đơn giản khi gia đình có con trai đến tuổi trưởng thành (18 tuổi), chẳng hạn: làm một lễ nhỏ như “biện cơi trầu” trình làng là được. Trong khi đó, đối với một số dân tộc thiểu số như: dân tộc Dao, dân tộc Ê Đê… quan niệm nghi lễ này có ý nghĩa đặc biệt nên cách thức tiến hành rất đa dạng, phong phú tùy theo mỗi dân tộc, mỗi vùng với thời điểm, địa điểm khác nhau.
Trường hợp của dân tộc Dao, chỉ những người đã trải qua nghi lễ trưởng thành (còn gọi là lễ cấp sắc) mới được cộng đồng coi là người trưởng thành và sau đó mới được phép tiến hành những công việc liên quan đến phong tục tập quán Dao. Hơn nữa, chỉ khi được cấp sắc, người đàn ông mới có một vị thế nhất định trong gia đình, dòng họ và cộng đồng. Điểm đặc biệt của nghi lễ trưởng thành của dân tộc Dao đó là không qui định độ tuổi cụ thể, bởi lẽ để tiến hành được nghi lễ này phải chuẩn bị khá tốn kém về vật chất (lễ vật tế lễ, phục vụ ăn uống trong những ngày làm lễ). Do đó, nghi lễ trưởng thành có thể tiến hành bất kỳ ở độ tuổi nào miễn là người đó đáp ứng đầy đủ điều kiện vật chất, tinh thần của một lễ cấp sắc. Cũng bởi vậy, với những người chưa được làm lễ cấp sắc (dù đã nhiều tuổi) vẫn bị cộng đồng coi là chưa trưởng thành nên không có vị thế trong xã hội Dao.
Với dân tộc Ê Đê, nghi lễ trưởng thành lại mang tính chất cộng đồng cao bởi đây là nghi thức công nhận nam giới (thường từ 15 – 16 tuổi) trở thành thành viên chính thức của cộng đồng, có quyền lợi, nghĩa vụ của người trưởng thành và quyền được kết hôn.
Khác với Việt Nam, ở Nhật Bản, nghi lễ trưởng thành hay còn gọi lễ thành nhân (SeiJinshiki) rất được coi trọng và trở thành ngày quốc lễ tổ chức hàng năm. Không chỉ vậy, nghi lễ trưởng thành của Nhật Bản còn ghi rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành, biến đổi phát triển đến ngày nay.
Về đại thể, lễ thành nhân của Nhật Bản có nguồn gốc từ một nghi thức cổ xưa gọi là Genpukusong thực chất là nghi lễ trưởng thành dành cho nam giới (không qui định rõ tuổi) của những gia đình quí tộc và đẳng cấp Samurai. Từ thời kỳ Nara (710 – 794) đến thời kỳ Heian (794 – 1192) lễ thành nhân được tổ chức cho nam giới (từ 13-16 tuổi), nữ giới (từ 12 – 14 tuổi). Đến thế kỷ 16,Genpuku đổi thành Genpukushiki và nghi lễ trưởng thành phổ biến tới mọi tầng lớp trong xã hội.Genpukushiki chính là tiền thân của Seijinshiki với nghi thức tiến hành khá thống nhất tới thời Cận đại (1868 – 1945). Từ năm 1948 – 1999, lễ thành nhân được tổ chức vào ngày 15 tháng 01 hàng năm đối với những người bước vào tuổi 20. Tuy nhiên, từ năm 2000, luật pháp qui định lễ thành nhân được tổ chức vào ngày thứ hai của tuần thứ 2 của tháng 1 hàng năm đối với những người đã đến tuổi 20.
Địa điểm tổ chức lễ thành nhân rất đa dạng (đền thờ, công viên, nhà hát, sân vận động, tòa thị chính…) và cách thức tổ chức của mỗi vùng cũng có sự khác biệt nhất định. Song, điểm chung của những người tham gia là vận trang phục truyền thống, nữ giới mặc Kimono đặc trưng của riêng ngày lễ này còn nam giới có thể mặc lễ phục Haori và Hakama hoặc bộ vest (lễ phục của phương Tây).
Sau lễ thành nhân, nam nữ đủ tuổi 20 được công nhận là đã trưởng thành và kể từ lúc đó, họ có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân theo qui định luật pháp, đồng thời phải chịu mọi trách nhiệm với hành vi của mình trước xã hội.
2. Nghi lễ hôn nhân
Từ xưa đến nay vẫn vậy, việc “trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng” mãi là chuyện muôn thuở bởi đó là qui luật của cuộc sống. Hơn nữa, qua các nghi thức của hôn nhân không chỉ ghi dấu mốc son mà còn là ngày đại lễ hội của một đời người. Tuy nhiên, xung quanh nghi lễ hôn nhân cho thấy một bức tranh vô cùng đa dạng, phong phú về “sắc mầu” bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quốc gia, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, xứ sở v.v… Chính bởi lẽ đó, nghi lễ hôn nhân của Việt Nam và Nhật Bản cũng không là ngoại lệ nhưng không thể phủ nhận rằng hôn nhân vẫn là việc hệ trọng trong chu kỳ đời người cho dù có sự biến đổi ít nhiều trước sự tác động của yếu tố thời đại đi chăng nữa. Có thể thấy rằng tại Việt Nam, nghi lễ hôn nhân thường trải qua các bước như dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu và hôn lễ, song ở mỗi nghi thức lại tiến hành khác nhau bởi do phong tục tập quán của mỗi dân tộc, địa phương qui định. Tuy nhiên, hôn lễ là một trong những nghi thức của hôn nhân để gia đình, dòng họ, cộng đồng thừa nhận sự kết hôn của đôi trai gái. Do đó, hôn lễ của mỗi dân tộc ở Việt Nam vừa có những yếu tố đặc trưng tộc người vừa mang những nét tương đồng với hôn lễ của các dân tộc anh em. Tính tương đồng thể hiện ở chỗ; Thứ nhất, nghi lễ hôn nhân nào cũng phải chọn ngày lành tháng tốt để đôi lứa kết duyên trăm năm bền vững, đồng thời kiêng tránh những điều xấu, gở, ảnh hưởng tới việc đại sự; Thứ hai, hôn lễ là hiện tượng xã hội phản ánh sự quan tâm, thừa nhận của các bậc sinh thành và của cộng đồng đối với việc kết hôn của đôi trai gái, bởi lẽ đây là sự kiện trọng đại của đời người. Tại Nhật Bản, quan niệm về nghi lễ hôn nhân tuy có một vài thay đổi (thậm chí bị coi là “lệch lạc”) nhưng hôn nhân vẫn được cho là một trong số ít sự kiện trọng đại trong cuộc đời con người. Cần biết rằng Nhật Bản không phải quốc gia đa dân tộc cho nên sự khác biệt trong nghi lễ hôn nhân chủ yếu là do sự “chi phối” của phong tục tập quán địa phương, vùng miền hơn là nhân tố tộc người. Tuy nhiên, nghi lễ hôn nhân theo mô thức truyền thống dường như vẫn tuân thủ theo các trình tự là: lễ ăn hỏi (Yuino) giúp chính thức hóa quan hệ của hai họ, nghi thức hôn lễ tại đền thờ, lễ cưới chính thức, lễ lại mặt (Satogaeri).
Điểm đặc biệt là ở Nhật Bản tồn tại hai hình thức hôn nhân chủ yếu là hôn nhân sắp đặt (do mai mối) và hôn nhân lựa chọn. Bên cạnh nghi lễ hôn nhân truyền thống theo nghi thức của Thần đạo (Shinto) còn có các hình thức kết hôn theo kiểu hiện đại (theo nghi thức Kito giáo, Phật giáo, thông thường).